» Mở tất cả ra       » Thu tất cả lại
English and French
Tìm kiếm

Bài & Tin mới
Nghị định số 02/2024/NĐ-CP về việc chuyển giao công trình điện là tài sản công sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam [17-01-2024]
Kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Cục Quản lý xây dựng công trình [26-12-23]
Chùm ảnh các công trình thuỷ lợi tiêu biểu ở VN 20 năm 2003-2023 [30-11-2023]
Danh mục các quy hoạch thủy lợi đã được phê duyệt [26-10-2023]
BÀN VỀ ĐỊNH HƯỚNG LẠI NGÀNH XÂY DỰNG THÔNG QUA CHUYỂN ĐỔI SỐ [26-10-2023]
Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 thay thế Luật Đấu thầu trước đây và có hiệu lực từ 01/01/2024 [15-10-2023]
Dự thảo TCVN 8731-20xx Phương pháp xã định hệ số thấm của đất bằng phương pháp đổ nước và múc nước trong hố đào và hố khoan [15-10-2023]
Đập Đắk N’Ting (Đắk Nông) trước nguy cơ bị vỡ [05-09-23]
QUYẾT ĐỊNH: Về việc hủy bỏ Tiêu chuẩn quốc gia [05-09-23]
Nghị định 35/2023/NĐ-CP [07-08-23]
Ý KIẾN TRAO ĐỔI VỀ ĐỘNG ĐẤT Ở KONTUM NGÀY 14-07-2023 (2)[07-08-23]
HOẠT ĐỘNG HỘI 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2023 VÀ PHƯƠNG HƯỚNG NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM 6 THÁNG CUỔI NĂM [04-08-23]
Đô thị ngoại ô: cuộc chiến đất vùng rìa [25-07-23]
Thủ Tướng Chính Phủ phê duyệt Quy hoạch Phòng chống thiên tai và Thủy lợi 2021-2030 [25-07-23]
Thủ Tướng Chính Phủ phê duyệt Quy hoạch Phòng chống thiên tai và Thủy lợi 2021-2030 [25-07-23]
NHỮNG NỘI DUNG KHÔNG PHÙ HỢP VÀ KHÔNG ĐÚNG trong Tiêu chuẩn TCVN 8637:2021(về Yêu cầu kỹ thuật lắp đặt và nghiệm thu máy bơm)[14-07-23]
Ý kiến trao đổi về động đất ở Kontum [14-07-23]
Tiếp tục xảy ra 7 trận động đất tại Kon Plông (Kon Tum) [14-07-23]
Bàn thêm về dung tích phòng lũ ở các hồ chứa thủy lợi, thủy điện [13-07-23]
 Số phiên truy cập

81270795

 
Nước, Môi trường & Thiên tai
Gửi bài viết này cho bạn bè

Phát triển thủy điện dòng chính hạ lưu vực sông Mê Công – Tiến trình và quan điểm các bên liên quan (2).[04/08/11]
Kế hoạch phát triển 12 bậc thang trên dòng chính ở phần Hạ lưu vực sông Mê Công đã gây nên mối quan ngại ngày càng lớn không những đối với các quốc gia ven sông, mà cả cộng động quốc tế

PHÁT TRIỂN THỦY ĐIỆN TRÊN DÒNG CHÍNH HẠ LƯU VỰC SÔNG MÊ CÔNG TIẾN TRÌNH VÀ QUAN ĐIỂM CÁC BÊN LIÊN QUAN (2)

TS. Đào Trọng Tứ, Ngụy Thị Khanh

Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN)

(tiếp theo & hết)

Các vị Thủ tướng của 4  quốc gia trong lưu vực Hạ Mekong tại cuộc họp ngày 5/4/2010

3.         TIẾN TRÌNH VÀ QUAN ĐIỂM CÁC BÊN LIÊN QUAN VỀ VẤN ĐỀ PHÁT TRIỂN THỦY ĐIỆN TRÊN DÒNG CHÍNH HẠ LƯU VỰC SÔNG MÊ CÔNG.

A.      Tiến trình tham vấn liên quan thuỷ điện Xayaburi và thủy điện dòng chính Hạ lưu vực  Mê Công

Kế hoạch phát triển 12 bậc thang trên dòng chính ở phần Hạ lưu vực sông Mê Công đã gây nên mối quan ngại ngày càng lớn không những đối với các quốc gia ven sông, mà cả cộng động quốc tế. Lý do của quan ngại này là 1) tác động tiêu cực to lớn do bậc thang thủy điện này đối với môi trường, sinh thái của con sông và sinh kế của hàng triệu người dân sống dựa vào sông; 2) ảnh hưởng đến an ninh lương thực, anh ninh quốc gia và ổn định khu vực; 3) tác động mạnh đến cơ chế hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mê Công của các quốc gia hạ lưu vực (Lào-Thái Lan-Campuchia và Việt Nam).

Quan ngại nêu trên là hoàn toàn có cơ sở.  Mặc dù các quốc gia thành viên Ủy hội sông Mê Công- là các bên ký kết hiệp định Mê Công 1995, các quốc gia có kế hoạch phát triển thủy điện dòng chính đã không có thông báo trước nào cho ủy hội về việc ký kết các biên bản ghi nhớ để nghiên cứu phát triển thủy điện trên dòng chính. Thủ tục tham vấn trước lần đầu tiên được thực hiện trong khuôn khổ hợp tác Mê Công tháng 9/2010 khi Lào chuẩn bị xây dựng thủy điện Xayabủi- dự án dự kiến triển khai sớm nhất trong số 12 công trình dòng chính đang được đề xuất.

Tiến trình tham vấn dự án Xayaburi đã được thực hiện từ tháng 9 năm 2010, khi Ban Thư ký Ủy hội Sông Mê Công nhận được đề nghị của Ủy ban Mê Công Quốc gia Lào đệ trình việc tham vấn trước đối với dự án đập Xayaburi, trên dòng chính Sông Mê Công. Lộ trình tham vấn Xayaburi được đưa ra ban đầu như sau:

 

20 /09/ 2010

Ban thư ký Mê Công nhận được tài liệu Xayaburi

 22 /10/ 2010

Tài liệu được gửi tới các Ủy ban Mê Công quốc gia

 26 /10/ 2010

Phiên họp nhóm công tác vùng lần 1 - Thống nhất lộ trình thực hiện tham vấn

 29 – 30 /11/2010

Phiên họp nhóm công tác vùng lần 2: thăm thực địa vị trí công trình, các đánh giá ban đầu về tài liệu nhận được

 12/ 2010 - 02/2011

Ban thư ký chuẩn bị Báo cáo kỹ thuật về tác động của công trình; Tham vấn tại các quốc gia

 14/02/ 2011

Họp nhóm công tác vùng lần 3 - Xem xét Báo cáo của Ban thư ký

 22-23 /3/ 2011

Phiên họp Ủy ban Liên hợp lần thứ 33: Xem xét báo cáo cuối cùng do Ban thư ký chuẩn bị; UBLH có thể phát biểu quan điểm

19/4/ 2011

Ủy ban Liên hợp ra quyết định

 

Theo thỏa thuận Mê Công 1995,

quá trình tham vấn sẽ kết thúc sau 6 tháng và có thể gia hạn. Ngày 19/4/2011, Uỷ hội Mê Công Mê Công đã có phiên họp đặc biệt của Ủy ban Liên hợp (JC) về quán trình tham vấn trên. Tuy nhiên Ủy ban Liên hợp đã không đi đến được thống nhất do các nước thành viên đều bày tỏ mối quan ngại về những tác động do công trình Xayaburi cho lưu vực chưa được nghiên cứu đầy đủ và kiến nghị đưa vấn đề này ra trong phiên họp cấp cao hơn-cấp Hội đồng của Ủy hội dự kiến tháng 11/2011.

