» Mở tất cả ra       » Thu tất cả lại
English and French
Tìm kiếm

Bài & Tin mới
Nghị định số 02/2024/NĐ-CP về việc chuyển giao công trình điện là tài sản công sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam [17-01-2024]
Kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Cục Quản lý xây dựng công trình [26-12-23]
Chùm ảnh các công trình thuỷ lợi tiêu biểu ở VN 20 năm 2003-2023 [30-11-2023]
Danh mục các quy hoạch thủy lợi đã được phê duyệt [26-10-2023]
BÀN VỀ ĐỊNH HƯỚNG LẠI NGÀNH XÂY DỰNG THÔNG QUA CHUYỂN ĐỔI SỐ [26-10-2023]
Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 thay thế Luật Đấu thầu trước đây và có hiệu lực từ 01/01/2024 [15-10-2023]
Dự thảo TCVN 8731-20xx Phương pháp xã định hệ số thấm của đất bằng phương pháp đổ nước và múc nước trong hố đào và hố khoan [15-10-2023]
Đập Đắk N’Ting (Đắk Nông) trước nguy cơ bị vỡ [05-09-23]
QUYẾT ĐỊNH: Về việc hủy bỏ Tiêu chuẩn quốc gia [05-09-23]
Nghị định 35/2023/NĐ-CP [07-08-23]
Ý KIẾN TRAO ĐỔI VỀ ĐỘNG ĐẤT Ở KONTUM NGÀY 14-07-2023 (2)[07-08-23]
HOẠT ĐỘNG HỘI 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2023 VÀ PHƯƠNG HƯỚNG NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM 6 THÁNG CUỔI NĂM [04-08-23]
Đô thị ngoại ô: cuộc chiến đất vùng rìa [25-07-23]
Thủ Tướng Chính Phủ phê duyệt Quy hoạch Phòng chống thiên tai và Thủy lợi 2021-2030 [25-07-23]
Thủ Tướng Chính Phủ phê duyệt Quy hoạch Phòng chống thiên tai và Thủy lợi 2021-2030 [25-07-23]
NHỮNG NỘI DUNG KHÔNG PHÙ HỢP VÀ KHÔNG ĐÚNG trong Tiêu chuẩn TCVN 8637:2021(về Yêu cầu kỹ thuật lắp đặt và nghiệm thu máy bơm)[14-07-23]
Ý kiến trao đổi về động đất ở Kontum [14-07-23]
Tiếp tục xảy ra 7 trận động đất tại Kon Plông (Kon Tum) [14-07-23]
Bàn thêm về dung tích phòng lũ ở các hồ chứa thủy lợi, thủy điện [13-07-23]
 Số phiên truy cập

81295093

 
Quản lý Qui hoạch
Gửi bài viết này cho bạn bè

Đầu tư hạ tầng giao thông – Một giải pháp chống suy thoái kinh tế có hiệu quả.[26/07/09]
Sau hàng chục năm với mọi nỗ lực để nâng nhanh Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đến năm 2008 điều gì phải đến đã đến. Lạm phát đã có dấu hiệu từ cuối năm 2007 nhưng nhiều nhà kinh tế vẫn chưa tiên lượng được và các nhà quản lý vẫn rất thoả mãn với tốc độ tăng GDP của năm 2007 khi chỉ số lên đến 8,48%, đạt mức cao nhất kể từ năm 1997

ĐẦU TƯ HẠ TẦNG GIAO THÔNG –

MỘT GIẢI PHÁP CHỐNG  SUY THOÁI KINH TẾ CÓ HIỆU QUẢ

 

                                                        Phạm Thế Minh

Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Tổng Hội Xây dựng VN

Chủ tịch Hội Cảng đường thuỷ - Thềm lục địa VN

 

Phần 1: NĂM 2008 – BÀI HỌC KINH NGHIỆM VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN XEM LẠI.

 

Sau hàng chục năm với mọi nỗ lực để nâng nhanh Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đến năm 2008 điều gì phải đến đã đến. Lạm phát đã có dấu hiệu từ cuối năm 2007 nhưng nhiều nhà kinh tế vẫn chưa tiên lượng được và các nhà quản lý vẫn rất thoả mãn với tốc độ tăng GDP của năm 2007 khi chỉ số lên đến 8,48%, đạt mức cao nhất kể từ năm 1997. Chỉ sau hai tháng của năm 2008 lạm phát đã lên đến 15%. Hết quý 1 chỉ số tăng giá trong ngành ăn uống, dịch vụ tăng 25,9%; vật liệu xây dựng tăng 17,9%; vận tải và bưu điện tăng 10,05%...

 AFP khi đó đã hô lên: “Việt Nam, nạn nhân của thành công kinh tế - VN’s overheaty!”

Ngay khi đó, lẽ ra cần thắt chặt tiền tệ, tăng dự trữ bắt buộc, tăng lãi suất cơ bản và kiểm soát các khoản vay đầu tư chưa mang lại hiệu quả..

