» Mở tất cả ra       » Thu tất cả lại


English and French
Tìm kiếm
 Tình hình thời tiết
Hà Nội28°C
Hải Phòng27°C
Huế23°C
TP Hồ Chí Minh31°C
Ðà Nẵng23°C
 Số lượt truy cập

81310967

Tư liệu
▪ Danh mục các quy hoạch thủy lợi đã được phê duyệt [26-10-2023]
▪ Thủ Tướng Chính Phủ phê duyệt Quy hoạch Phòng chống thiên tai và Thủy lợi 2021-2030 [25-07-23]
▪ VIỆN QUY HOẠCH THỦY LỢI 60 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN
▪ Mực nước trạm sông đốc, bờ biển tây và bán dảo Cà Mau.[20/12/21]
Quản lý Qui hoạch
Gửi bài viết này cho bạn bè

Đưa tư duy phát triển hiện đại vào quy hoạch và quản lý thành phố Hồ Chí Minh.[14/5/08]
Đô thị hoá với tốc độ lớn đặt ra nhiều thách thức cho công tác quy hoạch và quản lý TP. Hồ Chí Minh. Các thách thức đó tuy có tính đặc thù của Thành phố nhưng...

ĐƯA TƯ DUY

PHÁT TRIỂN HIỆN ĐẠI

VÀO QUY HOẠCH

VÀ QUẢN LÝ

THÀNH PHỐ

HỒ CHÍ MINH


a
b

 


                                  
TS. PHAM SỸ LIÊM

PHÓ CHỦ TỊCH TỔNG HỘI

XÂY DƯNG VIỆT NAM,

                                            VIỆN TRƯỞNG

                                                      VIỆN NGHIÊN CỨU ĐÔ THỊ

 VÀ PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG

 

 


        
1. Sự hình thành tư duy phát triển đô thị hiện đại

 

Đô thị học hiện đại bắt đầu từ những năm 20 - 30 của thế kỷ trước với sự ra đời của Chủ nghĩa Hiện đại (Modernism). Trong hai cuốn sách về Đô thị học xuất bản năm 2001 và 2003, giáo sư Trương Quang Thao đã giới thiệu quá trình hình thành và phát triển đô thị học hiện đại, “đặt trọng tâm vào thành tựu đô thị học của ngày hôm nay”. Trong bài này tôi chỉ xin nói thêm về tình hình Đô thị học trong gần 20 năm lại đây.

Người đi tiên phong đề xướng Chủ nghĩa Hiện đại  là Le Corbusier (1887 - 1965). Ông này đề cao tính “hợp lý” phải có của đô thị  thời đại công nghiệp , với hình học là nền tảng và chủ nghĩa công năng là chủ đạo.

Sự thành lập “Đại hội quốc tế kiến trúc hiện đại” (CIAM) năm 1928 và Hiến chương Athènes (1933) đánh dấu sự toàn thắng của Chủ nghĩa Hiện đại. Hiến chương này chia đô thị thành 3 khu chức năng: cư trú, công nghiệp và nghỉ ngơi giải trí, kết nối với nhau bằng các đại xa lộ.

            Các luận điểm quen thuộc của Chủ nghĩa Hiện đại là:

-          Hình thức vĩnh viễn đi theo công năng (form ever follows function);

-          Nhà ở là máy móc để cư trú (the house is a machine for living in);

-          Trang trí là đồ bỏ đi (ornament is excrement);

-          ít đi chính là nhiều hơn (less is more).

Do hầu hết các đô thị đã được xây dựng theo đô thị học cổ điển rồi nên Chủ nghĩa Hiện đại chỉ có thể phát huy hiệu lực tại các khu nhà mới xây ở ngoại thành, tại một số thành phố của Liên Xô, và nhất là trong giai đoạn khôi phục các đô thị  Châu Âu  bị phá hủy trong Thế chiến II. Đô thị thể hiện toàn vẹn Chủ nghĩa Hiện đại là Brasilia, thủ đô hành chính của Bra - xin, xây dựng hoàn toàn mới trên đất trống, với phân khu chức năng đô thị rạch ròi; công sở Chính phủ và Quốc hội hùng vĩ mang tính tượng đài; đại xa lộ khổng lồ dài 30 km, rộng 160 m; toàn thành phố được hình thành bởi mấy chục tiểu khu nhà ở 6 đến 8 tầng lắp ghép trên bãi cỏ; không có phố xá và trung tâm thương mại…

Chủ nghĩa Hiện đại có ảnh hưởng rất lớn tới Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa, trong đó có nước ta, vì rất phù hợp với phát triển đô thị trong nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung.

Dần dà trong nội bộ CIAM xuất hiện một nhóm bất đồng quan điểm, gọi là Team 10, dẫn đến sự giải thể của CIAM năm 1959. Tiếp đó, nữ nhà báo Mỹ Jane Jacobs viết cuốn sách nổi tiếng “ Cuộc sống và cái chết của các thành phố lớn của Mỹ” (1961), mở đầu cho việc đánh giá lại Chủ nghĩa Hiện đại. Các cuộc phê phán kéo dài trong các thập kỷ 60 và 70 thế kỷ trước đã vạch ra 8 “sai lầm” của Chủ nghĩa Hiện đại:

1/- Phân khu chức năng quá  mức, làm người dân đô thị  suốt ngày phải di chuyển từ nơi này đến  nơi khác, tiêu hao nhiều nhân lực, vật lực và tài lực;