Mặc dù phát triển thủy điện được nhìn nhận cả 2 khía cạnh, tác động tích cực và tác động  tiêu cực. Tuy nhiên, với những bài học thực tiễn qua việc xây dựng và vận hành các dự án thủy điện trên toàn thế giới, con người càng ngày càng nhìn nhận rõ ràng hơn những tác động tiêu cực do các công trình đập (thủy lợi và thủy điện)  đối với hệ sinh thái tự nhiên của các con sông- giá phải trả cho hệ sinh thái tự nhiên, cho sự tồn tại và phát triển hài hòa của con người, trong nhiều trường hợp, là lớn hơn nhiều so với lợi ích kinh tế mà các loại công trình này mang lại.[1]

 

 

B.  Quan điểm các bên liên quan đối với phát triển thủy điện trên dòng chính Hạ lưu vực Mê Công

Các quốc gia trong lưu vực, cộng đồng quốc tế  và các bên liên quan đều bày tỏ lo ngại sâu sắc trước kế hoạch phát triển thủy điện trên dòng chính Hạ lưu sông Mê Công. Điều này có thể thấy hợp tác Mê Công đứng trước những thách thức to lớn. Nếu các quốc gia trong Ủy hội Mê Công không đạt được sự đồng thuận cao và tìm ra giải pháp có lợi nhất để có thể vượt qua thách thức thì ảnh hưởng tiêu cực đến tổ chức hợp tác tác để phát triển bền vững tài lưu vực sông Mê Công hiện nay là điều không tránh khỏi. Một số quan điểm các bên liên quan được nêu ra và được phân tích tóm tắt dưới đây.

1) Quan điểm chung Hội nghị Thượng đỉnh Mê Công lần thứ nhất

Trải qua hơn 50 năm hợp tác và hơn 15 năm ký kết Hiệp định Phát triển Bền vững Lưu vực sông Mê Công năm 1995 (Hiệp định Mê Công 1995), các quốc gia Hạ lưu vực Mê Công, hơn ai hết đã nhận thấy tầm quan trọng của dòng sông này. Ngày 5/4/2010, kỷ niệm ngày ký Hiệp định Mê Công 1995, lần đầu tiên Hội nghị Thượng đỉnh Mê Công đã được tổ chức tại thành phố Hủa Hỉn - Thái Lan. Qua Tuyên bố chung sau Hội nghị, có thể thấy cả 4 quốc gia Ủy hội đều thể hiện cam kết chính trị mạnh mẽ đối với vấn đề phát triển và bảo vệ sông Mê Công:Chúng tôi, các nhà lãnh đạo của bốn Chính phủ tuyên bố rằng, dựa trên những thành tựu của mười lăm năm thực hiện Hiệp định Mê Công, việc hợp tác hơn nữa trong những năm tới giữa Chính phủ các nước thành viên là rất cần thiết nhằm tối ưu hoá việc sử dụng đa mục tiêu tài nguyên nước và vì lợi ích chung của tất cả các nước ven sông, để tránh bất kỳ tác động bất lợi nào do các hiện tượng tự nhiên và con người gây ra, và bảo vệ giá trị lớn lao của các hệ sinh thái tự nhiên và cân bằng sinh thái”.(Tuyên bố Chung Hua Hin 5/4//2010).

Quan điểm các quốc gia đối với khai thác tài nguyên nước Mê Công là rất rõ ràng “tối ưu hoá việc sử dụng đa mục tiêu tài nguyên nướcvì lợi ích chung của tất cả các nước ven sông”.  Tuyên bố chung thể hiện tiếp cận hiện đại trong quản lý tài nguyên nước của thế giới là “quản lý tổng hợp tài nguyên nước”. Cách tiếp cận này cho phép con người sử dụng nguồn tài nguyên quan trọng nhất-thiết yếu nhất – Tài nguyên nuớc một cách công bằng- hợp lý. Tài nguyên nước của một dòng sông, dù là sông quốc gia hay sông quốc tế- đều là tài sản sản chung của tất cả mọi con người sống nhờ vào nó. Tài nguyên nước là thành tố duy trì sự sống, tồ tại và phát triển của con người và xã hội loài người nói chung. Tài nguyên nước là yếu tố hàng đầu bảo đảm an ninh lương thực cho quốc gia-khu vực và thế giới và con người ngày càng nhận thức được rằng nước – nếu không được quản lý và sử dụng hợp lý sẽ là nguồn gốc xung đột – Nước gắn với an ninh quốc gia và khu vực.

Các công trình thủy điện dự kiến xây dựng trên dòng chính là những công trình sử dụng tài nguyên nước chỉ cho mục đích duy nhất là phát điện-tuy có thể đóng góp cho kinh tế của quốc gia có công trình, nhưng đã không đi đúng với cam kết của chính các quốc gia-đặc biệt, tác động tiêu cực của các đập dự kiến đối với sinh kế của nhiều triệu dân ven sông, của các quốc gia hạ lưu vực được đánh giá là lớn, giá trị lớn lao của hệ sinh thái tự nhiên và cân bằng sinh thái của dòng sông ở các quốc gia có công trình cũng như các quốc gia hạ lưu  đã bị bỏ qua hoặc bị coi nhẹ. Việc phát triển tài nguyên nước không bền vững sẽ là yếu tố dẫn đến mất ổn định chung.

Vượt ra ngoài khuôn khổ hợp tác Mê Công, Các quốc gia đã thể hiện quan điểm lo ngại, tuy khác nhau nhưng rất rõ ràng đối với tác động do các công trình thủy điện dự kiến trên dòng chính Hạ lưu vực Mê Công. Các cuộc tiếp xúc song phương ở cấp cao nhất giữa Việt Nam và Campuchia, giữa Việt Nam và Thái Lan và Việt Nam với Lào ở cấp Thủ tướng đã được thực hiện. Các quốc gia (trừ Lào) đều có đề cập đến mối lo ngại và quan tâm của các bên về vấn đề xây dựng thủy điện Xayaburi nói riêng và bậc thang thủy điện dòng chính Mê Công nói chung.  Sự hợp tác và thiện chí của các quốc gia Hạ lưu vực trong vấn đề thủy điện dòng chính Hạ lưu vực đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ. Tháng 5/2011, tại cuộc tiếp xúc với Thủ tướng Việt Nam tại diễn đàn các Quốc gia Đông Nam Á tại Jakarta, Inđonesia, Thủ tướng Lào đã thông báo phía Lào tạm hoãn xây đập Xayaburi.  Tháng 6/2011, có thông tin rằng  Bộ Năng lượng và Mỏ của Lào gửi cho công ty đầu tư Xayaburi thông báo đã kết thúc tiến trình tham vấn. Thông tin này gây quan ngại và lo lắng trong cộng đồng khu vực và quốc tế vì nó mâu thuẫn với quan điểm thể hiện trong tuyên bố cấp cao của Lào về vấn đề này. Tuy nhiên, ngày 2/7/2011 cũng trong khuôn khổ hợp tác ASEAN, tại diễn đàn sáng kiến hợp tác Mỹ và các quốc gia Hạ lưu Mê Công, phái đoàn của CHDCND Lào đã tuyên bố tiếp tục hoãn việc thực hiện bất cứ dự án xây dựng đập nào.[2] Đây được coi là một kết quả quan trọng trong quá trình tham vấn giữa các quốc gia láng giềng với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.

