» Mở tất cả ra       » Thu tất cả lại
English and French
Tìm kiếm

Bài & Tin mới
Nghị định số 02/2024/NĐ-CP về việc chuyển giao công trình điện là tài sản công sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam [17-01-2024]
Kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Cục Quản lý xây dựng công trình [26-12-23]
Chùm ảnh các công trình thuỷ lợi tiêu biểu ở VN 20 năm 2003-2023 [30-11-2023]
Danh mục các quy hoạch thủy lợi đã được phê duyệt [26-10-2023]
BÀN VỀ ĐỊNH HƯỚNG LẠI NGÀNH XÂY DỰNG THÔNG QUA CHUYỂN ĐỔI SỐ [26-10-2023]
Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 thay thế Luật Đấu thầu trước đây và có hiệu lực từ 01/01/2024 [15-10-2023]
Dự thảo TCVN 8731-20xx Phương pháp xã định hệ số thấm của đất bằng phương pháp đổ nước và múc nước trong hố đào và hố khoan [15-10-2023]
Đập Đắk N’Ting (Đắk Nông) trước nguy cơ bị vỡ [05-09-23]
QUYẾT ĐỊNH: Về việc hủy bỏ Tiêu chuẩn quốc gia [05-09-23]
Nghị định 35/2023/NĐ-CP [07-08-23]
Ý KIẾN TRAO ĐỔI VỀ ĐỘNG ĐẤT Ở KONTUM NGÀY 14-07-2023 (2)[07-08-23]
HOẠT ĐỘNG HỘI 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2023 VÀ PHƯƠNG HƯỚNG NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM 6 THÁNG CUỔI NĂM [04-08-23]
Đô thị ngoại ô: cuộc chiến đất vùng rìa [25-07-23]
Thủ Tướng Chính Phủ phê duyệt Quy hoạch Phòng chống thiên tai và Thủy lợi 2021-2030 [25-07-23]
Thủ Tướng Chính Phủ phê duyệt Quy hoạch Phòng chống thiên tai và Thủy lợi 2021-2030 [25-07-23]
NHỮNG NỘI DUNG KHÔNG PHÙ HỢP VÀ KHÔNG ĐÚNG trong Tiêu chuẩn TCVN 8637:2021(về Yêu cầu kỹ thuật lắp đặt và nghiệm thu máy bơm)[14-07-23]
Ý kiến trao đổi về động đất ở Kontum [14-07-23]
Tiếp tục xảy ra 7 trận động đất tại Kon Plông (Kon Tum) [14-07-23]
Bàn thêm về dung tích phòng lũ ở các hồ chứa thủy lợi, thủy điện [13-07-23]
 Số phiên truy cập

81277669

 
Nước, Môi trường & Thiên tai
Gửi bài viết này cho bạn bè

Tình hình thiên tai, công tác chỉ đạo điều hành ứng phó và khắc phục hậu quả bão, mưa lũ khu vực miền Trung.[30/01/21]
Từ giữa tháng 9 đến giữa tháng 11/2020, thiên tai xảy ra liên tiếp tại các tỉnh miền Trung với cường độ rất mạnh, trên phạm vi rộng; đã gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống và sản xuất của hàng triệu người dân

TÌNH HÌNH THIÊN TAI, CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH

ỨNG PHÓ VÀ KHẮC PHỤC HẬU QUẢ BÃO,

MƯA LŨ KHU VỰC MIỀN TRUNG

                                                      TS.Trần Quang Hoài

                                                      Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai

 

DIỄN BIẾN THIÊN TAI Ở CÁC TỈNH MIỀN TRUNG VÀ CÔNG TÁC TRIỂN KHAI PHÒNG CHỐNG THỜI GIAN QUA.