            2/- Đô thị  trở nên đơn điệu với các khu “cao ốc trong công viên” (Tower in a Park), bị chia cắt thành từng mảnh bởi các đại xa lộ, làm cho con người dễ buồn chán và xa lạ với nơi mình ở;

            3/- Công năng đô thị yếu kém, đời sống thị dân gặp nhiều bất tiện, khiến nhiều người tự phát tỏa ra ngoại thành xây chỗ ở lộn xộn, tạo thành các vòi bạch tuộc (tạm dịch  từ  sprawl) theo các tuyến đường ngoại thành;

            4/- Công trình kiến trúc được sản xuất hàng loạt theo Chủ nghĩa Ford trong sản xuất ô tô với nhà lắp ghép, nhà khối hộp …, cùng với các đại xa lộ và quảng trường đô thị  rộng mênh mông;

            5/- Truyền thống lịch sử và văn hóa bị xem nhẹ; chủ trương triệt hạ các khu đô thị cũ đường xá chật hẹp, nhà cửa tối tăm để xây dựng đô thị mới (Slum clearance. Lời của Le Corbusier: we must build on a clear site).

            6/- Khuyến khích xây dựng các kiến trúc vĩ đại mang tính tượng đài, thoát ly môi trường chung quanh và xa rời tầm vóc con người;

            7/-  Các khu nhà ở giống nhau kiểu trại  lính, thiếu công năng hỗn hợp, đi lại dựa vào xe hơi, không thân thiện với người đi bộ;

            8/- Tổ chức giao thông theo dạng đường phố trục chính và các đường nhánh thu gom, tạo ra tắc nghẽn giao thông.

 

            Trào lưu tư duy mới tập trung trước tiên vào việc cải thiện điều kiện cư trú và tổ chức lại giao thông đô thị để khắc phục sự tắc nghẽn. Kết quả thực tiễn đầu tiên là  thành phố St. Louis (Mỹ) dỡ bỏ 33 tòa nhà 11 tầng  gồm 2870  căn hộ của tổ hợp nhà ở Pruist - Igoe năm 1972, rồi đến việc thành lập tổ chức Nghị trình về Tính Cơ động Mới (The New Mobility Agenda) tại Paris năm 1974 v.v.. Tiếp theo đó, từ giữa thập kỷ 90 xuất hiện phong trào “Tăng trưởng thông minh” (Smart Growth) nhằm chống lại hiện tượng vòi bạch tuộc (sprawl), nhấn mạnh đến cư trú tốt (livability), sử dụng hiệu quả đất đai và công trình hạ tầng hiện có của đô thị.

            Các tư duy mới trong đô thị học dần dần hội tụ thành lý luận hoàn chỉnh gọi là Đô thị học Mới (New Urbanism)  lần đầu tiên được phát biểu dưới dạng Các Nguyên tắc Ahwahnee, do một nhóm kiến trúc sư gồm Peter Calthorpe, Michel Corbett, Andrés Duany v.v… khởi thảo và được công bố năm 1991 tại khách sạn Ahwahnee ở California. Tiếp đó họ thành lập Đại hội Đô thị học Mới (Congress for the New Urbanism - CNU) năm 1993, đến Đại hội năm 1996 ở Charleston thì thông qua Hiến chương Đô thị học Mới (Charter of the New Urbanism). Năm 2007 Đại hội lần thứ 17 họp ở Philadelphia.

            Đô thị  học Mới lan sang Châu Âu, dẫn đến việc thành lập Hội đồng Đô thị học Châu Âu (Council for European Urbanism - CEU). Năm 2003 tổ chức này họp ở Stockholm và thông qua Hiến chương Đô thị học Châu Âu (Charter for European Urbanism). Trước đó ít lâu, ở Châu Âu đã có phong trào Phục hưng Đô thị  (Urban Renaissance), khởi đầu với việc xây dựng đô thị mới Poundbury ở Anh do Leon Krier lập Quy hoạch tổng thể cho giai đoạn 1988 - 2007.

              Châu úc cũng hình thành Hội đồng Đô thị học Mới Châu úc (Australia Council for New Urbanism - ACNU) có quan hệ mật thiết với các tổ chức tương tự ở Mỹ và Châu Âu.

          Đô thị học Mới ở Châu á cũng bắt đầu được quan tâm, nhờ các hoạt động rất tích cực của Christopher Charles Benninger tại Trường Quy hoạch (School of Planning) tại  Ahmedabad (ấn độ). Ông này trong cuốn sách “Các Nguyên tắc của Đô thị học Thông minh” (Principles of Intelligent Urbanism) xuất bản năm 2001, đề xuất 10 nguyên tắc PIU là : 1. Cân bằng với Thiên nhiên (A balance with Nature); 2. Cân bằng với truyền thống; 3. Công nghệ thích hợp (Appropriate Technology); 4. Thân thiện hiếu khách (Conviviality); 5. Tính hiệu quả (Efficiency); 6. Tầm vóc con người (Human Scale); 7. Ma trận cơ hội (Opportunity Matrix); 8. Hội nhập vùng (Regional Integration); 9. Sự di chuyển  cân bằng (Balanced Movement) và 10. Trung thực về thể chế (Institutional Integrity).

            Các Nguyên tắc Đô thị học Thông minh được Benninger vận dụng vào Đồ án Kết cấu Thimphu 2002 - 2007 (Thimphu Structural Plan), được Bộ trưởng Văn hóa Bhutan báo cáo tại hội thảo quốc tế cuối năm 2007 ở Bangkok.

            Tại Trung Quốc, Đô thị học Mới lần đầu tiên được giới thiệu trong cuốn sách “Xã khu mới và Thành thị  mới” của Dương Đức Chiêu (2006).

