» Mở tất cả ra       » Thu tất cả lại
English and French
Tìm kiếm

Bài & Tin mới
Nghị định số 02/2024/NĐ-CP về việc chuyển giao công trình điện là tài sản công sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam [17-01-2024]
Kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Cục Quản lý xây dựng công trình [26-12-23]
Chùm ảnh các công trình thuỷ lợi tiêu biểu ở VN 20 năm 2003-2023 [30-11-2023]
Danh mục các quy hoạch thủy lợi đã được phê duyệt [26-10-2023]
BÀN VỀ ĐỊNH HƯỚNG LẠI NGÀNH XÂY DỰNG THÔNG QUA CHUYỂN ĐỔI SỐ [26-10-2023]
Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 thay thế Luật Đấu thầu trước đây và có hiệu lực từ 01/01/2024 [15-10-2023]
Dự thảo TCVN 8731-20xx Phương pháp xã định hệ số thấm của đất bằng phương pháp đổ nước và múc nước trong hố đào và hố khoan [15-10-2023]
Đập Đắk N’Ting (Đắk Nông) trước nguy cơ bị vỡ [05-09-23]
QUYẾT ĐỊNH: Về việc hủy bỏ Tiêu chuẩn quốc gia [05-09-23]
Nghị định 35/2023/NĐ-CP [07-08-23]
Ý KIẾN TRAO ĐỔI VỀ ĐỘNG ĐẤT Ở KONTUM NGÀY 14-07-2023 (2)[07-08-23]
HOẠT ĐỘNG HỘI 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2023 VÀ PHƯƠNG HƯỚNG NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM 6 THÁNG CUỔI NĂM [04-08-23]
Đô thị ngoại ô: cuộc chiến đất vùng rìa [25-07-23]
Thủ Tướng Chính Phủ phê duyệt Quy hoạch Phòng chống thiên tai và Thủy lợi 2021-2030 [25-07-23]
Thủ Tướng Chính Phủ phê duyệt Quy hoạch Phòng chống thiên tai và Thủy lợi 2021-2030 [25-07-23]
NHỮNG NỘI DUNG KHÔNG PHÙ HỢP VÀ KHÔNG ĐÚNG trong Tiêu chuẩn TCVN 8637:2021(về Yêu cầu kỹ thuật lắp đặt và nghiệm thu máy bơm)[14-07-23]
Ý kiến trao đổi về động đất ở Kontum [14-07-23]
Tiếp tục xảy ra 7 trận động đất tại Kon Plông (Kon Tum) [14-07-23]
Bàn thêm về dung tích phòng lũ ở các hồ chứa thủy lợi, thủy điện [13-07-23]
 Số phiên truy cập

81286451

 
Nước, Môi trường & Thiên tai
Gửi bài viết này cho bạn bè

Chống ngập và Thoát nước - Bài 3. Quy hoạch 1547 và 09 nội dung tổng kết của Bộ NN&PTNT về Quy hoạch 1547, về chống ngập và thoát nước ở TP.HCM [23-03-23]
Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực Thành phố Hồ Chí Minh (sau đây viết tắt là Quy hoạch 1547) được lập và phê duyệt năm 2008 với mục đích hỗ trợ cho Quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TP.HCM đến năm 2020 ...

                                                                                KS. Thủy lợi Nguyễn Anh Tuấn

                                                                         Hội Khoa học kỹ thuật Thủy lợi TP.HCM

 

 

Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực Thành phố Hồ Chí Minh (sau đây viết tắt là Quy hoạch 1547)[1] được lập và phê duyệt năm 2008 với mục đích hỗ trợ cho Quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TP.HCM đến năm 2020 do Tổ chức JAICA (Nhật bản) thực hiện (sau đây viết tắt là Quy hoạch 752)[2] về phương diện chống lũ và ngăn triều trên sông. Sự ra đời của Quy hoạch 1547 là để khắc phục tình trạng khi đã có trên 15 dự  án thực hiện theo Quy hoạch 752 mà ngập úng lại đang có xu hướng gia tăng.

Phạm vi nghiên cứu của Quy hoạch 1547: Thành phố Hồ Chí Minh với diện tích 209.500ha; vùng phụ cận bao gồm hạ du các sông: Đồng Nai từ hồ Trị An đến biển với diện tích 235.000ha, sông Sài Gòn từ hồ Dầu Tiếng đến thành phố Hồ Chí Minh với diện tích 243.000ha, sông Vàm Cỏ Đông với diện tích 281.000ha. Tổng diện tích vùng nghiên cứu là 968.500ha. Căn cứ đặc điểm tự nhiên, điều kiện địa hình, tính chất ngập lụt, khả năng kiểm soát nước ngoại lai, quy hoạch phát triển, các cơ sở khoa học kỹ thuật, kinh tế và môi trường, phương án thủy lợi chống ngập úng của Quy hoạch 1547 phân chia khu vực Thành phố Hồ Chí Minh thành 03 vùng kiểm soát nước, gồm:

Vùng I: bao gồm toàn bộ khu vực bờ hữu sông Sài Gòn - Nhà Bè, trong đó có khu vực nội thành cũ, hiện có nhiều vấn đề bức xúc về tiêu thoát nước đô thị, môi trường, khu vực phía Nam thành phố và một phần được tỉnh Long An (bờ tả sông Vàm Cỏ và Vàm Cỏ Đông) chủ yếu là vùng đất canh tác và hoang hóa có nhu cầu về cải tạo đất mặn, phèn. Đây là khu vực trọng tâm của Quy hoạch.

