|
Báo cáo của Bộ NN&PTNT tại phiên giải trình về
An Ninh Nguồn nước và An toàn đập |
Như tin đã đưa trên VNCOLD.VN (http://vncold.vn/Web/Content.aspx?distid=5016), ngày 17/8/2020 tại trụ sở Quốc Hội, Phó Chủ tịch Quốc hội và Ủy ban Khoa học Quốc hội đã nghe Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo và trả lời chất vấn về an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước.
Video của toàn phiên họp đã được VTV đăng tải tại: https://vtv.vn/video/phien-giai-trinh-ve-an-ninh-nguon-nuoc-phuc-vu-san-xuat-sinh-hoat-va-quan-ly-an-toan-ho-dap-8h00-17-8-2020-454573.htm
VNCOLD xin giới thiệu Báo cáo Tóm tắt của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong buổi làm việc này.
☘ ☘ ☘
BÁO CÁO TÓM TẮT
An ninh nguồn nước phục vụ sản xuất,sinh hoạt
vàquản lý an toàn đập, hồ chứa nước
(Tài liệu phục vụ phiên họp ngày 17 tháng 8 năm 2020)
PHẦN I- AN NINH NGUỒN NƯỚC
1.1. Khái niệm an ninh nguồn nước
Lịch sử phát triển văn minh nhân loại luôn gắn với nguồn nước. Nước là thành phần thiết yếu của sự sống và môi trường, là nhân tố quyết định sự tồn tại và phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Nước đã trở thành tài nguyên chiến lược thứ hai sau tài nguyên con người.
Dưới tác động của biến đổi khí hậu, biến động nguồn nước vài chục năm gần đây và dự báo sẽ trở nên khắc nghiệt trong giai đoạn tới, vấn đề về bảo đảm nguồn nước đã được đặt ra cho Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Với sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đưa nội dung an ninh nguồn nước toàn cầu thành một mục tiêu phát triển bền vững hướng tới mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc, an ninh nguồn nước đã được các nhà lãnh đạo thế giới ủng hộ và chính thức được công nhận là một mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2016.
Theo Wikipedia, an ninh nguồn nước là sự bảo đảm được cấp đủ lượng nước với chất lượng nước phù hợp phục vụ cho sức khỏe, sinh kế và hoạt động sản xuất, ứng với mức độ chấp nhận được về các rủi ro liên quan đến nước.
An ninh nguồn nước có thể hiểu là khả năng một cộng đồng dân cư có thể được tiếp cận đủ lượng nước ứng với chất lượng có thể chấp nhận được để bảo đảm duy trì sinh kế, sức khỏe, hoạt động sản xuất; được bảo vệ trước dịch bệnh, thiên tai liên quan đến nước và bảo tồn hệ sinh thái trong môi trường hòa bình và ổn định chính trị (theo Cơ quanNước của Liên hợp quốc).
An ninh nguồn nước là năng lực thích ứng để bảo vệ khả năng được tiếp cận bền vững đủ về số lượng nước, chất lượng nước bảo đảm cho sức khỏe, sinh kế, môi trường sinh thái và hoạt động sản xuất kinh tế (theo Đối tác nước bền vững).
An ninh nguồn nước được hiểu là sự bảo đảm về số lượng nước, chất lượng nước để phục vụ cho sức khỏe, cho sinh kế, cho hoạt động sản xuất, cho môi trường sinh thái đối với cộng đồng dân cư, đồng thời cũng là sự bảo đảm được bảo vệ trước các loại hình dịch bệnh, thiên tai liên quan đến nước.An ninh nguồn nước sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh hệ sinh thái và sức khỏe cộng đồng/các thế hệ tương lai. An ninh nguồn nước không chỉ là vấn đề của một quốc gia mà hiện đã trở thành vấn đề toàn cầu. An ninh nguồn nước vừa là mục tiêu vừa là giải pháp trong sự phát triển chung của nhân loại. Bảo đảm an ninh nguồn nước có thể hiểu là phải đạt được một hệ thống bền vững về quản trị nguồn nước, kết cấu hạ tầng ngành nước để cân bằng nguồn nước phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.