 Trong kỳ họp Quốc hội Bộ trưởng KHĐT còn hoang mang dự báo là lạm phát còn leo thang lên trên hai chục phần trăm và chưa dám chắc sẽ dừng ở đó! Còn Thống đốc Ngân hàng nhà nước khi được một vị Đại biểu Quốc hội hỏi nhỏ, hỏi một cách thân tình chứ không phải chất vấn là: “tiền đang nằm ở đâu?”. Sau hơn một ngày suy nghĩ ông đã nói nhỏ với vị Đại biểu Quốc hội nọ là “Tiền hiện đang ở đâu tôi cũng không nắm được!”.

Ayuni  Knishi, Giám đốc ADB khi ấy đã nhận xét “lẽ ra cần bảo đảm phối hợp các chính sách tài chính, tiền tệ và giá cả, nhưng đáng tiếc là chưa làm gì cả!”.

Và lạm phát cứ tiếp diễn, vào tháng 7/2008 sau cơn sốt gạo cục bộ và cú sốc tăng giá xăng dầu, giá cả vẫn leo thang và tháng 8/2008 đã tăng 28,32% so với năm trước. Nhưng đột ngột tháng 10, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm 0,19%; tháng 11 giảm 0,76% và tháng 12 giảm 0,68% đưa chỉ số giá tiêu dùng cả năm tăng 23%. Đó là con số mà ông Bùi Bá Cường, Vụ trưởng thống kê tài sản quốc gia đã công bố với báo chí.

Năm 2008 đã đi qua, nhắc lại chỉ để tìm ra bài học kinh nghiệm trong điều hành kinh tế chứ không làm gì được nữa. Điều hành kinh tế đất nước phát triển một cách ổn định, bền vững và an toàn mới là điều cần ở những cơ quan quản lý các cấp. Còn nhận thiếu sót và xin nhận kỷ luật thì nhân dân không muốn. Kỷ luật không mang lại gì cả!

Bài học của năm 2008 là chưa dự đoán được hậu quả của sự tăng trưởng thiếu vững chắc. Khi lạm phát xảy ra thì lúng túng, thiếu sự phối hợp của các bộ ngành liên quan. Một số quyết định như ngừng xuất khẩu gạo, tăng giá xăng dầu... đã làm cho lạm phát thêm nghiêm trọng.

Bài học về sự tăng trưởng là đã sử dụng nguồn chi ngân sách lớn, lại chủ yếu từ vay trong nước (bằng trái phiếu Chính phủ) với lãi suất cao và vay nước ngoài từ nguồn ODA với những ràng buộc về nhập vật tư, thiết bị và đội ngũ lao động có kỹ thuật từ nước cho vay. Trong khi đó, quản lý đầu tư và xây dựng với những thủ tục rắc rối, sự làm việc thiếu trách nhiệm của nhiều cơ quan trong bộ máy các cấp làm cho hầu hết các dự án kéo dài, chậm phát huy hiệu quả. Mặt khác hiệu quả đầu tư kém thể hiện qua chỉ số ICOR từ mức 5,3 những năm trước đã lên 7,0 vào năm 2008.

Trong khu vực nhà nước, chỉ số này còn lên đến 10,0 cái ngưỡng mà chưa một quốc gia Đông Nam á nào gặp phải. Với hiệu quả đầu tư như vậy, với hệ thống tín dụng mở rộng trong nhiều năm vào mọi khu vực, đặc biệt là đất đai, bất động sản thì lạm phát xảy ra là một tất yếu.

   Đáng ngại là sau cơn lạm phát đó “bệnh” thành tích vẫn đè nặng trong đầu óc một số người. Họ sợ nói đến tăng trưởng chậm, sợ nói đến đói nghèo, đến thất nghiệp, đến tệ nạn  đang tràn vào tận các làng quê Việt Nam, vốn là nơi trong lành, nơi gìn giữ những giá trị đạo đức văn hoá Việt Nam.

   Lẽ ra bài học cần phải được rút ra từ sự phân hoá giầu nghèo quá mức. Tạp chí Người Đô thị số 38 (25/11/2008 đến 9/12/2008) trích lại từ báo Sài Gòn tiếp thị ngày 19/11/2008: “Theo nghiên cứu của chương trình phát triển Liên hợp quốc(UNDP) hệ thống an sinh xã hội ở Việt Nam tồn tại nhiều bất cập. Những người giầu nhận được 40% phúc lợi xã hội trong khi những người nghèo chỉ nhận được 7%... Lạm phát tăng cao của năm 2007 và 2008 làm giảm thu nhập của nhiều nhóm dân cư, nhưng ảnh hưởng nghiêm trọng đến người nghèo và cận nghèo”.

 Có 40 triệu người Việt Nam sống dưới mức 2 đô la một ngày.

Nhóm giàu nhất nhận được 47% tổng số lương hưu, hưởng 45% dịch vụ y tế trong khi nhóm nghèo nhất chỉ nhận được 2% tổng quỹ lương hưu và 7% dịch vụ y tế.