2)  Quan điểm từng  quốc gia lưu vực

Trong một lưu vực sông quốc tế, mỗi quốc gia đều có quyền sử dụng tài nguyên nước phục vụ cho các mục tiêu tồn tại và phát triển của mình và mỗi quốc gia có những quan tâm và lợi ích có thể khác nhau đối với việc khai thác và sử dụng tài nguyên nuớc. 

 Lào: Lào hy vọng thủy điện dòng chính Mê Công sẽ mang lại lợi ích về điện năng và thu nhập từ bán điện.  Trong quá trình tham vấn Lào đã nêu sẽ xem xét các ý kiến đóng góp của quốc gia và chuyên gia và chỉ tiến hành xây dựng công trình khi đã hoàn thành quá trình tham vấn. Lào đề nghị các quốc gia gửi thông báo cho Ủy hội về quan điểm đối với Xayaburi và mong đợi sẽ xây dựng theo kế hoạch ban đầu. Lào không tán thành kết quả của SEA[3]. Mặc dù Lào rất tích cực chuẩn bị cho việc khai thác thủy điện dòng chính chảy qua lãnh thổ của mình thông qua ký rất nhiều biên bản ghi nhớ với các nhà đầu tư từ các quốc gia khác nhau (Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Pháp) từ 2005 đến 2008. Lào dự kiến sẽ đưa công trình đầu tiên- Xayaburi vào xây dựng. Tuy nhiên, quá trình tham vấn trong khuôn khổ Ủy hội sông Mê Công, quan điểm từ cấp cao nhất của các quốc gia trong Ủy hội và mối quan ngại sâu sắc của cộng đồng cư dân ven sông, cộng đồng  Quốc tế, Chính phủ Lào đã có phản ứng tích cực với việc tuyên bố hoãn xây dựng Xayaburi. Vấn đề xây dựng Xayaburi và hệ thống đập thủy điện Mê Công sẽ tùy thuộc vào tiến trình thương lượng, thiện chí hợp tác và các giải pháp mà các quốc gia Ủy hội, cộng đồng quốc tế  có thể đưa và thực hiện để giúp có được phương án hợp lý nhất bảo đảm lợi ích kinh tế-xã hội của tất cả các quốc gia và  bảo vệ được môi trường sinh thái của sông Mê Công.

Khi phân tích về lợi ích kinh tế và những tác động tiêu cực do Xayaburi và bậc thang thủy điện trên dòng chính đối với Lào, Báo cáo Đánh giá tác động Môi trường Chiến Lược bậc thang thủy điện Mê Công (SEA 2010) phân tich: Lào không trực tiếp đầu tư, nên với cơ chế BOT, trong 25 năm đầu vận hành, chính phủ Lào chỉ được hưởng 26-31% của tổng 2,6 tỉ USD thu nhập từ 10 đập, tức là khoảng 676-876 triệu USD/năm.   Nền kinh tế Lào sẽ được kích thích phát triển từ dòng tiền đầu tư vào các đập thủy điện này (khoảng 20 tỉ USD), nhưng trong đó 50% sẽ được chi phí cho các trang thiết bị, công nghệ bên ngoài nước Lào, và kể cả bên ngoài khu vực.   Lào sẽ phải di dời một số lượng lớn dân cư (tính chung cho 10 đập ở Lào và 2 đập ở Campuchia, 107.000 người sẽ bị di dời; 2 triệu người ở 47 huyện trong phạm vi các hồ thủy điện và ngay bên dưới các hồ sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp).  Lào sẽ phải đối mặt với hàng loạt vấn đề xã hội khi những người có sinh kế phụ thuộc vào sông Mê Công bị mất sinh kế và di cư ra các đô thị để tìm việc làm (khoảng 80% dân số Lào phụ thuộc vào nguồn thủy sản của sông Mê Công với mức độ nhiều ít khác nhau).  Việc khai thác thủy điện tối đa (dòng chính và dòng nhánh) gây phá vỡ cân bằng sinh thái, cảnh quan lớn trước mắt và lâu dài. Tất cả lưu thông dòng chảy các lưu vực sông đều bị chặn bởi các đập, nguồn cá tự nhiên sẽ bị tác động nghiêm trọng, đi lại giao thông thủy bị cản trở (mặc dù các nhà máy thủy điện đều bắt buộc phải xây âu tầu).  Lợi nhuận của các đập thủy điện ở Lào phụ thuộc vào thời tiết và chế độ vận hành của các đập ở Trung Quốc.  Phần lớn điện từ các đập này (90%) được thiết kế để bán sang Thái Lan và Việt Nam, chỉ 10% là tiêu thụ nội địa.  Lào sẽ phụ thuộc vào ca2 quốc gia mua điện. Một giai đoạn dài (hơn 20 năm) thi công xây dựng các bậc thang  thủy điện sẽ tạo nên một biến động lớn lao trong đời sống bình thường của dòng sông và cư dân sinh sống nhờ nguồn nước và tài nguyên sông Mê Công.  Sẽ có những thị trấn, làng mạc mới hình thành xung quanh các đập với đa số là người ngoại quốc, lại nằm ở những nơi xa trung tâm hành chính của Lào, sẽ gây ra rất nhiều khó khăn cho công việc quản lý kinh tế-xã hội-văn hóa của Lào trong tương lai.  Lào chưa có đủ nguồn nhân lực để quản lý, theo dõi, đánh giá những hệ lụy, rủi ro do các đập này gây ra.

