» Mở tất cả ra       » Thu tất cả lại
English and French
Tìm kiếm

Bài & Tin mới
Quyết định số 21/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể lưu vực sông Hương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 [17-01-2024]
Quyết định số 22/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể lưu vực sông Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 [17-01-2024]
Nghị định số 02/2024/NĐ-CP về việc chuyển giao công trình điện là tài sản công sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam [17-01-2024]
Kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Cục Quản lý xây dựng công trình [26-12-23]
Chùm ảnh các công trình thuỷ lợi tiêu biểu ở VN 20 năm 2003-2023 [30-11-2023]
Danh mục các quy hoạch thủy lợi đã được phê duyệt [26-10-2023]
BÀN VỀ ĐỊNH HƯỚNG LẠI NGÀNH XÂY DỰNG THÔNG QUA CHUYỂN ĐỔI SỐ [26-10-2023]
Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 thay thế Luật Đấu thầu trước đây và có hiệu lực từ 01/01/2024 [15-10-2023]
Dự thảo TCVN 8731-20xx Phương pháp xã định hệ số thấm của đất bằng phương pháp đổ nước và múc nước trong hố đào và hố khoan [15-10-2023]
Đập Đắk N’Ting (Đắk Nông) trước nguy cơ bị vỡ [05-09-23]
QUYẾT ĐỊNH: Về việc hủy bỏ Tiêu chuẩn quốc gia [05-09-23]
Nghị định 35/2023/NĐ-CP [07-08-23]
Ý KIẾN TRAO ĐỔI VỀ ĐỘNG ĐẤT Ở KONTUM NGÀY 14-07-2023 (2)[07-08-23]
HOẠT ĐỘNG HỘI 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2023 VÀ PHƯƠNG HƯỚNG NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM 6 THÁNG CUỔI NĂM [04-08-23]
Đô thị ngoại ô: cuộc chiến đất vùng rìa [25-07-23]
Thủ Tướng Chính Phủ phê duyệt Quy hoạch Phòng chống thiên tai và Thủy lợi 2021-2030 [25-07-23]
Thủ Tướng Chính Phủ phê duyệt Quy hoạch Phòng chống thiên tai và Thủy lợi 2021-2030 [25-07-23]
NHỮNG NỘI DUNG KHÔNG PHÙ HỢP VÀ KHÔNG ĐÚNG trong Tiêu chuẩn TCVN 8637:2021(về Yêu cầu kỹ thuật lắp đặt và nghiệm thu máy bơm)[14-07-23]
Ý kiến trao đổi về động đất ở Kontum [14-07-23]
 Số phiên truy cập

81300054

 
Chuyện bốn phương
Gửi bài viết này cho bạn bè

Bắc Hưng Hải - bản tình ca châu thổ. [01/4/09]
Đêm trước hôm lên đường về Bắc Hưng Hải tôi cứ trằn trọc mãi không tài nào chợp mắt được. Tôi trở dậy, lặng lẽ lên sân thượng nhìn về phía đông thành phố. Nơi ấy là vùng châu thổ sông Hồng, có công trình đại thuỷ nông Bắc Hưng Hải đã in sâu vào tâm trí tôi từ ngày còn quàng khăn đỏ, cắp sách đến trường