1. Diễn biến thiên tai bão, mưa lũ, lũ quét sạt lở đất ở các tỉnh miền Trung

Từ giữa tháng 9 đến giữa tháng 11/2020, thiên tai xảy ra liên tiếp tại các tỉnh miền Trung với cường độ rất mạnh, trên phạm vi rộng; đã gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống và sản xuất của hàng triệu người dân, cụ thể:

a) Bão: Trong gần 2 tháng, khu vực duyên hải miền Trung đã chịu ảnh hưởng dồn dập của 09 cơn bão (từ số 5 đến số 13) và 02 ATNĐ. Trong đó cơn bão số 9 (Molave) đã đạt đến cấp siêu bão và được đánh giá mạnh nhất trong 20 năm qua với gió cấp 14, giật cấp 17, thời gian lưu gió mạnh lên đến 6-7 tiếng; bão đổ bộ trùng với thời điểm triều cường đã tàn phá và gây thiệt hại nặng nề.

b) Mưa: Do ảnh hưởng dồn dập của các cơn bão, kết hợp với hình thái thời tiết cực đoan, dị thường đã gây mưa lớn kéo dài tại miền Trung, đặc biệt tại 7 tỉnh ven biển từ Nghệ An đến Quảng Ngãi với tổng lượng mưa phổ biến từ 1.000÷2.500mm, nhiều nơi trên 3.000mm như Hướng Linh (Quảng Trị): 3.408mm,  A Lưới (T.T.Huế): 3.446mm. Cường xuất mưa ngày đặc biệt lớn xẩy ra ở nhiều nơi như: TP Hà Tĩnh (Hà Tĩnh) 884mm/ngày, Kim Sơn (Hà Tĩnh) 847mm; Ba Đồn (Quảng Bình): 756mm; Hướng Linh (Quảng Trị) 763mm/ngày; Thượng Nhật (T.T.Huế) 719mm/ngày.

c) Lũ lớn, đặc biệt lớn: trên toàn 16 tuyến sông chính khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên, lũ đã vượt báo động 3, trong đó có 06 tuyến sông lũ đã vượt mức nước lũ lịch sử: là sông Bồ ( T.T. Huế); sông Hiếu, sông Thạch Hãn, sông Bến Hải (Quảng Trị) và nhất là sông Kiến Giang, sông Nhật Lệ (Quảng Bình) vượt lịch sử 0,95m.

d) Ngập lụt: Lũ từ thượng nguồn đổ về cộng với mưa lớn trong khu vực và khả năng tiêu thoát lũ không kịp, nên dẫn đến tình trạng ngập lụt trên diện rộng tại 07 tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Nam với nhiều đợt nối tiếp và thời gian kéo dài kỷ lục, nhiều nơi ngập kéo dài nửa tháng. Cao điểm là vào ngày 12/10 và 19/10 có trên 317 nghìn hộ (1,2 triệu nhân khẩu) bị ngập lụt. Trong đó, tỉnh Quảng Bình bị ngập gần như toàn tỉnh, 02 huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy ngập lụt rất sâu, có nơi ngập từ 5-9m.

đ) Sạt lở đất, lũ quét: Các tỉnh miền núi phía Bắc thường xuyên xảy ra lũ quét, sạt lở đất [1]. Tuy nhiên, trong đợt bão, mưa lũ liên tiếp tháng 10/2020, những tỉnh bị thiệt hại nặng nề nhất do sạt lở đất, lũ bùn đá là các tỉnh khu vực miền Trung, làm 111 người chết, mất tích [2]: Quảng Trị (05 trận, 32 người chết, mất tích), T.T.Huế (02 trận, 33 người chết, mất tích), Quảng Nam (07 trận, 46 người chết, mất tích); Quảng Ngãi (04 trận, không thiệt hại về người do làm tốt công tác sơ tán, di dời) [3] cho thấy mức độ dị thường, khó dự báo của loại hình thiên tai này. Hình ảnh thiệt hại tang thương về người do sạt lở đất, lũ quét, là nỗi ám ảnh đối với nhân dân cả nước nói chung và lực lượng PCTT nói riêng. Phần lớn các trận lũ quét đều xảy ra ở khu vực miền núi hẻo lánh, dân cư thưa thớt, tuy nhiên có những trận lũ quét xảy ra có sức tàn phá lớn mang tính huỷ diệt gây tổn thất lớn về tính mạng và tài sản của nhân dân đặc biệt là những hộ dân sống ở các thung lũng sông khi có lũ quét tràn qua.

e) Sạt lở bờ sông, bờ biển: Bão đổ bộ dồn dập, kết hợp triều cường, mưa lũ lớn kéo dài nên đã gây sạt lở nghiêm trọng tuyến biển dọc miền Trung, trong đó từ Nghệ An đến Phú Yên đã có 88 điểm bị sạt lở với tổng chiều dài 141 km. Ngoài ra, hàng trăm km đê, kè cửa sông cũng bị sạt lở, hư hỏng.