Vùng II: gồm toàn bộ khu vực ngã ba sông Đồng Nai - Sài Gòn, là vùng đang phát triển, tình hình tiêu thoát nước thuận lợi hơn do đó có thể bố trí công trình để chống ngập, tiêu nước.

Vùng III: bao gồm toàn bộ khu vực bờ tả sông Nhà Bè - Soài Rạp, hiện tại là vùng sinh quyển nở, có thể xây dựng các công trình kiểm soát nước, quy mô lớn trong tương lai, tùy thuộc vào tình hình, diễn biến nước biển dâng và quá trình phát triển đô thị phía Nam thành phố.

Do Vùng I là khu vực trọng tâm của quy hoạch, và do việc điều chỉnh Quy hoạch 1547 thực hiện sau khi đã có Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 ngày 24/11/2017 và Luật số 35/2018/QH14 ngày 20/11/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch, trong đó có Luật Thủy lợi số 08/2017/QH14 ngày 19/06/2017. Luật Thủy lợi hiện hành không còn quy hoạch thủy lợi chống ngập úng đơn vị tỉnh, thành phố, Quy hoạch 1547 không còn được điều chỉnh như một đồ án quy hoạch riêng, mà sẽ được hóa thân, tích hợp vào quy hoạch tỉnh (đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đô thị của thành phố). Cũng vì lý do đó, bài viết này tập trung vào Phương án quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực bờ hữu sông Sài Gòn - Nhà Bè (phương án dành cho Vùng I) của Quy hoạch 1547, bao gồm phương án chống lũ và phương án ngăn triều trên sông và đề cập tới 09 nội dung tổng kết hồi năm 2015 của Bộ NN&PTNT về Quy hoạch 1547, về công tác chống ngập và thoát nước của TP.HCM



Hình  1: Các vùng kiểm soát nước thuộc Quy hoạch 1547 QH1547


1. Nội dung phương án chống lũ cho Vùng I của Quy hoach 1547 và kết quả thực hiện.

a) Nội dung của phương án quy hoạch thủy lợi chống ngập úng bằng biện pháp chống lũ cho Vùng I của Quy hoạch 1547 gồm:

- Bổ sung nhiệm vụ điều tiết lũ, hoàn thiện quy trình vận hành của các hồ chứa để bảo đảm an toàn và kiểm soát lũ tạo thuận lợi để chống ngập cho vùng hạ du.

- Phối hợp vận hành xả lũ các hồ: Dầu Tiếng, Trị An, Phước Hòa và các hồ khác ở thượng lưu có xét đến chế độ thủy triều đoạn cửa sông.

- Phân lũ sông Sài Gòn qua Rạch Tra. Kết hợp phân lũ với cải tạo đất, môi trường (vùng I), giảm áp lực lũ cho trung tâm thành phố.

- Ngăn và chuyển hướng tiêu thoát lũ tràn từ phía Tây vào địa bàn thành phố.

b) Kết quả thực hiện phương án chống lũ cho Vùng 1.

- Từ trước khi có Quy hoạch 1547, Bộ NN&PTNT đã có Quyết định số 3629/QĐ-BNN-XD ngày 29/11/2006 phê duyệt Dự án Chống lũ hạ du sông Sài Gòn gồm 2 tiểu dự án là Hệ thống thủy lợi An Sơn - Lái Thiêu thuộc tình Bình Dương và Công trình Thủy lợi bờ hữu ven sông Sài Gòn thuộc TP.HCM để chống lũ và ngăn triều cho vùng đất thấp ven sông hai bên bờ sông Sài Gòn. Cả 2 tiểu dự án này đều đã hoàn thành.

- Việc bổ sung nhiệm vụ điều tiết lũ để chống ngập cho vùng hạ du và phối hợp vận hành xả lũ các hồ: Dầu Tiếng, Trị An, Phước Hòa và các hồ khác ở thượng lưu có xét đến chế độ thủy triều đoạn cửa sông được thực hiện qua việc Thủ tướng Chính phủ ban hành quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Đồng Nai, lần gần đây nhất tại Quyết định số 1895/QĐ-TTg ngày 25/12/2019[3], trong đó đối với Hồ Dầu Tiếng quy định: Cho phép xả dưới 200 m3/s trong mọi trường hợp, trừ khi mực nước hồ đạt đến + 25,1 m mà lưu lượng đến hồ còn tiếp tục tăng và có khả năng ảnh hưởng đến an toàn của công trình. Khi đó: “phải thực hiện chế độ vận hành đảm bảo an toàn công trình theo Quy trình vận hành của hồ đã được cấp có thẩm quyền ban hành”, nghĩa là vẫn phải cho phép có thể xả tối đa 2.800 m3/s nếu cần thiết để đảm bảo an toàn công trình.

- Các kết quả nghiên cứu phân lũ sông Sài Gòn qua Rạch Tra đã đi đến kết luận đây là phương án bất khả thi.

- Việc ngăn và chuyển hướng tiêu thoát lũ tràn từ phía Tây vào địa bàn thành phố được Quy hoạch 1547 quy định thực hiện bằng việc xây dựng cống Bến Lức và cống Kênh Xáng Lớn trong đợt 3 của giai đoạn 1 của quy hoạch (tập trung cho vùng 1, hiện còn đang thực hiện đợt 1, 2 rút gọn). Đây là 02 công trình nằm trên địa phận tỉnh Long An phục vụ cho Quy hoạch 1547 nên ít có khả năng sẽ được tích hợp vào quy hoạch tỉnh Long An.

