Bán đảo Cà Mau, vùng đất cực Nam của Tổ quốc, rộng 1,6 triệu ha (trong gần 4 triệu ha của Đồng bằng song Cửu Long), gồm thành phố Cần Thơ, các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và một phần tỉnh Kiên Giang. Sản xuất nông nghiệp và thủy sản có mức tăng trưởng cao với nhu cầu nước rất đa dạng. Qui hoạch thủy lợi để phát triển bền vững bán đảo Cà Mau đã được nghiên cứu từ nhiều năm nay. Ngày 28/12/2007, Bộ Nông nghiệp & PTNT đã tổ chức Hội thảo khoa học về chủ đề này. Viện Qui hoạch Thủy lợi miền Nam đã trình bày Báo cáo chính. Nhiều nhà khoa học, chuyên gia, đại diện các cơ quan, các địa phương,…đã tham gia thảo luận .. Dưới đây, xin trân trọng giới thiệu ý kiến của nguyên Bộ trưởng Thủy lợi Nguyễn Cảnh Dinh.
Vì đã lâu ngày không được tiếp xúc với các vấn đề thuỷ lợi nói chung và quy hoạch thuỷ lợi nói riêng, cũng không nắm chắc tình hình thực tế của bán đảo Cà Mau mười năm trở lại đây; hơn nữa chưa được nghiên cứu bản Quy hoạch chi tiết và chưa gặp trao đổi cụ thể với các đồng chí ở Viện Quy hoạch Thuỷ lợi Nam bộ trước, nên các ý kiến rất sơ bộ nêu sau đây chắc chắn có chỗ chưa sát thực tế, mong có dịp được nghe và thảo luận cụ thể.
1. Có một nhận thức chung là nguồn nước sông Mêkông tuy rất phong phú, nhưng do phân phối không đều trong năm, nên về mùa khô dòng chảy bị hạn chế, khả năng dùng nước trong lưu vực của các quốc gia thượng lưu đang gia tăng; tiềm năng phát triển nông nghiệp của ta còn rất lớn, sẽ còn đặt ra nhu cầu về dùng nước ngọt ngày càng tăng để phục vụ phát triển kinh tế xã hội của ta một cách bền vững; trong địa phận nước ta lại không có điều kiện xây dựng những hồ chứa tầm cỡ điều tiết nước sông Mêkông để trực tiếp phục vụ cho Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) về mùa khô. Do đó cần thiết tính toán chu đáo việc phân phối và sử dụng tiết kiệm nguồn ngọt có hạn (và còn có khả năng giảm sút xấu hơn) về mùa khô cho các vùng miền, giữa các mùa vụ khác nhau. Các vùng phát triển nông nghiệp nước ngọt ven biển, có điều kiện tổ chức tiêu thoát tốt hơn các vùng khác ở ĐBCL; trong quy hoạch thuỷ lợi trước đây đều chủ trương ngăn mặn, bảo đảm tiêu thoát tốt, tận dụng nước mưa, giữ ngọt, tiếp ngọt, chống hạn bà chằng, loại trừ khô hạn thất thường đầu hoặc cuối vụ mưa, bảo đảm sản xuất hè thu và vụ mùa, tận dụng nước mưa và nước sông Cửa Long còn phong phú; các tháng vụ khô 2, 3, 4 và 5 nói chung dành nước ngọt chủ yếu phục vụ sinh hoạt, chăn nuôi và tưới cây trồng cạn; việc này cũng có lợi cho cải thiện đất đai sản xuất nông nghiệp, nhất là ở vùng không sinh phèn; đề nghị trong xem xét lại quy hoạch thuỷ lợi vùng nông nghiệp ven biển cần nêu thật cụ thể, trong chỉ đạo sản xuất hàng năm cần nêu quyết liệt chủ trương này, đề phòng những năm khô hạn có thể gây đảo lộn cho đời sống và sản xuất công nông nghiệp trong vụ xuân.
2. Tôi hiểu vùng bán đảo Cà Mau trước nay đều lo tính việc mở rộng phạm vi diện tích được kéo dài thời kỳ có nước ngọt trong năm, để phục vụ phát triển kinh tế xã hội mà trọng tâm là phát triển trồng lúa; đặc biệt những năm cuối 80 đàu 90 do tình hình cụ thể thời kỳ đó, lãnh đạo Đảng và Nhà nước hết sức lo lắng cho sự thiếu đói lương thực của nhân dân ta.