Thống kê cho thấy, đây là một trong những đợt thiên tai nghiêm trọng và khốc liệt chưa từng có trong nhiều năm qua; tình trạng “bão chồng bão”, “lũ chồng lũ” đã tác động, ảnh hưởng đến hầu hết các hoạt động kinh tế xã hội, thiết chế hạ tầng ở tất cả các tuyến từ vùng biển đến đồng bằng, trung du và khu vực miền núi.

Ngoài ra, còn rất nhiều cơ sở hạ tầng và các công trình dân sinh bị hư hỏng, sạt lở. Ước tính thiệt hại về kinh tế trên 30.000 tỷ đồng.

2. Công tác chỉ đạo phòng chống thiên tai (PCTT)

Triển khai thực hiện chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ[4], ngay từ đầu năm, các cấp, các ngành đã tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nhằm kịp thời phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai; đồng thời ưu tiên bố trí các nguồn lực để phòng chống và khắc phục hậu quả, bảo đảm sớm ổn định sản xuất và đời sống cho người dân.

Trước tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, Thường trực Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai (Ban Chỉ đạo TW) và các Bộ, ngành, địa phương đã khẩn trương ban hành các công điện, đồng thời tổ chức các đoàn công tác, triển khai tổng lực các lực lượng tại các địa bàn bị ảnh hưởng của thiên tai (Thường trực Ban Bí thư có Điện, Thủ tướng Chính phủ có 13 công điện chỉ đạo và cử 07 đoàn công tác của lãnh đạo Chính phủ trực tiếp chỉ đạo tại hiện trường; Ban Chỉ đạo TW đã có 19 công điện, thành lập hàng chục đoàn công tác và đã chỉ đạo, tổ chức nhắn 108 triệu lượt tin đến các thuê bao trong khu vực bị ảnh hưởng).

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã trực tiếp đến khu vực bị ảnh hưởng để chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả thiên tai và thăm hỏi các gia đình bị thiệt hại. Tại Phiên họp tháng 10/2020, Chính phủ đã đưa ra quyết sách yêu cầu các cấp, các ngành tập trung tìm kiếm, cứu nạn và bảo đảm nhu yếu phẩm, không để người dân bị thiếu đói, màn trời chiếu đất, bệnh tật, hỗ trợ nhà ở và sớm khôi phục sản xuất, bảo đảm sinh kế cho người dân bị thiệt hại.

Đặc biệt, các đồng chí Bí thư, Chủ tịch các địa phương đã chỉ đạo quyết liệt, phối hợp đồng bộ với các lực lượng, cơ quan chức năng, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp theo đúng hướng dẫn của Trung ương; chủ động phương án ứng phó và tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả. Các địa phương đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp theo đúng hướng dẫn của Trung ương; chủ động phương án ứng phó và tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả; đã phối hợp với các lực lượng quân đội, công an trên địa bàn huy động hàng trăm nghìn lượt cán bộ chiến sỹ và hàng nghìn phương tiện tham gia cứu hộ, cứu nạn và hỗ trợ người dân. Tổ chức sơ tán trên 282.547 hộ với 994.859 nhân khẩu đến nơi an toàn. Đồng thời, bảo đảm an toàn giao thông các vị trí bị ngập sâu, khắc phục thông tuyến nhanh các công trình giao thông bị sự cố; đảm bảo an toàn hệ thống đê sông, đê biển, hồ chứa thủy lợi, thủy điện; tổ chức vận hành liên hồ chứa, cắt giảm lũ cho hạ du. Phối hợp với các Quân khu 4, 5, Hải quân vùng 3, vùng 4 và Cục cứu hộ cứu nạn tổ chức triển khai kịp thời công tác ứng phó, tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả.