1.2. Nguồn nước trên thế giới
Nước là tài nguyên đặc biệt quan trọng, thành phần thiết yếu cho sự sống, con người sử dụng nước vào các mục đích khác nhau:sinh hoạt,nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, môi trường.... Hầu hết các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội đều cần nước ngọt, trong khi 97% nước trên trái đất là nước mặn, chỉ có 3% còn lại là nước ngọt nhưng gần 2/3 lượng nước này tồn tại ở dạng sông băng và các mũ băng ở các cực. Phần còn lại được tìm thấy chủ yếu ở dạng nước ngầm, chỉ tỷ lệ nhỏ tồn tại trên mặt đất và trong không khí.Nguồn cung cấp nước ngọt và sạch trên thế giới đang ngày một giảm đi, trong khi dân số thế giới vẫn đang tiếp tục tăng kéo theo nhu cầu nước ngày một gia tăng. Hiện tại, khoảng 1/3 số quốc gia trên thế giới bị thiếu nước, dự báo đến năm 2025 con số này sẽ tăng lên 2/3 với khoảng 35% dân số thế giới rơi vào tình cảnh thiếu nước nghiêm trọng. Ở một số quốc gia, lượng nước bình quân trên đầu người đang bị giảm đáng kể. Hội nghị về nước của Liên hợp quốc vào năm 1997 đã thống nhất “Tất cả mọi người, không phân biệt tuổi tác, địa vị kinh tế, xã hội đều có quyền tiếp cận nước uống với số lượng và chất lượng đảm bảo cho các nhu cầu cơ bản của mình”, theo đó, tiếp cận với nước uống là quyền cơ bản của con người. Tại Hội nghị thượng đỉnh về môi trường tổ chức tại Johannesburg, Nam Phi, nước được xếp ở vị trí cao nhất trong 5 ưu tiên để phát triển bền vững là: Nước, năng lượng, sức khoẻ, nông nghiệp, đa dạng sinh học.
1.3. Nguồn nước ở Việt Nam
Hàng nghìn năm trước đây, bằng hình thức đào kênh tiêu thoát nước, đắp bờ giữ nước, làm phai đập, guồng, cọn, cống để lấy nước, đắp đê phòng lụt… Tổ tiên ta đã đẩy lùi sình lầy, ngập lụt, úng, hạn, mở ra những vùng đất canh tác màu mỡ từ miền núi, trung du đến các vùng châu thổ rộng lớn của các dòng sông để trồng trọt, chăn nuôi, phát triển kinh tế - xã hội, tạo ra nền văn minh lúa nước sớm ở Đông Nam châu Á. Bác Hồ kính yêu tại Hội nghị công tác Thủy lợi toàn miền Bắc năm 1961 đã nói “Việt Nam ta có hai tiếng Tổ quốc, Tổ quốc là Đất nước, có đất và có nước thì mới thành Tổ quốc. Có đất lại có nước thì dân giầu nước mạnh. Nước có thể làm lợi nhưng cũng có thể làm hại, nhiều nước quá thì úng lụt, ít nước quá thì hạn hán. Nhiệm vụ của chúng ta là làm cho đất với nước điều hòa với nhau để nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng chủ nghĩa xã hội”.
a) Số lượng và chất lượng nước
Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nguồn tài nguyên nước khá phong phú cả về lượng mưa, nguồn nước mặt trong các hệ thống sông, hồ,với gần 3.450 sông, suối có chiều dài từ 10 km trở lên, trong đó có 109 sông chính, 126 con sông từ nước ngoài chảy vào, 76 con sông từ trong nước chảy ra nước ngoài và 4 con sông chảy vào sau đó chảy ra khỏi lãnh thổ. Lượng mưa trung bình năm vào khoảng 1940-1960mm, tổng lượng nước mặt trung bình vào khoảng 840 tỷ m3, trong đó khoảng 520 tỷ m3 (tương ứng 63% tổng lượng nước mặt) sản sinh ở bên ngoài lãnh thổ, nguồn nước nội sinh vào khoảng 320 tỷ m3 (chiếm 37%);nguồn nước dưới đất khá dồi dào, với tổng trữ lượng khai thác nước ngầm tiềm năng khoảng 61,2 triệu m3/ngày đêm (tương đương khoảng 5,7% tổng lượng nước mặt) hiện đang khai thác khoảng 11 triệu m3/ngày (chiếm khoảng 17%);phân bố nguồn nước không đồng đều trong lãnh thổ đang dẫn đến tình trạng căng thẳng về nước theo mùa với sự bất cân đối giữa cung, cầu và có xu hướng gia tăng làm cho công tác điều phối, phân bổ nguồn nước cho các mục đích phát triển rất khó khăn.