           Đô thị học mới cũng bắt đầu tác động đến nước ta thông qua một số Dự án ODA về Nâng cấp đô thị, Quy hoạch đô thị, Chiến lược phát triển đô thị  và các dự án hợp tác song phương  giữa các  trường, viện trong và ngoài nước.

 

            Tóm lại, trong khoảng 20 năm qua Đô thị học Mới đã phát triển mạnh mẽ, lan truyền nhanh chóng và đạt được một số thành tựu, thể hiện trong các xã khu (Neighbourhoods) do Duany và Peter - Zybeck thiết kế, các thiết kế xã khu truyền thống (Traditional Neighbourhood Design - TND) của Peter Calthorp, xã khu hỗn hợp  mật độ cao định hướng quá cảnh (Transit Oriented Development - TOD), các làng đô thị  (Urban Villages) … Tiêu biểu nhất cho Đô thị học mới là sự triệt để thay da đổi thịt của Thành phố Vancouver  để trở thành “đô thị hôm nay của ngày mai” nhờ thực hiện Đồ án Đô thị  (City Plan) từ 1995 đến nay, được đánh giá là thành phố của các xã khu (a city of neighbourhoods), trong đó người dân mọi lứa tuổi và mọi nền văn hóa đều có chung cảm nhận cộng đồng (sense of community).

            Cùng với Đô thị học Mới đã hình thành những môn học mới như thiết kế đô thị (Urban Design), đô thị học cảnh quan (Landscape Urbanism),  và nhiều khái niệm mới như làng đô thị, nông nghiệp đô thị  (Urban Agriculture), chất lượng cuộc sống (Quality of life), đô thị nén (Compact city) v.v…

            Mười nguyên tắc sau đây của Đô thị học Mới có thể áp dụng cho dự án công trình đơn chiếc hoặc của cả một xã khu:

            1. Tiện đi bộ ( walkability); 2. Kết nối giao thông (Connectivity); 3. Sử dụng hỗn hợp và sự đa dạng (Mixed Use & Diversity) của công trình phục vụ hướng đến mọi lớp người; 4 Nhà ở hỗn hợp  (Mixed housing) với các kiểu dáng, quy cách và giá cả khác nhau; 5. Chất lượng của kiến trúc và thiết kế đô thị; 6. Cơ cấu xã khu truyền thống; 7. Mật độ tăng cao (Increased Density); 8. Giao thông thông minh (Smart Transportation); 9. Sự bền vững (Sustainability); 10. Chất lượng cuộc sống.

            Gần như cùng lúc với sự hình thành và phát triển của Đô thị học Mới, UNDP, UNHCR và WB đưa ra Chương trình Quản lý đô thị (UMP) với ba giai đoạn 5 năm, từ 1986 đến 2001, để nhận dạng và đề ra giải pháp cho các vấn đề của đô thị, chủ yếu là đô thị các nước đang phát triển nhằm đón đầu các thách thức khi quá nửa nhân loại vào sống trong đô thị. Trên cơ sở đánh giá thực tiễn và tổng kết kinh nghiệm hay, Chương trình khởi xướng Chiến lược Phát triển Đô thị (CDS) hướng tới Đô thị bền vững với 4 độ đo (dimension) là cư trú tốt (livability), sức cạnh tranh (competitiveness), trị lý giỏi (good governance) và tài chính lành mạnh (bankability). Nhiều luận điểm của Đô thị học Mới đã được đưa vào Chiến lược này, nhất là về cư trú tốt.

 

          2. Tiến tới Đô thị học mang đặc điểm Việt Nam.

 

            Từ thập kỷ 70 thế kỷ trước trở lại đây, các  môn kinh tế học phát triển, kinh tế học công cộng, kinh tế  học đô thị và kinh tế học thể chế phát triển mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tựu mà WB đưa vào các Báo cáo Phát triển Thế giới hàng năm. Xã hội học hiện đại, kể cả xã hội học đô thị, có nhiều đột phá mới, cảnh báo về  sự  gia tăng khoảng cách giàu nghèo giữa các lớp người và các quốc gia, thúc giục phải xóa nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống con người, coi trọng bình đẳng giới và quan tâm các lớp người bị thiệt thòi (trẻ em, người tàn tật và người già).

            Quá trình toàn cầu hóa đem lại cho đô thị  nhiều cơ hội cũng như thách thức mới. Các đô thị  ngày nay phải đối diện với sự cạnh tranh và hợp tác không chỉ trong từng quốc gia mà cả trong khu vực và trên toàn cầu. Vấn đề bảo vệ môi trường cũng vậy, không chỉ là mối quan tâm quốc gia mà còn cả ở cấp khu vực và thế giới với sự thay đổi khí hậu toàn cầu.

            Các thể chế dân chủ ngày càng quan trọng  hơn và được xem là thành tố của sự phát triển. Các đại biểu quốc tế tham dự cuộc hội thảo ở Xơ un để rút ra các bài học về khủng khoảng  kinh tế Châu á năm 1997, đã rất tán thưởng câu nói của Tổng thống Kim Đại Trọng: “Dân chủ và thị trường là hai bánh xe của cỗ xe phát triển”. Thể chế dân chủ càng trở nên cấp thiết trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng của các quốc gia, kể cả các quốc gia phát triển. Đồng thời vào cuối thế kỷ  20 đã hình thành  ý thức hệ mới, gọi chung là  chủ nghĩa cộng đồng (communitarianism), nhấn mạnh đến vai trò tham gia của cộng đồng và xã hội dân sự  vào quá trình hoạch định và thực hiện các chủ trương, chính sách công. Gần đây sự tham gia của cộng đồng (participation) đã được nâng lên thành quan hệ đối tác với cộng đồng (partnership).