                                      
Bắc Hưng Hải - bản tình ca châu thổ


Bút ký của Hà Quang(*)
            Đ
êm trước hôm lên đường về Bắc Hưng Hải tôi cứ trằn trọc mãi không tài nào chợp mắt được. Tôi trở dậy, lặng lẽ lên sân thượng nhìn về phía đông thành phố. Nơi ấy là vùng châu thổ sông Hồng, có công trình đại thuỷ nông Bắc Hưng Hải đã in sâu vào tâm trí tôi từ ngày còn quàng khăn đỏ, cắp sách đến trường. Bắc Hưng Hải lấy tên ghép của ba tỉnh thuộc vùng hưởng lợi của công trình là: Bắc Ninh, Hưng Yên và Hải Dương, nhưng  về phạm vi xây dựng, nhiệm vụ của công trình thì còn phải kể thêm Gia Lâm của Hà Nội nữa. Với diện tích tự nhiên hơn 20 vạn héc-ta, khu vực Bắc Hưng Hải được bao bọc bởi bốn con sông: Sông Hồng, sông Đuống, sông Luộc và sông Thái Bình. Tôi còn nhớ, trong một cuộc họp về công tác thuỷ nông ở Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hồi đầu năm ngoái, đồng chí Thứ trưởng Đào Xuân Học đã nhấn mạnh: Bắc Hưng Hải là một công trình tiêu biểu không chỉ của ngành thuỷ lợi chúng ta mà còn là của đất nước, của chủ nghĩa xã hội! Bởi vậy, chúng ta phải luôn nâng niu, gìn giữ, phải  quản lý và khai thác cho tốt để nâng cao hiệu quả công trình; càng phải điểm tô cho vóc dáng vĩ đại của công trình thế kỷ ấy...

            May mắn sao, trên đường về Bắc Hưng Hải hôm nay tôi lại được đi với anh  Trần Nhơn, nguyên Thứ trưởng Bộ Thuỷ lợi cũ, một trong những người đầu tiên tham gia khảo sát, đặt nền móng cho công trình ngay từ năm 1957. Tôi vẫn muốn gọi đồng chí Thứ trưởng năm xưa ấy bằng anh, mặc dù năm nay ông đã bảy mươi lăm tuổi. Ở cái tuổi " thất thập cổ lai hy" ấy nhưng trông anh Trần Nhơn còn rất khoẻ và tinh anh. Anh bảo đã lâu anh không được ra ngoài hóng gió, có tuổi đi đâu cũng ngại nhưng đi thực địa công trình, nhất là lại được về Bắc Hưng Hải thì anh xúc động lắm, phấn chấn lắm.

            Trên chuyến xe về Bắc Hưng Hải hôm nay chỉ có " ba thày trò Tam Tạng vi hành". Ngoài anh Trần Nhơn và tôi, trên xe còn có kỹ sư Vũ Văn Phán, phó Giám đốc Công ty khai thác công trình thuỷ lợi Bắc Hưng Hải. Phán lĩnh trách nhiệm đưa chúng tôi đi thực địa công trình nên anh rất nhanh nhẹn và chu đáo. Xe còn đang chạy trên cầu Thanh Trì, Phán đã khoát tay về phía bên phải, giọng oang oang: - Báo cáo các "sếp", qua cầu bên kia chúng ta rẽ về phía tay phải, đi dọc đê sông Hồng xuôi về phía hạ lưu chừng ba cây số nữa là đến cống Xuân Quan - "đầu rồng" của Bắc Hưng Hải đấy!