Thái Lan: Là quốc gia sẽ được hưởng lợi trực tiếp việc xây dựng và vận hành công trình Xayaburi và từ 4/12 công trình thủy điện trên dòng chính, Chính phủ Thái Lan đang đứng trước sự lựa chọn một bên là lợi ích của Thái Lan khi có lợi nhuận từ đầu tư và lợi ích nguồn điện từ các đập thủy điện (chính mình), các nhà đầu tư Thái Lan và một bên là sinh kế của các cộng đồng dân cư ven sông và tác động tiêu cực to lớn của các đập này đối với các quốc gia khác (có cả Lào, Cămpuchia và Việt Nam). Đây là sự lựa chọn không dễ dàng và quyết định cuối cùng không chỉ phụ thuộc vào Thái Lan. Thái Lan đã có kinh nghiệm về những tác động của các đập thủy điện, cụ thể là đập Pak Mun là một sự thất bại cả về kinh tế đối với nhà đầu tư và gây tác động môi trường và xã hội rất lớn.  Thái Lan được lợi khi xây dựng thủy điện dòng chính Mê Công nhưng lại nằm ngoài lãnh thổ của mình, trách được sức ép trong nước (các tổ chức dân sự về môi trường của Thái Lan có ảnh hưởng khá lớn).  Các tổn thất về môi trường, phù sa, thủy sản đối với Thái Lan cũng tương tự như Lào. Thái Lan cũng sẽ đối mặt với hàng loạt vấn đề xã hội khi những người dân Thái phụ thuộc vào sông Mê Công bị mất sinh kế và di chuyển ra các đô thị tìm việc làm.  Do thiệt hại đối với Thái Lan cũng không nhỏ, nên việc Thái Lan tham gia đầu tư vào đập thủy điện dòng chính Mê Công cũng bị phản đối dữ dội từ người dân Thái Lan. “Nhiều người Thái Lan cũng viết đơn thỉnh cầu gửi tới Ủy ban liên chính phủ ASEAN (AICHR) phản đối xây đập Xayaburi. Họ cho rằng, dự án được xây dựng sẽ tác động tới 8 tỉnh đông bắc Thái Lan nằm dọc sông Mekong”[4]. Có nhiều thông tin từ Thái Lan nêu lên khả năng Ngân hàng Thương mại Siam một trong bốn ngân hàng đầu tư cho con đập Xayaburi sẽ không ký thỏa thuận cùng 3 ngân hàng khác cho nhà đầu tư Ch Karnchang vay vốn xây Xayaburi do sự phản đối mạnh mẽ của cộng đồng dân cư dọc sông Mekong.[5]  

 “Nhiều nhóm cộng đồng ở Lào, Campuchia, Việt Nam và Thái Lan đã phản đối dự án này chủ yếu vì các tác động môi trường. Là ngân hàng hỗ trợ tài chính cho dự án, chúng tôi phải cân nhắc thật kỹ lưỡng. Nếu dự án không thực hiện đúng các quy định của pháp luật, chúng tôi sẽ không ký thỏa thuận cho vay” (Artit Nanwittaya)[6].

Campuchia:  Mặc dù có 2 dự án thủy điện lớn trên dòng chính được lên kế hoạch đễ xây dựng, nhưng rõ ràng tác động của các công trình này cũng  như các bậc thang trên đã có những tác động to lớn đối với Cămpuchia và vì thế quan điểm của Cămpuchia cũng đã thể hiện rất rõ ràng trong tuyên bố gần đây của 2 thủ tướng 2 nước Việt Nam va Cămpuchia trong tuyên bố chung tại Phnom Pênh: Campuchia và Việt Nam đều đề nghị hoãn 10 năm để nghiên cứu kỹ hơn về các tác động tới môi trường và sinh kế của người dân sống dọc bờ sông Mekong. Campuchia cho rằng việc xây dựng đập Xayaburi sẽ ngăn chặn nguồn lợi từ cá, ngăn cản sự di cư của cá là thảm họa về an ninh lương thực lẫn dinh dưỡng. Quá trình tham vấn về thủy điện Xayaburi trong khuôn khổ hợp tác Mê Công, Campuchia: bày tỏ mối lo ngại về tác động của công trình với hạ du và đề nghị cung cấp thêm tài liệu để đánh giá, thời gian tham vấn quá ngắn không đủ để tham vấn đầy đủ, xem xét các tác động. Cămpuchia ủng hộ lùi 10 năm theo SEA. Nếu vẫn xây thì cần có cơ chế để các cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng có thể tham gia vào qua trình chuẩn bị, xây dựng và vận hành[7]. Như vậy, tuy lo ngại về tác động thủy điện Mê Công đến môi trường sinh thái, nguồn lợi thủy sản, sinh kế nhiều triệu người dân sống nhờ sông nước Mê Công, Campuchia vẫn không thể có thái độ mạnh mẽ. Campuchia cũng muốn khai thác nguồn lợi thủy điện của dòng chính Mê Công. Công trình Sambor và Strung Treng có tổng công suất lắp máy khoảng 3.580 MW (gấp 1,5 tổng công xuất lắp máy hiện nay của quốc gia này) về mặt năng lượng có thể có vai trò quan trọng đối với lưới điện quốc gia, nhưng hậu quả do tác động của nó đến kinh tế cũng đặc biệt lớn đặc biệt đối với ngành thủy sản của nước này- ngành được coi chiếm vị trí quan trọng trong nền kinh tế và sinh kế của hàng triệu dân Cămpuchia[8]. Diện tích ngập của 2 công trình này là 83.100 ha. Bài toán lợi ích từ thủy điện dòng chính của Cămpuchia cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố-trong đó yếu tố quan trọng là tác động của các nhà đầu tư nước ngoài.

Việt Nam: Việt Nam có 2 phần diện tích lớn nằm trong  lưu vực Mê Công là ĐBSCL và Tây Nguyên (lần lượt là 8% và 3% diện tích toàn lưu vực Mê Công). Đồng bằng sông Cửu Long nằm cuối nguồn của con sông lớn. Nguồn nước đến ĐBSCL chịu mọi của các hoạt động phát triển thượng lưu.  Cùng với đà phát triển kinh tế mạnh mẽ trong khu vực, sự gia tăng dân số nhanh chóng [9] trong lưu vực, thách thức về nguồn nước đến ĐBSCL sẽ ngày càng gia tăng. Kế hoạch phát triển 12 thủy điện đập dâng trên dòng chính Hạ lưu vực cùng các công trình đã xây dựng, trong kế hoạch từ 8-15 bậc thang thủy điện trên phần lãnh thổ Trung Quốc và hàng trăm công trình thủy điện trên tất cả các dòng nhánh Mê Công, ở mức độ khác nhau, tất cả sẽ tác động đến ĐBSCL. Đặc biệt hệ thống 12 đập dâng dự kiến trên dòng chính Hạ lưu vực Mê Công-sẽ là tác nhân lớn gây sức ép nhiều mặt lên ĐBSCL.

Quan điểm Việt Nam trong hợp tác Mê Công đã rất rõ ràng. Việt Nam ủng hộ quan điểm phát triển và quản lý tài nguyên nước của lưu vực sông Mê Công theo cách tiếp cận quản lý tổng hợp, mang lại lợi ích cho tất cả quốc gia, “tối ưu hoá việc sử dụng đa mục tiêu tài nguyên nước và vì lợi ích chung của tất cả các nước ven sông, để tránh bất kỳ tác động bất lợi nào do các hiện tượng tự nhiên và con người gây ra, và bảo vệ giá trị lớn lao của các hệ sinh thái tự nhiên và cân bằng sinh thái”. Trong khuôn khổ hợp tác Mê Công, Việt Nam nhất trí với kiến nghị trong báo cáo Đánh giá Môi trường Chiến lược của việc Phát triển Thủy điện Dòng chính Hạ lưu vực Mê Công (SEA) là đề nghị hoãn việc xây dựng 10 năm để tiến hành nghiên cứu sâu hơn về tác động đối với hạ lưu. Lo ngại sâu sắc của Việt Nam đã được thể hiện ở quan điểm chính phủ trên thông tin đại chúng chính thống, các cuộc tiếp xúc ở cấp cao nhất của Việt Nam với Cămpuchia, Thái Lan và với Lào.  Việt Nam bày tỏ việc ủng hộ cần phát triển nhưng không có nghĩa là phải hy sinh môi trường, phải đảm bảo không gây tổn hại cho các thế hệ tương lai[10]. Việt Nam cũng đề ra nhiêu giải pháp cùng các quốc gia tìm ra giải pháp tối ưu cho quyền lợi của các quốc gia cùng chia sẻ dòng sông Mê Công, bảo vệ được môi trường, sinh thái và nguồn sông không chỉ cho thế hệ hôm nay mà cả mai sau. Việt Nam kiến nghị Ủy hội sông Mê Công Quốc tế kêu gọi các nước, các tổ chức quốc tế có kinh nghiệm, năng lực giúp các nước hạ lưu thực hiện các đánh giá, quy hoạch phát triển hạ lưu Mê Công.