3. Công tác khắc phục hậu quả

Ngay sau khi xảy ra thiên tai, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã trực tiếp đến khu vực bị ảnh hưởng của mưa, lũ, bão để chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả và thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cấp, các ngành chủ động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, doanh nghiệp và nhân dân đồng loạt triển khai các hoạt động cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ, cứu trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân vùng thiên tai.

- Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 165/NQ-CP ngày 5/11/2020 để tăng mức hỗ trợ tối đa cho hộ gia đình có nhà bị sật đổ, hư hỏng hoàn toàn 40 triệu đồng/ hộ và 10 triệu đồng/ hộ có nhà bị hư hỏng nặng từ dự phòng ngân sách Trung ương. Thủ tướng Chính phủ đã quyết định hỗ trợ khẩn cấp 15.804 tấn gạo[5] 1.250 tỷ đồng cùng nhiều trang thiết bị cứu hộ cứu nạn, hàng dự trữ y tế, nhu yếu phẩm khác[6] kịp thời cứu trợ người dân bị ảnh hưởng

Kết quả khắc phục cụ thể ở một số lĩnh vực như sau:

- Về nhà ở: Người dân, chính quyền và các lực lượng đã chủ động, khẩn trương khắc phục nhà ở ngay sau khi bão, lũ đi qua. Đến nay, 239.341 nhà bị hư hại, tốc mái, 473.449 lượt nhà bị ngập đã cơ bản khắc phục xong; còn 1.531 hộ có nhà sập, trong thời gian xây dựng lại, chính quyền địa phương đã bố trí nơi ăn ở, đồng thời đang tổ chức xác định các khu vực tái định cư, hoặc bố trí đất ở xem ghép đảm bảo an toàn.

- Thúc đẩy, phục hồi sản xuất nông nghiệp:

+ Đã tổ chức họp với 06 tỉnh trọng điểm và xuất cấp, hỗ trợ về trồng trọt (23,0 tấn hạt giống ngô và 15,8 tấn hạt giống rau; Bộ đang hoàn thiện thủ tục xuất cấp 2.340 tấn lúa, 500 tấn ngô và 40 tấn rau từ nguồn dự trữ quốc gia); về thủy sản (140 triệu giống tôm, 750 cặp cá bố mẹ để sinh sản ra 16 triệu giống cá, 50 tấn thức ăn; 1,8 triệu liều vắc xin, 211.000 lít và 298 tấn hóa chất khử trùng); về chăn nuôi (hơn 1,1 triệu con gà giống, 19.000 con vịt, ngan, 300 tấn thức ăn hỗn hợp, 2,35 triệu liều vắc xin phòng bệnh cho gia cầm,..).

+ Tổ chức 25 lớp tập huấn tư vấn kỹ thuật cho nông dân về các biện pháp khôi phục sản xuất nông nghiệp sau thiên tai; huy động lực lượng các Viện, trường, các nhà khoa học, các cơ quan quản lý trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương theo 4 nhóm lớn: Trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và khôi phục hạ tầng sản xuất nông nghiệp.

+ Tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp, hiệp hội thông qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ người dân giống cây trồng, vật nuôi, vật tư nông nghiệp và nhu yếu phẩm cấp thiết để ổn định đời sống và khôi phục sản xuất.

+ Khắc phục khẩn cấp các công trình đê, kè, chống sạt lở bị thiệt hại do bão, mưa lũ. Khôi phục hệ thống thủy lợi bị hư hỏng, bảo đảm việc phân phối nước tưới.

- Về giáo dục: 1.529 trường, 104 điểm trường bị ngập nước đã khôi phục hoàn toàn.

- Về y tế: 459 cơ sở y tế bị ngập gây hư hỏng các trang thiết bị đã được khắc phục bước đầu để kịp thời khám chữa bệnh cho nhân dân.

