» Mở tất cả ra       » Thu tất cả lại
English and French
Tìm kiếm

Bài & Tin mới
Như thế nào là Trạm bơm lớn, trạm bơm nhỏ? [29/01/2024]
Quyết định số 20/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể lưu vực sông Mã thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 [17-01-2024]
Quyết định số 21/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể lưu vực sông Hương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 [17-01-2024]
Quyết định số 22/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể lưu vực sông Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 [17-01-2024]
Nghị định số 02/2024/NĐ-CP về việc chuyển giao công trình điện là tài sản công sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam [17-01-2024]
Kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Cục Quản lý xây dựng công trình [26-12-23]
Chùm ảnh các công trình thuỷ lợi tiêu biểu ở VN 20 năm 2003-2023 [30-11-2023]
Danh mục các quy hoạch thủy lợi đã được phê duyệt [26-10-2023]
BÀN VỀ ĐỊNH HƯỚNG LẠI NGÀNH XÂY DỰNG THÔNG QUA CHUYỂN ĐỔI SỐ [26-10-2023]
Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 thay thế Luật Đấu thầu trước đây và có hiệu lực từ 01/01/2024 [15-10-2023]
Dự thảo TCVN 8731-20xx Phương pháp xã định hệ số thấm của đất bằng phương pháp đổ nước và múc nước trong hố đào và hố khoan [15-10-2023]
Đập Đắk N’Ting (Đắk Nông) trước nguy cơ bị vỡ [05-09-23]
QUYẾT ĐỊNH: Về việc hủy bỏ Tiêu chuẩn quốc gia [05-09-23]
Nghị định 35/2023/NĐ-CP [07-08-23]
Ý KIẾN TRAO ĐỔI VỀ ĐỘNG ĐẤT Ở KONTUM NGÀY 14-07-2023 (2)[07-08-23]
HOẠT ĐỘNG HỘI 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2023 VÀ PHƯƠNG HƯỚNG NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM 6 THÁNG CUỔI NĂM [04-08-23]
Đô thị ngoại ô: cuộc chiến đất vùng rìa [25-07-23]
Thủ Tướng Chính Phủ phê duyệt Quy hoạch Phòng chống thiên tai và Thủy lợi 2021-2030 [25-07-23]
Thủ Tướng Chính Phủ phê duyệt Quy hoạch Phòng chống thiên tai và Thủy lợi 2021-2030 [25-07-23]
 Số phiên truy cập

81315934

 
Quản lý Qui hoạch
Gửi bài viết này cho bạn bè

Nhận xét về: Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội
Tầm nhìn “Thành phố Xanh-Văn hiến-Văn minh và Hiện đại “chỉ là khẩu hiệu hay là phương châm phát triển tách rời với sự phát triển cả nước và khu vực, không có thời hạn và chung chung, cho nên không giúp ích nhiều lắm cho quy hoạch.

Nhận xét về

QUY HOẠCH CHUNG XÂY DỰNG THỦ ĐÔ HÀ NỘI

đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050

(Dựa trên bản thuyết minh tóm tắt. 04/2010)

 

TS. Phạm Sỹ Liêm

Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị

và Phát triển hạ tầng

Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam

 

 

Về tầm nhìn, quan điểm và mục tiêu

1/Tầm nhìn “Thành phố Xanh-Văn hiến-Văn minh và Hiện đại “chỉ là khẩu hiệu hay là phương châm phát triển tách rời với sự phát triển cả nước và khu vực, không có thời hạn và chung chung, cho nên không giúp ích nhiều lắm cho quy hoạch.

2/Có 4 quan điểm nhưng các quan điểm thứ hai và thứ ba thực ra là mục tiêu. Quan điểm tiết kiệm đất xây dựng và hết sức bảo vệ đất canh tác màu mỡ cần đưa lên hàng đầu.

Phần mục tiêu hơi lộn xộn: Các mục tiêu nghiên cứu là nội dung của hoạt động quy hoạch còn mục tiêu cụ thể lại là mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội.