Đã từng có phương án chủ trương làm các cống ngăn mặn trên sông Mỹ Thanh, sông Ghềnh Hào, sông Cái lớn-Cái bé, nhiều cống ngăn mặn khác, đào mới và nạo vét các kênh rạch để tiêu thoát và dẫn ngọt từ sông Hậu nhằm mở rộng khả năng phát triển lương thực. Người Pháp đã nghiên cứu dự án Quản lộ - Phụng hiệp từ năm 1918, họ đã cho đào 1 số kênh để tiếp ngọt và giao thông cho bán đảo Cà Mau; năm 1940 họ đã tiến hành nghiên cứu và thiết kế công trình ngăn mặn trên sông Mỹ Thanh tại vị trí Cổ Cò (gần cửa sông Mỹ Thanh), công trình đã bắt đầu thi công năm 1944, bị đình lại vì cuộc đảo chính của Nhật; năm 1970 chính quyền Sài Gòn đã hợp đồng với hãng Nippon của Nhật khảo sát thiết kế dự án ngăn mặn Mỹ Thanh và hoàn thành báo cáo thiết kế năm 1974, cũng lựa chọn một tổ hợp công trình ngăn mặn trên sông Mỹ Thanh tại vị trí Cổ Cò. Sau năm 1975, ta tiếp thu các kết quả nghiên cứu cũ, sơ bộ nghiên cứu quy hoạch toàn vùng bán đảo Cà Mau, dự kiến tiếp nước sông Hậu ngọt hoá ra tận biển cho toàn vùng phía đông sông Ghềnh Hào; cũng đã lựa chọn phương án xây dựng 1 tổ hợp công trình ngăn mặn giữ ngọt trên sông Mỹ Thanh tại Cổ Cò, gồm 1 đập ngăn sông dài 240m, cao 16m, 1 cống ngăn triều tiêu úng có 10 cửa mỗi cửa rộng 10m, lưu lượng tiêu là 1150m3/s. Công tình Mỹ Thanh đã khởi công xây dựng năm 1996, sau đó do khả năng đầu tư vốn hạn chế đã phải đình hoãn lại nhiều công trình, trong đó có công trình Mỹ Thanh; riêng công trình Mỹ Thanh (và còn vài công trình khác như cống đập Sài Gòn, hồ sông Luỹ...) vì nhiều lý do khác đã đình hoãn vô thời hạn.
Những năm trước 1995 công tác thuỷ lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL chủ yếu tập trung cao độ vào mở các kênh trục lớn, kênh cấp II, đắp bờ bao chống lũ sớm, làm mạnh mẽ thuỷ lợi cơ sở nội đồng, tiêu và ém chua phèn, ngăn mặn, giữ ngọt, dẫn ngọt, phục vụ cho chuyển vụ đông xuân-hè thu, bảo đảm nước vụ mùa, góp phần lo tạo nguồn nước sinh hoạt và chăn nuôi, giao thông chân rết, phục vụ phát triển nông nghiệp, dân sinh vào sâu từng vùng rộng lớn; phần xây đúc yêu cầu rất lớn, nhưng chủ yếu do kinh phí hạn hẹp, đồng thời về chủ trương kỹ thuật cũng phải được nghiên cứu kỹ, qua làm thử nghiệm thực tế, kết luận chặt chẽ từng bước, nên mới làm được rất ít (Tôi cho rằng phần xây đúc trong công tác thuỷ lợi ở ĐBSCL sắp tới vẫn còn phải đầu tư lớn).
