DÒNG CHẢY
Tùy bút xuân Tân Mão - 2011
Lê Văn Đài
Trong qui luật vận động của mặt trời, mặt trăng đã tạo ra những chu kỳ khác nhau trong năm, những sắc thái không gian và thời gian mang lại cho con người và loài vật những cảm xúc riêng biệt, trong đó mùa xuân được ví như buổi bình minh, như là sự khơi nguồn cảm hứng. Với mỗi người nông dân thì mùa xuân với cánh đồng xanh ngát, đó là nơi chất chứa niềm hy vọng một vụ mùa bội thu, một năm gia đình thịnh vượng.
Khi đất nước đã có những thành quả nhìn thấy được, khi người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, được đến với các công cụ kinh tế như tín dụng, thị trường lao động … và hơn thế là bắt đầu lạc quan hơn trong cuộc sống. Đó là niềm vui cho tất cả mọi người trong thời khắc giao mùa, hòa chung niềm vui ấy trong tôi những dòng chảy lại về, những dòng chảy mang mùa xuân đến khắp mọi miền.
|
Hình ảnh minh họa (nguồn internet) |
Đó là những dòng chảy mang nguồn nước mát đã làm hồi sinh cho dải đất hình S này này, những dòng chảy đã đưa cây lúa trở thành “cây lúa nước” thực sự. Chúng ta đã tưới chủ động cơ bản các vùng lúa nước tập trung trên toàn quốc, đằng sau thành quả áy là một chặng đường đầy gian nan và tự hào. Sau ngày giải phóng cả dải đất miền Trung khát cháy, vùng Bắc Bộ thì hệ thống thủy lợi yếu kém lại bị tàn phá không ghánh nổi nhiệm vụ. Đó là lúc những công trình đại thủy nông được xây dựng bằng sức người, bằng tinh thần trên nền kinh tế lạc hậu, chúng ta đã có những công trình quá đỗi tự hào như: hồ Kẻ Gỗ, đại thủy nông Nam Thạch Hãn, hồ Giầu Tiếng, hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải… Đó thực sự là nền tảng to lớn bởi nó tác động sâu rộng hơn 80% dân số cả nước, nó tránh được một cuộc di dân tự nhiên (chủ yếu vào miền Nam) khi mà người dân luôn hứng chịu những cơn hạn hán mất mùa, đã có những gia đình không chống chọi nổi phải ra đi để mong đủ cái ăn. Cũng từ đây chính sách an dân, chuyên canh trong nông nghiệp mới thực thi được, đảm bảo an ninh lương thực trở nên vấn đề lớn của thời đại.
Tôi lại ngược lên miền Tây vùng đồi núi của tổ quốc mới cảm nhận được sự hùng vĩ của đại ngàn Trường Sơn, nơi khơi nguồn của những dòng chảy và cũng nơi đây trong những năm tháng chiến tranh đã có một dòng chảy chi viện cho chiến trường miền Nam. Trong công cuộc tái thiết đất nước sau chiến tranh thì những dòng chảy từ thượng nguồn mới trở thành những nguồn năng lượng, những mạch sống trong quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước. Có thể nói thủy điện là nguồn năng lượng “khá sạch” và cũng kinh tế khi chúng ta đang là đang trong tình trạng khó khăn. Và rồi các thủy điện cũng lần lượt hoàn thành và sản xuất ra “vàng trắng”, như Thác Bà, Hòa Bình, Yaly … Đó là thành quả của lớp cha anh, những năm tháng gian khó mà chỉ có niềm tin vào ngày mai mới vượt qua, tôi xin kể ra một mẫu chuyện có một già làng tại xã Yaly từng được dự lễ khởi công đã thốt lên trong ngày vui khánh thành Nhà máy rằng: “Cách mạng hơn cả Zàng rồi”!