            Tôi nhìn theo tay Phán chỉ. Dưới màn mưa xuân giăng mờ, dòng sông Hồng hiện ra như một dải lụa khổng lồ, uốn lượn giữa đôi bờ xanh mướt. Mùa này nước sông Hồng đã cạn, thấp thoáng những bãi bồi nhấp nhô dưới làn nước đỏ phù sa chảy xuôi lặng lẽ. Vâng, chính dòng nước phù sa quý giá của sông Hồng là nguồn khởi xướng đã tạo ra một Bắc Hưng Hải kỳ vĩ, tạo ra một vùng châu thổ màu mỡ, giàu đẹp từ đói nghèo và lạc hậu. Nơi đây, ngay từ đầu thế kỷ hai mươi, người Pháp đã từng trăn trở phương án đào kênh lấy nước từ sông Hồng qua cống Xuân Quan để dẫn nước vào cải tạo vùng đất phù sa cổ rộng lớn có diện tích tự nhiên gần 20 vạn héc-ta, rất phức tạp về địa hình tự nhiên và điều kiện canh tác lạc hậu từ ngàn đời nay. Bởi vậy, ngay sau khi Hoà bình lập lại, Đảng và Chính phủ, trực tiếp là Bộ Kiến trúc và Thuỷ lợi cũ đã quan tâm chỉ đạo nghiên cứu xây dựng Hệ thống Bắc Hưng Hải. Trong quá trình thiết kế kỹ thuật, chuẩn bị cho thi công cống đầu mối Xuân Quan, ngay từ cuối năm 1957, Bộ đã cử hai nhóm cán bộ kỹ thuật sang Viện nghiên cứu khoa học Bắc Kinh và Viện khảo sát thiết kế Thuỷ lợi Bắc Kinh, Trung Quốc để học tập kinh nghiệm về thiết kế, thi công công trình. Một trong số những cán bộ kỹ thuật đó là ông Nguyễn Văn Thụy, nguyên Chủ nhiệm thiết kế công trình, người có nhiều đóng góp cho sự thành công của Bắc Hưng Hải...  Bất giác, tôi bỗng nhớ tới lời Bác trong lần Người về thăm cán bộ, công nhân và dân công đang gấp rút  chuẩn bị công trường Bắc Hưng Hải ngày 20 tháng 9 năm 1958: " Ngày trước, dưới chế độ thực dân phong kiến, ba tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên và Hải Dương mười năm chín hạn, năm nào cũng đói kém, nhân dân cực khổ nghèo nàn. Từ ngày cách mạng thành công, kháng chiến thắng lợi, miền Bắc được hoàn toàn giả phóng, đời sống nhân dân ba tỉnh được cải thiện ít nhiều, nhưng vẫn còn nhiều ruộng thiếu nước cấy và thu hoạch vẫn bấp bênh. Nay Đảng và Chính phủ quyết tâm cùng nhân dân xây dựng công trình thuỷ lợi Bắc Hưng Hải để đưa nước vào ruộng cho đồng bào..." Mải nghĩ, xe chúng tôi đã đến đầu mối Xuân Quan từ lúc nào. Đón chúng tôi là một chàng trai trẻ, người nhỏ thó nhưng gương mặt, đặc biệt là đôi mắt rất sáng. Anh là Đào Văn Chương, Trạm trưởng trạm đầu mối Xuân Quan. Đứng trên đỉnh cống Xuân Quan, Chương vui vẻ bắt tay chúng tôi, bộ dạng có vẻ lúng túng khi anh định giới thiệu về công trình, bởi biết người đứng trước mặt mình nguyên là Thứ trưởng phụ trách công tác thuỷ nông. Biết vậy, anh Trần Nhơn xua tay, vui vẻ: - Cứ nói, cậu cứ nói! Có gì nói hết, không ngại, chúng mình là khách mà !

            Chương chưa kịp nói thì Phán đã nhanh nhảu, giọng hồ hởi: - Các anh biết đấy, cống đầu mối Xuân Quan này được xây dựng cách đây đã năm mươi năm, với quy mô 4 cửa lấy nước kích thước 3,5 x 4 m và 1 cửa thông thuyền 8,5 x 5 m. Nhiệm vụ chính ban đầu của công trình là lấy nước từ sông Hồng, cùng với cống Báo Đáp và hệ thống kênh đảm bảo tưới cho hơn 11 vạn héc-ta lúa và hoa màu thuộc ba tỉnh: Bắc Ninh, Hưng Yên và Hải Dương...