Thảm phủ rừng, nhân tố giữ vai trò quan trọng trong việc tạo nguồn sinh thủy tự nhiên, hiện có 14,61 triệu ha, tỷ lệ che phủ đạt 41,89%, trong đó diện tíchrừng đặc dụng đạt 2,16 triệu ha, rừng phòng hộ 4,64 triệu ha, rừng sản xuất 7,80 triệu ha. Tổng diện tích rừng đầu nguồn đạt 6,78 triệu ha, chiếm 46,5% tổng diện tích rừng cả nước, chất lượng ở các mức độ nghèo kiệt, nghèo, trung bình và giàu, hiệu quả giữ nước, điều hòa nguồn nước hạn chế.
Chất lượng nước trên các lưu vực sông đang bị suy giảm và trở thành vấn đề nóng tại nhiều địa phương. Gia tăng dân số và quá trình đô thị hóa thời gian qua đã và đang gây sức ép đến chất lượng nước trong các lưu vực sông. Ở một số đoạn sông, nước sông bị ô nhiễm với mức độ cao, xu hướng ngày càng tăng đã ảnh hưởng đến khả năng sử dụng nước sông để cấp nước cho sản xuất, sinh hoạt, có thể gây ra những hiểm họa khôn lường.
b) Thể chế quản lý nguồn nước
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về nguồn nước cơ bản được hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý quan trọng cho công tác quản lý khai thác nguồn nước, phòng chống thiên tai do nước gây ra đảm bảo phục vụ sinh hoạt, sản xuất, các ngành kinh tế khác.
Hệ thống tổ chức quản lý nguồn nước từ Trung ương đến địa phương dầnđược hoàn thiện; các tổ chức quản lý, khai thác công trình thủy lợi được củng cố, kiện toàn.Cả nước hiện có 100 đơn vị khai thác công trình thủy lợi cấp tỉnh và 16.800 tổ chức thủy lợi cơ sở, 52 trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.
c) Công trình kết cấu hạtầng nguồn nước
Hệ thống công trình kết cấu hạ tầng nguồn nước có công trình thủy lợi, công trình thủy điện, công trình phục vụ giao thông thủy... trong đó, công trình thủy lợi chiếm chủ đạo.
Tiềm năng phát triển thủy điện Việt Nam vào khoảng 35.000MW, trong đó khoảng 26.000 MW có thể phát triển phục vụ mục đích kinh tế. Thống kê năm 2017, công suất lắp máy của cả nước đạt 17.000 MW; năm 2018, thủy điện chiếm khoảng 37% tổng năng lượng của Việt Nam. Theo quy hoạch điện VII cập nhật, tiếp tục ưu tiên phát triển các thủy điện đa mục tiêu (kiểm soát lũ, cấp nước và sản xuất điện) và các trạm thủy điện tích năng hỗn hợp để nâng cao hiệu quả mạng lưới. Do nhu cầu gia tăng nhanh, tổng công suất phát điện sẽ phát triển nhanh, tuy nhiên tỉ lệ năng lượng từ thủy điện trong tổng nguồn cung năng lượng quốc gia sẽ giảm dần.
Hệ thống thủy lợi có lịch sử phát triển lâu đời, ngay từ thời Tiền Lê (981-1009), Vua Lê Đại Hành đã cho khởi đào tuyến kênh nội địa đầu tiên mà dân gian vẫn quen gọi là Kênh nhà Lê; năm 1820, ở Đồng bằng sông Cửu Long đào kênh Vĩnh Tế với nhiệm vụ đảm bảo giao thông thủy, thau chua, rửa phèn, cấp nước cho vùng trồng lúa của Hà Tiên- Rạch Giá tỉnh Kiên Giang; nhiều hệ thống thủy lợi lớn ở Bắc Bộ, Trung Bộ đã được người Pháp xây dựng, như: cống Liên Mạc, đập Bái Thượng,...; hàng loạt công trình thủy lợi quan trọng tiếp tục được xây dựng sau năm 1945 ở miền Bắc và sau khi đất nước thống nhất năm 1975. Để đáp ứng yêu cầu phục vụ cho phát triển kinh tế- xã hội và các ngành kinh tế, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược thủy lợi Việt Nam (năm 2009 và năm 2020), phê duyệt quy hoạch thủy lợi các lưu vực sông, vùng, các hệ thống thủy lợi trên phạm vi toàn quốc làm cơ sở đầu tư phát triển hệ thống thủy lợi quốc gia.