Đó là những dòng chảy mang lại niềm vui và hạnh phúc, những dòng chảy đã đi vào lời thơ, lời ca bất hủ, nhưng có những dòng chảy làm ta lo lắng và nhắc nhở rằng chúng ta đang phải thích ứng đó là “dòng chảy” toàn cầu hóa. Khi Việt Nam đang thực hiện các cam kết trong lộ trình gia nhập tổ chức Thương mại Thế gới (WTO) thì với cách tổ chức các Hợp tác xã nông nghiệp hiện tại sẽ chống đỡ như thế nào, ai đứng ra đảm bảo quyền lợi nông dân trước các tập đoàn tư bản hùng mạnh, nơi nắm giữ phần lớn cổ phiếu và chi phối giá cả thị trường nông sản thế giới, hay là người dân phải chịu cảnh được mùa mất giá như bao năm nay. Nói đến đây tôi mới ngỡ ra rằng trong những năm gần đây chưa thấy một tổ chức chuyên ngiên cứu và dự báo nào hoặc công bố nào cho biết nền kinh tế nông nghiệp 20 năm hoặc 50 năm tới tổng quan là như thế nào, xu hướng tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp của hơn 6 tỷ dân là gì, công nghệ sinh học có làm thay đổi không ngành nông nghiệp truyền thống không… để người dân có sự chuẩn bị? Hay như nghành Thủy lợi - quản lý nước chúng ta trong tương lai sẽ như thế nào, liệu biện pháp tưới hở này còn phù hợp nữa hay không khi mà nguồn tài nguyên nước đang trở thành nỗi lo của thế gới, tôi xin trích dẫn ý kiến của GS.TS Vũ Trọng Hồng: “Nông nghiệp là nghành sử dụng nước nhiều nhất nhưng lại có tỷ lệ thất thoát nước cao nhất, thất thoát nước kênh mương nội đồng khoảng 60%”, hay cơ cấu cây trồng trong tươi lai là gì … Chúng ta đã làm, đang làm và sẽ làm nhưng khi thế giới đang “dần phẳng” thì công tác dự báo, qui hoach đúng hướng trở nên quá quan trọng, sự chậm trễ có thể đưa chúng ta về vạch xuất phát. Để minh chứng cho điều này tôi xin đơn cử dẫn chứng nhỏ khi ngành Bưu điện cho phát triển và xây dựng hệ thống Bưu điện văn hóa xã đến nay gần như chỉ để bố trí nhân viên trực .
Rồi những dòng chảy của những con sông không còn trong xanh nữa, những dòng chảy tàn phá của lũ lụt, dòng chảy của tài nguyên đang cạn kiệt… đã thách thức và kêu gọi chúng ta phải hành động.
* * *
Tháng 3 năm 2004 tôi được người bạn tặng cho một tập san Tài nguyên nước của Hội thủy lợi, và sau đó tôi đặt mua cứ 3 tháng sau mới xuất bản một số, nhưng bây giờ chỉ cần “click chuột” là ta có thế có những thông tin cần quan tâm nói chung và lĩnh vực thủy lợi nói riêng. Nói như vậy để thấy rằng công nghệ thông tin đã làm thay đổi nhanh chóng từ cách tiếp cận, chia sẻ thông tin đến khoảng cách giữa chúng ta ngày càng gần nhau (chỉ so sánh về vị trí). Tôi rất hoan nghênh trang web Hội đập lớn đã đăng tải, chia sẻ nhiều thông tin hữu dụng, nhiều dự án lớn như: Dự án chống ngập TP Hồ Chí Minh, ý tưởng đề án “Đê biển Vũng Tàu - Gò Công” … được đưa ra trao đổi, lấy ý kiến để bạn đọc có những góc nhìn nhận khác nhau và là diễn đàn chia sẻ. Lại nói về ý tưởng đề án “Đê biển Vũng Tàu - Gò Công”, đã gọi là ý tưởng thì rất đáng hoan nghênh, ở đây tôi chỉ nói về cách chuẩn bị và các ý kiến đóng góp của bạn đọc. Sau hơn một tháng lấy ý kiến trao đổi và có rất nhiều bài viết của chuyên gia, bạn đọc trong đó có rất nhiều bài viết hay, chuyên sâu nhưng có nhiều ý bài viết tôi có cảm nhận như đang “lobby” cho dự án.
Chúng ta đang ở điểm đầu của dự án, chưa biết dự án này có ảnh hưởng (tích cực, tiêu cực) đến bao nhiêu dân số, có cơ bản chống ngập cho thành phố hay không, về tương lai thích ứng với biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng như thế nào, có phù hợp với qui hoạch phát triển Kinh tế - Xã hội của thành phố (HCM, Vũng Tàu) trong 20 năm, 30 năm nữa hay không, sau đó mới làm qui hoạch dự án rồi mới xét bài toán kinh tế - kỹ thuật. Trong khi đó có những tác giả chỉ đề xuất một loại Tuốc bin, nêu lên một vài ý kiến rồi kết luận “sớm được thông qua” hoặc là “mong được thực thi”, một nhóm tác giả lại vẽ phối cảnh dự kiến chỗ này là khu đô thị, chỗ kia là khu du lịch biển mà không thấy nêu một số liệu gì liên quan hoặc không biết sau này có phù hợp với qui hoạch chung của dự án hay không!
Mặc dầu chỉ là mới ý tưởng nhưng rất cần có các số liệu điều tra về kinh tế - xã hội, cần có các tính toán khoa học, tầm nhìn trong tương lai và lộ trình thực hiện mới có cơ sở đưa ra lấy ý kiến.
* * *
Năm mới chúc bạn đọc, ban biên tập vncold.vn một năm mới hạnh phúc và thành đạt, chúc trang web sâu về nội dung và phong phú về thể loại!
|