2. Nội dung phương án ngăn triều cho Vùng I.

a) Nội dung của phương án quy hoạch thủy lợi chống ngập úng bằng biện pháp ngăn triều cho Vùng I của Quy hoạch 1547 gồm:

- Xây dựng hệ thống đê bao ven theo bờ hữu sông Sài Gòn (từ Bến Súc), sông Soài Rạp và bờ tả sông Vàm Cỏ Đông đến tỉnh lộ 824 (thị trấn Đức Hòa - tỉnh Long An). Tuyến đê từ Bến Súc đến Vàm Thuật được bố trí theo tuyến đê bao của dự án thủy lợi bờ hữu sông Sài Gòn; đoạn còn lại theo các tuyến đường giao thông hiện có ven sông.

- Xây dựng Hệ thống cống khép kín tuyến đê bao được đặt tại các cửa sông, rạch đổ ra sông Sài Gòn, Nhà Bè, sông Vàm Cỏ và sông Vàm Cỏ Đông. Các cống chính là: Rạch Tra, Vàm Thuật, Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, sông Kinh, Kinh Lộ, Kinh Hàng, Thủ Bộ, Bến Lức, Kênh Xáng Lớn. Các cống này có nhiệm vụ khống chế mực nước và kiểm soát môi trường nước khu vực phía trong đê bao, để không cao hơn mực nước cho phép theo yêu cầu tiêu; một mặt không cản trở lớn đến giao thông thủy liên vùng; mặt khác chủ động cắt đỉnh triều; các cống không có hoặc chỉ có nhiệm vụ giao thông nội vùng làm việc với chế độ tự động hai chiều.

- Hướng thoát nước chính trong khu vực nghiên cứu là hướng Bắc - Nam, do vậy hệ thống kênh trục thoát nước chính được xác định là các kênh dọc theo hướng này. Trục kênh Rạch Tra - Thầy Cai - An Hạ - kênh Chợ Đệm được cải tạo nạo vét, mở rộng để tải nước từ vùng trũng thành phố về phía Nam. Tuyến kênh Vàm Thuật - Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên đã được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt đầu tư, sau khi hoàn thành sẽ nâng cao khả năng tiêu thoát nước.

- Các “hồ điều tiết” bao gồm hệ thống ao, hồ, kênh rạch và một số khu vực đất trũng được cải tạo để có đủ dung tích dự phòng trữ lượng nước mưa tiêu ra từ trung tâm Thành phố trong thời gian triều cường.

b) Kết quả thực hiện phương án ngăn triều cho Vùng 1.

Cho đến nay chỉ mới có Dự án Giải quyết ngập do triều khu vực Thành phố Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) theo hình thức đối tác công tư (Hợp đồng BT)[4] (sau đây viết tắt là Dự án Giải quyết ngập do triều) thuộc Vùng I Quy

hoạch 1547 được triển khai xây dựng. Tên của dự án (
Giải quyết ngập do triều) phản ánh nội dung của phương án quy hoạch thủy lợi chống ngập úng bằng biện pháp ngăn triều. Dự án có đủ thành phần đê bao và cống dưới đê nhưng do quy mô của dự án nhỏ hơn một nửa so với diện tích Vùng I, và nằm gọn trong địa phận Thành phố Hồ Chí Minh (sau đây viết tắt là TP.HCM), do không còn thành phần các “hồ điều tiết” nên phải có bơm để thay thế. Bên cạnh đó, hệ thống kênh trục thoát nước không còn nhiệm vụ đưa nước về các “hồ điều tiết” như trước đây nữa.  

c) Quy mô đầu tư Dự án:

- Mục tiêu: Bảo vệ cho vùng nội đô trung tâm của thành phố Hồ Chí Minh với diện tích 57.000 ha được giới hạn bởi: phía Bắc giáp Rạch Tra; phía Nam giáp Long An; phía Tây giáp kênh An Hạ; phía Đông giáp sông Sài Gòn và Nhà Bè (tương ứng với tuyến vành đai 3 của thành phổ).

- So với nội dung xây dựng Hệ thống đê bao của Quy hoạch 1547: Trước mắt xây dựng tuyến đê dựa vào các tuyến giao thông và đê thủy lợi hiện có trên địa phân TP.HCM, bao gồm: từ cống Bến Nghé đến Tân Thuận theo đường Nguyễn Tất Thành; từ Tân Thuận đến Mương Chuối theo đường Huỳnh Tấn Phát (nâng cao tạm thời một số đoạn đường hiện tại đang bị ngập do triều cường, giai đoạn II sẽ xem xét đưa tuyến đê bao này ra sát sông để bảo vệ khu vực ngoài đường Huỳnh Tấn Phát, trong đó có Khu chế xuất Tân Thuận); từ Mương Chuối đến cống Cây Khô theo các đường Nguyễn Bình, Nguyễn Hữu Thọ, Long Thới - Nhơn Đức; từ cống Cây Khô đến cống Phú Định sử dụng các đê bao hiện có ven sông cần Giuộc của Bình Chánh; từ sau cống Phú Định kết nối với tuyến đê của Hệ thống thủy lợi Hóc Môn - Bắc Bình Chánh.

- So với nội dung xây dựng Hệ thống cống khép kín tuyến đê bao của Quy hoạch 1547: Chưa xây dựng các cống Rạch Tra, sông Kinh, Kinh Lộ, Kinh Hàng, Thủ Bộ, Bến Lức, Kênh Xáng Lớn. Trước mắt xây dựng 8 cống kiểm soát triều để khép kín tuyến đê trên, gồm: cống Vàm Thuật, Rạch Nước Lên, Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, cống Cây Khô và cống Phú Định (thêm 02 cống: Cây Khô, Phú Định) để khép kín tuyến đê bao Dự án Giải quyết ngập do triều (đường nét liền màu đỏ trên hình 2), trong đó 02 cống Vàm Thuật và Rạch Nước Lên thuộc dự án Quản lý rủi ro ngập do Ngân hàng thế giới tài trợ.