 

Trung Quốc: Trung Quốc chưa có bất cứ bình luận chính thức nào về kế hoạch phát triển thủy điện dòng chính Hạ lưu vực Mê Công. Hiện nay trong Ủy hội Mê Công, Trung Quốc tham gia với tư cách Bên đối thoại, trong tất cả các diễn đàn liên quan đến phát triển thủy điện Mê Công, Trung Quốc luôn cho rằng các đập của họ chỉ có lợi cho vùng hạ lưu (giảm lũ và tăng dòng chảy mùa khô) và luôn phủ nhận những tác động xấu của các đập Trung Quốc đối với các nước ở hạ nguồn (gây lũ nhân tạo mùa khô ở Thái Lan và Lào và giữ lại lượng lớn phù sa đến vùng châu thổ). Trung Quốc còn một lợi thế lớn nếu xảy ra sự cố (động đất, vỡ đập), những tác hại to lớn chủ yếu là do vùng hạ lưu gánh chịu, phần ở Trung Quốc ít cư dân sinh sống và địa hình cao, dòng sông hẹp.

Theo chiều hướng,  12 đập này được xây dựng ở dòng chính Hạ lưu vực Mê Công (Trung quốc sẽ tham gia xây dựng và vận hành 3-4 đập/12đập) chắc chắn sẽ mang lại lợi ích nhiều mặt cho Trung Quốc. Việc xây dựng các đập dòng chính sẽ giảm hoặc loại bỏ áp lực dự luận về tác động thủy điện trên sông Lạng Thương.  Đến 2020, trên toàn bộ dòng chính Mê Công, có thể có 20 đập thủy điện- Trung Quốc sẽ là chủ nhân của 11-12 đập. Như vậy, chắc chắn là Trung Quốc sẽ kiểm soát không khó khăn gì  nguồn nước của sông Mê Công. Viễn cảnh không xa này nếu xảy ra chắc chắn người có lợi nhất trong lưu vực phải là Trung Quốc. Những yếu tố liên quan đến an ninh lương thực – và ổn định khu vực gắn với nguồn nước Mê Công  sẽ có thay đổi rõ rệt có lợi cho quốc gia lớn ở thượng lưu Mê Công. 12 thủy điện đập dâng trên dòng chính ở Hạ lưu vực (kể cả ở Lào, Thái Lan và Cămpuchia) tùy mức độ sẽ phụ thuộc và vận hành hệ thống đập ở Trung Quốc. Có thể nói Trung Quốc hoàn toàn chủ động sử dụng và chi phối đối với các bậc thang thủy điện hạ lưu vực, đặc biệt các bậc thang Pak Beng, Luang Prabang, Xayaburi.  Trung Quốc đã được lợi toàn diện khi tham gia phát triển thủy điện lưu vực Mê Công. 

3)  Quan điểm các Bên liên quan khác

i)  Các tổ chức phi chính phủ, xã hội dân sự và cộng đồng bị ảnh hưởng

trong khu vực

Các tổ chức phi chinh phủ, các tổ chức bảo vệ môi trường, nhiều nhà khoa học và một số cộng đồng trong lưu vực cùng chia sẻ thái độ không ủng hộ hoặc phản đối các kế hoạch đề xuất xây dựng các công trình thủy điện trên dòng chinh hạ lưu sông Mê Công vì chúng được cảnh báo sẽ gây ra những tác động không thể phục hồi đối với sinh thái, môi trường, cuộc sống của các cộng đồng và an ninh, hòa bình của các quốc gia trong lưu vực.

NGOs Việt Nam: Trong thời gian qua, Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN), WARECOD, Trung tâm Con người và Thiên Nhiên (PanNature ), Trung tâm Phát triển Bền vững Tài nguyên Nước và Thích nghi Biến đổi Khí hậu (CEWAREC)- Hội Tưới tiêu Việt Nam, Trung tâm Hỗ trợ Quản lý Tổng hợp Tài nguyên Nước (CEWAREM)  thuộc Liên hiệp các Hội khoa học Kỹ thuuật Việt Nam (VUSTA) và Mạng lưới cộng tác vì nước của Việt Nam (VNWP) là những tổ chức đã tích cực bày tỏ quan ngại về những tác động và thách thức của  hệ thống đập thủy điện trên dòng chính Hạ lưu vực đối với lưu vực và đặc biệt với Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam.

VRN hoạt động dưới sự điều phối của Trung tâm Bảo tồn và Phát triển Tài nguyên Nước (WARECOD), đơn vị trực thuộc VUSTA, trong thời gian qua đã tích cực theo dõi và tham gia các sự kiện, hoạt động liên quan đến vấn đề sông Mê Công ở cả phạm vi trong nước, khu vực và quốc tế. VRN đã thực hiện các hoạt động chia sẻ thông tin, truyền thông, nghiên cứu, tham vấn, đối thoại và tọa đàm với các bên liên quan ở Việt Nam và khu vực về vấn đề này. VRN cho rằng dự án thủy điện Xayaburi và hệ thống đập dòng chính trên sông Mê Công sẽ gây ra những tác động xấu, không thể khắc phục và nhiều thách thức, rủi ro đối với đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam và các quốc gia hạ lưu vực. Đồng bằng sông Cửu Long sẽ là nơi chịu tác động lớn nhất và Việt Nam sẽ phải đối mặt với vấn đề an ninh nguồn nước quốc gia. VRN ủng hộ phương án lùi ít nhất 10 năm các quyết định liên quan tới các đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Công để tiếp tục nghiên cứu mà SEA đưa ra và tin rằng có rất nhiều giải pháp bền vững, hòa bình để thỏa mãn nhu cầu thức ăn, nước uống và năng lượng của con người thay vì phát triển các đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Công.

Nhằm đóng góp ý kiến với Đảng, Nhà nước và Chính phủ về vấn đề này, nhóm công tác Mê Công bao gồm các nhà khoa học thành viên VRN đã được thành lập và tiến hành phân tích nhanh về vấn đề này để đưa ra các giải pháp khuyến nghị trước thời điểm các quốc gia Ủy hội sông Mê Công họp quyết định về dự án thủy điện Xayaburi. Được sự bảo trựo của VUSTA Ngày 18/4, VRN đã tổ chức họp báo đồng thời gửi thư kiến nghị tới Thủ tướng và các bộ, ban ngành liên quan đề nghị lựa chọn giải pháp hoãn và cùng phối hợp với các quốc gia trong lưu vực tìm kiếm các giải pháp cùng phát triển bền vững. Nhiều nỗ lực khác đang tiếp tục được triển khai để thúc đẩy quá trình này ở các cấp khác nhau.

