ĐI TÌM “NHẠC TRƯỞNG”
Tô Văn Trường
Về nguyên tắc quản trị, khi tiến hành các giải pháp chống ngập cho thành phố đều phải có quy hoạch chống ngập nằm trong quy hoạch phát triển tổng thể dưới sự chỉ huy chung của “nhạc trưởng”! Nói cho rõ hơn cần quy hoạch tổng thể đúng hướng, các giải pháp đồng bộ, và một tổ chức chỉ huy có thực quyền, đủ mạnh.
Một bản nhạc hay đối với người nghe ngoài phần hồn, giai điệu của tác phẩm thì cách trình bày của dàn nhạc đòi hỏi hòa âm, phối khí thật chuẩn, đồng điệu có nghĩa là cần nhạc trưởng. Hiện nay, ở nước ta có thể nói những hoạt động về kinh tế xã hội như những bản nhạc phức tạp đủ các giai điệu, tiết tấu. Những bản nhạc được mọi người tán thưởng là do có người cầm đũa chỉ huy giỏi tay nghề nhưng có những bản nhạc tiết tấu vang lên lộn xộn gây phản cảm cho người nghe mặc dù bản nhạc được sáng tạo không tồi đó là vì trong dàn nhạc mỗi người chơi một kiểu ngẫu hứng theo cách riêng của mình.
Tình trang ngập lụt đô thị ở TPHCM đã bắt đầu xuất hiện từ cuối những năm 1990 và ngày càng diễn biến phức tạp, đặc biệt ở các khu vực đang đô thị hóa mạnh như Bình Chánh, Thủ Đức, Quận 7 và Quận 12 vv... Do việc đô thị hóa đã không được phát triển đồng bộ với hệ thống thoát nước đô thị, trong lúc đó vũ lượng mưa trận đã ngày càng có xu thế gia tăng rõ nét nên việc ngập lụt như bài ca “đến hẹn lại lên”!
Nguyên nhân gây ngập úng ở khu vực TP.HCM do thủy triều, mưa, xả lũ từ các hồ chứa thượng lưu và những hoạt động phát triển thiếu quy hoạch của thành phố nói riêng và toàn lưu vực nói chung. Đấy là chưa kể do yếu kém trong quản lý gây ra các trường hợp vỡ bờ bao.
Tình hình ở TP.HCM những ngày qua ngập nhiều nơi do mưa lớn kéo dài lại trùng khớp với thời gian triều cường và đỉnh triều cao. Hiện tượng mưa cục bộ cường suất lớn (mưa dông nhiệt) xuất hiện nhiều hơn và dịch chuyển tâm mưa. Mưa do ảnh hưởng bão còn cộng thêm yếu tố nước dâng do bão. Mưa thiết kế cho cống cấp 3 là xảy ra 5 lần trong 100 năm, cống cấp 2 là 3 lần trong 100 năm có thể đều đã bị vượt trong các trận mưa vừa rồi. Kết quả quan trắc ngập nhiều năm cho thấy rằng hệ thống cống chưa được nâng cấp chỉ có thể chịu đựng được các trận mưa có vũ lượng <30 mm. Trong khi đó, giá trị vũ lượng 100mm, 115mm và 130mm đang có chu kỳ lặp lại lần lượt vào khoảng 1 năm, 2 năm và 3 năm.
Tác động của thủy triều đến mức độ ngập của TP.HCM ngày càng nghiêm trọng. Mực nước tĩnh chưa phải là quan trọng so với tính biến động của mực nước nhất là gây ra trong lúc triều cường. Thủy triều ở đây thuộc dạng bán nhật triều, mỗi ngày có 2 lần đỉnh và 2 chân triều khác nhau. Hàng tháng có thời kỳ triều cường. Ngoài ra, còn có chu kỳ triều nhiều năm. Theo số liệu quan trắc tại trạm Phú An từ năm 1980-2007 mực nước triều cao nhất là 1,49 m. Nhưng năm 2002, mực nước triều đã tăng lên mốc lịch sử 1,62 m tức là tăng cao hơn 13 cm chỉ trong 5 năm và có nguy cơ tiếp tục vượt mốc lịch sử nói trên. Có ý kiến cho rằng cần xem xét đến yếu tố biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến dao động của mực nước thủy triều.
Còn có một số nguyên nhân chủ quan khác như kênh Tân Hóa-Lò Gốm bình thường đã bị lẫn chiếm, bồi lấp chứa đầy rác thải bị ném xuống vô tội vạ. Trong khi dẫn dòng cải tạo thi công, theo tôi hiểu người ta đã làm theo quy trình ngược. Cải tạo cống cấp 4 trước, rồi đến cống cấp 2 & 3, rồi mới đến kênh. Mỗi khâu thực hiện đều gây ngập úng dưới nguồn. Con kênh Tân Hóa –Lò Gốm bình thường đã không đủ khả năng thoát nước, bây giờ lại bị chặn dòng để cải tạo kênh, lại đón nhận lượng nước cao hơn trước kia do cống đã được cải tạo, thì không thể nào ngăn chặn được lũ lụt. Đáng lẽ ra phải làm theo quy trình ngược lại: Cải tạo kênh trước nhất từ hạ nguồn đi lên, rồi cống cấp 2, 3, rồi mới đến cống cấp 4.
Về giải pháp, trước mắt chỉ còn cách khắc phục hậu quả bằng cách bắt phải đẩy nhanh tiến độ khai thông trên kênh Tân Hóa –Lò Gốm. Ngoài ra, phải kiểm tra lại một số cửa van ngăn triều bị hỏng hoặc không đóng do lơ là trong vận hành.