            Tất cả các tư duy hiện đại nói trên đều phản ánh vào đô thị học, vào quy hoạch đô thị và quản lý đô thị hiện đại.

            ở nước ta, tư duy phát triển được hình thành trong đường lối đổi mới. Đó là thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa đi đôi với xây dựng xã hội công bằng, dân chủ và văn minh, đặt con người vào vị trí trung tâm của quá trình sự phát triển. Tư duy này hoàn toàn đồng bộ  với luồng tư duy phát triển hiện đại trên thế giới.

            Thế nhưng điều đáng tiếc là đô thị học nước ta chưa đổi mới được bao nhiêu, vẫn còn áp dụng nhiều nguyên lý đô thị học “đại thừa” truyền bá từ Liên Xô về hay đô thị học “tiểu thừa” học được ở các nước xã hội chủ nghĩa khác, tuy đã được cải biên ít nhiều. Các cuốn sách rất uyên bác của giáo sư Trương Quang Thao vẫn chưa tạo được sự chuyển động tư duy cần thiết trong đô thị học nước ta.

            Đô thị học mới tuy đem lại nhiều cái mới nhưng cũng có một số hạn chế mà nhiều chuyên gia đô thị học đã phê phán, chẳng hạn như quá coi trọng tính thẩm mỹ hơn tính thực tiễn, nặng tính hoài cổ v.v… Thực ra, dù là Chủ nghĩa Hiện đại hay Đô thị học Mới, nếu đi đến cực đoan thì đều có hại hoặc xa rời thực tế. Như câu nói “ Thành La Mã không phải xây dựng trong một ngày”, sự phát triển của đô thị học là cả quá trình không ngưng nghỉ, đồng hành với tiến bộ  của toàn nhân loại. Đô thị học hiện đại  chính là sự kế tục có chọn lựa những thành tựu của Chủ nghĩa Hiện đại và vận dụng các luận điểm hợp lý của Đô thị học Mới  kết hợp với tư  duy phát triển trong thời đại toàn cầu hóa. Đô thị học hiện đại chính là cơ sở lý luận của Chiến lược phát triển đô thị  bền vững đang được Liên hiệp quốc và WB khuyến khích áp dụng.

            Nước ta đang trong quá trình đô thị hóa nhanh chóng, đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách nhận dạng đúng đắn các cơ hội và thách thức để đề ra chiến lược phát triển đô thị bền vững. Mong rằng số chuyên gia đô thị học ít ỏi rải rác trên cả nước tập hợp lại, tiếp thu thành tựu của đô thị học hiện đại trên thế giới mà chung sức xây dựng đô thị học mang đặc điểm Việt Nam, làm cơ sở lý luận cho thực tiễn quy hoạch đô thị và quản lý đô thị nước ta. Tại Hội thảo này tôi chỉ xin nêu vài suy nghĩ bước đầu về vận dụng luận điểm cư trú tốt của đô thị học hiện đại vào quy hoạch và quản lý TP. Hồ Chí Minh, mong được trao đổi với các vị có cùng mối quan tâm.

 

        3. Đưa luận điểm Cư trú tốt (Livability)  vào quy hoạch và quản lý TP. Hồ Chí Minh

 

            Luận điểm cư trú tốt nghiên cứu điều kiện tiện nghi cho sinh hoạt hàng ngày và đi lại của người dân đô thị, nên cũng thường được gọi là cư trú tốt của cộng đồng (Community hoặc  Neighbourhood Livability).

            Cư trú tốt được đánh giá trên các mặt sau đây:

(1)       An toàn và sức khỏe (an toàn giao thông, an toàn cá nhân và sức khỏe công cộng);

(2)       Môi trường sinh thái (sạch, yên tĩnh, không khí và sông hồ trong lành);

(3)       Môi trường xã hội (láng giềng thân thiện, đối xử bình đẳng, tôn trọng nhau, có cộng đồng cảm);

(4)       Cơ hội  nghỉ ngơi, giải trí; bản sắc văn hóa, lịch sử, kiến trúc v.v…          

Đối với TP. Hồ Chí Minh, cư trú tốt nên bao gồm cả xóa đói giảm nghèo, chăm sóc trẻ em, người già, người tàn tật, các hoạt động khuyến học và từ thiện.

Trong quy hoạch và quản lý đô thị, cư trú tốt đòi hỏi phải có tư duy mới trong việc tổ chức các khu ở và mạng lưới giao thông đô thị.

Luận điểm của Chủ nghĩa Hiện đại về vấn đề ở dẫn đến sự hình thành các tiểu khu nhà ở (microdistrict), bắt nguồn từ lý luận về “đơn vị xóm giềng” (neighbourhood unit) do Clarence Perry (Mỹ) đưa ra năm 1929, gồm 6 điểm chủ chốt là : 1). Quy mô tùy thuộc vào trường học ; 2) Giao thông quá cảnh phải bố trí trên bốn phía ranh giới; 3). Có không gian công cộng; 4). Các công trình công cộng bố trí ở trung tâm; 5).Đầu mối giao thông bố trí tập trung tại khu thương nghiệp ; 6). Giao thông nội bộ không nối trực tiếp giao thông bên ngoài.  Như vậy trong đơn vị láng giềng, nhà ở tỏa ra trong bán kính nhất định xung quanh trường học và tách khỏi công trình thương nghiệp, còn công trình công cộng và không gian công cộng được cụm lại ở trung tâm.