Những nỗ lực của VRN được sự ủng hộ và chia sẻ của nhiều nhà khoa học trong nước và đặc biệt là các nhà khoa học của đồng bằng sông Cửu Long. Thanh niên và người dân của Tỉnh An Giang đã ký tên tham gia chiến dịch bảo vệ sông Mê Công. Tuy nhiên, tiếng nói của cộng đồng người dân sẽ bị ảnh hưởng còn vắng bóng và chưa được mạnh mẽ trong tiến trình phát triển này.

NGOs Campuchia: Liên minh bảo vệ các dòng sông Campuchia cũng có nhiều nỗ lực làm việc với các cơ quan liên quan của chinh phủ và cộng đồng để bày tỏ quan ngại của nhóm này. Tổ chức này đã đề nghị Ủy ban sông Mê Công của Campuchia trì hoãn quá trình ra quyết định khu vực và thực hiện khuyến nghị lùi 10 năm của báo cáo đánh giá môi trường chiến lược. Đồng thời họ cũng yêu cầu phải làm lại báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án Xayaburi vì báo cáo hiện tại chưa đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế và chưa đề cập tới tác động xuyên biên giới.

NGOs Thái Lan  và Cộng đồng người dân chịu tác động ở Thái Lan: Các tổ chức phi chinh phủ Thái Lan đã phối hợp chặt chẽ với một số nghị sĩ và các cộng đồng sinh sống dọc theo sông Mê Công ở Thái Lan kịch liệt phản đối dự án Xayaburi và hệ thống đập dòng chính hạ lưu sông Mê Công. Họ đã thực hiện nhiều hoạt động để tác động tới Ủy ban sông Mê Công, chính phủ, Quốc hội Thái Lan, các ngân hàng cung cấp tài chính cho các chủ đầu tư, Tổng công ty điện lực và nhà đầu tư. Ngày 19/1/2011, 46 tổ chức và cộng đồng người Thái đã gửi thư tới Ban thư ký MRC đề nghị cần kéo dài thời gian tham vấn EIA của dự án Xayaburi, cần công bố thêm tài liệu dự án và cho rằng các Ngân hàng và nhà đầu tư Thái Lan đã không thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của họ. Hàng trăm người dân Thái đã mang theo thư phản đối với chữ ký của hơn 10.000 người dân tới Đại sứ quán Lào tại Băng Cốc, tới các ngân hàng cho vay tiền làm thủy điện để thể hiện quan điểm của họ.

Hầu như không thấy có phản ứng chính thức từ các tổ chức NGOs và cộng đồng người dân bị ảnh hưởng ở nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.

ii) Các tổ chức phi chính phủ quốc tế (International NGOs):

Liên minh bảo vệ sông Mê Công: là mạng lưới của các tổ chức, cá nhân yêu môi trường trong khu vực và quốc tế hoạt động để bảo vệ dòng chảy tự do, môi trường và quyền của các cộng đồng sinh sống trong lưu vực sông Mê Công. Liên minh kịch liệt phản đối các kế hoạch xây dựng đập thủy điện trên dòng chính hạ lưu sông Mê Công vì cho rằng chúng sẽ gây ra những tác động không thể phục hồi và sự bất ổn cho an ninh sinh kế và nguồn nước của các cộng đồng sinh sống trong lưu vực. Liên minh đã nhiều lần viết thư kiến nghị tới Thủ tướng của 4 nước trong lưu vực, tới Ban thư ký Ủy hội sông Mê Công, tới cộng đồng các nhà tài trợ và đối tác phát triển của MRC đề nghị các quốc gia trong lưu vực từ bỏ các kế hoạch xây dựng đập này, bảo vệ dòng sông Mê Công và tìm các giải pháp năng lượng thay thế.

Cùng chia sẻ quan điểm với cộng đồng NGOs,  ngày 21 tháng 3 năm 2011, 263 tổ chức phi chính phủ thuộc 51 quốc gia đã ký tên bản kiến nghị gửi Thủ tướng Lào và Thái Lan để phản đối đập Xayaburi. 21 tổ chức NGOs và nhà khoa học của Úc đã gửi thư cho Bộ Ngoại Giao Úc đề nghị với tư cách nhà tài trợ của MRC, Úc cần thúc đẩy và đảm bảo MRC áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế và bằng chứng khoa học trong quá trình phát triển thủy điện dòng chính Mê Công. Tổ chức Rainforest Rescue của Đức đã gửi thư với 15.000 chữ ký tới sứ quán Thái Lan và Lào tại Berlin và Paris đề nghị hủy bỏ kế hoạch xây dựng đập Xayaburi. 7 tổ chức NGOs của Phần Lan cũng đã gửi thư đề nghị Bộ Hợp tác phát triển và Ngoại thương Phần Lan ủng hộ khuyến nghị hoãn 10 năm việc ra quyết định xây dựng thủy điện trên dòng chính sông Mê Công. Bên cạnh đó, 2300 người trên thế giới đã ký thư gửi tới Hội đồng và ủy ban liên hợp MRC đề nghị bỏ kế hoạch xây dựng đập. 5 chuyên gia quốc tế cũng đã gửi phân tích độc lập của họ tới MRC và đề nghị cần phải làm lại EIA của dự án Xayaburi. Các tổ chức lớn như WWF, IUCN, WCD đều ủng hộ hoãn quyết định xây dựng toàn bộ 12 đập này trong 10 năm để có thể nghiên cứu thêm trước khi ra quyết định.

iii) Các nhà tài trợ:

 Cộng đồng các nhà tài trợ của Ủy hội sông Mê Công đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về những tác động và rủi ro mà các đập được đề xuất sẽ gây ra cho các quốc gia và cộng đồng trong lưu vực và vùng hạ lưu. Họ đã có tuyên bố đề nghị thực hiện nghiêm túc quá trình tham vấn và kêu gọi các chinh phủ Mê Công cần cân nhắc kỹ và không nên đưa ra quyết định trước khi có đầy đủ các nghiên cứu kỹ lưỡng về tác động và lợi ích kinh tế với tất cả các bên liên quan.

Trong tuyên bố ngày 24 tháng 6 mới đây, họ cũng đề nghị các quốc gia thành viên Ủy hội sông Mê Công giải thích rõ các bước tiếp theo của quá trình tham vấn PNPCA và rằng cần có đủ thời gian để đảm bảo các nghiên cứu bổ sung và tham vấn với công chúng, xã hội dân sự được sử dụng trước khi kết thúc quá trình tham vấn PNPCA.