Hoàn thiện Quy hoạch tiêu thoát nước thải và nước mưa (còn gọi là JICA hay quy hoạch 752). Quy hoạch này quan tâm trước hết là việc nâng cấp các hệ thống cống ngầm tiêu thoát nước mưa cho khoảng 600 km2 vùng trung tâm thành phố, nhưng chưa quan tâm đến tác động của thủy triều.
Quy hoạch của Bộ NN&PTNT đề xuất (còn gọi là quy hoạch 1547) không hề phủ nhận quy hoạch 752 mà chỉ là chọn ra mục tiêu chính là giải quyết tác động thủy triều. Những người xây dựng 1547 cho rằng tác động của thủy triều đối với TPHCM là rất đáng kể vì hầu hết đất ở TPHCM đều thấp hơn +1,5m. Tác động này sẽ gia tăng với quá trình nước biển dâng. Quy hoạch 1547 cũng nhắm tới giải quyết vấn đề trong trung hạn và dài hạn (tới cuối thế kỷ 21) vì cho răng để thực hiện xây dựng các công trình thuộc quy hoạch cần thời gian 15-20 năm, vào thời điểm đó thành phố sẽ phải đồi diện với vấn đề ngập nghiêm trong hơn, và cần có công cụ để chống ngập chứ không phải lúc đó mới tiến hành xây dựng. Quy hoạch 1547 không giới hạn địa giới TP.HCM mà mở rộng vùng bảo vệ xuống Cần Giuộc, Cần Đước vì Long An cũng dựa vào trục vận tải biển Xoài Rạp đã nạo vét đợt 1 để phát triển khu công nghiệp cảng (nối tiếp với Hiệp Phước của TP.HCM). Khu vực Long an đất thấp, nhiều sông rạch sẽ là chỗ điều tiết tạm thời nước mưa trong khi chờ triều rút để thoát nước ra biển.
Kiểm soát thủy triều để chống ngập do triều cường (trước mắt) và triều cường cộng với nước biển dâng (tương lai) là hết sức cần thiết và cần được triển khai sớm.
Công tác nghiên cứu khoa học vẫn cần được tiếp tục để có cơ sở khoa học cho việc kết nối vận hành hệ thống một cách tổng thể và khoa học nhất, bao gồm cả việc nâng cao khả năng dự báo mưa trận trong phạm vi thành phố trước một vài giờ của ngành khí tượng.
Chính phủ Hà Lan tài trợ không hoàn lại 1,5 triệu Euro thuê tư vấn Hà Lan nghiên cứu, họ đề xuất phương án thu hẹp vùng bảo vệ thuôc địa giới TP.HCM.
Hiện nay, còn nhiều ý kiến khác nhau vế chống ngập TP.HCM, trong đó có ý kiến thấy rằng các phần thi công xong của JICA cho thấy hiệu quả thoát mưa rất tốt nhưng lại ngần ngại đầu tư lớn cho một chiến lược dài hạn. Còn có những ý kiến lo ngại việc bảo vệ thái quá do tương lai còn nhiều bất định không lường trước.
Vấn đề hiện nay thuộc về bản lĩnh cũa người ra quyết định tức là vai trò của “nhạc trưởng” cần phải:
(1) Khẳng định quy hoạch phát triển TP.HCM trong vòng 50 năm tới? Các vùng đất thấp (chủ yếu ở nam Sài gòn có nên phát triển đô thị hay điều chỉnh quy hoạch sang các vùng cao như Thủ Đức, Hóc Môn, Củ Chi?. Đây là câu hỏi quan trọng nhất để quyết định lựa chọn chiến lược chống ngập hay sống thích nghi?
(2) Trong trường hợp lựa chọn phát triển cả các vùng đất thấp thì TP.HCM phải lựa chọn chiến lược nào để chống ngập lụt cho trung hạn và dài hạn. Từ đây, câu hỏi có phải kiểm soát triều trên diện lớn hay chỉ cục bộ. Nhiều người hiện nay cứ cho rằng xây dựng các cửa ngăn triều ngay tại cửa xả cũng đủ chống ngập do triều?. Giai pháp này chỉ có tác dụng trong ngắn hạn nhưng khi mực nước ngoài sông cao thì tiêu thoát của các hệ thống cống ngầm sẽ bị suy giảm nhanh chóng.
(3) Việc lựa chọn một chiến lược cần kinh phí và thời gian, cho nên cần hoạch định một lộ trình hợp lý để sao cho các đầu tư từng bước phát huy hiệu quả.
Hiện nay, Ngân hàng thế giới (WB) đang quan tâm và tài trợ một khoản không hoàn lại chừng 200 ngàn đô la để mời đội Tư vấn quốc tế vào giúp thành phố đánh giá lựa chọn chiến lược và xác định lộ trình đầu tư. Tuy nhiên, chúng ta có thể thấy rằng bản lĩnh ra quyết định của TP.HCM và Bộ Nông nghiệp & PTNT là yếu tố đặc biệt quan trọng, trong khi các ý kiến tư vấn khác nhau, mỗi người chỉ có thể nêu ra những quan điểm của riêng mình.
Khoa học cũng không đi ra ngoài quy luật là một chuỗi sai lầm được sửa chữa mà sửa chữa được cũng chính là nhờ có sự tranh luận. “Nhạc trưởng” ở đâu xem ra vẫn còn là bài toán thách đố đối với những người có trách nhiệm quản lý thành phố Hồ Chí Minh.
|