 - Về điện lực: 3.475 cột điện bị gãy đổ, 78km dây điện bị đứt, 40 trạm biến thế bị hư hỏng đã được khắc phục hoàn toàn.

- Về giao thông: Đã nỗ lực triển khai ngay các biện pháp cấp bách để cứu hộ, cứu nạn, khôi phục giao thông. Đến nay, tất cả các tuyến giao thông đã được thông xe, bước đầu đáp ứng các yêu cầu về thông tuyến, đảm bảo an toàn giao thông. Hiện ngành tiếp tục chỉ đạo khắc phục toàn diện (bước 2) đối với các công trình bị hư hỏng nặng.

- Các địa phương: đã triển khai đồng bộ, quyết liệt, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tập trung khắc phục hậu quả bão lũ để khẩn trương ổn định đời sống nhân dân; tổ chức vệ sinh môi trường, khôi phục sản xuất. Hỗ trợ lương thực, thuốc men, ổn định giá cả thị trường, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội. Huy động lực lượng tại chỗ giúp dân sửa chữa, dọn dẹp nhà cửa, bố trí nơi ở tạm, sửa chữa các công trình công cộng, trường học. Đặc biệt, các địa phương đã tổ chức tiếp nhận, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân hảo tâm trong việc phân phối tiền và hàng hỗ trợ đến đúng địa chỉ, đúng đối tượng cần hỗ trợ, đã sớm khắc phục tình trạng hỗ trợ tự phát, không công bằng (nơi được nhiều, nơi được ít, người khó khăn thì không được hỗ trợ...). Nhiều tỉnh, nhiều doanh nghiệp đã hỗ trợ các địa phương miền Trung bằng tiền, hiện vật lên đến hàng trăm tỷ đồng[7]. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ đã tiếp nhận ủng hộ tiền và hiện vật với giá trị trên 560 tỷ đồng. Hiện đã phân bổ 465 tỷ đồng. Ban Chỉ đạo TW về PCTT, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã kêu gọi nhiều tổ chức quốc tế, một số nước cứu trợ tiền mặt và hàng hóa thiết yếu trên 21,53 triệu USD.  

II. NGUYÊN NHÂN THIỆT HẠI

a) Khách quan:

(1) Thiên tai đã và đang diễn ra ngày càng khốc liệt, bất thường và vượt lịch sử kể cả về số lượng, cường độ, phạm vi,… điển hỉnh như mưa cường độ lớn, tập trung trong một thời gian ngắn;

(2) Địa hình đồi núi khu vực có độ dốc cao, chia cắt mạnh, kết cấu đất vùng núi phần lớn là bở rời, dễ sạt trượt, kết hợp với mưa vượt mức lịch sử nên lũ tập trung nhanh, nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét. Nhiều thung lũng bao quanh là đồi núi, mưa lũ dồn về tập trung trong thời gian ngắn dẫn đến ngập sâu kéo dài;

(3) Dân số khu vực miền núi, khu công nghiệp, khu dân cư ven biển gia tăng nhanh, dẫn đến nguy cơ mất an toàn rất cao.

b) Chủ quan:

(1) Nhận thức, mức độ quan tâm của chính quyền và người dân một số nơi còn hạn chế nên chưa tập trung đề ra giải pháp cụ thể cũng như đầu tư thích đáng cho công tác PCTT, thậm chí một số nơi trong quá trình xây dựng hạ tầng, sinh sống, sản xuất còn làm gia tăng rủi ro thiên tai và thiệt hại.

(2) Hệ thống tổ chức bộ máy PCTT Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) hầu hết là kiêm nhiệm, hoạt động thiếu tính chuyên nghiệp, thiếu trang thiết bị chuyên dùng, công cụ hỗ trợ theo dõi, giám sát, kết nối chỉ đạo điều hành,... dẫn đến lúng túng, bị động trong ứng phó, khắc phục hậu quả đối với tình huống thiên tai lớn, trên diện rộng.

(3) Ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu trong công tác PCTT  còn rất hạn chế đặc biệt đối với lũ quét, sạt lở đất.