Thời gian gần đây, nhiều hệ thống thủy lợi quy mô lớn đã và đang được đầu tư xây dựng đáp ứng tốt cho các nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.Tổng vốn đầu tư công cho phát triển thủy lợi giai đoạn 2011 - 2020 đạt 96,2 nghìn tỷ đồng. Các dự án thủy lợi được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách giai đoạn 2016-2020 khi đi vào vận hành đã góp phần tăng dung tích trữ 1,397 tỷ m3, tưới trực tiếp 80.499 ha, tạo nguồn tưới khoảng 318.839 ha, tiêu khoảng trên 402.492 ha, kiểm soát mặn, giữ ngọt cho khoảng 1,1 triệu ha, đáp ứng cung cấp nước sinh hoạt và các ngành kinh tế. Hệ thống đê và hồ chứa nước lớn đã được quan tâm đầu tư sửa chữa, nâng cấp.Đến nay, đã xây dựng được khoảng trên 900 hệ thống thuỷ lợi có quy mô diện tích phục vụ từ 200 ha trở lên; trong đó, có 122 hệ thống thủy lợi vừa và lớn với diện tích phục vụ trên 2.000 ha. Cả nước hiện có 86.202 công trình thủy lợi, gồm: 7.169 đập, hồ chứa thủy lợi có dung tích trữ từ 50.000 m3hoặc có chiều cao đập từ 5 m trở lên; 19.416 trạm bơm; 27.754 cống; 15.975 đập dâng; 16.057 đập tạm; 291.013 km kênh mương các loại (82.744 km kênh mương đã được kiên cố), 9.300 km đê(2900km đê biển, 6400 km đê sông), 31.000km đê bao, bờ bao vùng Đồng bằng sông Cửu Long, 16.573 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung.
Công trình thủy lợi đảm bảo cấp nước cho khoảng 4,28 triệu ha/11,54 triệu ha (chiếm 36,5%) tổng diện tích đất nông nghiệp, trong đó, hằng năm tưới cho lúa khoảng 7,26 triệu ha/7,68 triệu ha gieo trồng (đạt 95%); diện tích tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn đạt 0,288 triệu ha/2,4 triệu ha; cấp nước cho nuôi trồng thủy sản 686.600 ha và khoảng 6 tỷ m3 nước cho sinh hoạt, công nghiệp; bảo đảm phòng, chống lũ, chống ngập cho các đô thị, khu dân cư, bảo vệ sản xuất. Hệ thống thủy lợi giữ vai trò quan trọng, không thể thiếu trong việc phục vụ sản xuất nông nghiệp, góp phần quan trọng tăng diện tích gieo trồng, tăng thời vụ, cải tạo đất, đảm bảo phục vụ sinh hoạt, cấp nước cho các ngành kinh tế, đưa sản lượng nông nghiệp Việt Nam từ chỗ không đủ cung cấp nội địa (bị thiếu đói vào năm 1945) đến trở thành nước xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp hàng đầu. Trên 88,5% số dân số nông thôn đã được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, với khoảng 44% dân số nông thôn được cấp nước từ công trình cấp nước tập trung, 56% dân số nông thôn sử dụng công trình cấp nước quy mô hộ gia đình.
Triển khai phân phối, điều hòa nguồn nước trên phạm vi toàn quốc thời gian qua, đã đầu tư hệ thống công trình thủy lợi thực hiện nhiệm vụ liên kết nguồn nước, chuyển nước giữa các vùng, các lưu vực sông... Thời gian tới để bổ sung, liên kết nguồn nước, chuyển nước phục vụ sản xuất, dân sinh cho các khu vực khó khăn về nguồn nước ngọt, cần tiếp tục xây dựng các kho chứa nước lớn, xây dựng các tuyến chuyển nước, kết nối nguồn nước tiến tới hình thành tuyến chuyển nước, kết nối nguồn nước dọc trục đất nước.