 Đài Tiếng nói Việt Nam bản tin đêm 2/12/2008 đưa tin Phó Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Sinh Hùng nói là nếu so sánh 20% số người nghèo nhất với 20% số người giầu nhất thì mức sống chênh nhau 8,3 lần, còn nếu so sánh 10% số người nghèo nhất với 10% số người giầu nhất thì mức sống chênh nhau 13 lần. Ông cũng nói thêm: Đó là điều chúng ta không mong muốn! Không mong muốn không có nghĩa là không làm gì!

 Lẽ ra bài học là phát triển cần gắn chặt với bảo vệ môi sinh, bảo vệ điều kiện sống cho con người. Khi báo chí đưa tin Công ty Vêdan hàng chục năm thải nước có chứa chất độc ra sông Thị Vải và hàng loạt các nhà máy, khu chế xuất, khu công nghiệp trong cả nước đều xả nước thải và xả khí độc chưa qua xử lý ra môi trường, đến nỗi những mảnh đất, những nguồn nước xung quanh cây cỏ không sống được. Một câu hỏi lớn cần sớm trả lời: chúng ta cần tăng trưởng để làm gì khi đất đai môi trường sống bị huỷ diệt như vậy? Và lẽ ra bài học về sử dụng đất đai cần được xem xét một cách nghiêm túc, khi trên 70% người Việt Nam vẫn sống bằng nghề nông với diện tích canh tác không còn đủ một sào Bắc Bộ cho một đầu người đã bị cưỡng bức bán rẻ cho chính quyền để họ cấp đất cho các dự án mà nhiều năm chưa triển khai, chưa lấp đầy. Tệ hại nhất là hàng trăm hecta được bán làm sân golf chỉ phục vụ cho giải trí của số ít người! Nông dân mất đất ra thành thị  tham gia vào đội quân thất nghiệp và sống lắt lay bên hè phố. Tiếc là những bài học về sự yếu kém đó không hề được xem xét một cách đầy đủ và nghiêm túc.

Năm 2008 nếu cần xem là những vấn đề như thế, chứ không chỉ là lạm phát mà cho là đã kiềm chế thành công.

Đường lối và nghị quyết của Đảng là rõ ràng. Vấn đề là ở các chính sách và chỉ đạo cụ thể và ở đội ngũ cán bộ thực thi quyền lực. Mọi trở ngại và thiếu sót đều ở đó, từ đó mà ra. Không sửa chữa được những điểm yếu này đất nước sẽ không  thể phát triển được.

 

Phần 2: KHỦNG HOẢNG CÓ ẢNH HƯỞNG ĐẾN NƯỚC TA?

 

Trong khi nền kinh tế nước ta đang lạm phát thì khủng hoảng kinh tế trên thế giới đã nổ ra, bắt đầu từ Hoa Kỳ, nền kinh tế có quy mô chiếm 26% GDP toàn cầu và có sức mua chiếm 1/4 sức mua của toàn nhân loại. Khởi đầu là tập đoàn tài chính Lehman Brother sụp đổ sau gần 158 năm thịnh vượng. Tiếp đó chỉ trong vòng một tháng Meryn Lynch phải chui vào chịu sự quản lý của Bank of  America; Wachovia phải bán lại toàn bộ cho City group. Còn Washington Mutual thì tuyên bố phá sản. Chính quyền của Tổng thống Bush lúc đó đã phải bơm khẩn cấp 200 tỷ đôla để cứu hai tập đoàn Freddie Mac và Fennie Mae đồng thời bỏ ra 85 tỷ khác để cứu Tập đoàn bảo hiểm AIG và đã trở thành người sở hữu 79,9% giá trị tài sản của tập đoàn này.

Cơn bão tài chính cũng lan sang châu Âu làm cho Tập đoàn Bradford Bingley (Anh), Tập đoàn Fotis (Bỉ và  Hà lan) cũng mất quyền kiểm soát...

Thị trường chứng khoán Hoa kỳ, Nhật, Anh, Đức... liên tục tụt dốc. Để cứu vãn chính phủ nhiều nước đã can thiệp bằng cách đồng loạt cắt giảm lãi suất cho vay và bơm tiền ứng cứu. Bản tin nhanh VN Express ngày 9/1/2009 đã đưa: “Hôm qua ngày 8/1 sau hơn 7 năm Ngân hàng TW Anh (BOA) quyết định hạ lãi suất từ 5% xuống 4,5%. Lần cắt giảm lãi suất gần đây vào 18/9/2001 là từ 5% xuống 4,75%. Chính phủ cũng thông qua gói giải pháp 50 tỷ Bảng để cứu các ngân hàng”.

Ngân hàng  TW  châu Âu (ECB) cũng cắt giảm 50 điểm cơ bản đưa lãi suất đồng Euro xuống 3,75%.

Các ngân hàng  TW  Canada, Thuỵ Sĩ, Hà Lan cũng có động thái tương tự.

Tại châu á, Trung Quốc, Hồng Kông cũng bất ngờ nới lỏng chính sách tiền tệ.

Cục dự trữ Liên bang Hoa Kỳ đưa lãi suất đồng đô la từ 2% xuống 1,5%, mức thấp nhất trong các đồng tiền.