(4) Việc quan tâm đầu tư cũng như đào tạo, nâng cao năng lực cộng đồng, truyền thông ở cấp cơ sở để thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” còn hạn chế, phương án chưa sát với thực tế, một số nơi còn mang tính hình thức dẫn đến hiệu quả chưa cao, nhất là khi có tình huống thiên tai lớn.

(5) Các cấp chính quyền một số địa phương mới chỉ chú trọng ứng phó khi thiên tai xảy ra; công tác phòng ngừa và phục hồi, tái thiết sau thiên tai ít được quan tâm kể cả sau những đợt thiên tai lớn.

(6) Chưa thực hiện lồng ghép PCTT vào phát triển kinh tế xã hội, xây dựng công trình nên còn xảy ra sự cố khi thiên tai lớn.

III. CÁC GIẢI PHÁP PHÒNG CHỐNG HIỆU QUẢ ĐÃ THỰC HIỆN

1. Bố trí, sắp xếp dân cư; lập các khu tái định cư khỏi khu vực nguy cơ cao

Ngày 21/12/2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1776/QĐ-TTg về việc “Phê duyệt chương trình bố trí dân cư các vùng: thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2013 - 2015 và định hướng đến năm 2020” nhằm chủ động bố trí, di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Đến nay đã hoàn thành đưa vào sử dụng là 303 dự án/497 dự án (61%) cho 1.160 điểm dân cư; đang triển khai thực hiện 158 dự án/497 dự án, (chiếm 31,8%) cho 420 điểm dân cư. Tổng số hộ dân vùng thiên tai được bố trí đến hết năm 2019 là 64.745 hộ, trong đó bố trí tập trung cho 25.867 hộ, bố trí xen ghép cho 16.113 hộ và ổn định tại chỗ cho 22.765 hộ.

2) Thông tin, truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng, người dân

Trong đợt thiên tai lịch sử vừa qua, Ban Chỉ đạo TW PCTT đã phối hợp cùng các đơn vị liên quan thực hiện khẩn trương, hiệu quả các hoạt động thông tin truyền thông, nâng cao hiệu quả cảnh báo thiên tai tới người dân và cộng đồng, cụ thể:

- Cập nhật, chia sẻ các thông tin về diễn biến tình hình bão, mưa lũ, công tác chỉ đạo điều hành ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai của Chính phủ, Ban Chỉ đạo TW(hơn 6.150 bài viết, chương trình truyền hình của các các cơ quan báo, đài..)

- Chuyển 13 video ngắn hướng dẫn ứng phó với bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất tới các tỉnh để phổ biến, tuyên truyền qua hệ thống phát thanh truyền hình tại địa phương.

- Phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam xây dựng nội dung các chương trình về mưa lũ lịch sử, sạt lở đất trên chương trình Vấn đề hôm nay,  Sự kiện và Bình luận, các chương trình đặc biệt trên kênh VTV1.

- Phối hợp với  Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các công ty dịch vụ viễn thông nhắn tin cảnh báo thiên tai tới người dân: Đã gửi 08 đợt tin nhắn SMS tới 87,74 triệu thuê bao tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên để ứng phó với bão và mưa lũ.

- Đăng tải hơn 230 bài viết và 40 video tuyên truyền hướng dẫn về phòng chống mưa lũ, bão, lũ quét, sạt lở đất và các kỹ năng ứng phó trên trang facebook Thông tin PCTT. Đặc biệt đợt mưa lũ tại khu vực miền Trung thu hút tiếp cận hơn 3,4 triệu người.

3) Phát triển hệ thống đo mưa tự động, hệ thống đo mưa xã hội hóa phục vụ cảnh báo thiên tai:

Tích hợp dữ liệu của 1.404 trạm đo mưa tự động của các tổ chức, doanh nghiệp để phục vụ PCTT, trong đó khu vực miền Trung và Tây Nguyên đã tích hợp 522 trạm. Tuy nhiên mật độ các trạm đo còn chưa đủ dày, đặc biệt các trạm đo tại khu vực thượng nguồn, khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất cao.