Tôi nghĩ mục tiêu của quy hoạch là định hướng cho phát triển bền vững không gian đô thị để nó có thể chứa đựng nội dung phát triển kinh tế-xã hội được dự báo trong thời hạn nhất định sắp tới. Còn quan điểm là các phương cách dự định sử dụng để đạt đến mục tiêu, chẳng hạn điều chỉnh và bổ sung chứ không xóa bỏ các quy hoạch đang thực hiện; phát triển  phải đi đôi với công bằng; giữ gìn và bồi bổ bản sắc đô thị; vận dụng phương pháp luận hiện đại về quy hoạch đô thị của các nước v.v.

3/Phần tầm nhìn, quan điểm và mục tiêu không phải là phần viết cho có, đặc biệt là với quy hoạch Thủ đô, vì vậy nên viết lại cho có chất lượng và hợp lô gích hơn.

 

Về đánh giá kết quả thực hiện các quy hoạch đô thị trước đây

Sao lại chỉ đề cập đến quy hoạch của Hà nội trước mở rộng, thế còn quy hoạch các đô thị như Hà Đông, Sơn Tây, … và trục phát triển Bắc Nam của Tỉnh Hà Tây sao lại không được quan tâm? Vấn đề dự án mọc ra như nấm của Hà Tây trước sát nhập nay đang được xem xét điều chỉnh sao không thấy nêu?

Đối với Quy hoạch Hà Nội năm 1998, điều quan trọng là đánh giá bản thân quy hoạch có nhược điểm thiếu sót gì không hay chỉ là có yếu kém trong khâu thực hiện? Không kể các quy hoạch Hà Nội trước Đổi Mới, không rõ vì lẽ gì mà quy hoạch Hà Nội năm 1996 vừa ráo mực lại đã có quy hoạch 1998? Với cung cách tùy tiện như vậy, có gì đảm bảo quy hoạch 2010 vài năm nữa lại không bị thay thế?

Trong quy hoạch 1998 khu vực Mỹ Đình chưa được đề cập đến, Trung tâm hội nghị quốc gia đặt ở đây chỉ là ngẫu nhiên do việc xây Nhà Quốc hội bị hoãn vì vấn đề di tích Hoàng Thành, thế mà nay lại là nơi dự định tập trung trụ sở các Bộ ngành! Trong khi đó khu vực Tây Hồ Tây vốn dự định có đại lộ lớn với trụ sở các Bộ ngành và gần đó có khu ngoại giao đoàn thì nay không nhắc gì đến nữa! Chỗ đại lộ này kết thúc bên bờ Hồ Tây dự định đặt một Tháp truyền hình, tương tự như “Tháp Đông phương minh châu” trên bờ sông Hoàng Phố ở Thượng hải. Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã tổ chức cuộc thi sáng tác Tháp truyền hình này. Thế mà bây giờ lại bỏ qua hết, phải chăng vì đã cắt đất làm tô giới cho Hàn Quốc rồi (gần 300 ha), mà nay tư vấn quy hoạch lại cũng có Hàn Quốc nên họ xóa sổ hết những thứ đó? Các vấn đề quan trọng như thế lại không có trong phần đánh giá!

Tôi nghĩ phần đánh giá kết quả thực hiện các quy hoạch trước đây nhất thiết phải làm nghiêm túc hơn, phát hiện đầy đủ các nhược điểm, khuyết điểm của chúng để quy hoạch mới không đi vào vết xe đổ của thời trước nữa!