Một quốc gia siêu cường cả về chính trị - kinh tế - xã hội - văn hoá vốn có sức mạnh từ tài nguyên thiên nhiên, dân số, vị trí địa lý lại có một hệ tư tưởng xã hội chính trị dựa trên cơ sở khoa học thuận lý, tận dụng được nội lực của mọi người dân như Hoa Kỳ mà cũng không tránh khỏi khủng hoảng thì quả là còn nhiều điều con người chưa nhận thức được về lẽ hưng vong, suy thịnh!

Cùng lúc ấy, một số quan chức nước ta đã lớn tiếng khẳng định là khủng hoảng kinh tế chỉ xảy ra ở các nước tư bản. Còn ở nước ta tuy kinh tế thị trường nhưng có định hướng xã hội chủ nghĩa, có sự lãnh đạo nên không bị  ảnh hưởng. Một số khác khiêm tốn hơn thì cho rằng kinh tế Việt Nam có bị ảnh hưởng, nhưng không nặng nề, vì chúng ta hội nhập kinh tế với thế giới chưa sâu. Hệ thống tài chính tiền tệ của ta có sự quản lý trực tiếp của nhà nước và chúng ta có hệ thống các doanh nghiệp nhà nước nắm giữ vai trò chủ đạo trong các ngành sản xuất quan trọng...

Nhưng chỉ đến những ngày cuối năm 2008, thực tế đã bác bỏ cả những nhận định khiêm tốn nhất. Nền kinh tế nước ta bắt đầu đình đốn khi các sản phẩm nông nghiệp như cá ba-sa, gạo, cao su không có đầu ra.

Martin Rama, Quyền giám đốc WB tại Việt Nam đã nói là “Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm với khủng hoảng lớn. Nhưng tính chất chung của khủng hoảng sẽ làm sản xuất đình đốn, tăng trưởng chậm lại.”.

Amcham thuộc Phòng thương mại Hoa Kỳ thì nói thẳng ra là “Việt Nam không miễn nhiễm với khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Những thách thức chính là phải quản trị tốt, minh bạch và chống tham nhũng”.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan trong bài viết trên Tuần VN.Net ngày 9/2/2009 đã nêu: “...Tình trạng mất việc làm, thất nghiệp gia tăng và thu nhập của người dân giảm sút. Sự suy giảm sản xuất kinh doanh của một số ngành như dệt may, da giầy, đồ gỗ. Điều đặc biệt lo ngại là cả 11 nhóm hàng công nghiệp chế tác và nông sản của Việt Nam vốn được coi là có năng lực cạnh tranh theo tiêu chí của Trung tâm thương mại quốc tế (Revealet Competitive Advantage-RCA) đều đang bị sụt giảm... Các ngành xuất khẩu dựa trên khai thác tài nguyên thiên nhiên như dầu khí, than đá, quặng cũng không hơn gì khi giá cả giảm mạnh.” Nhưng đáng lo ngại hơn là một số doanh nghiệp, một số ngành được nhà nước dồn nhiều nguồn lực, ưu tiên đầu tư cao như điện tử, thép, đóng tầu, dầu khí và dịch vụ vận tải biển cũng đang liêu xiêu, có doanh nghiệp còn xin cứu trợ!

Bản tin VN Media trong bài “Công nghiệp Hà Nội vật vã” ngày 10/2/2009 viết: “Tháng 1/2009 giá trị sản xuất công nghiệp Hà Nội giảm 6,4%, trong đó khu vực nhà nước giảm 10,3% khu vực có vốn nước ngoài giảm 16,5%. Các ngành chế biến thực phẩm, sản xuất sản phẩm kim loại, sản xuất thiết bị văn phòng, sản xuất phương tiện vận tải đều đình đốn.”.

Và như một hệ quả tất yếu, khi sản xuất đình đốn là nạn thất nghiệp gia tăng. Mới điều tra ở 19 doanh nghiệp Hà nội thì May mặc Sơn Chinh, Dệt kim Hà Nội, Ôtô Xuân Kiên.. đều đã cắt giảm từ 50 đến 60% lao động.

Shinya Abe, Tổng giám đốc của Panasonic VN nói tránh là “Thời gian tới không biết bao nhiêu công nhân “xin” nghỉ(?)”.

Trần Lâm Danh, Phó chủ tịch Liên đoàn lao động thành phố Hồ Chí Minh thì xác nhận đến 10/2/2009 đã có 19.041 lao động mất việc. Tình hình tại các khu công nghiệp thuộc tỉnh Đồng Nai, Bình Dương cũng tương tự.

Cao Sỹ Kiêm, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia trong trả lời Tạp chí Người đô thị số 42(10/2 đến 24/2) còn nói thêm: “...trong số10 triệu lao động tại các làng nghề hiện nay thì có tới 50% thiếu việc làm”, có xí nghiệp mây tre có trên 400 công nhân thì tất cả đều nghỉ việc. Lao động trong xí nghiệp chỉ còn hai vợ chồng ông chủ.