V. KẾT LUẬN

Để chủ động giảm thiểu rủi ro, thiệt hại thiên tai  do bão, lũ, lũ quét sạt lở đất, cần triển khai một số giải pháp căn cơ lâu dài như sau:

Thứ nhất, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật liên quan đến PCTT; đặc biệt tập trung xây dựng và bổ sung sửa đổi các nghị định hướng dẫn Luật Phòng, chống thiên tai. Đồng thời, rà soát lại các kịch bản biến đổi khí hậu để từ đó làm cơ sở xây dựng các phương án ứng phó; nghiên cứu đề xuất mô hình tổ chức của cơ quan PCTT và TKCN hiệu lực, hiệu quả.

Thứ hai, tập trung xây dựng chiến lược phòng, chống thiên tai quốc gia giai đoạn 2021 - 2030; xây dựng các quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch đô thị, quy hoạch tỉnh, quy hoạch dân cư khu vực có nguy cơ xảy ra thiên tai, nhất là bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt, nước biển dâng, sạt lở bờ sông, bờ biển gắn với ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH) và PCTT. Trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch, lựa chọn các dự án ưu tiên để đầu tư trong giai đoạn bảo đảm thực hiện đa mục tiêu, gắn với PCTT.

Thứ ba, xây dựng bản đồ cảnh báo thiên tai phù hợp với đặc điểm thiên tai, điều kiện từng vùng, miền. Xây dựng, lập các bản đồ cảnh báo nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, lũ ống với tỷ lệ phù hợp làm cơ sở quy hoạch bố trí dân cư, chủ động di dời, tái định cư.

Thứ tư, quản lý và bảo vệ thật tốt rừng tự nhiên; tiếp tục trồng, tái sinh rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng cây gỗ lớn. Rà soát tất cả các quy hoạch chiếm dụng đến đất rừng, hạn chế tối đa việc tác động thay đổi trạng thái cân bằng tự nhiên của đồi, núi, sông, suối.

Thứ năm, kiểm soát chặt chẽ việc đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ phát triển KT-XH gắn với ứng phó BĐKH và PCTT như các công trình giao thông miền núi, các công trình hồ, đập thủy lợi, thủy điện, đặc biệt là thủy điện nhỏ.

Thứ sáu, nâng cao năng lực của các lực lượng tham gia PCTT&TKCN, trong đó tăng cường tính chuyên nghiệp từ Trung ương đến cơ sở. Quán triệt nghiêm túc phương châm “4 tại chỗ” trong PCTT&TKCN; phát triển lực lượng xung kích cơ sở đảm bảo hiệu quả, phát hiện và ứng phó kịp thời trước khi lực lượng đến chi viện. Chú trọng công tác tổ chức diễn tập PCTT&TKCN. Đầu tư hiện đại hóa trang thiết bị, công nghệ phục vụ công tác dự báo, cảnh báo thiên tai; các phương tiện, thiết bị chuyên dùng phục vụ công tác PCTT&TKCN.

Thứ bảy, ưu tiên bố trí nguồn chi ngân sách cho các hoạt động PCTT, di dời dân cư vùng thiên tai gắn với sinh kế bền vững; cần lồng ghép đầu tư công trình PCTT trong các chương trình, dự án đầu tư phát triển KT-XH của từng ngành, địa phương.

Thứ tám, tăng cường công tác thông tin truyền thông, kết hợp hài hòa giữa phương thức truyền thống với truyền thông đa phương tiện để truyền tải thông tin chính xác, kịp thời về thiên tai, bão lũ, lũ quét, sạt lở đất với nội dung và hình thức đơn giản, phong phú, rõ ràng, dễ hiểu, dễ tiếp cận, bằng nhiều ngôn ngữ, phù hợp với đặc điểm thiên tai của từng vùng, từng đối tượng, chú trọng các đối tượng dễ bị tổn thương.