Lý luận “đơn vị láng giềng” kết hợp với luận điểm của Le Corbusier trong cuốn sách “Đô thị hiện đại” (1922) về nhà ở cao tầng xây thưa trên bãi cỏ để hứng gió và ánh sáng, đã dẫn đến phong trào “Cao ốc trong Công viên”, tạo ra các tiểu khu nhà ở cao tầng, mà tiểu khu đầu tiên loại này được xây dựng năm 1939 ở Mỹ, gồm 51 tòa nhà 7 đến 15 tầng cho  42 000 người ở, có tên là Công viên Chester.

Mô hình tiểu khu nhà ở được giới quy hoạch đô thị Liên Xô đặt tên là Microraion, tiếp nhận và nghiên cứu hoàn thiện, thể hiện trong rất nhiều đồ án trình bày tại Triển lãm Xây dựng Đô thị  năm 1960 tại Matxcova. Với mô hình này thì “sẽ không còn phố xá hai bên đường” như lời kiến trúc sư A. Obraztsov.

Tuy vậy trong khi các nước phương Tây sớm nhận ra các nhược điểm của tiểu khu nhà ở và từ bỏ mô hình này từ những năm 60 - 70 thì tại Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác vẫn tiếp tục áp dụng cho đến thập kỷ 90 thế kỷ trước. Năm 1997 đại diện các nước Đông Âu họp tại Bungari thông qua “Tuyên bố Sophia về tương lai của nhà tấm lớn tại Trung Âu và Đông Âu” để kết thúc thời kỳ tiểu khu nhà ở.

Mô hình tiểu khu nhà ở ngày nay được thay thế bằng mô hình  xã khu cư trú tốt (Livable Community) (Xã khu là từ Trung Quốc, tương đương với Community và Neighbourhood). Theo mô hình này thì người sống trong xã khu phải có được cảm nhận cộng đồng (Sense of  Community), nhận thức được rằng mình là thành viên có trách nhiệm với tập thể nơi mình ở, tức là có cảm nhận quy thuộc (Sense of Belonging) thông qua việc tham gia mạng lưới xã hội (Social Fabric).  Mặt khác người dân cũng phải có cảm nhận địa điểm (Sense of Place), gắn bó quyến luyến với không gian có bản sắc riêng nơi mình ở, như lời Chế Lan Viên “đất bỗng hóa tâm hồn”. Người ta dùng thủ pháp tạo lập địa điểm (Placemaking) như tạo ra vườn hoa, quảng trường, phố xá và mặt nước, tức là cảnh quan đô thị có sức hấp dẫn, tạo điều kiện gặp gỡ, giao tiếp, làm quen, kết bạn, nhằm tăng cường cảm nhận địa điểm và cảm nhận cộng đồng.

Muốn tạo lập cảm nhận cộng đồng và cảm nhận địa điểm trong dân cư thì cần làm tốt 5 mặt sau đây:

(1)      Cư dân thân thiện và văn minh;

(2)      Môi trường tự nhiên và cảnh quan tốt đẹp;

(3)      Di sản văn hóa phong phú: lịch sử, truyền thống, truyền thuyết của địa phương;

(4)      Lễ hội, triển lãm, liên hoan, ca nhạc, họp chợ v.v… đông vui.

(5)      Đặc sản địa phương như ẩm thực, đồ thủ công mỹ nghệ …

Thành phố Hồ Chí Minh đã có phong trào xây dựng phường văn hóa. Tôi nghĩ rằng 5 mặt nói trên rất gần gũi với nội dung phường văn hóa và nên bổ sung vào  mục tiêu của phường văn hóa việc xây dựng cảm nhận cộng đồng, cảm nhận địa điểm.

Việc quy hoạch xã khu mới dựa trên 10 nguyên tắc của Đô thị học mới đã nói ở phần trước, nay xin giới thiệu mười thành phần quan trọng nhất tạo thành xã khu cư trú tốt;

(1)      Khu vực công cộng (public realm) lấy đi bộ  làm chủ yếu;

(2)      Giao thông cơ giới ít, tốc độ thấp, không tắc nghẽn;

(3)      Nhà ở tiện nghi, rẻ và có vị trí ưu việt;

(4)      Trường học, cửa hàng và công trình phục vụ thuận lợi;

(5)      Có vườn hoa và không gian trống  thuận tiện;

(6)      Môi trường tự nhiên trong lành;

(7)      Cảnh quan xã khu phong phú, ngăn nắp;

(8)      Tạo cho mọi người cảm giác an toàn;

(9)      Nhấn mạnh các đặc điểm  sinh thái, văn hóa và lịch sử;

10) Tạo môi trường giao lưu giữa mọi người dân.