Tuy nhiên, do Dự án Quản lý rủi ro ngập bị WB đình hoãn, 02 cống Vàm Thuật, Rạch Nước Lên chưa biết bao giờ mới được xây dựng nên vùng dự án bị hở sườn trên tuyến kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (tuyến kênh nối thông giữa cống Vàm Thuật và cống Rạch Nước Lên).

 

  


Hình  2: Phạm vi Dự án Giải quyết ngập do triều - Vùng 1A1

Nhìn bản đồ trên hình 2 có thể thấy phạm vi ảnh hưởng của Dự án Giải quyết ngập do triều khi chưa có các cống Rạch Tra, Vàm Thuật, Rạch Nước Lên chủ yếu chỉ nằm trong khoảng giới hạn bởi hai bên kênh Tàu Hũ - kênh Đôi - kênh Tẻ (đoạn từ cống Bến Ngé đến cống Phú Định) trở xuống phia Nam cộng với toàn bộ lưu vực kênh Tân Hóa - Lò Gốm.

d) Quá trình hình thành, thực hiện Dự án Giải quyết ngập do triều.

Dự án Giải quyết ngập do triều là dự án đầu tiên thuộc Quy hoạch 1547 được triển khai xây dựng[5] từ năm 2016 cho đến nay. Dự án hình thành năm 2015 trong điều kiện ngân
 
sách nhà nước và ngân sách thành phố không đủ nguồn lực để đầu tư xây dựng dự án, và trong bối cảnh Luật Đầu tư 2014 mới ra đời, thay thế Luật đầu tư 2005,
Chính phủNghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 về đầu tư theo hình thức đối tác công tư, Thủ tướng Chính phủ Quyết định số 23/2015/QĐ-TTg ngày 26 tháng 6 năm 2015 quy định cơ chế Nhà nước thanh toán bằng quỹ đất cho Nhà đầu tư khi thực hiện Dự án đầu tư xây dựng theo hình thức Xây dựng - Chuyển giao.

- Ngày 17/3/2015 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (sau đây viết tắt là NN&PTNT) có Văn bản số 2200/BC-BNN-TCTL báo cáo Chính phủ về tình hình thực hiện và việc bố trí vốn đầu tư xây dựng, điều chỉnh phân kỳ đầu tư các dự án thuộc Quy hoạch 1547. Trong đó, thống nhất đề xuất thực hiện trước trong giai đoạn 2015-2020 08 cống kiểm soát triều lớn (trong đó có 02 cống Vàm Thuật và Rạch Nước Lên nằm trong dự án Quản lý rủi ro ngập do Ngân hàng thế giới tài trợ) và một số đoạn đê bao xung yếu.

- Ngày 08/7/2015 UBND TP.HCM có Báo cáo số 168/BC-UBND báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất đầu tư xây dựng bằng hình thức đối tác công tư (Hợp đồng BT) 08 cống kiểm soát triều (Vàm Thuật, rạch Nước Lên, Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô và Phú Định), 68 cống nhỏ dưới đê, xây dựng 07km đê bao xung yếu thuộc bờ hữu sông Sài Gòn và xây dựng khoảng 12km đê bao xung yếu thuộc bờ tả sông Sài Gòn.

- Ngày 08/7/2015 tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ về thực hiện các Quy hoạch thoát nước và chống ngập úng Thành phố Hồ Chí Minh, sau khi nghe báo cáo của UBND TP.HCM, của Bộ NN&PTNT và ý kiến các đại biểu dự họp, ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ đã kết luận về các đề xuất, kiến nghị tại cuộc họp, trong đó (trích Thông báo số 285/TB-VPCP ngày 20/8/2015 của Văn phòng Chính phủ):

+ “Đồng ý triển khai thực hiện các Quy hoạch thoát nước và Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực Thành phố Hồ Chí Minh thời gian tới như đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh gồm 2 giai đoạn từ 2016 - 2020 và từ 2021 - 2025, trong đó giai đoạn từ 2016 - 2020 tập trung giải quyết chống ngập tại vùng lõi trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh”.

+ “Đồng ý bổ sung các cống Phú Định và Cây Khô vào Quy hoạch thoát nước và chống ngập úng Thành phố Hồ Chí Minh”;

+ “Đồng ý Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh áp dụng cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án chống ngập úng: áp dụng hình thức xây dựng - chuyển giao (BT) thanh toán bằng quỹ đất, trường hợp giá trị quỹ đất thanh toán nhỏ hơn giá trị dự án BT, Ủy ban nhân dân thành phố được thanh toán bằng ngân sách Thành phố đối với phần chênh lệch; được áp dụng hình thức chỉ định Nhà đầu tư để triển khai thực hiện dự án”.

Bằng Thông báo số 285/TB-VPCP ngày 20/8/2015, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với đề xuất của Bộ NN&PTNT về phân kỳ đầu tư và bổ sung các cống Phú Định và Cây Khô mà không phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch 1547.