ADB-WB: Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng  phát triển Châu Á (ADB) đã ra thông báo chính thức sẽ không cung cấp tài chính cho các đập này.

iv) Mỹ và Sáng kiến Hạ lưu vực Mê Công: 

Mỹ bày tỏ quan ngại về những tác động tiềm tàng và rủi ro cao của bậc thang thủy điện dòng chính Mê Công. Kiến nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, Bà Hillary Clinton đã phát biểu với Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam Ông Phạm Gia Khiêm ngày 31/12/2010 ““Chúng ta đã có một cuộc thảo luận rất xây dựng về những tác động tiềm tàng của việc xây dựng đập trên sông Mê Công. Mỹ kiến nghị nên tạm hoãn trước khi có những hoạt đông xây dựng lớn được tiến hành, chúng tôi sẽ tài trợ cho nghiên cứu vấn đề này”.  Thượng nghị sỹ, trong ngày 7 tháng 7 vừa qua đã trình một nghị quyết kêu gọi các đại diện của chính phủ Mỹ tại các ngân hàng đa phương cần đảm bảo các hỗ trợ của họ cho các đập dòng chính phải tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn môi trường đồng thời ủng hộ bảo vệ sông Mê Công, kêu gọi chính phủ Mỹ tăng cường hỗ trợ để trì hoãn việc xây dựng các công trình này. Đặc biệt tại Hội nghị Bộ trưởng các quốc gia Đông Nam Á hợp tại Jakarta, Indonesia trong tuần 20-25/7/2011, tại diễn đàn Sáng kiến Mỹ -Hạ Lưu Mê Công, Mỹ đã có các cuộc tiếp xúc với các quốc gia khu vực và ủng hộ tuyên bố  của Lào tiếp tục hoãn việc xây dựng bất cứ đập nào.2

4. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

Phát triển là không dừng lại, nhưng phát triển bền vững là con đường tồn tại lâu dài. Với các con sông quốc tế nói chung và sông Mê Công nói riêng, tài nguyên nước và là tài sản chung của các quốc gia cùng chia sẻ, lợi ích của tất cả các quốc gia cần được tôn trọng. Tuy nhiên  nguyên tắc chia sẻ công bằng và hợp lý nguồn tài nguyên nước là nguyên tắc được luật pháp quốc tế công nhận. Với lịch sử hợp tác lâu dài với sự hỗ trợ to lớn từ cộng đồng quốc tế, các quốc gia hạ lưu vực đã gìn giữ được dòng sông như hiện nay, và với hy vọng hợp tác Mê Công đứng trước thách thức mới sẽ phải tìm con đường đi để  những thách thức mà các quốc gia đang phải đối mặt trong “cuộc chiến”  vì sự phát triển kinh tế và xã hội ngày càng  nhiều liên quan đến nguồn nước, được hóa giải vì các thế hệ hôm nay và mai sau.

Bước đi phù hợp là các quốc gia trong Ủy hội Mê Công cần có quyết định tiến hành các nghiên cứu bổ sung tác động của hệ thống bậc thang đối với tất cả các quốc gia (sinh thái, môi trường, sinh kế, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, ổn định khu vực v..) theo khuyến nghị của báo cáo Đánh giá Môi trường Chiến lược của Ủy hội Sông Mê Công (SEA) và đồng thuận vơi nhau trước khi có bất cứ hoạt động tiếp theo nào để tránh hậu quả lớn lao sau này.  

Các chính phủ có thể kêu gọi các đối tác phát triển quốc tế cùng giúp Lào- Campuchia  thực hiện các chương trình phát triển kinh tế, xã hội đồng thời cùng tiến hành nghiên cứu, tìm kiếm các giải pháp phát triển thay thế thông qua các chương trình hợp tác phát triển bền vững vùng Mê Công:du lịch Mê Công Xanh, hỗ trợ đảm bảo an ninh lương thực, tiếp cận cảng biển, đào tạo nhân lực... 

 Lào có nhiều tiềm năng thủy điện trên các chi lưu để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế quốc gia, thu nguồn ngoại tệ mà  ít gây tác động môi trường xuyên biên giới thay cho phát triển thủy điện trên dòng chính. Việt nam hiện đang tham gia xây dựng nhiều thủy điện trên dòng nhánh Mê Công ở Lào, việc tăng cường hỗ trợ và viện trợ bạn nghiên cứu và xây dựng các thủy điện khác trên dòng nhánh có thể được xem như giải pháp “đền bù” hoặc giải pháp “cùng có lợi”.

Xem xét phân tích lợi ích đa chiều vấn đề đầu tư và nhập khẩu điện từ các công trình dòng chính sông Mê Công trong  chiến lược năng lượng quốc gia và kế hoạch phát triển nguồn điện để có điều chỉnh phù hợp nhất, có xem xét đầy đủ lợi ích và thiệt hại của quốc gia.

 Đề nghị phổ biến rộng rãi và nâng cao nhận thức công chúng về vấn đề thủy điện dòng chính sông Mê Công để tranh thủ và vận dụng sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế và các nhà tài trợ trong vấn đề này. 

 Cùng các nước vùng Mê Công duy trì và củng cố vai trò của MRC để tạo sự đồng thuận khu vực trong việc giải quyết các vấn đề xuyên biên giới.  Đưa vấn đề sông Mê Công vào các diễn đàn khu vực, quốc tế.

 Khuyến khích sự hợp tác đa cấp, đa chiều của các tổ chức nghiên cứu, khoa học công nghệ, xã hội dân sự Việt Nam với các tổ chức khác trong vùng liên quan tới vấn đề Mê Công.

 Hà Nội,  25 tháng 7 năm 2011

Tài liệu tham khảo

1.             Mekong Secretariat, The Mekong Committee a Historical Account (1957-1989)

2.             Nguyen Duc Lien and Dao Trong Tu, Hydropower Development in the Lower Mekong Basin, Hanoi, 2008

3.             Đào Trọng Tứ, The MRC Hydropower Development Strategy and the sustainable Development of the Water Resources of the Mekong River Basin, Vientiane, Lao PDR 2006

4.             Mekong River Committee (MC): Indicative Basin Plan 1970, Bangkok, 1970

5.             Interim Mekong River Committee (IMC): Report on Mekong Mainstream Run-of-river Hydropower, Bangkok, 1994.

6.             Interim Mekong River Committee (IMC): Rivised Indicatetive Mekong Basin Plan, Bangkok, 1987.

7.             Mekong River Commission (MRC): Diagnostic study of water quality in the Lower Mekong Basin, Vientiane, 3/2007.

8.              Dutch Mision,: Bank Erosion in Mekong Delta and along Red River in Vietnam, 3/2004.

9.             Ủy ban sông Mê Công Việt Nam (UBSMCVN), Hiệp định Hợp tác phát triển bền vững luuỷ vực sông Mê Công, Hà Nội 1997

10.          UBSMCVN, Một số văn bản pháp lý về các thủ tục sử dụng nước của Ủy hội sông Mê Công Quốc tế

11.          Ủy ban Thế giới về Đập (WCD), Đập và Phát triển, một khuôn khổ mới cho quá trình ra quyết định, Hà Nội 2002 (bản tiếng Việt).

12.          UBSMCVN, Một số nghiên cứu đánh giá tác động của phát triển thủy điện thượng lưu.

13.          Báo cáo Đánh giá môi trường chiến lược về thủy điện trên dòng chính sông Mê-kông của Ủy hội sông Mê-kông xuất bản tháng 10/2010.