Quy hoạch thuỷ lợi vùng bán đảo Cà Mau, trong đó có quy hoạch thuỷ lợi khu Quản lộ-Phụng hiệp, được tiến hành nghiên cứu lần đi lượt lại; thời kỳ đầu sau 1975 việc nghiên cứu quy hoạch là dựa trên những tiền đề các ngành trung ương và chủ yếu do các tỉnh đề ra; vào cuối 80 đầu những năm 90 còn nhằm phục vụ xây dựng và chịu sự chỉ đạo trực tiếp của QUY HOẠCH TỔNG THỂ ĐBSCL và đặc biệt QUY HOẠCH TỔNG THỂ BÁN ĐÀO CÀ MÂU. Theo như Báo cáo quy hoạch Thuỷ lợi chi tiết vùng bán đảo Cà Mau (Báo cáo tóm tắt) của Viện Quy hoạch Thuỷ lợi Nam bộ lần này đánh giá, thì thấy qua thực tế kiểm nghiệm việc thực hiện quy hoạch thuỷ lợi đã bám rất sát các mục tiêu của Quy hoạch Tổng thể bán đảo Cà Mau; nếu công trình hoàn thành đồng bộ, được quản lý sử dụng đúng mục đích, chắc chắn thực hiện được mục tiêu ngọt hoá toàn vùng Quản lộ-Phụng hiệp như Quy hoạch Tổng thể bán đảo Cà Mau đề ra. Một số điều tôi phân vân suy nghĩ là phải chăng: trên cả trục kênh chính Quản lộ-Phụng hiệp dàu như vậy, ta chưa đề ra cần có một vài công trình điều tiết là chưa phù hợp (chưa nhất thiết xây dựng ngay?) Trong bố trí kế hoạch thực hiện có lúc đã không nhất quán theo trình tự từ đông sang tây? Khi phát hiện ra có sự sử dụng đất đai trong vùng dự án có khác biệt xa với tình hình sử dụng đất làm tiền đề cho quy hoạch thuỷ lợi, do Quy hoạch Tổng thể bán đảo Cà Mau đề ra, ta đã chưa mạnh dạn kịp thời đề nghị Chính phủ cho dừng thực hiện dự án, để bổ sung quy hoạch phù hợp với tình hình mới? Trong quá trình thực hiện xây dựng dự án chưa kịp thời cho bổ sung kết cấu cong trình, để đảm bảo tất cả các cống ở vùng tranh chấp phát triển nông nghiệp nước mặn và phát triển nông nghiệp nước ngọt, đều có thể mở nước 2 chiều để muốn ngọt, muốn mặn đều có thể phục vụ), là điều Bộ hoàn toàn có quyền quyết định?
3. Tôi nhất trí với đề xuất của Viện Quy hoạch Thuỷ lợi Nam bộ cần thiết có quy hoạch thuỷ lợi chi tiết vùng bán đảo Cà Mau. Việc phải thường xuyên xem xét bổ sung quy hoạch là chuyện tất yếu, vì tình hình kinh tế, xã hội, khoa học kỹ thuật ... không ngừng thay đổi phát triển. Về mục đích quy hoạch thuỷ lợi này, tôi nghĩ có phần chi tiết hoá, nhưng có phần thực sự là phải quy hoạch lại, vì cơ cấu sử dụng đất đã thay đổi cơ bản, tức là đối tượng phục vụ của quy hoạch thuỷ lợi đã thay đổi hẳn. Dự án Quản lộ-Phụng hiệp, nhiều vùng rộng lớn đã chuyển từ yêu cầu ngọt hoá sang yêu cầu sử dụng thuận lợi nước mặn, đầu bài của dự án thuỷ lợi đã thay đổi thì phải quy hoạch lại; tuy nhiên có thể khẳng định là các cơ sở vật chất về thuỷ lợi, đã xây dựng ở vùng Quản lộ-Phụng hiệp cũng như ở các vùng khác tương tự, có thể phải sửa chữa nâng cao lên, nhưng chắc chắn vẫn tận dụng trở lại được hết, kể cả bờ bao, kênh mương và công trình bê tông.
- Vấn đề quan trọng trước hết là dự báo và xác định tương đối vững chắc cho hết được, địa bàn có khả năng chuyển đổi từ đất nuôi trồng sản phẩm nước ngọt, sang sản xuất sản phẩm nước mặn; giữa vùng mặn, ngọt cũng phải tương đối hoàn chỉnh tránh loang lổ da báo; dự kiến cho được địa chỉ và số lượng yêu cầu nước ngọt trong tương lai của công nghiệp và dân sinh; những chỉ tiêu này về kinh tế-xã hội là tiền đề để xem xét lại quy hoạch thuỷ lợi, tuy không đòi hỏi phải khẳng định một cách cứng nhắc, nhưng cũng phải có những cơ sở pháp lý nhất định.
- Trong nghiên cứu bổ sung hoặc xem xét lại quy hoạch thuỷ lợi từng vùng có chuyển đổi cơ cấu sản xuất, mà quan trọng nhất là chuyển từ dùng nước ngọt sang dùng nước mặn, tôi đề nghị cần cố gắng xem xét phương án có thể chuyển đổi trở lại khi thực sự có nhu cầu chuyển đổi sản xuất ngược lại (tức là lại dùng nước ngọt thay dùng nước mặn, đòi hỏi lại phải quy hoạch lại thuỷ lợi).
- Đề nghị Bộ cho thống kê các cống có như cầu thoát nước 2 chiều, cho nghiên cứu mẫu cải tạo các cống đó và cho kinh phí cải tạo ngay các cống cần thiết.