            Nghe đồng chí Phó giám đốc Công ty Bắc Hưng Hải nói, tôi bỗng thấy lòng mình xốn xang. Năm mươi năm đã đi qua, Bắc Hưng Hải vẫn hiện về  đậm nét trong ký ức của những người làm công tác thuỷ lợi và nhân dân địa phương vùng châu thổ sông Hồng này. Ngày ấy, ngày 1 tháng 10 năm 1958 lịch sử , chính nơi tôi đang đứng đây, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã bổ nhát cuốc đầu tiên khởi công xây dựng cống Xuân Quan, mở ra đại công trường Bắc Hưng Hải, mở ra cuộc đời mới cho hàng triệu con người. Thật cảm động làm sao, đáng trân trọng biết bao! Vì lợi ích lâu dài, chỉ trong vòng hơn một tuần lễ, gần 150 hộ gia đình ở phố cổ Bát Tràng đã vui vẻ, tự nguyện rỡ nhà, rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn của mình để nhường chỗ cho đào kênh dẫn nước vào cống Xuân Quan. Ban chỉ huy công trường do đồng chí Hà Kế Tấn, lúc đó là Tư lệnh trưởng Sư đoàn 350 bảo vệ Thủ đô được chính Bác Hồ giao nhiệm vụ làm Trưởng Ban, làm việc khẩn trương, quyết liệt như Bộ chỉ huy chiến dịch. Được sự giúp đỡ tích cực của Đoàn chuyên gia Trung Quốc, các kỹ sư, cán bộ kỹ thuật trên công trường đã đề ra các phương án thiết kế, biện pháp thi công tối ưu.  Vâng lời Bác Hồ, theo tay Thủ tướng Phạm Văn Đồng, hàng vạn bộ đội, dân công, học sinh mang theo cơm nắm muối vừng  nô nức lên công trường, ra quân với khí thế quyết thắng. Cả một vùng châu thổ trùng trùng dân công từ  Gia Lương, Thuận Thành, Bắc Ninh sang, từ  Gia Lộc, Bình Giang, Thanh Miện lên, từ Kim Động, Khoái Châu, Văn Giang... kéo về như ngày hội lớn. Các xã xung quanh công trường huy động thanh thiếu niên phát quang đường sá, dọn vệ sinh nhà cửa, vét giếng, sửa cầu náo nức đón tiếp dân công. Các cửa hàng lương thực, thực phẩm, cửa hàng bách hoá Bắc Hưng Hải hoạt động nhộn nhịp. Dọc theo ven đê Xuân Quan, Bát Tràng, khẩu hiệu giăng kín, cờ đỏ sao vàng bay phấp phới, tiếng loa truyền thanh vang vang suốt đêm ngày.Các đơn vị thi công khắc phục mọi khó khăn, tranh thủ ngày đêm thi công cho kịp tiến độ... Thật diệu kỳ, chỉ sau 7 tháng, đúng ngày 1 tháng 5 năm 1959 công trình được hoàn thành với khối lượng khổng lồ: Xây đúc 7.500 m3 bê tông, xây lát đá 226.000 m3, đào đắp gần 3 triệu m3 đất...

            Đứng trên mặt đê, phía thượng lưu cống Xuân Quan, tôi lặng lẽ ngắm công trình.

 Ông Vũ Văn Phán - Phó GĐ Công ty khai thác Công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải và tác giả (bên phải) bên cống Xuân Quan


          Dưới màn mưa xuân giăng mờ cả một vùng sông nước, cống Xuân Quan vẫn sừng sững hiện  lên dưới con đê sông Hông, vững chắc như một bức tường thành. Phía xa, từ cửa sông, dòng nước đỏ phù sa lặng lẽ chảy theo dòng kênh dẫn, reo vui qua 4 cửa lấy nước dưới đê, rào rạt  xuôi về cống Báo Đáp. Một chiếc thuyền nan lặng lẽ xuôi dòng kênh tưới chính. Chàng thanh niên vừa chèo thuyền bằng chân vừa giơ tay vẫy vẫy chúng tôi, nét mặt rạng rỡ...Tôi còn đang mải ngắm khung cảnh khu đầu mối, bỗng nghe tiếng anh Trần Nhơn từ phía cửa âu thuyền vọng lại: - Mời kỹ sư Hà Quang lại đây xem tác phẩm của các bậc tiền bối !

    Tôi chạy lại chỗ anh Trần Nhơn. Anh chỉ tay xuống âu thuyền, giọng oang oang:

               - Cậu nhìn xem, thời xưa khó khăn, thiếu thốn là thế, sắt phải tính từng cân, xi măng tính từng yến mà chúng ta làm ăn, chất lượng công trình tốt thế! Mấy chục năm rồi mà cống vẫn ra cống, mặt bê tông vẫn như khúc giò lụa thế kia, mưa nắng chẳng hề hấn gì!