 

Về đánh giá “sơ bộ” hiện trạng Hà Nội

Đây là phần của thuyết minh được thực hiện công phu nhưng trình bày hơi manh mún, thiếu tính tổng hợp cao, chẳng hạn: vùng núi thì không biết núi cao bao nhiêu, có rừng và các danh thắng không (như hang động, thác nước…), về sông ngòi thì Sông Hồng chỉ được giới thiệu qua loa trong khi tên gọi đô thị lại là Hà Nội hay là Thành phố bên Sông Hồng (!); các sông khác thì không đề cập vấn đề lưu vực; cũng không đề cập đến hệ thống hồ nội thành cũng như ngoại thành là tài nguyên du lịch quý giá; vấn đề động đất cũng như mối đe dọa của Hồ Hòa Bình không được nói tới; hiện trạng nông nghiệp, nông thôn quá sơ sài trong khi giá trị sản xuất năm 2009 ước đạt khá cao là 131 triệu đồng/ha; không nhắc gì đến hệ thống di sản văn hóa và lịch sử rất phong phú mà cả nước đều tự hào!

Cuối cùng cần phân tích đánh giá hiện trạng theo phương pháp SWOT để làm cơ sở cho các yêu cầu đối với quy hoạch sắp tới nêu trong mục 2.5.

 

Về liên kết vùng

Cần phân biệt hiện trạng của liên kết vùng và định hướng phát triển liên kết vùng. Bản thuyết minh bỏ qua hiện trạng liên kết vùng, ngoài liên kết với Hà Tây mà nay đã trở thành một phần của Hà Nội thì còn liên kết khá mạnh với các tỉnh xung quanh và với 2 Cảng Hải phòng và Cái Lân, với các khu nghỉ mát Đồ Sơn-Cát Bà và Hạ Long, Sầm Sơn ( mà người Hà Nội đền nghỉ là chủ yếu).

 

Về định hướng phát triển không gian

Định hướng và mô hình phát triển không gian đô thị là đúng đắn và sáng tạo, với các ý tưởng chính về 1/ cấu trúc đô thị đa tầng bậc với dô thị hạt nhân, 5 đô thị vệ tinh và nhóm các thị trấn;2/ hành lang xanh; và 3/mạng lưới giao thông vùng. Đây là cốt lõi của quy hoạch này.

Tuy vậy tôi thấy nên sửa đổi vài chi tiết như: 1/bỏ câu chuyện về trục tâm linh đi vì chưa hề được đề cập đến trong quá khứ và hiện nay chỉ là tín điều của vài người giàu óc tưởng tượng đem ra giới thiệu với tư vấn nước ngoài;2/nên sửa “thành phố vệ tinh tự cung tự cấp” dễ gây hiểu nhầm thành “ đô thị vệ tinh đa chức năng”.

Có đến 9 chiến lược phát triển không gian Thủ đô Hà Nội, như vậy có dàn trải quá không? Không phải chính sách nào cũng nâng lên thành chiến lược. Kết hợp chúng với các quan điểm và mục tiêu quy hoạch ở trên như thế nào? Thứ tự của chúng phải chăng cũng nên có sự sắp xếp lại tùy theo mức độ quan trọng và có tính lô gích hơn, vì đây là một hệ thống chiến lược có mối liên hệ nội bộ hệ thống. Các chiến lược 8 và 9 tuy rất quan trọng nhưng đưa vào đây có vẻ lạc lõng. Tuy nhiều chiến lược nhưng lại thiếu chiến lược phát triển không gian nông thôn, vùng ven Sông Hồng, các vùng đồi núi Ba Vì và Sóc Sơn, có lẽ do quá tập trung vào đô thị ?

 

Về phát triển không gian đô thị trung tâm

Các ý tưởng nói chung đều tốt, tuy nhiên nên nêu lên mối quan hệ với quy hoạch hiện hành. Sự khác biệt có lẽ chủ yếu trong vùng mở rộng đô thị lõi?

 

Trong đô thị lõi, việc hình thành hệ thống các trung tâm dịch vụ chất lượng cao, trung tâm công cộng tầm cỡ quốc tế và khu vực cần được nói rõ cụ thể tại những vị trí nào?