-  Sau đó, UBND TP.HCM đã xúc tiến việc hình thành, thực hiện Dự án Giải quyết ngập do triều qua các văn bản: Công văn số 4070/VP-ĐTMT ngày 08/05/2015 chấp thuận giao Công ty Cổ Phần Đầu Tư Xây Dựng Trung Nam nghiên cứu lập đề xuất dự án; Thông báo số 502/TB-VP ngày 03/07/2015 thông qua nội dung Đề xuất dự án; Quyết định số 5684/QĐ-UBND ngày 06/11/2015 phê duyệt đề xuất dự án; Quyết định số 5967/QĐ-UBND ngày 12/11/2015 phê duyệt Báo cáo Nghiên cứu khả thi dự án; Quyết định số 6728/ QĐ-UBND ngày 10/12/2015 phê duyệt kết quả chỉ định Nhà đầu tư thực hiện dự án; Hợp đồng xây dựng - Chuyển giao (BT) số 2607/2016/HĐ-UBND ngày 27/5/2016.

- Dự án được khởi công ngày 26/6/2016, Nhà đầu tư đã hoàn thành khoảng trên 90% khối lượng dự án, có ba lần ngừng thi công, trong đó dài nhất là lần ngừng thứ ba từ 15/11/2020 đến nay.

- Ngày 01/4/2021 Chính phủ có Nghị quyết số 40/NQ-CP về việc tiếp tục triển khai Dự án Giải quyết ngập do triều.

Dự án Giải quyết ngập do triều ngưng thi công lần thứ ba từ 15/11/2020 đến nay làm người dân thành phố nóng lòng mong mỏi, giới chuyên gia nghi ngờ về hiệu quả giải pháp chống ngập của Quy hoạch 1547: “Xu hướng chống ngập tại TP.HCM hiện nay vẫn là đắp đê ngăn nước, làm các biện pháp công trình với mục tiêu “hong khô” các điểm ngập. Thực tế, tất cả biện pháp công trình đều không còn hiệu quả nữa, và vô cùng tốn kém[6], dẫn tới  những đề xuất kiểu: TP.HCM cần “tính đến chuyện quy hoạch sống chung với nước”, xây dựng những đô thị ngập nước: “Các khu đô thị ngập nước có thể hình thành trong tương lai ở khu vực phía Tây như Bình Chánh, Hóc Môn; phía Nam là Nhà Bè; phía Đông là Thành phố Thủ Đức… Ở những khu vực này, thay vì đắp lên thì sẽ xây dựng thành những đô thị ngập nước kiểu ở Ý hay Hà Lan chẳng hạn. Đây mới là giải pháp tối ưu trong công tác chống ngập vì nó không cản dòng chảy của nước, nước sẽ về nơi trũng và hình thành khu đô thị ngập nước[7]

Thực ra, đối với các vùng chịu ảnh hưởng triều như TP.HCM và các đô thị khác ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, giải pháp bao đê ngăn triều và khép kín tuyến đê bao bằng hệ thống công dưới đê của Quy hoạch 1547 là rất phù hợp để đối phó với các thay đổi do nước biển dâng, sụt lún nền hoặc cường độ mưa gia tăng: nếu nước sông dâng lên cao hơn thì nâng cao trình đỉnh đê lên để tiếp tục ngăn không cho nước tràn vào là được; nếu cao trình đất nền hạ thấp hơn trước do bị sụt lún hoặc do cường độ mưa ngày càng lớn hơn thì đóng cống ngăn triều sớm hơn và/hoặc bổ sung thêm máy bơm để giữ mực nước bên trong thấp hơn cao trình địa hình là được. Cho nên, một lần nữa cần khẳng định: Giải pháp giải quyết ngập do triều không những là không thể thiếu đối với vùng chịu ảnh hưởng triều, mà còn có khả năng thích ứng cao khi các yếu tố tự nhiên gây ngập ngày càng gia tăng.

3. 09 nội dung tổng kết của Bộ NN&PTNT về Quy hoạch 1547, về công tác chống ngập và thoát nước ở TP.HCM.

Trước tình hình thiếu tin tưởng vào giải pháp ngăn triều chống ngập của Quy hoạch 1547, thiết tưởng cần nhắc lại 09 nội dung tổng kết của Bộ NN&PTNT về Quy hoạch 1547, về chống ngập và thoát nước ở TP.HCM tại Báo cáo gửi Chính phủ số 2200/BC-BNN-TCTL ngày 17/3/2015 của Bộ NN&PTNT (sau đây viết tắt là Báo cáo 2200/BC-BNN-TCTL):

Đánh giá:

(1) Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực thành phố Hồ Chí Minh” được xây dựng trên cơ sở phân tích điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội và kế hoạch phát triển của thành phố, nguyên nhân gây úng ngập, đúc rút kinh nghiệm về những tác động của con người trong quá trình khai thác nguồn nước, kiểm soát nước trên lưu vực trong những thập kỷ qua.

(2) Bài học có ích và đáng nói nhất được rút ra từ việc phân tích những nguyên nhân chủ quan gây ngập úng ngày càng gia tăng là:

- Chúng ta đã không có quy hoạch chiến lược về phát triển đô thị trên một địa bàn mà địa hình thấp trũng chiếm gần một nữa không gian phát triển, sông rạch dày đặc, vùng hạ lưu là những con sông lớn, nên tác động của con người gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến chế độ nước (ngập nước tăng, tiêu thoát khó khăn, xói lở bờ, ô nhiễm tích lũy);

- Những tác động của con người gây những diễn biến bất lợi đối với môi trường không được dự báo trước, không được xem xét phân tích trong các quy hoạch đã xây dựng đối với môi trường. Và nhiệm vụ hiện tại của chúng ta là phải khắc phục các hậu quả đó.

Khẳng định:

(3) Để khắc phục tình trạng ngập úng chúng ta có 3 đối tượng cần kiểm soát: Kiểm soát nước mưa; Kiểm soát nước lũ; Kiểm soát nước triều.