            Đúng là như vậy. Từ ngày khởi công xây dựng đến giờ, đưa vào khai thác sử dụng đã năm mươi năm, qua bao mùa giông bão, chiến tranh tàn phá nhưng chất lượng công trình đầu mối Xuân Quan vẫn đảm bảo. Phần thuỷ công cống và âu thuyền hầu như không phải sửa chữa, vẫn chắc chắn, phẳng phiu, đẹp như tranh vẽ, vẫn đảm bảo hoạt động tốt theo nhiệm vụ thiết kế. Tôi nghĩ, được như thế, ngoài việc đảm bảo chất lượng, quy trình quy phạm khi thi công, còn phải kể đến công sức không nhỏ của những người trực tiếp quản lý công trình. Nghĩ vậy, tôi quay sang Vũ Văn Phán: - Anh nghĩ thế nào về nhận xét của anh Trần Nhơn? Công trình được như ngày hôm nay rõ ràng là phải có sự đóng góp tích cực của anh em quản lý ở Trạm này nữa chứ !

            Nghe tôi hỏi, Phán bỗng sôi nổi hẳn lên: - Đúng thế đấy anh ạ! Em công nhận là ngày trước cha anh mình thi công quá tốt, không hề có chuyện ăn bớt xi măng, sắt thép, đã làm là làm đến nơi đến chốn. Chính vì hiểu rõ nhiệm vụ to lớn của công trình, cảm phục những người lính tiên phong đi trước nên khi được giao nhiệm vụ quản lý, khai thác công trình chúng em cũng hết sức cố gắng...

            Tôi hiểu những điều Phán nói, hiểu rõ gan ruột của người cán bộ lãnh đạo Công ty ấy khi anh tâm sự về cái nghề " áo bông, quần cộc "của mình. Sinh ra và lớn lên ở Khoái Châu, Hưng Yên, vùng đồng đất " Mười năm chín hạn", Phán càng thấu hiểu cảnh cơ cực, lam lũ của người dân quê mình thuở xưa. Ngay từ ngày còn học phổ thông anh đã muốn sau này theo nghề thuỷ lợi. Và Phán đã toại nguyện. Tốt nghiệp Đại học Thuỷ lợi khoá 19, anh ra nhập quân đội, sau 3 năm, từ năm 1985 Phán  chuyển về công tác ở Bắc Hưng Hải, gắn bó với Trạm đầu mối Xuân Quan  gần hai mươi năm trời. Anh bảo làm công tác quản lý khai thác công trình thuỷ lợi  thật khó. Gần hai mươi năm ở cống Xuân Quan, anh đã cùng với anh chị em cán bộ, công nhân ở đây lăn lộn ngày đêm, mưa nắng, chịu biết bao khó khăn để đưa nước thường xuyên về với ruộng đồng Bắc Hưng Hải. Để quản lý, khai thác tốt công trình,  các anh cũng đã phải đối mặt với bao thách thức về thời tiết diễn biến phức tạp, về sự vi phạm công trình  của người dân do lập bến bãi, đào ao thả cá, khai thác cát trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình. Đặc biệt, trong những năm gần đây các khu công nghiệp, làng nghề xuất hiện ngày một nhiều, bên cạnh mặt tích cực cũng có những tác động xấu do chất thải gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến chất lượng nước tưới của hệ thống.