Về vấn đề nhà ở, nên đưa các loại nhà ở cao cấp, trung cấp, giá rẻ cho người thu nhập thấp vào cùng một khu đô thị mới chứ không nên tách thành các khu riêng rẽ, tránh sự phân biệt theo “bầy đàn” giàu nghèo. Như vậy mới tạo hòa hợp xã hội. Đây là vấn đề xã hội rất quan trọng.

Không nên đặt vấn đề hạ cấp Trung tâm thể thao Mễ trì mà nên đặt nó trong hệ thống công trình thể thao của Hà nội và vùng phụ cận sẽ phát triển để có thể đăng cai Asian Games, Olympic Games, các giải đấu quốc tế và thế giới các môn thể thao, kể cả World cup bóng đá như Hàn quốc đã làm.

 

Trong đô thị lõi mở rộng, chưa nên nêu v/đ tượng đài Độc lâp trên trục Thăng Long vì chẳng gắn với ý nghĩa lịch sử nào cả. Nếu có một tượng đài như thế thì nó phải ở tại khu vực Ba Đình. Nói chung đây là vấn đề cần được sự đồng thuận của xã hội chứ không phải quyết định bằng một câu trong thuyết minh quy hoạch!

Việc xây mới trụ sở các Bộ ngành nên dọc theo đại lộ Tây Hồ Tây, gắn với thắng cảnh và có nhiều truyền thuyết, chứ không nên ở Mỹ Đình, một địa điểm ngẫu nhiên.

Dọc sông Nhuệ nên có dãy đồi nhân tạo đắp bằng chất thải xây dựng (xà bần), tương tự như Thủ đô Canberra cuả Úc đã làm rất thành công. Dẫy đồi này không chỉ giúp các hồ ao không bị xà bần lấp đầy mà còn tạo cảnh làm địa điểm du lịch và cao điểm phòng không,

Khu vực Đông Anh được quy hoạch là bộ phận của đô thị lõi mở rộng, nhưng không hiểu sao trong tầm nhìn lại nói là phát triển thành đô thị vệ tinh trong khi không có tên trong danh mục các đô thị vệ tinh?!

 

Trong số các đô thị vệ tinh, đô thị Sơn Tây được công nhận trong tầm nhìn là “có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng” (kể từ thời xa xưa) thế nhưng không thấy đề cập cụ thể đến điều này trong tính chất đô thị và định hướng phát triển. Cần đi sâu nghiên cứu vấn đề ở và việc làm của gia đình quân nhân. Đô thị Sóc Sơn có thể cũng phần nào có vấn đề tương tự.

Nên khai thác lợi thế vị trí trên đường Hồ Chí Minh của đô thị Xuân Mai. Việc thu hút các trường đại học và cao đẳng từ nội thành ra đây xem ra rất không dễ dàng vì đội ngũ thầy giáo giỏi có thể sẽ tìm về khu Hòa Lạc và các nơi khác hấp dẫn hơn.

Đô thị Phú Xuyên có lợi thế về vị trí nhưng lại ở vào vùng đất thấp và đất nông nghiệp năng suất cao, nên chi phí phát triển sẽ khá cao, do đó cần hạn chế phần nào phát triển công nghiệp, không nên dành ra đến 10 km2 cho đất công nghiệp!

 

Về quy hoạch sử dụng đất

Về quan điểm sử dụng đất, trước tiên là vấn đề tiết kiệm đất xây dựng và bảo về đất canh tác màu mỡ.

Không phải là ngăn không cho phát triển nhà dọc các tuyến giao thông vì nó đã xẩy ra gần xong rồi, mà là xóa bỏ tình trạng này khi mở rộng và nâng cấp các tuyến đường đó, đưa dân về tái định cư tại đô thị vệ tinh và phát triển dải cây xanh hai bên đường.

Chỉ nên giữ diện tích sàn nhà ở đầu người đô thị là 20m2 thôi vì nước ta đất chật người đông. Đất dân cư nông thôn cũng nên giữ ở mức hiện nay là 73-75m2/ng. Nói chung nên rà soát lại các chỉ tiêu sử dụng đất cho tiết kiệm hơn nữa.