Để kiểm soát nước mưa chúng ta cần có một hệ thống tiêu thoát tốt, quản lý hệ thống tốt, ý thức bảo vệ công trình của cộng đồng cao. Song việc kiểm soát nước mưa không thể làm riêng rẽ, độc lập với việc kiểm soát lũ, kiểm soát triều, vì toàn bộ nước mưa trên vùng đô thị cuối cùng đều phải thoát xuống các bể tiêu là kênh rạch bao quanh (đang chịu ảnh hưởng của những biến động do triều). Một nguyên tắc cơ bản trong tiêu thoát phải tuân thủ nữa là thoát dưới trước - trên sau.

(4) Triều và lũ là nước ngoại lai, nên kiểm soát từ xa (dễ đạt hiệu quả hơn). Đối với lũ, chúng ta đã và sẽ có hàng loạt hồ chứa phía thượng lưu trên sông lớn. Việc kiểm soát lũ đã thực hiện được từng phần (thông qua dung tích siêu cao), song chúng ta còn phải phấn đấu để làm giảm nhỏ hơn nữa lưu lượng xả xuống hạ lưu (Qxả). Hiện tại lưu lượng xả cho phép từ các công trình còn là mối đe dọa tiềm ẩn đối với thành phố.

(5) Việc kiểm soát triều từ xa trên các cửa sông lớn hiện không khả thi, vì các cửa sông quá lớn, các điều kiện kỹ thuật (kể cả hiện đại nhất) cũng chưa cho phép xem xét vấn đề này. Bên cạnh đó là hàng loạt các vấn đề khác: kinh tế, giao thông thủy, môi trường ...Do đó, để kiểm soát triều chúng ta phải chọn phương án kiểm soát vùng nội đồng và phương án kiểm soát triều được chọn dưới đây là phương án thích hợp nhất: Các vùng (khu vực) khống chế bởi các sông lớn (Đồng Nai, Sài Gòn, Vàm Cỏ) và là những vùng sinh thái riêng biệt”.

Định hướng những việc tiếp theo:

Toàn lãnh thổ thành phố được chia làm 3 khu vực:

+ Khu bờ hữu sông Sài Gòn-Nhà Bè-bờ tả sông Vàm Cỏ Đông (vùng I);

+ Khu ngã ba sông Sài Gòn - Đồng Nai (vùng II);

+ Khu tả ngạn sông Nhà Bè - Soài Rạp - Cần Giờ (vùng III).

Tất nhiên khi nghiên cứu tiêu thoát các vùng phải chia nhỏ hơn.

(6) Đối với vùng I giải pháp công trình sử dụng trong kiểm soát triều, lũ, mưa là: Đê bao + Cống khép kín vùng kiểm soát; Các kênh trục để thoát nước từ hệ thống cấp II, và trữ nước mưa lúc mưa gặp triều cao. Các hồ vùng trũng cần duy trì để điều tiết nước mưa. Các cống phải rất cơ động để có thể vận hành nhanh chóng, thuận lợi theo yêu cầu ngăn đỉnh triều cường hạ thấp mức nước vùng kiểm soát, bảo đảm sự thông thoáng cho kênh rạch, giao thông, cấp nước tưới, cải tạo môi trường, ngăn mặn ... (thu hẹp ít nhất mặt cắt thoát nước tự nhiên). Hệ thống kiểm soát nói trên phải bảo đảm gắn kết với hệ thống kiểm soát quốc gia hoặc phải chuyển giai đoạn khi nước biển dâng cao.

(7) Vùng II đơn giản hơn, ở đây cũng có những dự án khác đang thực hiện - Nội dung quy hoạch, vì thế tập trung chủ yếu cho vùng đất thấp đang phát triển theo quy hoạch nhà vườn xen với các vùng bưng trũng phục vụ du lịch sinh thái. Vì thế cần thiết bảo đảm cho vùng này sự thông thoáng tự nhiên của kênh rạch. Giải pháp chính ở đây là tạo các trục giao thông thủy - bộ, tạo tiền đề cho sự phát triển nhà vườn, khu du lịch sinh thái, sự phát triển tự nhiên không bị quá trình đô thị hóa lấn át. Trong tương lai, khi có nhu cầu bảo vệ khu nhà vườn chống lại nước sông dâng cao cũng sẽ dùng biện pháp chống đỡ nhẹ nhàng - đập cao su. Điều cần lưu ý là, quy hoạch đề xuất cho vùng 2 sẽ được thực hiện bởi Nhà nước + Nhân dân + Doanh nghiệp cùng làm, cần có sự Vận động + Phối hợp + Tổ chức tốt.

(8) Quy mô, hiệu quả và hậu quả của các biện pháp công trình được đánh giá bằng mô hình thủy lực có xem xét đến những diễn biến của các biên tính toán, trong đó đặc biệt lưu ý đến xu thế giảm nhẹ của biên trên (lũ), sự gia tăng áp lực của biên hạ lưu (triều + bão tố + nước dâng), những diễn biến trong chế độ thủy văn vùng hạ du trong tương lai (khi toàn vùng cùng phát triển) vấn đề kinh tế, ngập lụt và môi trường cũng được xem xét đầy đủ, cho phép kết luận: Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng cho thành phố Hồ Chí Minh là khả thi.