Việt Nam đã đạt được các thành tựu phát triển kinh tế-xã hội vượt bậc, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Cùng với kết quả đạt được, nước ta đang đứng trước nhiều thách thức liên quan đến nguồn nước, đó là: phần lớn nguồn nước quốc gia sản sinh từ bên ngoài lãnh thổ, sức ép từ hoạt động phát triển dẫn đến khó khăn trong cân bằng giữa lượng nước sẵn có với nhu cầu sử dụng nước, ô nhiễm nguồn nước, hệ thống kết cấu công trình ngành nước chưa đáp ứngkịp nhu cầu phát triển, thách thức từ diễn biến bất thường, cực đoan của biến đổi khí hậu, thể chế quản lý nguồn nước ở Việt Nam.
Hệ thống pháp luật quản lý nguồn nước đã tương đối hoàn thiện, hệ thống tổ chức quản lý nhà nước về nguồn nước từ Trung ương đến địa phương dần được củng cố, kiện toàn. Tuy nhiên, phân giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về nguồn nướcchưa thựcsự tách bạch vềtrách nhiệm quản lý giữa các Bộ, ngành, giữa Trung ương với địa phương, chưa phù hợp với xu hướng đổi mới quản lý dịch vụ công theo cơ chế thị trường, phối hợp liên ngành còn hạn chế; đặc biệt chưa thực sự tạo động lực cho người dân, các thành phần kinh tế chủ động, tham gia vào hoạt động quản lý nguồn nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.
Quy định về xử lý vi phạm về xả nước thải vào nguồn nước, xử lý vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, công trình cấp nước sinh hoạt chưa đủ mạnh. Vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, hành lang bảo vệ nguồn nước, xả nước thải chưa đủ tiêu chuẩn vào công trình thủy lợi xảy ra ở nhiều địa phương, không được giải quyết triệt để. Gia tăng xả thải chất ô nhiễm vào nguồn nước đang ở mức báo động, đặc biệt ở những nơi làng nghề, nơi có tốc độ đô thị hóa cao.
Quy định pháp luật về cấp nước sinh hoạt nông thôn còn phân tán, có khoảng trống, thiếu quy định về cơ chế tài chính đối với các đơn vị khai thác công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn, quy định về mô hình tổ chức quản lý, khai thác của đơn vị cấp nước sinh hoạt, chưa có quy định về quy định về cấp nước an toàn, cấp nước nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình.... dẫn đến công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn chưa bền vững, hư hỏng, khó kiểm soát chất lượng nguồn nước cấp cho người dân....
Thể chế quản lý nguồn nước hiện naycũng là một thách thức đối với an ninh nguồn nước quốc gia.
Nguồn nước mặt sản sinh trong lãnh thổ Việt Nam chỉ chiếm 37% tổng lượng nước mặt của quốc gia. Nguồn nước sản sinh từ bên ngoài lãnh thổ, từ các quốc gia thượng nguồn lưu vực sông, chiếm tới 63% (tương ứng sông Mê Công chiếm90,1%, sông Hồng 38,5%, sông Cả 18,4%, sông Mã 27,1%), lượng nước này hoàn toàn phụ thuộc vào hoạt động khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn nước tại các quốc gia thượng nguồn lưu vực sông.
Việc các quốc gia ở thượng nguồn các sông quốc tế triển khai đầu tư xây dựng, hoặc có kế hoạch gia tăng sử dụng nước, xây dựng các hồ thủy điện, công trình lấy nước, công trình chuyển nước liên lưu vực sông sẽ cótác động đến biến đổi dòng chảy về nước ta,dự báo sẽ gây hậu quả nghiêm trọng đến vùng hạ du tại Việt Nam, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng bằng sông Hồng.
Theo số liệu của Ủy hội sông Mê Công quốc tế, giai đoạn từ nay đến năm 2040 trên lưu vực sông Mê Công, trong khi Việt Nam định hướng duy trì hoặc giảm diện tích tưới, thì diện tích tưới tại các quốc gia thượng nguồn sẽ tăng từ 2-3 lần. Bên cạnh đó theo số liệu của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới, trong khoảng 30 năm từ 1973-2009, diện tích rừng tại các quốc gia tiểu vùng Mê Công giảm đến 31% cũng đã tác động làm suy giảm dòng chảy mùa cạn, gia tăng dòng chảy mùa lũ trên lưu vực sông.