 

 

 

Về định hướng quy hoạch từng khu vực và mạng lưới

Tại khu trung tâm chính trị Ba Đình, nên xem xét di chuyển các khu dân cư cạnh công viên Bách thảo, cạnh trường Chu văn An, ngăn chặn và thu hẹp khu dân cư dọc đường Hoàng Hoa Thám, di chuyển sớm Bộ Nông nghiệp v.v., tóm lại là đưa khu này trở thành khu vực tôn nghiêm, cảnh quan đẹp, có trật tự an ninh tốt và gắn liền hơn nữa với Hồ Tây.

Không nên đưa trung tâm hành chính quốc gia về Mỹ Đình và xem đó là nơi trung chuyển, mà cần đặt ổn định vĩnh viễn tại nơi trước đây đã quy hoạch ở Tây Hồ Tây. Đưa nó về Ba vì chỉ là để xa dân thêm mà thôi!

Phải chỉnh trang và mở rộng ngay tuyến đường từ Nội Bài về Ba đình để Hà Nội thực hiện chức năng Thủ đô, dù rằng sau này có tuyến Nội Bài-cầu Nhật Tân- Ba Đình.

Nội thành bây giờ mở rất rộng, CBD hiện thời ở Quận Hoàn Kiếm không đủ đáp ứng, nên mở thêm một loạt CBD cấp hai ở Hà đông, Mỹ đình, Tây Hồ Tây, Mê Linh, Đông Anh.

 

Về định hướng phát triển nhà ở và các loại công trình khác

Ở tr. 62, chỉ số dự báo là 20m2 sàn/ng đô thị nhưng ở đầu trang 59 là 25m2 đến năm 2020 và 32m2 đến năm 2030! Từ 7,5m2/ng hiện nay mà đạt 15m2 năm 2020 là đã tăng gấp đôi rồi, khó lòng đạt tới 20m2/người. Thế nhưng  Báo cáo Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH  lại nói Cục Thống kê Hà Nội cho biết đến 1/4/2009 trong nội thành đã đạt 21m2/ng ! Tóm lại số liệu về nhà ở cả trong hiện trạng cũng như dự báo là cả một sự lộn xộn.

Trong nội thành nên hạn chế rồi xóa bỏ nhà dân tự xây tại mặt đường, trước hết là tại các tuyền đường mới mở hoặc mở rộng.

Việc hạn chế số tầng cao tại các khu tập thể cũ là 8 tầng ở các Quận Đống Đa và Hai Bà Trưng là không có cơ sở: vấn đề là mật độ xây dựng, mật độ dân cư chứ không phải ở số tầng, hơn nữa nhà ở có thang máy thì phải cao ít nhất 9 tầng thì mới kinh tế.

Nên khuyến khích làm vườn trên mái để xanh hóa đô thị và thêm chỗ thư dãn, giao tiếp cho dân.

Trong định hướng phát triển các loại công trình khác như trường đại học, cơ sở y tế và thể dục thể thao, công nghiệp… nên phối hợp chặt chẽ với đô thị Vĩnh Phúc đang được quy hoạch phát triển từ Vĩnh Yên, Phúc Yên đến chân Tam Đảo. Nên có tầm nhìn phát triển dải Xuân Mai- Hòa Lạc- Sơn Tây- Vĩnh Yên-Tam Đảo thành Thung lũng Silicon của Việt Nam, trong đó có cả vườn ươm công nghệ chứ không chỉ các nhà máy công nghệ cao.