Thứ chín, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong theo dõi, giám sát, dự báo, cảnh báo, phân tích, đánh giá tác động, xây dựng cơ sở dữ liệu, bản đồ sạt lở… hỗ trợ xây dựng các kịch bản, phương án chỉ đạo điều hành ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, cũng như xây dựng các công trình PCTT...

 



[1] Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu, Sơn La, Cao Bằng, Bắc Cạn, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh

[2] Cả nước đã xảy ra 20 trận lũ quét trên địa bàn các tỉnh miền núi lũ quét, sạt lở đất diễn ra khắp cả nước làm: 131 người chết và mất tích, 89 người bị thương

[3] Nghiêm trọng nhất tại Thuỷ điện Rào Trăng 3, Trạm Kiểm lâm số 67 Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế; Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị; xã Trà Leng, Trà Vân, huyện Nam Trà My và xã Phước Lộc, Phước Kim, Phước Thành, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam

[4] (1) Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 42 về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai; (2) Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng chống thiên tai và Luật đê điều; (3) Thường trực Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo về việc ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ, bão; (4) Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đang hoàn thiện Chiến lược quốc gia về phòng chống thiên tai để sớm ban hành (5) Bố trí nguồn lực cho các hoạt động liên quan đến công tác phòng, chống thiên tai.

[5] Nghệ An: 304 tấn; Hà Tĩnh: 4.000 tấn; Quảng Bình: 3.500 tấn; Quảng Trị: 3.000 tấn; Thừa Thiên Huế: 2.000 tấn; Quảng Nam: 2.000 tấn; Bình Định: 1.000 tấn.

[6] 09 tỉnh gồm: Nghệ An: 50 tỷ đồng, Hà Tĩnh: 150 tỷ đồng, Quảng Bình: 150 tỷ đồng, Quảng Trị: 210 tỷ đồng, Thừa Thiên Huế: 170 tỷ đồng và Quảng Nam: 250 tỷ đồng, Quảng Ngãi: 150 tỷ đồng, Bình Định: 70 tỷ đồng, Kon Tum: 50 tỷ đồng; 20 xuồng cao tốc, 384 nhà bạt, 23.146 phao cứu sinh các loại; 430 cơ số thuốc, 13,9 triệu viên hóa chất lọc nước.

[7] TP Hà Nội hỗ trợ  91 tỷ đồng cho 12 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên; TP Hải Phòng hỗ trợ 120 tỷ đồng; TP  Đà Nẵng hỗ trợ 32 tỷ cho 7 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Định.

Đóng góp ý kiến về bài viết này 

Mới hơn bài này
Các bài đã đăng
Tiêu điểm
Biến đổi khí hậu và An ninh nguồn nước ở Việt Nam.[08/07/21]
Đại hội lần thứ IV, sự kiện lớn của Hội Đập lớn & Phát triển nguồn nước Việt Nam.[27/04/19]
Hội Đập lớn & Phát triển nguồn nước Việt Nam phấn đấu vì sự nghiệp phát triển thủy lợi của đất nước.[18/04/19]
Danh sách Hội viên tập thể đã đóng niên liễm 2018.[11/01/19]
Chùm ảnh Đại hội lần thứ 2 Hội Đập lớn Việt Nam.[13/08/09]
Nhìn lại 5 năm hoạt động của VNCOLD trong nhiệm kỳ đầu tiên.[10/08/09]
Thông báo về Hội nghị Đập lớn Thế giới.[17/07/09]
Thư chào mừng của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải
VNCOLD đã thành công tại cuộc họp Chấp hành ICOLD Sofia (Bulgaria), 6/6/2008
Phó Thủ tướng khai mạc Hội thảo “ASIA 2008.
Tạo miễn phí và cách sử dụng hộp thư @vncold.vn
Website nào về Thủy lợi ở VN được nhiều người đọc nhất?
Giới thiệu tóm tắt về Hội Đập lớn & Phát triển nguồn nước Việt Nam.
Download miễn phí toàn văn các Tiêu chuẩn qui phạm.
Đập tràn ngưỡng răng cưa kiểu “phím piano".
Đập Cửa Đạt
Lời chào mừng
Qu?ng c�o