Xã khu cư trú tốt là xã khu có bản sắc (neighbourhood character) nhìn thấy được và cảm nhận được. Bản sắc xã khu  trở thành cụm từ chủ đạo trong Đồ án Đô thị (City Plan) của thành phố Vancouver (Canada) từ năm 1995 và trong hệ thống quy hoạch của bang Victoria (úc) từ năm 2001,

Không giống Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh trước năm 1975 mới chỉ có tiểu khu nhà ở Thanh Đa. Thế nhưng theo nhận xét của tôi thì nhiều Khu Đô thị Mới được xây dựng gần đây vẫn chịu ảnh hưởng của luận điểm tiểu khu nhà ở, trừ Khu Đô thị mới Phú Mỹ Hưng được xây dựng thành xã khu cư trú tốt, có bản sắc xã khu, xứng đáng được đề nghị Chính phủ công nhận là khu Đô thị mới kiểu mẫu. Khu Đô thị Mới này có công năng hỗn hợp, có nhà ở gồm kiểu dáng và số tầng khác nhau tạo sự đa dạng, có cây xanh, vườn hoa và mặt nước tuyệt hảo, có phố xá và trung tâm thương mại sầm uất, có hệ thống giao thông nội bộ yên tĩnh và cho phép người dân có thể đến chỗ làm việc, trường học, nơi nghỉ ngơi, giải trí, mua sắm chỉ bằng đi bộ hoặc xe đạp v.v… Việc quản lý tốt tạo cho người dân cảm giác an toàn. Nhà đầu tư cũng tổ chức một vài hoạt động công cộng nhằm xúc tiến giao tiếp, tạo lập cảm nhận cộng đồng.

Tuy vậy, nếu đánh giá theo luận điểm cư trú tốt thì Khu Đô thị Phú Mỹ Hưng vẫn còn mặt hạn chế về tính phổ cập  (affordability), tức là thiếu loại nhà có giá thích hợp với sức mua của tầng lớp thu nhập trung bình thấp và thu nhập thấp, khiến nhiều người lao động và viên chức phải đi từ xa đến làm việc tại khu vực này, gây thêm căng thẳng cho giao thông đô thị.

Nhân đây cũng xin lưu ý là tại Khu Nam Sài gòn, mà Khu Đô thị mới Phú Mỹ Hưng chỉ là một bộ phận, một số dự án dạng tiểu khu nhà ở đang được thực hiện, tạo ra sự tương phản quá đáng dễ đến cảm giác đối lập giữa những người dân đến sinh sống tại khu vực này, gây tổn hại cho việc hình thành cảm nhận cộng đồng và cảm nhận địa điểm.

Đối với các quận nội thành, đặc biệt là các quận lâu đời, thì luận điểm cư trú tốt đòi hỏi phải có các chính sách quy họach thích hợp, gọi chung là chính sách củng cố đô thị  (urban consolidation), nhằm tận dụng các kết cấu hạ tầng hiện có và khuyến khích phát triển trong khu vực đã đô thị hóa, còn gọi là khu đã xây dựng (brownfield sites). Trong số các chính sách đó, Thành phố Hồ Chí Minh hiện đang áp dụng chính sách mở rộng một số  trục đường chính, xây chen nhà cao tầng và nâng cấp đô thị  tại các ngõ xóm. Về mặt này tôi nghĩ Thành phố có thể tham khảo nhiều kinh nghiệm bổ ích của các phong trào Phục Hưng Đô thi (Urban Renaissance), Tái phát triển Đô thị (Urban Redevelopment) của các nước phát triển, kể cả kinh nghiệm và bài học của đô thị Trung Quốc.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh có hai khu đô thị đặc thù, đó là Khu vực do người Pháp phát triển (Quận 1) và Khu vực Chợ Lớn (Quận 5). Chính sách củng cố đô thị  tại hai khu vực này cần được nghiên cứu rất chu đáo để giữ lại các di sản lịch sử văn hóa, có sự tham gia rộng rãi của các nhà sử học, dân tộc học, xã hội học, đô thị học v.v…

Trong tình hình hiện tại, việc mở rộng một số trục đường chính và đường nhánh xây dựng tuyến giao thông ngầm hoặc trên cao là cần thiết, tuy vậy nên đặt trong toàn cảnh Chiến lược phát triển giao thông đô thị - bộ phận quan trọng hàng đầu trong Chiến lược phát triển bền vững của Thành phố.

Giao thông đô thị  đang là đối tượng xem xét của nhiều luận điểm đô thị học hiện đại, như “Tăng trưởng Thông minh” (Smart Growth), “Không gian sẻ chia” (Shared Space), “Phát triển theo Định hướng quá cảnh” (Transit - oriented Development), Tính thấm (Permeability), còn gọi là Tính kết nối (Connectivity), Nghị trình Tính cơ động Mới (New Mobility Agenda) v.v… Mỗi luận điểm hướng vào một khía cạnh của giao thông đô thị , vì vậy các nhà hoạch định chính sách giao thông đô thị của Thành phố nên làm quen với các luận điểm đó.

Nói chung, giao thông đô thị  theo Chủ nghĩa Hiện đại và Đô thị học Mới khác hẳn nhau.

Đại lộ (Boulevard) xuất hiện từ giữa thế kỷ 18 tại Paris nhằm giải quyết nhu cầu chuyển vận  nhanh quân đội và trang bị quân sự, nhưng cũng đem  lại quang cảnh huy hoàng tráng lệ cho đô thị. Từ khi Le Corbusier đưa ra luận điểm phân khu chức năng đô thị thì các đại lộ, vốn  là đại mã lộ nay trở thành đại xa lộ, có chức năng liên kết các phân khu chức năng bằng ô tô và xe điện. Đại lộ là mạch máu giao thông chính, thu gom ô tô từ các đường nhánh đổ ra. Dần dần xe cộ nhiều lên, chạy với tốc độ cao hơn, khiến đại lộ trở thành vật cản phân chia đô thị thành nhiều mảnh tách rời nhau. Tình trạng xe cộ tấp nập  nhưng lại hay bị nghẽn do dòng xe từ các đường nhánh đổ ra làm tiêu hao nhiều xăng dầu, tốn nhiều thời gian và gây ô nhiễm khí thải, chưa kể ô nhiễm tiếng ồn.