- Với điều kiện ánh sáng và khí hậu đồng bằng sông Cửu long, với điều kiện kinh tế-kỹ thuật phát triển của ta trong tương lai, tôi nghĩ khả năng tăng năng suất, tăng vụ (tất nhiên không phải chỉ tăng vụ lúa) còn rất lớn, tiềm năng nông (ngư) nghiệp ở ĐBSCL còn rất lớn. Trong quy hoạch bổ sung nói chung, cũng như trong Quy hoạch thuỷ lợi chi tiết bán đảo Cà Mau kỳ này, không nên để triệt tiêu mất các khả năng khi cần thiết phải xem xét tưới tiêu tách rời, tiêu nước triệt để, khả năng bơm nước chuyển nước cho vùng lớn, thậm chí cả chống lũ triệt để ..., để phát triển kinh tế và cả để xây dựng một xã hội văn minh ngày càng cao hơn, tất nhiên bây giờ chưa nên nêu lên thành kế hoạch, thậm chí chưa cần đưa lên Văn bản Quy hoạch, vì chưa có nhu cầu bức bách mà lại dễ bị chụp mũ, nhưng trong tương lai chắc chắn sẽ có lúc đặt ra.
- Khi vào WTO tôi hiểu trực tiếp trợ giá cho sản phẩm nông nghiệp là không được, nhưng phát triển hạ tầng, hỗ trợ thuỷ lợi thì lại được. Tôi đề nghị cần chú ý vấn đề này trong đề xuất phương án quy hoạch thuỷ lợi ĐBSCL kể cả phục vụ cho phát triển nuôi trồng thuỷ sản nước mặn. (Quốc hội đang bàn vấn đề có thể xoá bỏ thuỷ lợi phí cho nông dân trong các hệ thống thuỷ nông, nhà nước sẽ giải quyết kinh phí sửa chữa nhỏ và nuôi bộ máy quản lý hệ thống thuỷ nông bằng vốn ngân sách. Tôi đề nghị cần tính toán làm sao cho công bằng với nông dân ĐBSCL đang phải lo kinh phí bơm tiêu vợi và bơm nước tưới, mà vẫn sòng phẳng trong quan hệ WTO).
4. Đọc báo cáo, có một số vấn đề tôi chưa rõ xin nêu lên để các đồng chí nghiên cứu quy hoạch làm rõ.
- Vấn đề nước lợ, tiêu chuẩn nước lợ là thế nào để thoả mãn yêu cầu của sản xuất nước lợ? Biện pháp kỹ thuật thuỷ lợi như thế nào để bảo đảm tiêu chuẩn nước lợ đó, nhất là trên diện rộng?
- Vấn đề nước cho chống cháy rừng, tiêu chuẩn chất lượng nước, mức ngập nước và thời gian ngập như thế nào là hợp lý, phù hợp với sinh lý cây trồng?
- Yêu cầu tách rời cấp nước, thoát nước ở vùng nuôi trồng thuỷ sản nước mặn ở cấp kênh nào là thoả đáng?
- Vấn đề tiêu chuẩn phòng lũ tính toán cho khu dân cư và cho đường bộ như nhau có lẽ chưa thoả đáng; đặc biệt những khu dân cư được bảo vệ bằng bờ bao (nhất là vùng bao không lớn), theo tôi cần bảo đảm an toàn tuyệt đối. Tiêu chuẩn tính toán chiều cao đê biển trong quy hoạch cũng cần dự kiến đến những trận bão lớn ở Nam Bộ, mới xét ở mức triều cường là chưa đủ; tất nhiên khi xây dựng, thì các nhà thiết kế và nhà kế hoạch có khi phải đề nghị cho nâng cao dần từng bước phù hợp với sức nén chặt dần của nền đê và khả năng đầu tư.
- Vấn đề bờ biển xói và chủ trương lên đê biển?
- Qua thực tế miền Bắc (và một số nước khác), có nhiều công trình xây đúc trên các bờ bao dọc các sông trước đây chưa chú ý đến vấn đề tôn cao bờ bao (đê điều) sau này, nên cho tới nay có nhiều cống xây dựng đã hơn 70-80 năm vẫn phải lần lượt lo nối dài để tôn cao phần đất, đề nghị chú ý đến thực tế này trong các quy hoạch bổ sung nâng cao.
- Vấn đề giáp nước là một vấn đề lớn ở vùng thuỷ triều, trong báo cáo có nêu tình hình, nhưng chưa nêu hướng giải quyết, đề nghị trong từng vùng có phương án cụ thể.
5. Về nội dung phương án quy hoạch sẽ tìm hiểu và suy nghĩ thêm, tôi xin sơ bộ nêu một số ý.
- Có cách gì đề nghị phương án tiếp ngọt cho vùng U Minh khi chưa thể đặt ra ngăn mặn trên sông Cái lớn Cái bé không? (Trước đây dự kiến lấn dần, qua thực hiện Dự án Quản lộ-Phụng hiệp, nay có lẽ tắc mất đường dẫn rồi?).