14.          Báo cáo đánh giá tác động môi trường (EIA)dự án thủy điện Xayaburi. 

15.           Báo cáo rà soát kỹ thuật của MRC về công trình Xayaburi.

16.           Báo cáo phân tích báo cáo EIA Xayaburi và Thai Banks của tổ chức Sông ngòi Quốc tế. 

17.          Báo cáo kết quả tham vấn 3 nước VN, CPC và Thái Lan của MRC. 

18.          Các bài báo, bình luận của các học giả Mê Công về hệ thống đập thủy điện dòng chính.

19.          Tài liệu đĩa DVD: Forecast Mê Công do USGS Mỹ và Đại học Cần Thơ thực hiện.

20.           Các tài liệu liên quan khác của Ủy hội sông Mê Công, Đại học Cần Thơ và các tổ chức nghiên cứu về Mê Công 


 

 



[1] Theo Ủy ban Thế giới về Đập (WCD, trên cơ sở nghiên cứu trên 1500 đập xây dựng trên các lưu vực sông trên 50 nước, Ủy ban Thế giới về Đập đã đi đến kết luận về tác động tiêu cực của các đập (thủy điện và thủy lợi) như sau: i) Tác động thay đổi chế độ dòng chảy hạ lưu: các nhà máy thủy điện làm thay đổi toàn bộ chế độ dòng chảy trong ngày hoặc theo mùa so với dòng chảy tự nhiên. Chính những thay đổi dòng chảy kéo theo sự thay đổi môi trường lưu vực sông; ii) Tác động liên quan đến những thay đổi năng suất sinh học sơ cấp của hệ thái, bao gồm những ảnh hưởng tới khu vực ven sông, thực vật ven sông, điều kiện sông ở hạ lưu như các vùng đất ướt, đồng bằng ngập lũ hạ lưu; iii) Tác động giữ vật liệu bồi lắng và chất dinh dưỡng trước đập: dòng sông hạ lưu các đập chắn sẽ ít phù sa và chất dinh dưỡng. Sự thay đổi này tác động tiêu cực đến các loài thủy sinh trong đó có cá là nguồn sinh kế của người dân sông trong lưu vực. Sự suy giảm các chất bồi lắng xuống hạ lưu có thể dẫn tới sự suy thoái hóa lòng dẫn, thay đổi sinh thái lòng sông, thoái hóa các vùng đồng bằng ven biển do lượng phù sa suy giảm, dẫn đến hậu quả biển lấn, sói lở bờ sông và bờ biển.

 

[2] Special Briefing  by Kurt M. Campbell - Assistant Secretary, Bureau of East Asian and Pacific Affairs, USA, Bali, Indonesia, July 22, 2011.

ASSISTANT SECRETARY CAMPBELL: All right. Today, we had a series of bilateral meetings, and we also had our first meeting of the East Asia Summit foreign ministers as we prepared the way for President Obama’s entry in November to the East Asia Summit. We also had this evening the meeting of the Lower Mekong Initiative, and also then the first-ever meeting of the Friends of the Lower Mekong, which is a series of countries, international financial institutions, and multilateral development banks who are committed to supporting a broad range of projects along the Mekong.

The substantial news out of that meeting was, after some extensive discussions with the key countries, Laos has announced today that they will continue their suspension of any dam-building activities, and that’s a major achievement. And the Secretary and all the key players in the meetings commended the Laotians for taking such a forward-leaning position. And of course, we will do a series of projects with them to try to determine what would be the consequences of a structure on the stem of the Lower Mekong.

In addition to these multilateral meetings, we also had an extensive bilateral meeting with Foreign Minister Yang this morning, a session with the Vietnamese foreign minister, and also a meeting during lunch with Foreign Minister Rudd.

 

All told, the primary areas of discussion were on North-South dialogue, on next steps with regard to the South China Sea, and overall plans for the United States to step up its diplomacy. And with Kevin Rudd, we discussed our force posture review and efforts on the part of the United States to further distribute U.S. forces in the Asia Pacific region.

 

 

 

[3] UBSMCVN: Những nội dung liên quan đến quá trình tham vấn khu vực (Hạ Long- Quảng Ninh, 22/3/2011)

[4]  Hương Thu, Vnexpress.net ngay 29/4/2011

[5]   Báo Post Today , 25/4/2011- Thái Lan

[6]  Artit Nanwittaya, Phó Giám đốc Ngân hàng Thương mại Siam-Thái Lan, Báo Post Today , 25/4/2011

[7] UBSMCVN: Những nội dung liên quan đến quá trình tham vấn khu vực (Hạ Long- Quảng Ninh, 22/3/2011)

 

[8] Cá tự nhiên sông Mê Công chiếm 10% GDP của Campuchia. Campuchia có số lượng cá tiêu thụ bình quân đầu người cao nhất thế giới và 80% người Campuchia phụ thuộc vào cá sông Mê Công làm nguồn Protein, hiện chưa có gì thay thế được.  Campuchia sẽ phải đối mặt với hàng loạt vấn đề xã hội khi 1.6 triệu người sống phụ thuộc vào nghề khai thác cá tự nhiên sông Mê Công bị mất sinh kế.  Các đập của Campuchia phụ thuộc vào vận hành của các đập ở phía trên. (SEA).

 

[9] MRC: Dân số trong lưu vực hiện tại là khoảng 60 triệu người và dự báo sẽ đạt 100 triệu người vào năm 2050.

[10] UBSMCVN: Những nội dung liên quan đến quá trình tham vấn khu vực (Hạ Long- Quảng Ninh, 22/3/2011)


 

Đóng góp ý kiến về bài viết này 

Mới hơn bài này
Các bài đã đăng
Tiêu điểm
Biến đổi khí hậu và An ninh nguồn nước ở Việt Nam.[08/07/21]
Đại hội lần thứ IV, sự kiện lớn của Hội Đập lớn & Phát triển nguồn nước Việt Nam.[27/04/19]
Hội Đập lớn & Phát triển nguồn nước Việt Nam phấn đấu vì sự nghiệp phát triển thủy lợi của đất nước.[18/04/19]
Danh sách Hội viên tập thể đã đóng niên liễm 2018.[11/01/19]
Chùm ảnh Đại hội lần thứ 2 Hội Đập lớn Việt Nam.[13/08/09]
Nhìn lại 5 năm hoạt động của VNCOLD trong nhiệm kỳ đầu tiên.[10/08/09]
Thông báo về Hội nghị Đập lớn Thế giới.[17/07/09]
Thư chào mừng của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải
VNCOLD đã thành công tại cuộc họp Chấp hành ICOLD Sofia (Bulgaria), 6/6/2008
Phó Thủ tướng khai mạc Hội thảo “ASIA 2008.
Tạo miễn phí và cách sử dụng hộp thư @vncold.vn
Website nào về Thủy lợi ở VN được nhiều người đọc nhất?
Giới thiệu tóm tắt về Hội Đập lớn & Phát triển nguồn nước Việt Nam.
Download miễn phí toàn văn các Tiêu chuẩn qui phạm.
Đập tràn ngưỡng răng cưa kiểu “phím piano".
Đập Cửa Đạt
Lời chào mừng
Qu?ng c�o