Đài Tiếng nói Việt Nam trong bản tin sáng 24/2/2009 nói đã có 1 triệu người thất nghiệp và  theo Cục trưởng lao động thuộc Bộ LĐ - TBXH thì chỉ trong đầu năm 2009 đã có thêm 300 ngàn người mất việc, 50% làng nghề phá sản với 5 triệu người không việc làm.

Đã quá rõ ràng và đầy đủ thực tế để khẳng định rằng khủng hoảng kinh tế thế giới đã ảnh hưởng mạnh tới kinh tế Việt Nam. Khủng hoảng này còn gây cho nền kinh tế vốn yếu ớt của chúng ta tổn thương nặng nề và lâu dài hơn các nước có nền kinh tế mạnh. Mọi sự chủ quan, tự phỉnh nịnh sẽ làm cho kinh tế nước nhà yếu kém hơn, nhân dân cực khổ hơn.

 

Phần 3: GIẢI PHÁP XỬ LÝ VỚI KHỦNG HOẢNG.

 

Để đối phó với khủng hoảng kinh tế, hầu hết các quốc gia đều đã thực hiện các nhóm giải pháp của mình. Thuật ngữ và nội hàm của nó cũng không thống nhất. Hoa Kỳ đã sử dụng các cụm từ như: giải cứu kinh tế; ứng cứu kinh tế; kích thích kinh tế; kích hoạt kinh tế và cả kế hoạch kinh tế. Trung Quốc họ dùng từ kích cầu kinh tế. Còn Việt Nam thì dùng kích cầu đầu tư.

Nếu Hoa Kỳ gói giải cứu đầu tiên được hai viện thông qua là để mua lại “nợ xấu” của các ngân hàng (viết tắt của tiếng Anh là TARP), nhằm khơi thông cho hoạt động kinh doanh và chi tiêu của các gia đình. Tổng giá trị của gói giải cứu mặc dù lên đến 700 tỷ đô la nhưng xem ra vẫn chưa đủ liều để ngăn chặn suy thoái. Barak Obama ngay sau khi vào Nhà trắng thay Goeger Bush đã lại trình ra hai viện gói giải cứu gần 800 tỷ đô la với ưu tiên hàng đầu là tạo ra việc làm nhằm ngăn ngừa 4 triệu người thất nghiệp. Kế hoạch kinh tế này nhằm vào hạ tầng kinh tế như sửa chữa hệ thống cầu đường, chi thêm cho phúc lợi thất nghiệp, đầu tư vào công nghệ mới và trùng tu hệ thống trường học.

Trung Quốc sau gói kích cầu vào tháng 11/2008 bằng việc tung 4 ngàn tỷ Nhân dân tệ (tương đương 586 tỷ đô la Mỹ) để  giữ tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm 7,5%. Đến tháng 2/2009 lại chi thêm 130 tỷ vào các nội dung: xây dựng nhà ở, xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư cho y tế giáo dục, cho bảo vệ môi trường và tái cơ cấu lại nền kinh tế.

Các nước ASEAN cũng đều thực hiện gói kích thích kinh tế để vượt qua khủng hoảng tài chính toàn cầu.

   Thái Lan đã thông qua 7 biện pháp phát triển kinh tế mới nhằm thúc đẩy du lịch, thị trường bất động sản, phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

   Singapore cũng bỏ ra hàng trăm triệu đô la để nâng cấp các ngành dịch vụ. Họ còn thực hiện cắt giảm lương của những người lãnh đạo hàng đầu và các bộ trưởng từ 12 đến 20% trong năm 2009 và sẽ còn điều chỉnh tiếp tuỳ theo biến động của tình hình kinh tế.

   ở Việt Nam gói giải pháp kích cầu đầu tư được xác định mục tiêu là: 1/ Thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu; 2/ Hỗ trợ tiêu dùng và đầu tư; 3/ Tiếp tục nới lỏng chính sách tài chính tiền tệ; 4/ Giảm nghèo và cung cấp phúc lợi xã hội; 5/ Tăng cường quản lý nhà nước ở các cấp.

 Bằng những chính sách cụ thể như hạ trần lãi suất cho vay; giảm 50% thuế VAT cho 19 nhóm mặt hàng; cho lùi thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và lùi thời hạn nộp thuế thu nhập cá nhân là các biện pháp để kích thích sản xuất và cũng là kích thích tiêu dùng. Biện pháp trực tiếp và mạnh mẽ nhất là Chính Phủ đã đưa 17 ngàn tỷ đồng (tương đương với 1 tỷ đô la Mỹ) để bù lãi suất cho vay của các Ngân hàng thương mại.

Tuy nhiên các giải pháp đưa ra có gì đó chưa trúng và cũng còn mang tính lý thuyết nhiều hơn là tính khả thi nên chưa ngăn ngừa được tốc độ suy giảm kinh tế. Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thì nguyên nhân đầu tiên và trực tiếp nhất của sự suy giảm là thị trường, yếu tố mà từng doanh nghiệp, từng ngành đơn lẻ không có khả năng xoay chuyển. Thị trường toàn cầu, nhất là thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam đều đang suy thoái. Thị trường trong nước với gần nửa số dân sống dưới mức nghèo thì có khuyến khích sức mua cũng không nâng được là bao!