- Vùng tây sông Hậu phần thuộc bán đảo Cà Mau, phương án bao vừa và lớn đề nghị vẫn nên đưa vào một phương án có cống qua đường Lộ tẻ-Long xuyên bảo đảm khẩu độ thoát lũ như các cầu hiện có; ngoài các thí điểm đã vay vốn thực hiện, đề nghị xem xét một phương án chỉ bao cao những vùng đông dân, vùng trồng cây ăn quả, các vùng khác vẫn giữ mức bờ bao (đê) bảo đảm sản xuất đông xuân, hè thu, có lưu ý các công trình xây đúc cần có dự trữ cần thiết cho tôn cao bờ bao sau này (kể cả khi cần chống lũ triệt để). Tôi nghĩ vùng tây sông Hậu thuộc bán đảo Cà Mau là vùng lũ ngập nông, chống lũ triệt để sẽ tạo ra tình thế phát triển kinh tế, xã hội văn minh không lường trước được, những lợi ích do lũ mang lại như diệt sâu, chuột, tranh thủ được một ít phù sa ... cũng như nguy cơ vỡ đê, có thể khắc phục được như thực tế ở miền Bắc và nhiều quốc gia khác. Tuy nhiên, đây là một vấn đề rất lớn, cần làm thí điểm thật tốt, rút kinh nghiệm thật kỹ, mới mở rộng dần, phải đợi chờ cho đến khi người dân và chính quyền địa phương thấy việc cần chống lũ triệt để là bức thiết thì mới thành công được.
- Vùng Dự án Quản lộ-Phụng hiệp, đề nghị coi là trọng điểm của kỳ bổ sung quy hoạch lần này. Đề nghị nêu các cống cần cải tạo, kể cả cần mở rộng khẩu độ trong các phương án cần thiết. Tôi nghĩ đầu và cuối các kênh đều cần có cống đóng mở chủ động, tuy trong bước đi thực hiện quy hoạch thì có phân trình tự cấp, hoãn khác nhau. Đề nghị nghiên cứu cụ thể sắp xếp có nhiều phương án quy hoạch vùng chuyên nuôi trồng thuỷ sản nước mặn, bảo đảm cấp nước và thoát nước riêng biệt, trên cả vùng lớn, theo các mùa vụ khác nhau; gắn với phá giáp nước điều khiển dòng chẩy chẩy một chiều, góp phần bảo vệ môi trường trong lúc chưa thực hiện được triệt để các biện pháp bảo vệ môi trường, nhất là vùng thị xã Cà Mau, dọc kênh Bạch Ngưu, kênh Chắc Băng. Trên cơ sở đó nêu lên quy trình đóng mở cả hệ thống các cống trong vùng một cách tối ưu. Phương án tách riêng vùng ngọt, tôi nghĩ cần có công trình ngăn cách chủ động, nếu như phương án sử dụng đất theo phương án II là có đầy đủ cơ sở pháp lý, thì tôi thấy nên có cống bảo đảm tiêu thoát, ngăn mặn, giao thông ... trên kênh Quản lộ-Phụng hiệp, tại vị trí dưới ngã tư kênh Ngàn dừa + kênh Phụng hiệp; đề nghị xem xét khả năng mở thêm kênh dẫn ngọt chạy song song với kênh Quản lộ-Phụng hiệp giữa vùng nam kênh, nối liền với kênh Ninh Quới-Bạc Liêu (và kênh Nàng rền), để tiếp nước ngọt cho vùng nam QL-PH. Nếu có thêm vùng lúa và tôm nước lợ theo mùa, thì phân chia giữa vùng nước mặn suốt năm và vùng mặn theo mùa, cũng nên cân nhắc có thêm cống trên kênh Quản lộ-Phụng hiệp. Khi có cống điều tiết trên kênh Quản lộ-Phụng hiệp, thì ngoài mục tiêu ngăn mặn giữ ngọt, đề nghị có tính toán phương án tổ hợp đóng mở các cống, để xem xét phương án tiêu úng ngập trong mùa mưa có lợi nhất cho vùng hạ du cống điều tiết (vùng Ninh Quới - Cà Mau), mà không tăng đáng kể mức ngập úng phía thượng du cống điều tiết, để đề nghị cân nhắc chủ trương.
Xin gửi tới các anh mấy ý kiến sơ bộ, đề nghị tham khảo./.
Hà Nội, ngày 22 tháng 12 năm 2006
Nguyễn Cảnh Dinh
|