Theo công bố tại nghiên cứu của Hội đồng Ủy hội sông Mê Công Quốc tế năm 2017,khi các công trình thủy điện hoàn thành xây dựng, đi vào vận hành sẽ có tác động bất lợi vô cùng lớn, không thể đảo ngược, đến chế độ dòng chảy, phù sa, chất dinh dưỡng, môi trường, sinh kế người dân vùng ĐBSCL, dự kiến lượng phù sa về ĐBSCL có thể giảm 97% ở thời điểm năm 2040.
Nguồn nước Việt Nam phụ thuộc nhiều vào lượng nước sản sinh từ bên ngoài lãnh thổ là thách thức lớn đối với an ninh nguồn nước quốc gia. Hoạt động phát triển tại thượng nguồn các lưu vực sông quốc tế sẽ có tác động bất lợi đến các vùng hạ du lưu vực sông ở nước ta, đặc biệt tác động bất lợi đến vùng ĐBSCL là vô cùng lớn và không thể đảo ngược.
Tổng lượng nước hiện khai thác, sử dụng trên lãnh thổ Việt Nam hàng năm khoảng 100 tỷ m3/năm, dự báo đến năm 2030 sẽ cần khoảng 111 tỷ m3/năm, trong đó tỷ trọng nhu cầu nước của ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn, tuyệt đối khoảng 83-85%,nhu cầu nước sinh hoạt, công nghiệp đang tăng nhanhsẽ là các yếu tố chính làm gia tăng sử dụng nước tại tất cả các lưu vực sông. Trong khi phần lớn nguồn nước mặt sản sinh bên ngoài lãnh thổ (chiếm 63%), phân bổ lượng nước không đều theo không gian và thời gian, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn thường xuyên, sẽ là thách thức lớn trong việc cân đối nguồn nước đáp ứngphát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường. Căng thẳng về nước tại lưu vực sông Cửu Long nơi sản xuất 50% lượng lúa gạo của Việt Nam có thể dẫn đến mối đe dọa về an ninh lương thực và xuất khẩu quốc gia. Thống kê gần đây của các tổ chức quốc tế cho thấy, lượng nước bình quân trên đầu người ở nước ta, ứng với dân số khoảng 96 triệu người đạt gần 9.000m3/người/năm ở mức cao so với mức trung bình thế giới. Tuy nhiên, nếu chỉ tính lượng nước nội sinh trên lãnh thổ, thì lượng nước bình quân đầu người chỉ đạt khoảng 3.300 m3/người/năm thấp hơn trung bình khu vực Đông Nam Á (khoảng 4.900 m3/người/năm).
Tranh chấp về phân bổ, chia sẻ nguồn nước giữa các ngành sử dụng nước, giữa các địa phương đã và đang xảy ra cả trong mùa mưa và mùa khôcó thể làm trầm trọng thêm mức độ căng thẳng nước trên các lưu vực sông.
Tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn xảy ra thường xuyên tại tất cả các vùng kinh tế, với diễn biến phức tạp, mức độ ngày càng trầm trọng do tác động từ biến đổi khí hậu - nước biển dâng, sự gia tăng khai thác nguồn nước ở thượng nguồn các con sông, sự phát triển kinh tế - xã hội nội tại. Tình trạng hạ thấp lòng dẫn trên một số hệ thống sông lớn, đặc biệt trên hệ thống sông Hồng có diễn biến nhanh, dẫn đến mực nước sông hạ thấp, không đủ cao trình mực nước cho các công trình thủy lợi lấy nước, kể cả công trình lấy nước bằng động lựcgây khó khăn cho việc đảm bảo cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, dân sinh. Việc thiếu hụt dòng chảy từ thượng nguồn kéo theo gia tăng xâm nhập mặn ở khu vực ven biển, xâm nhập mặn có xu thế lấn sâu vào nội địa gây ra căng thẳng về nguồn nước.
Nhiều vùng, địa bàn không cân đối được nguồn nước trong mùa khô; hạn hán, thiếu nước trầm trọng thường xuyên xảy ra ở nhiều địa phương, cho thấy cần thiết phải đầu tưxây dựng các công trình chuyển nước, kết nối nguồn nước, nối mạng nguồn nước để cân đối nguồn nước tại chỗ, kết nối, liên kết nguồn nước giữa các mùa, vùng, lưu vực sông tiến tới hình thành mạng lưới liên kết nguồn nước quốc gia đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia.