Còn như ông Cao Sỹ Kiêm thì lãi suất cho vay của ngân hàng giảm, vốn được cho vay nhiều hơn nhưng đầu ra không có nên nhiều doanh nghiệp không muốn vay.

    Trong bài “Kích cầu ở Việt Nam - Những khuyến nghị từ nhóm Harvard” (TuầnVN Net. 18/2/2009) đã nhận xét: “Thoạt nhìn, ý tưởng về một kế hoạch kích thích tài khoá và tiền tệ tỏ ra rất logic và tương tự như hành động của các chính phủ trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, mỗi quốc gia đều có những hoàn cảnh đặc thù và do vậy, công cụ và liều lượng kích thích của mỗi nước cũng không thể dập khuôn. Những nền kinh tế nhỏ có tỷ lệ nhập khẩu trong tổng tiêu dùng cao không thể kích cầu đơn giản bằng tăng chi tiêu công và hạ lãi suất vì khi ấy, nhu cầu tăng thêm sẽ được thoả mãn bằng hàng nhập khẩu và việc tăng cung tiền sẽ lại dẫn đến lạm phát...”.

 Rõ ràng cả trên thực tiễn đang diễn ra với nền kinh tế, cũng như trên lý luận thì các giải pháp Chính Phủ đưa ra là chưa trúng. Trong khi thị trường xuất khẩu đang suy thoái, thị trường trong nước sức mua yếu, người lao động lại đang mất việc làm, thu nhập chỉ còn để duy trì cuộc sống thì nên ưu tiên đầu tư vào các dự án tạo nhiều việc làm, duy trì mức sống cho người lao động. Đầu tư công nên tập trung vào việc tạo ra cơ sở hạ tầng cơ bản cho các khu vực, ngành kinh tế sử dụng nhiều lao động và tạo ra kim ngạch xuất khẩu. Hạ tầng trước hết là hệ thống giao thông, thuỷ lợi và thoát nước. Cũng cần đầu tư cho hệ thống trường học đang rất nghèo nàn và nhà ở tại các đô thị cho đội ngũ lao động có thu nhập thấp.

 Nên dũng cảm từ bỏ dùng vốn ngân sách đầu tư cho các dự án kinh doanh như đóng tầu, dịch vụ cảng biển, luyện thép, lọc dầu... Những đầu tư kinh doanh nên để các doanh nghiệp trong hoặc ngoài nước lựa chọn và phải đảm bảo những yêu cầu về công nghệ, về bảo vệ môi trường và tiêu chuẩn sử dụng đất đai .

Từ bài học khủng hoảng kinh tế này, sớm cơ cấu lại nền kinh tế nước nhà để đảm bảo cho sự phát triển bền vững, để con cháu đỡ mất công phá bỏ những gì ta làm hôm nay và phải mất công làm lại từ đầu.

 

Phần 4: ĐẦU TƯ HẠ TẦNG GIAO THÔNG - GIẢI PHÁP CÓ HIỆU QUẢ  KHẮC PHỤC SUY THOÁI KINH TẾ

 

Hạ tầng giao thông hiện đang là khâu yếu chưa đáp ứng được yêu cầu cho các ngành kinh tế hoạt động bình thường. Bản tin BBC ngày 3/12/2008 đưa: Qua điều tra tại 254 doanh nghiệp tại Việt Nam thì môi trường kinh doanh ở nước ta vẫn kém, mà đứng đầu yếu kém là hạ tầng giao thông. Giao thông không tạo ra giá trị sử dụng của sản phẩm hàng hoá mà chỉ làm tăng giá trị của sản phẩm hàng hoá được. Vì thế tiết kiệm chi phí giao thông là góp phần làm giảm chi phí sản xuất sản phẩm, giảm giá thành, tạo sức cạnh tranh của hàng hoá nước ta. Theo nghiên cứu của tư vấn Meyrick and Associates và Carl Bro Intelligent Solution phối hợp cùng Viện Chiến lược phát triển GTVT trong báo cáo cuối cùng của dự án “Đánh giá các quy chế vận tải đa phương thức” thì chi phí giao thông của Việt Nam chiếm khoảng 20% chi phí sản xuất. Trong khi đó của Nhật là 5%, Mỹ 8,4%, úc 9%. Ngay cả các nước đang phát triển như Trung Quốc, Brazil, Mehico cũng chỉ khoảng 15%. Đó là chưa kể đến thời gian quá cảnh dài làm tăng vốn dự trữ của các nhà sản xuất... Nâng chất lượng dịch vụ giao thông sẽ nâng hiệu quả nền kinh tế, thu hút được đầu tư.                      

Xây dựng giao thông cần nhiều lao động, nhất là lao động phổ thông. Trong hoàn cảnh do thị trường suy thoái các ngành đình đốn sản xuất, lao động không có việc thì đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông sẽ tạo việc làm cho nhiều lao động.           