Việc phát triển các trục trung tâm, trục hướng tâm và trục phụ thiếu giải thích rõ ràng ý tưởng và mục tiêu quy hoạch, và thiếu cách tiếp cận hệ thống, gắn kết với hệ thống giao thông đối nội và đối ngoại của toàn Hà Nội.. Trục Thăng Long nên có vì mục đích giao thông và quốc phòng, nhưng không nên gắn cho nó cái “mác” trục tâm linh do một số người nào đó tưởng tượng ra! Đài Độc Lập nếu có thì cũng không nên đặt ở đây.

Ý tưởng về dự án quy hoạch cơ bản Sông Hồng là rất tốt. Đây sẽ là một trong số các Dự án đô thị chiến lược (Strategic Urban Project) của Hà Nội trong 20 năm tới.

 

Về định hướng phát triển khu vực nông thôn

Ý tưởng phát triển thì tốt nhưng quá sơ sài. Theo tôi nghĩ, chính sách và thể chế phát triển khu vực nông thôn Hà Nội phải dựa trên khái niệm “nông nghiệp đô thị” với các yếu tố then chốt là:

  1. Nông nghiệp công nghệ cao; tập trung cung ứng thực phẩm tươi sống đã qua sơ chế và lương thực đặc sản, cung ứng hoa quả, cây cảnh và sinh vật cảnh dùng trong vùng và xuất khẩu;
  2. Sản xuất được tổ chức thành trang trại, người có ít đất thì cho trang trại thuê đất và làm công nhân trang trại; cũng có thể tổ chức thành HTX kiểu mới mà HTX lo đầu vào và đầu ra còn việc sản xuất do các hộ nông dân thực hiện;
  3. Sản xuất, chế biến, vận tải và phân phối đến cửa hàng bán lẻ hình thành dây chuyền hoàn chỉnh  do trang trại hoặc HTX đảm nhiệm toàn bộ, như vậy sẽ rút ngắn được thời gian từ khâu thu hoạch đến khâu tiêu dùng, sử dụng được nhiều nhân công dư thừa trong sản xuất, giảm bớt kho tàng, tiết kiệm năng lượng, lại rõ ràng nguồn gốc xuất xứ sản phẩm;
  4. Tái sử dụng nước thải đã qua xử lý, sử dụng phân vi sinh chế biến từ rác hữu cơ và sử dụng khí biogas.

Chính nhờ nông nghiệp đô thị làm tăng giá trị của đất nông nghiệp lên đến mức không chênh lệch quá nhiều so với đất xây dựng nên hành lang xanh mới có thể trụ vững trước áp lực của thị trường bất động sản. Nông nghiệp đô thị cũng giúp hình thành mô hình nông thôn mới. Nông nghiệp đô thị tại ngoại thành Thâm Quyến có cung cấp nhiều kinh nghiệm tham khảo cho Hà Nội.

 

 

 

Về định hướng phát triển giao thông

Các đường vành đai giúp giải quyết các vấn đề giao thông quá cảnh của Hà nội trong tư cách là một đầu mối giao thông của Vùng. Còn muốn giải quyết triệt để căn bệnh ách tắc giao thông nội thành thì phải phát triển nhiều khu vực đô thị đa chức năng để giảm bớt nhu cầu đi lại của người dân đô thị và khách vãng lai, tăng cường mật độ đường, giảm khoảng cách giữa các tuyến đường, tận dụng không gian ngầm, phát triển mạng lưới đường ô vuông và tăng cường giao thông công cộng.

Phải ngăn chặn và xóa bỏ tình trạng đô thị hóa tự phát dọc các tuyến đường ngoại ô. Đặc biệt phát triển mạng lưới đường cao tốc trên cao (Highway) nối Hà Nội với các tỉnh chung quanh và ra các cảng biển.

 

Về quản lý đô thị

Đất đai đô thị vừa là tài nguyên vừa là tài sản. Tại nguyên đất đai là đối tượng khai thác của quy hoạch đô thị, còn tài sản đất đai cung ứng nguồn vốn để thực hiện quy hoạch đó. Muốn vậy thì phải có chính sách đất đô thị đúng đắn và thể chế thích hợp, trong số đó chính sách thu hồi đất và chính sách dự trữ đất (land banking) đóng vai tró quan trọng hàng đầu. Riêng chính sách dự trữ đất là yếu tố then chốt để phát triển đô thị đồng bộ và liên hoàn theo đúng quy hoạch, huy động vốn phát triển từ đất đai, hạ giá đất và chi phí phát triển, đặc biệt là hạ giá nhà ở.