Đô thị học Mới chủ trương quay trở lại mạng lưới đường xá đô thị cổ điển, tức là các con đường không phân chính phụ, rộng như nhau, tạo thành ô vuông trong đô thị. Thành phố Nữu ước với số lượng xe cộ khổng lồ nhưng vì có mạng lưới đường theo kiểu ô vuông như vậy nên không có hiện tượng tắc nghẽn. Các khu phố Tây ở Hà Nội cũng như Quận 1 Thành phố Hồ Chí Minh vốn có mạng lưới đường theo kiểu ô vuông cổ điển, thế nhưng ngày nay cũng phân thành các trục chính phụ, các đường vành đai theo chủ nghĩa Hiện đại. Có lẽ chúng ta nên có sự  đánh giá lại về quy hoạch mạng lưới giao thông đô thị theo tư duy hiện đại với tầm nhìn xa hơn.

Tóm lại, xã khu mới và giao thông đô thị  với tính cơ động mới là những nhân tố cơ bản của cư trú tốt đang được nhiều chính phủ và dư  luận xã hội quan tâm. Tổng thống Clinton năm 1999 đã quyết định thành lập  Văn phòng Cộng đồng cư trú tốt (Community Livability Office). Năm 2000 Hội Kiến trúc sư Hoa Kỳ tổ chức Hội thảo về chuyên đề này, thu hút được 18 000 người tham gia, đạt kỷ lục chưa từng có của Hội.

Muốn quán triệt được luận điểm cư trú tốt thì cần chuyển đổi công tác quy hoạch đô thị  từ phương pháp luận hiện hành sang  quy hoạch chiến lược (Strategic Planning). Một số Dự án ODA đã đề cập đến quy hoạch chiến lược nên ở đây tôi chỉ xin trích dẫn 15 điểm khác biệt khi so sánh quy hoạch chiến lược với quy hoạch thông dụng (Conventional Planing) để các vị tham khảo.

Đứng về mặt địa lý kinh tế và kinh tế học đô thị mà xét thì TP. Hồ Chí Minh đang có động lực phát triển mạnh mẽ do có sức mạnh về lợi thế so sánh (Comparative Advantage), về kinh tế quy mô (Scale Economies) và kinh tế tụ tập (Agglomeration Economies),  cũng nhờ thế mà có sức lan tỏa kinh tế ra cả vùng xung quanh, tạo thành Vùng Đại thị TP. Hồ Chí Minh (Ho Chi Minh Metropolitan Area) mà Chính phủ đã giao cho Bộ Xây dựng lập quy hoạch  vùng.

 

So sánh Quy hoạch Chiến lược và Quy hoạch Thông dụng

 

Quy họach chiến lược

Quy họach Thông dụng

* Hướng tới quá trình và hành động

* Hướng tới sản phẩm (đồ án)

* Khởi đầu bằng đồng thuận về các chủ đề

* Khởi đầu bằng quyền lực khép vào quy chế.

* Có tính chủ động.

* Có tính phản ứng .

* Có trọng tâm và chọn lọc.

* Toàn diện.

* Coi trọng trực giác và cách nhìn.

* Coi trọng phân tích định lượng .

* Coi trọng giá trị tổ chức.

* Không xem xét các giá trị.

* Phân tích các mặt mạnh, mặt yếu.

* Không xem xét mặt mạnh, mặt yếu.

*Tương tác với các bên có lợi ích.

* Tương tác hạn chế với dữ  liệu.

* Nhận thức và nhập cuộc chính trị.

* Định hướng hành chính.

* Xem xét năng lực thực thi.

* Tin vào năng lực thực thi.

* Hướng về phân bổ các nguồn lực.

* Tách rời quy hoạch với huy động và phân bổ nguồn lực.

* Báo quát cả quy hoạch tình huống bất lợi.

* Loại trừ quy hoạch tình huống bất lợi.

* Cam kết phát triển tầm nhìn thông qua tương tác.

* Tầm nhìn hướng về sự  kết thúc lý tưởng.

* Người quản lý và người thực hiện là nhà quy hoạch.

* Chuyên gia quy hoạch làm quy hoạch theo chức trách.

* Thực thi bằng trao quyền.

* Thực thi bằng chỉ thị, mệnh lệnh

 

Quy hoạch vùng là điều mới mẻ đối với nước ta (tại nhiều nước, hệ thống quy hoạch gồm ba cấp: cấp đô thị, cấp vùng và cấp quốc gia). Đó là môn khoa học về sự bố trí hiệu quả kết cấu hạ tầng và phân khu (Zoning) cho sự tăng trưởng bền vững của một vùng vượt quá địa giới một đô thị, thậm chí một tỉnh hay một bang. Quy hoạch vùng trở nên cấp thiết vì từ nửa sau thế kỷ 20 trở lại đây, sự phát triển kinh tế của nhiều quốc gia có xu hướng khu vực hoá chứ không còn tập trung chủ yếu vào đô thị như trong thời kỳ trước đó, chẳng hạn vùng duyên hải miền đông và miền tây nước Mỹ, hoặc bốn vùng duyên hải hiện nay của Trung  Quốc.

Quy hoạch vùng không chỉ xem xét đến kinh tế công nghiệp và dịch vụ mà còn phải bảo đảm sự phát triển bền vững của nông nghiệp và nông thôn, chú trọng đến sử dụng đất đai, các vấn đề môi trường, các khu dân cư và hệ thống kết cấu hạ tầng, bảo tồn các tài nguyên thiên nhiên, các di sản văn hoá và lịch sử, giảm thiểu hậu quả thiên tai và bố trí hợp lý các công trình quốc phòng.