Xây dựng giao thông còn kích thích các ngành sản xuất khác. Vì xây dựng giao thông tiêu thụ một lượng lớn sắt thép, xi măng, cũng như các vật liệu xây dựng khác như cát, đá và các hoá chất phụ gia xây dựng. Vì thế sẽ kích thích các ngành sản xuất thép, sản xuất xi măng, khai thác cát, đá. Hầu hết những vật tư, vật liệu này trong nước sản xuất được.

Ngay cả các ngành dịch vụ, nhất là vận tải cũng vì thế có thị trường để vận chuyển một khối lượng lớn vật tư, vật liệu.

Đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông còn là cơ hội chuẩn bị tốt hạ tầng để khi kinh tế hồi phục là có thể cung cấp điều kiện cho các ngành sản xuất khác phát triển nhanh, giảm được tắc nghẽn giao thông hiện nay.

Kinh nghiệm của các nước khi đưa ra giải pháp ứng cứu kinh tế đều dành nguồn lớn cho hạ tầng trong đó có hạ tầng giao thông. Trong gói giải pháp đợt hai, chính quyền Hoa Kỳ đã dành 120 trong tổng số 787 tỷ đôla cho cơ sở hạ tầng. Uỷ ban cải cách phát triển Trung Quốc trong gói kích cầu đợt 2 cũng dành 31,5 trong tổng số 130 tỷ Nhân dân tệ cho cơ sở hạ tầng.

Có thể nói trong thời kỳ suy thoái kinh tế việc ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng là giải pháp đúng đắn và hiệu quả nhất để phục hồi kinh tế. Tất nhiên cần chọn lĩnh vực hạ tầng nào đang là khâu yếu nhất và khi đầu tư vào đạt nhiều mục tiêu nhất nhằm khắc phục suy thoái.

                                    

*      *

*

 

Nói là đầu tư vào hạ tầng giao thông nhưng cũng phải lựa chọn đầu tư vào những công trình trong những vùng kinh tế đang bị ách tắc nhất. Vì vốn chúng ta không nhiều. Lâu nay đầu tư vào hạ tầng giao thông nước ta đã dựa chủ yếu vào nguồn vay ODA của các nước và các tổ chức tín dụng quốc tế. Vài năm lại đây vay thêm của dân dưới hình thức trái phiếu Chính Phủ. Muốn thu hút khu vực tư nhân đầu tư vào hạ tầng nhưng hiệu quả đầu tư thấp, khó thu hồi vốn. Vả lại cơ chế thu hút khu vực tư nhân cũng chưa có nên việc kêu gọi đầu tư BOT, BBT hoặc BT, trong thực tế vẫn chỉ là nói suông.

Theo nghiên cứu của Công ty tư vấn Almec và Tư vấn quốc tế Thái Bình Dương trong dự án hỗ trợ kỹ thuật “Nghiên cứu chiến lược phát triển GTVT quốc gia tại Việt Nam” thì có tới 27 hành lang giao thông chính cần được đầu tư. Nhưng  ưu tiên có tầm quan trọng quốc gia là 7 hành lang sau cần được đầu tư trước:

+ Ven biển Bắc - Nam

+ Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh

+ Hà Nội - Ninh Bình - Nam Định

+ Huế - Đà Nẵng - Hội An.

+ Nha Trang - Đà Lạt – TP. Hồ Chí Minh

+ TP. Hồ Chí Minh - Vũng Tầu

+ TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ

Trên 7 hành lang này, lại chọn ưu tiên đầu tư vào hạ tầng đường bộ, đường thuỷ hay đường sắt cũng là điều cần tính toán lựa chọn. Để quyết định đầu tư vào loại hình giao thông  nào cần xuất phát từ nhu cầu giao thông (hàng hoá và hành khách), từ khả năng tài chính và hiệu quả đầu tư của loại hình giao thông đó.

Theo chúng tôi ngân sách nhà nước chỉ nên đầu tư vào hạ tầng dùng chung cho nhiều       ngành, nhiều doanh nghiệp như đường bộ, đường thuỷ hoặc những hạ tầng cần thiết nhưng sinh lời thấp, tư nhân, doanh nghiệp không muốn đầu tư như đường sắt . Còn cảng biển, cảng sông và cả sân bay, kho hàng và những công trình hạ tầng khác có điều kiện thu hồi vốn, có chủ khai thác nên khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư.

Một lĩnh vực nữa là hạ tầng giao thông tại các đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Cần sớm khởi động các dự án tầu điện ngầm, các nút giao lập thể để giải quyết ách tắc giao thông mà theo tính toán hiện nay làm thiệt hại hàng chục tỷ đồng mỗi ngày do ách tắc giao thông ở các mỗi đô thị.

Các công trình nói trên cần được đưa vào khai thác từ năm 2015 nếu không tình trạng ách tắc giao thông sẽ trầm trọng hơn, làm cho kinh tế không phát triển được.