(9) Kiểm soát triều trong điều kiện nước biển dâng trong tương lai (dự kiến trong dự án này là 0.7 m) là một việc làm mới mẻ, vì thế công việc phải được tiến hành dần theo quá trình diễn biến của tự nhiên, xem xét những phản ứng của tự nhiên đối với những tác động của con người để có kế họach điều chỉnh họat động hợp lý (ngay sau khi hệ thống công trình vùng 1 hoàn thành cũng có thể làm dâng ngập nước ở các vùng khác ven sông Đồng Nai - Sài Gòn từ 25 - 30 cm, cần có kế họach đối phó). Việc xây dựng các cống thoát sẽ làm tích lũy ô nhiễm, bồi lắng phía thượng lưu công trình - Cần được lưu ý giải quyết. Trong trường hợp toàn vùng hạ lưu đều bao đê dọc sông, mức nước Hmax sẽ cao hơn so với hiện trạng 50 - 65 cm. Đó là điều cần dự báo trước để xem xét rà soát lại tất cả các dự án đã có (san nền, đê bao, chọn cao trình thoát nước).”

4. Quy hoạch 1547 và vấn đề đảm bảo an toàn xả lũ cho vùng hạ du Hồ chứa nước Dầu Tiếng.

 Không chỉ có giải pháp giải quyết ngập do triều, Quy hoạch 1547 còn đề ra giải pháp kiểm soát lũ từ thượng lưu cho TP.HCM ở vùng hạ du đập Dầu Tiếng. Nội dung sau đây tại quyết định phê duyệt Quy hoạch 1547 cho thấy tư tưởng bảo đảm an toàn về lũ cho vùng hạ du đập đã có ngay từ năm 2008:

- Bổ sung nhiệm vụ điều tiết lũ, hoàn thiện quy trình vận hành của các hồ chứa để bảo đảm an toàn và kiểm soát lũ tạo thuận lợi để chống ngập cho vùng hạ du.

- Phối hợp vận hành xả lũ các hồ: Dầu Tiếng, Trị An, Phước Hòa và các hồ khác ở thượng lưu có xét đến chế độ thủy triều đoạn cửa sông”.

Tư tưởng điều tiết lũ của hồ chứa phải bảo đảm an toàn và kiểm soát lũ tạo thuận lợi để chống ngập cho vùng hạ du, có xét đến chế độ thủy triều đoạn cửa sông là tiền đề dẫn đến quyết định có thể nói là vô tiền khoáng hậu đối với quy trình vận hành hồ Dầu Tiếng: Sau khi  hồ Phước Hòa hoàn thành xây dựng, đưa vào hoạt động, liên thông hồ Dầu Tiếng với hệ thống sông Đồng Nai, Thủ tướng Chính phủ đã có các quyết định ban hành quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Đồng Nai số 1892/QĐ-TTG ngày 20/10/2014, số 471/QĐ-TTG ngày 24/3/2016 và số 1895/QĐ-TTG ngày 25/12/2019, trong đó quy định về vận hành giảm lũ cho hạ du đối với hồ Dầu Tiếng trong đó quy định:

- “Khi xuất hiện hình thế thời tiết quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều này, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN thành phố Hồ Chí Minh quyết định vận hành hồ như sau:

a) Khi mực nước tại Trạm thủy văn Phú An đạt giá trị quy định tại Bảng 4, vận hành hồ với lưu lượng xả nhỏ hơn lưu lượng đến hồ nhằm giảm lũ cho hạ du, nhưng phải bảo đảm lưu lượng xả không quá 200 m3/s và mực nước hồ không vượt quá cao trình 25,1 m;

b) Khi mực nước hồ đạt đến cao trình 25,1 m và còn tiếp tục lên, chuyển sang chế độ vận hành đảm bảo an toàn công trình theo quy định tại Điều 14 của Quy trình này”.

- Quy định tại Điều 14: “Đối với hồ Dầu Tiếng: khi mực nước hồ đạt đến cao trình 25,1 m, mà lũ đến hồ còn tiếp tục tăng và có khả năng ảnh hưởng đến an toàn của công trình, thực hiện chế độ vận hành đảm bảo an toàn công trình theo Quy trình vận hành của hồ đã được cấp có thẩm quyền ban hành”.

- Quy trình vận hành của hồ đã được cấp có thẩm quyền ban hành còn hiệu lực cho đến nay là Quyết định số 137/2000/QĐ-BNN-QLN ngày 18/12/2000 của Bộ NN&PTNT ban hành Quy trình Vận hành điều tiết tạm thời  hồ chứa nước Dầu Tiếng, trong đó tại Điều 14 quy định: “Trong trường hợp công trình có sự cố hoặc lũ có cường suất lớn tập trung nhanh và các trường hợp khẩn cấp khác; Công ty KTTL Dầu Tiếng được phép vận hành xả đến mức tối đa lưu lượng xả lũ thiết kế (Q xả max= 2.800 m3/s)”.

Tức là trong cùng một văn bản quy phạm pháp luật, Thủ tướng Chính phủ vừa quy định: “vận hành hồ với lưu lượng xả nhỏ hơn lưu lượng đến hồ nhằm giảm lũ cho hạ du, nhưng phải bảo đảm lưu lượng xả không quá 200 m3/s và mực nước hồ không vượt quá cao trình 25,1 m”, lại vừa cho phép: “Trong trường hợp công trình có sự cố hoặc lũ có cường suất lớn tập trung nhanh và các trường hợp khẩn cấp khác; Công ty KTTL Dầu Tiếng được phép vận hành xả đến mức tối đa lưu lượng xả lũ thiết kế (Q xả max= 2.800 m3/s)”.