          Trước khi tạm biệtTrạm đầu mối Xuân Quan, tôi đề nghị mấy anh em trong Đoàn chụp một tấm ảnh kỷ niệm công trình. Dự định chỉ chụp một kiểu ảnh rồi đi, nhưng mê cống Xuân Quan nên ai cũng dùng dằng, cuối cùng phải chụp đến cả chục kiểu ảnh rồi mới lên đường được. Gần trưa. Nắng đã hửng, chúng tôi lại khăn gói lên đường tiếp tục đi sâu vào nội đồng hệ thống Bắc Hưng Hải. Xe bon bon đi trên bờ kênh trục Bắc Hưng Hải mà như đi trên đường quốc lộ. Ngang dọc đồng đất Châu Giang, đường liên huyện, liên xã, đường vào các thôn xóm thẳng tắp, phẳng lì, đan nhau như bàn cờ. Nhờ có Bắc Hưng Hải, Đầm Dạ Trạch bốn mặt bùn lầy, cỏ cây rậm rạp, giao thông chỉ bằng thuyền độc mộc của Triệu Quang Phục thuở xưa giờ đã thành những làng xóm, khu công nghiệp, trang trại trù phú. Đôi bờ sông Kim Sơn, sông Cửu An bát ngát cánh đồng lúa, nhìn hút tầm mắt. Mùa này lúa đang đẻ nhánh. Những cây lúa no nước phù sa sông Hồng mơn mởn vươn lên, rì rào trong gió xuân nhè nhẹ. Một đàn cò trắng bay dọc sông Kim Sơn, ngang qua Kênh Cầu xuôi về Lực Điền,  chớp trắng trên nền trời xanh nhạt...

                                                              *

                                                            *    *

          Sau bữa cơm trưa với các món ăn đặc sản cá sông Kim Sơn, chia tay Ban Giám đốc Công ty khai thác công trình thuỷ lợi Bắc Hưng Hải, tôi trở về quê. Quê tôi nằm ngay bên bờ sông Kẻ Sặt, thuộc huyện Bình Giang, Hải Dương. Bình Giang là một trong những huyện nằm trọn trong khu tưới tiêu của công trình Bắc Hưng Hải, được bao bọc bởi ba con sông: Sông Kim Sơn, Tây Kẻ Sặt và Đình Đào. Từ nhiều năm nay, Bình Giang được coi " tâm điểm" của tỉnh về năng suất lúa và chuyển đổi mạnh về cơ cấu trong nông nghiệp.

            Một mình, tôi lững thững đi bộ trên bờ kênh chính trạm bơm Cầu Sộp. Đoạn kênh này giáp với đường tỉnh lộ 20, chạy từ Thị trấn Kẻ Sặt xuống tận Thanh Miện, vừa được gia cố chắc chắn. Mái kênh được lát đá phẳng phiu, trông thật đẹp mắt. Dòng nước phù sa sông Hồng chảy từ sông Kim Sơn vào, qua cống lấy nước đầu cầu Sặt, xuôi xuống tận Bá Đông, Phủ Bình. Trước đây, con kênh chính này gọi là sông Phú Hải, được đào từ những năm 1962-1963 trong phong trào Bắc Hưng Hải. Phú Hải là con sông mang tên hai tinh kết nghĩa thời nước nhà chưa thống nhất là: Phú Yên và Hải Dương. Tôi vẫn nhớ mãi, hồi còn học cấp II Bình Giang, mới lớp 6 lớp 7 mà chúng tôi đã được tham gia lao động đào sông Phú Hải và trạm bơm Cầu Sộp. Ôi cái ngày xưa ấy, cái ngày của phong trào đại thuỷ nông Bắc Hưng Hải ở quê tôi sao mà hồ hởi, quyết tâm, sao mà hăng say đến thế! Lũ trẻ con chúng tôi chỉ có khoai luộc, cơm nắm rau lang chấm muối vừng mà cũng thi nhau ra công trường vác đất, gánh gạch xây cống, đào kênh dưới trời nắng chang chang...