Chính sách nhà ở có vai trò quan trọng trong thực hiện quy hoạch đô thị và chính quyền nên không thể khoán trắng lĩnh vực này cho thị trường, mà phải chỉ đạo và điều tiết để sửa chữa các khiếm khuyết (failures) của thị trường.

Thuế nhà đất là nguồn thu quan trọng và ổn định của Thành phố, vì vậy Hà Nội cần tích cực đề xuất Quốc hội sớm ban hành Luật thuế nhà đất.

Hà Nội cấn có Chương trình thu hẹp rồi xóa bỏ các khoản bao cấp cho các dịch vụ hạ tầng để tập trung nguồn lực trợ giúp phát triển giao thông công cộng.

Mở rộng quan hệ đối tác công-tư trong phát triển và vận hành hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xá hội.

Tăng cường minh bạch trong quản lý và phát triển đô thị.

 

Vế các chủ đề khác

Trên đây là ý kiến của tôi về các vấn đề mà tôi cho là chủ yếu nhất. Đối với các vấn đề khác tuy cũng quan trọng, nhưng do thời gian quá gấp gáp nên tôi chưa kịp tìm hiiểu để có ý kiến

 

 

 

Nhận xét tổng quát

Các tư vấn đã đưa ra bản quy hoạch đô thị rất tốt về đại thể và trên những định hướng chính, dựa trên các thành tựu của đô thị học thế kỷ 21. Rất tiếc là thời hạn để lập quy hoạch quá ngắn, chưa đầy một năm, nên một số định hướng chi tiết chưa có điều kiện nghiên cứu kỹ hơn, bản thuyết minh còn nhiều chỗ lộn xộn, viết vội vàng nên giảm sức thuyết phục.

Đề nghị kéo dài thời hạn làm quy hoạch.

 

 

                                                                  Hà nội ngày 22/4/2010

 

 

Đóng góp ý kiến về bài viết này 

Mới hơn bài này
Các bài đã đăng
Tiêu điểm
Biến đổi khí hậu và An ninh nguồn nước ở Việt Nam.[08/07/21]
Đại hội lần thứ IV, sự kiện lớn của Hội Đập lớn & Phát triển nguồn nước Việt Nam.[27/04/19]
Hội Đập lớn & Phát triển nguồn nước Việt Nam phấn đấu vì sự nghiệp phát triển thủy lợi của đất nước.[18/04/19]
Danh sách Hội viên tập thể đã đóng niên liễm 2018.[11/01/19]
Chùm ảnh Đại hội lần thứ 2 Hội Đập lớn Việt Nam.[13/08/09]
Nhìn lại 5 năm hoạt động của VNCOLD trong nhiệm kỳ đầu tiên.[10/08/09]
Thông báo về Hội nghị Đập lớn Thế giới.[17/07/09]
Thư chào mừng của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải
VNCOLD đã thành công tại cuộc họp Chấp hành ICOLD Sofia (Bulgaria), 6/6/2008
Phó Thủ tướng khai mạc Hội thảo “ASIA 2008.
Tạo miễn phí và cách sử dụng hộp thư @vncold.vn
Website nào về Thủy lợi ở VN được nhiều người đọc nhất?
Giới thiệu tóm tắt về Hội Đập lớn & Phát triển nguồn nước Việt Nam.
Download miễn phí toàn văn các Tiêu chuẩn qui phạm.
Đập tràn ngưỡng răng cưa kiểu “phím piano".
Đập Cửa Đạt
Lời chào mừng
Qu?ng c�o