Điều tưởng chừng là mâu thuẫn này đã vốn được dự báo tại Quy hoạch 1547 ở ba từ: “tạo thuận lợi” trong nội dung: “Bổ sung nhiệm vụ điều tiết lũ, hoàn thiện quy trình vận hành của các hồ chứa để bảo đảm an toàn và kiểm soát lũ tạo thuận lợi để chống ngập cho vùng hạ du”: Đó là chỉ có thể “tạo thuận lợi” xả lũ nhỏ hơn 200 m3/s vì “xét đến chế độ thủy triều đoạn cửa sông” để bảo đảm an toàn ngập cho TP.HCM, nhưng vẫn phải tôn trọng quy định được phép xả lũ tới 2.800 m3/s trong  thiết kế được duyệt. Sau hơn 7 năm, nan đề này được nhắc lại tại Báo cáo 2200/BC-BNN-TCTL: “Việc kiểm soát lũ đã thực hiện được từng phần (thông qua dung tích siêu cao), song chúng ta còn phải phấn đấu để làm giảm nhỏ hơn nữa lưu lượng xả xuống hạ lưu (Qxả)”. Tuy vấn đề chưa được giải quyết, nhưng đã được đặt nền móng từ năm 2008 tại Quy hoạch 1547.

5. Lời kết.

Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực Thành phố Hồ Chí Minh được lập đò án trong vòng 06 tháng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách về chống ngập úng cho TP.HCM, tới nay đang được lập đồ án điều chỉnh quy hoạch. Tuy sẽ không được phê duyệt như một đồ án quy hoạch riêng, mà sẽ được hóa thân, tích hợp vào đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng ý tưởng quy hoạch của Quy hoạch 1547 và 09 nội dung tổng kết của Bộ NN&PTNT về Quy hoạch 1547, về công tác chống ngập và thoát nước ở TP.HCM tại Báo cáo 2200/BC-BNN-TCTL từ năm 2015 cần được nghiên cứu tiếp tục áp dụng, thực hiện. Bên cạnh đó, vấn đề bổ sung nhiệm vụ điều tiết lũ cho đập, hồ chứa nước để giải quyết an toàn xả lũ cho vùng hạ du đập mà Quy hoạch 1547 đặt nền móng đã đến lúc cần được xem xét, giải quyết từ khâu thiết kế trở đi./.

 

                                                                                                TP. HCM, ngày 09/3/2023. Nat


[1] Được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1547QĐ-TTg ngày 28/10/2008.

[2] Được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 752/QĐ-TTg ngày 19/6/2001.

[3] Thay thế các Quyết định số 471/QĐ-TTg ngày 24 tháng 3 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Đồng Nai và Quyết định số 305/QĐ-TTg ngày 08 tháng 3 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Đồng Nai.

[4] Được Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt Báo cáo Nghiên cứu khả thi tại Quyết định số 5967/QĐ-UBND ngày 12/11/2015, phê duyệt kết quả chỉ định Nhà đầu tư thực hiện dự án tại Quyết định số 6728/ QĐ-UBND ngày 10/12/2015, ký Hợp đồng xây dựng - Chuyển giao (BT) số 2607/2016/HĐ-UBND ngày 27/5/2016, khởi công ngày 26/6/2016.

[5] Tại Văn bản số 172/BNN-TL ngày 22/01/2009 phúc đáp Văn bản số 104/UBND-CNN ngày 10/01/2009 của UBND TP.HCM về việc đề nghị bổ sung cống Nhiêu Lộc - Thị Nghè vào Quy hoạch 1547, Bộ NN&PTNT “Thống nhất với Thành phố về việc xây dựng cống kiểm soát triều trên kênh Nhiêu Lộc Thị Nghè nhằm sớm khép kín tuyến đê bao phục vụ chống ngập úng cho lưu vực sông Thị Nghè thuộc Thành phố Hồ Chí Minh”,  chưa đề cập việc bổ sung cống Nhiêu Lộc - Thị Nghè vào Quy hoạch 1547 (thuộc thẩm quyền Thủ tướng Chính phủ - người phê duyệt Quy hoạch 1547).

Đóng góp ý kiến về bài viết này 

Mới hơn bài này
Các bài đã đăng
Tiêu điểm
Biến đổi khí hậu và An ninh nguồn nước ở Việt Nam.[08/07/21]
Đại hội lần thứ IV, sự kiện lớn của Hội Đập lớn & Phát triển nguồn nước Việt Nam.[27/04/19]
Hội Đập lớn & Phát triển nguồn nước Việt Nam phấn đấu vì sự nghiệp phát triển thủy lợi của đất nước.[18/04/19]
Danh sách Hội viên tập thể đã đóng niên liễm 2018.[11/01/19]
Chùm ảnh Đại hội lần thứ 2 Hội Đập lớn Việt Nam.[13/08/09]
Nhìn lại 5 năm hoạt động của VNCOLD trong nhiệm kỳ đầu tiên.[10/08/09]
Thông báo về Hội nghị Đập lớn Thế giới.[17/07/09]
Thư chào mừng của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải
VNCOLD đã thành công tại cuộc họp Chấp hành ICOLD Sofia (Bulgaria), 6/6/2008
Phó Thủ tướng khai mạc Hội thảo “ASIA 2008.
Tạo miễn phí và cách sử dụng hộp thư @vncold.vn
Website nào về Thủy lợi ở VN được nhiều người đọc nhất?
Giới thiệu tóm tắt về Hội Đập lớn & Phát triển nguồn nước Việt Nam.
Download miễn phí toàn văn các Tiêu chuẩn qui phạm.
Đập tràn ngưỡng răng cưa kiểu “phím piano".
Đập Cửa Đạt
Lời chào mừng
Qu?ng c�o