            Chiều cuối xuân. Nắng vàng mơ và mênh mang gió châu thổ. Tôi mê mải ngắm cánh đồng lúa xung quanh. Trước mắt tôi, cả một vùng đồng bằng rộng tới vài trăm héc-ta hiện lên như một tấm thảm xanh khổng lồ, nhìn hút tầm mắt. Nổi lên giữa những cánh đồng lúa xanh mướt là hệ thống kênh mương ngang dọc, thẳng tắp, từ đầu mối trạm bơm Cầu Sộp toả về các xã: Vĩnh Tuy, Vĩnh Hồng, Thúc Kháng, Tráng Liệt. Nước trong kênh chảy rào rạt, reo vui như khúc nhạc đồng quê. Tôi bỗng thấy lòng rưng rưng. Những hình ảnh của một thời đói nghèo, lam lũ thuở xưa lại hiện về trong tâm trí tôi. Làm sao có thể quên được những chân ruộng nẻ trắng có thể đút vừa cả bàn chân trong mùa khô hanh nhưng lại mênh mông nước, phải đi bằng thuyền trong mùa mưa. Làm sao có thể quên được những tháng ba ngày tám với bát cơm độn rau má, khoai lang, bưng lên miệng mà lòng xót sa. Đáng quý và đáng thương biết bao những bà mẹ đồng chiêm, trong đó có mẹ tôi, với tấm áo nâu sồng, mắt ướt, " chân voi" lầm lũi ra đồng sớm hôm!...Tất cả, tất cả đã đi vào quá khứ nhưng lại hiện ra trong bức tranh đẹp của ngày hôm nay. Vâng, hôm nay, cả vùng châu thổ rộng lớn này đã thật sự đổi thay và đang đi lên từng ngày. Sau 50 năm xây dựng và phát triển, hệ thống Bắc Hưng Hải  đã cơ bản hoàn chỉnh từ đầu mối tới mặt ruộng, với 11 công trình đầu mối lớn trên trục chính, 400 trạm bơm lớn nhỏ, gần 900 cống tưới tiêu lớn, 225 km sông trục chính và hàng nghìn km kênh nội đồng. Nhiều trạm bơm lớn có công suất từ 4000 m3/ s đến 8000 m3/s như  các trạm bơm: Như Quỳnh, Văn Giang, Mai Xá, Bình Hàn, Cầu Sộp v.v. đã phát huy tác dụng tốt trong những năm qua. Nửa thế kỷ đưa vào vận hành phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân, " con rồng vàng " Bắc Hưng Hải đã đem lại hiệu quả lớn lao, đảm bảo cung cấp nước tưới cho gần 12 vạn héc-ta diện tích lúa màu, cây công nghiệp và tiêu úng cho hơn 19 vạn héc-ta diện tích lưu vực. Nhiều vùng trũng như Tứ Kỳ, Gia Lộc ( Hải Dương ), Tiên Lữ ( Hưng Yên ) vĩnh viễn không còn cảnh " sống ngâm da, chết ngâm xương" nữa. Nhờ đảm bảo chủ động tưới tiêu, năng suất lúa của khu vực tăng vọt. Nếu trước đây, khi chưa có công trình Bắc Hưng Hải, năng suất lúa bình quân chỉ đạt từ 2,5 T/ha đến 3 T/ha một năm thì hiện nay con số này tăng lên từ 3 đến 3,5 lần. Có những địa phương như Gia Lộc, Ân Thi, năng suất lúa đạt tới 60 tạ/ha/ vụ.  Đặc biệt huyện Bình Giang, địa phương đang xếp trong tốp đầu về năng lúa của tỉnh còn đạt tới 65 tạ/ ha/vụ; có xã như Cổ Bì, Tân Việt còn vươn lên trên con số đó. Tổng sản lượng lúa cả năm toàn vùng hưởng lợi Bắc Hưng Hải đạt trên 1,2 triệu tấn là một con số khổng lồ, đáng được ghi nhận... Do có hiệu quả từ " con rồng vàng" mang lại, chẳng những diện tích, năng suất và sản lượng lúa tăng lên đáng kể mà cơ cấu trong nông nghiệp cũng được chuyển đổi mạnh, mang lại hiệu quả lớn. Những trang trại, hộ gia đình có thu nhập bình quân từ 150 triệu đến 350 triệu đồng trên 1 héc-ta/ năm đã xuất hiện ngày một nhiều ở Thuận Thành ( Bắc Ninh ), Gia Lâm ( Hà Nội ), Ninh Giang, Bình Giang, Gia Lôc ( Hải Dương ), Khoái Châu, Yên Mỹ ( Hưng Yên )...Bắc Hưng Hải - Công trình của ý Đảng lòng dân, tiêu biểu cho tinh thần đoàn kết, tự lực cánh sinh của ngày hôm qua,  nay đang vươn lên tầm cao mới trong quản lý khai thác, phát huy cao nhất hiệu quả công trình, nâng cao vai trò lớn lao của ngành thuỷ lợi.