Khó khăn của quy hoạch vùng là khâu tổ chức quản lý thực hiện. Các nước phát triển có nhiều mô hình quản lý khác nhau  có thể  tham khảo chọn lựa.

Quy hoạch vùng phải xuất phát từ lợi ích toàn vùng và cũng phải quán triệt luận điểm cư trú tốt. Khái niệm “đô thị vệ tinh” ngày nay đã bị từ bỏ, vì từng đô thị phải có tính hoàn chỉnh tự thân, có tính cư trú tốt chứ không chỉ thực hiện một chức năng riêng rẽ nào đó được “phân công” để phục vụ đô thị trung tâm, chẳng hạn như đô thị – ký túc xá (cité-dortoir) ở bên Châu Âu hay là khu sản xuất công nghiệp như Biên Hoà thời chính quyền Diệm, dẫn đến việc xây dựng xa lộ Sài Gòn – Biên Hoà theo đúng mô hình của Chủ nghĩa Hiện đại.

 

Kết luận

 

Đô thị hoá với tốc độ lớn đặt ra nhiều thách thức cho công tác quy hoạch và quản lý TP. Hồ Chí Minh. Các thách thức đó tuy có tính đặc thù của TP. Hồ Chí Minh nhưng đồng thời cũng phản ánh những đặc trưng chung của thời đại chúng ta đang sống, khi quá nửa nhân loại đã vào cư trú trong đô thị. Để vượt qua các thách thức đó, các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý và các chuyên gia quy hoạch của Thành phố nên tiếp cận và tiếp thu có chọn lọc  tư duy phát triển hiện đại trên thế giới và các thành tựu của đô thị học hiện đại để vận dụng vào công tác của mình.

 

Bài viết này thực ra cũng chỉ là một lời kêu gọi theo hướng đó.

 

Ngày 04 tháng 3 năm 2008

 

Tài liệu tham khảo

 

  1. Trương Quang Thao. 2001. Đô thị học nhập môn. NXB Xây dựng
  2. Trương Quang Thao. 2003. Đô thị học – Những khái niệm mở đầu. NXB Xây dựng
  3. New Urbanism. Org (http://www.newurbanism.org/)
  4. Dương Đức Chiêu. 2006. Tân Xã khu dữ Tân Thành thị. Trung quốc Điện lực xuất bản xã.
  5. World Bank. 2000. Cities in Transition
  6. Babar Mumtaz. Emiel Wegelin.2001. Guiding Cities.UNDP
  7. M.Fischer-J.Diez-F.Snickars. 2001 Metropolitan Innovation Systems. Bản dịch tiếng Trung Quốc: Đại đô thị Sáng tân Thể hệ. 2005. Thượng Hải Nhân dân xuất bản xã.
  8. Nhóm nghiên cứu University of Ghent (Hà lan).1999. The Urban Condition: Space, Community, and Self in the Contemporary Metropolis. Bản dịch tiếng Trung Quốc. 2005. Trung Quốc Thuỷ lợi Điện lực xuất bản xã.
  9. Hiệp hội các trường đào tạo quy hoạch Châu á APSA. 2003. Tạo dựng những đô thị tốt hơn trong thế kỷ 21. Kỷ yếu Hội thảo. Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội.
  10.  World Development Report 2003. Sustainable Development in a Dynamic World. Transforming Institutions, Growth, and Quality of Life. 

(www.vncold.vn)

Mới hơn bài này
Các bài đã đăng
Đóng góp ý kiến về bài viết này!
Tên bạn đọc
Địa chỉ email phản hồi
Tiêu đề

Ý kiến bạn đọc 
Tập tin đính kèm
Tiêu điểm
Biến đổi khí hậu và An ninh nguồn nước ở Việt Nam.[08/07/21]
Đại hội lần thứ IV, sự kiện lớn của Hội Đập lớn & Phát triển nguồn nước Việt Nam.[27/04/19]
Hội Đập lớn & Phát triển nguồn nước Việt Nam phấn đấu vì sự nghiệp phát triển thủy lợi của đất nước.[18/04/19]
Danh sách Hội viên tập thể đã đóng niên liễm 2018.[11/01/19]
Chùm ảnh Đại hội lần thứ 2 Hội Đập lớn Việt Nam.[13/08/09]
Nhìn lại 5 năm hoạt động của VNCOLD trong nhiệm kỳ đầu tiên.[10/08/09]
Thông báo về Hội nghị Đập lớn Thế giới.[17/07/09]
Thư chào mừng của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải
VNCOLD đã thành công tại cuộc họp Chấp hành ICOLD Sofia (Bulgaria), 6/6/2008
Phó Thủ tướng khai mạc Hội thảo “ASIA 2008.
Tạo miễn phí và cách sử dụng hộp thư @vncold.vn
Website nào về Thủy lợi ở VN được nhiều người đọc nhất?
Giới thiệu tóm tắt về Hội Đập lớn & Phát triển nguồn nước Việt Nam.
Download miễn phí toàn văn các Tiêu chuẩn qui phạm.
Đập tràn ngưỡng răng cưa kiểu “phím piano".
Đập Cửa Đạt
Lời chào mừng
Quảng cáo










Liên kết
▪ Hội đập lớn thế giới
▪ Các Hội đập lớn trên Thế giới
▪ Một số trang web của hội viên tập thể