 

*     *

*

 

 Lâu nay các dự án giao thông thường kéo dài ở tất cả các giai đoạn. Thường khâu lập dự án 2 năm. Triển khai dự án 5-6 năm. Có dự án phải 2-3 lần xin gia hạn hiệp định vay vốn. Các nguyên nhân kéo dài thường do mặt bằng thi công do lấy đất của dân nhưng đền bù, trả đất tái định cư không phù hợp, dân phản ứng khiếu kiện; do phát sinh về khối lượng, về giá cả biến động công trình phải dừng, chờ được cấp có thẩm quyền duyệt; do khả năng tài chính nhà thầu ăn đong chờ thanh toán mới lại có tiền mua vật tư, vật liệu mới... Nói chung do thủ tục phức tạp, lãnh đạo các cơ quan được giao quyền nhưng chuyên môn không có và ôm đồm nhiều việc; người giúp việc thiếu trách nhiệm và lẫn trong đó cả vòi vĩnh tham nhũng, mọi khâu phê duyệt muốn ký đều phải có “bôi trơn” (cách nói của Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm). Cho nên tốc độ giải ngân chậm, dự án kéo dài, vốn chôn vào đó không phát huy hiệu quả và chỉ số ICOR cứ to lên đến hai con số.

 Việc có tính cấp bách là cải cách ngay các thủ tục trong đầu tư và xây dựng. Quy định rõ các bước công việc, trách nhiệm của các cơ quan và cá nhân liên quan, thời hạn tối đa phải giải quyết, chỉ như vậy mới thực hiện dự án đúng tiến độ và đó cũng là biện pháp kích cầu.

Cần chuẩn bị trước mặt bằng ngay trong bước thiết kế sơ bộ của dự án. Sau này nếu phát sinh thêm thì điều chỉnh nhưng quan trọng nhất là chuẩn bị nơi ở mới với những điều kiện sống tốt hơn cho những người bị thu hồi đất. Các nhà tài trợ đều yêu cầu như vậy. Tiếc là chính quyền các địa phương chưa làm được điều này với dân.

Nhà thầu Việt Nam ra đời vốn từ các doanh nghiệp thời “kế hoạch hoá”, chỉ có lao động  và nhiệm vụ được giao mà không có vốn. Những năm đổi mới để duy trì sự tồn tại, và cũng để “giữ ghế” các nhà kinh doanh đã bỏ thầu dưới cả giá thành cốt để có công ăn việc làm, cho qua giai đoạn của mình!. Sự thực nhiều doanh nghiệp xây dựng giao thông đã bị bần cùng hoá đến mức phá sản. Một vài doanh nghiệp xây lắp tư nhân mới nổi, vốn liếng cũng chưa phải là lớn. Trước tình hình đó cần tăng mức ứng vốn thực hiện cho các nhà thầu. Mặt khác cũng cần quản lý chặt năng lực nhà thầu không để nhận nhiều công trình rồi mua đi, bán lại hoặc kéo dài dự án do thiếu năng lực tài chính cũng như kỹ thuật.

Cần sử dụng vật tư, vật liệu trong nước vào xây dựng các công trình giao thông như dùng mặt đường xi măng thay cho nhựa bitum…

Đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông không chỉ đảm bảo điều kiện cho nền kinh tế phát triển bền vững lâu dài mà trước mắt còn góp phần khắc phục suy thoái kinh tế, tạo việc làm cho nhiều lao động, kích cầu cho nhiều ngành sản xuất khác.

Đề nghị Chính Phủ xem xét cho thực hiện càng sớm càng tốt.

                                                      

 

Đóng góp ý kiến về bài viết này 

Mới hơn bài này
Các bài đã đăng
Tiêu điểm
Biến đổi khí hậu và An ninh nguồn nước ở Việt Nam.[08/07/21]
Đại hội lần thứ IV, sự kiện lớn của Hội Đập lớn & Phát triển nguồn nước Việt Nam.[27/04/19]
Hội Đập lớn & Phát triển nguồn nước Việt Nam phấn đấu vì sự nghiệp phát triển thủy lợi của đất nước.[18/04/19]
Danh sách Hội viên tập thể đã đóng niên liễm 2018.[11/01/19]
Chùm ảnh Đại hội lần thứ 2 Hội Đập lớn Việt Nam.[13/08/09]
Nhìn lại 5 năm hoạt động của VNCOLD trong nhiệm kỳ đầu tiên.[10/08/09]
Thông báo về Hội nghị Đập lớn Thế giới.[17/07/09]
Thư chào mừng của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải
VNCOLD đã thành công tại cuộc họp Chấp hành ICOLD Sofia (Bulgaria), 6/6/2008
Phó Thủ tướng khai mạc Hội thảo “ASIA 2008.
Tạo miễn phí và cách sử dụng hộp thư @vncold.vn
Website nào về Thủy lợi ở VN được nhiều người đọc nhất?
Giới thiệu tóm tắt về Hội Đập lớn & Phát triển nguồn nước Việt Nam.
Download miễn phí toàn văn các Tiêu chuẩn qui phạm.
Đập tràn ngưỡng răng cưa kiểu “phím piano".
Đập Cửa Đạt
Lời chào mừng
Qu?ng c�o