            Bất giác, tôi lại nhớ tới những " người hùng" của một thời - Những người đã góp phần làm nên một Bắc Hưng Hải kỳ vĩ như: Nguyên Bộ trưởng Bộ Thuỷ lợi Hà Kế Tấn, Kỹ sư cao cấp Nguyễn Văn Thụy, nguyên Trưởng ty Thuỷ lợi Hải Dương Quách Đại Rong và các chị: Vũ Thị Tỵ, Phạm Thị Vách, Trần Thị Xuân Đào...Các bác, các anh các chị giờ đang ở nơi đâu? Tôi tin là mai sau, mai sau  cháu con chúng ta  sẽ vẫn còn nhắc tới ...

            Có tiếng hát của một cô gái đột ngột vút lên ở ruộng  lúa phía sau làm tôi giật mình. Tôi quay lại. Cô thôn nữ đang vừa tỉa lúa vừa hát. Trên bờ ruộng, cô dựng chiếc xe máy tay ga màu đỏ còn mới, lấp loá bên thảm lúa xanh rờn. Tôi chợt hiểu. Ra thế, bây giờ nhiều cô gái quê tôi đi làm đồng bằng xe máy, thay cho đôi chân lấm lem, cóc cách thuở nào. Tôi thấy vui vui. Cô gái hình như không để ý đến tôi. Cô vẫn vừa làm vừa hát say sưa, lời ca nghe mênh mang, mênh mang: " Hải Dương quê em, dạt dào đồng xanh bao la. Hải Dương quê em..." . Ôi, tiếng hát nghe mới ngọt ngào, xao xuyến làm sao! Tôi bỗng thấy lòng mình lâng lâng, ngân vang khúc tình ca châu thổ.

 

 (*) tác giả hiện đang công tác tại Cục Quản lý xây dựng công trình, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

(
www.vncold.vn)


Đóng góp ý kiến về bài viết này 

Mới hơn bài này
Các bài đã đăng
Tiêu điểm
Biến đổi khí hậu và An ninh nguồn nước ở Việt Nam.[08/07/21]
Đại hội lần thứ IV, sự kiện lớn của Hội Đập lớn & Phát triển nguồn nước Việt Nam.[27/04/19]
Hội Đập lớn & Phát triển nguồn nước Việt Nam phấn đấu vì sự nghiệp phát triển thủy lợi của đất nước.[18/04/19]
Danh sách Hội viên tập thể đã đóng niên liễm 2018.[11/01/19]
Chùm ảnh Đại hội lần thứ 2 Hội Đập lớn Việt Nam.[13/08/09]
Nhìn lại 5 năm hoạt động của VNCOLD trong nhiệm kỳ đầu tiên.[10/08/09]
Thông báo về Hội nghị Đập lớn Thế giới.[17/07/09]
Thư chào mừng của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải
VNCOLD đã thành công tại cuộc họp Chấp hành ICOLD Sofia (Bulgaria), 6/6/2008
Phó Thủ tướng khai mạc Hội thảo “ASIA 2008.
Tạo miễn phí và cách sử dụng hộp thư @vncold.vn
Website nào về Thủy lợi ở VN được nhiều người đọc nhất?
Giới thiệu tóm tắt về Hội Đập lớn & Phát triển nguồn nước Việt Nam.
Download miễn phí toàn văn các Tiêu chuẩn qui phạm.
Đập tràn ngưỡng răng cưa kiểu “phím piano".
Đập Cửa Đạt
Lời chào mừng
Qu?ng c�o