Phát triển nóng về dân số,tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa tăngnhanh trong thời gian qua đã và đang gây sức ép đến môi trường nước trong các lưu vực sông, hệ thống công trình thủy lợi. Mức độ ô nhiễm nguồn nước tại các kênh, sông, hồ ngày càng nghiêm trọng,tại một số vị trí biên giới đã ghi nhận mức độ gia tăng ô nhiễm nguồn nước sông, đe dọa đến an ninh nguồn nước quốc gia.Theo báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2018, tỷ lệ nước thải sinh hoạt ở các đô thị loại IV trở lên được thu gom, xử lý chỉ đạt khoảng 12,5%, 88% khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung hoàn chỉnh và đang vận hành, 15,8% cụm công nghiệp có công trình xử lý nước thải đã hoạt động.
Nguồn nướcbị ô nhiễmđang là nguyên nhân chính khiến cho nước trong hệ thống thủy lợi không thể quay vòng, tái sử dụng. Ô nhiễm môi trường nước đã và đang gây ra những thiệt hại kinh tế cho sản xuất nông nghiệp và khai thác, nuôi trồng thủy sản. Gia tăng nhu cầu sử dụng nguồn nước, cùng vấn đề ô nhiễm nguồn nước làm phát sinh các mâu thuẫn, xung đột trong xã hội.
Xả thải chất gây ô nhiễm từ hoạt động phát triển kinh tế-xã hội trên lưu vực, lan truyền ô nhiễm xuyên biên giới sẽ tác động mạnh đến sức khỏe người dân, đến môi trường sinh thái lưu vực sông, đến an ninh nguồn nước quốc gia.
Hệ thống công trình thủy lợi được xây dựng từ lâu, thiết kế trước đây chủ yếu tập trung cho sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, phục vụ cho cây lúa, nên khó thay đổi công năng đáp ứng cho sản xuất quy mô lớn, phục vụ nuôi trồng thủy sản; nhiều diện tích canh tác cây trồng cạn chưa được tưới, hoặc tưới bằng các biện pháp lạc hậu, lãng phí nước; diện tích cây trồng áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước còn hạn chế. Chất lượng nước trong một số hệ thống công trình không bảo đảm để cấp cho sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn, làm nguồn cấp cho công nghiệp;số lượng công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn hoạt động không hiệu quả còn chiếm tỉ lệ lớn, ảnh hưởng đến chất lượng sống, sức khỏe của người dân vùng nông thôn.Hệ số quay vòng đất ngày càng tăng (2 vụ lên 2,5-3 vụ), dẫn đến yêu cầu cấp, thoát nước tăng lên, trong khi cơ sở hạ tầng thủy lợi nhiều nơi đang xuống cấp, lạc hậu chưa được đầu tư nâng cấp. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản, diện tích cây trồng cạn có thế mạnh, có thị trường như cà phê, hồ tiêu… đã tăng gấp nhiều lần so với trước đây đòi hỏi phải bổ sung công trình thủy lợi.Hoạt động phát triển công nghiệp, đô thị mạnh mẽ đang đặt sức ép lớn lên hạ tầng thủy lợi, làm gia tăng yêu cầu phục vụ, gia tăng nhu cầu được bảo vệ. Nhu cầu tiêu thoát nước mưa, nước lũ ngày càng tăng, trong khi năng lực tiêu, thoát nước của công trình thủy lợi chưa đảm bảo đáp ứng nhu cầu thực tế.Phát triển thủy điện thượng nguồn, hoạt động khai thác cát (hút cát) trên các con sông có thể là nguyên nhân chính dẫn đến sạt lở bờ, lòng sông, các khu dân cư ven kênh rạch vùng ĐBSCL, hạ thấp lòng dẫn sông tại ĐBSH ảnh hưởng tới an toàn, sinh kế người dân, gây gián đoạn giao thông thủy, cạn kiệt nguồn nước, suy thoái môi trường nước. Khai thác nước dưới đất quá mức, suy giảm mực nước ngầm, sụt lún đất ở một số đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, đặc biệt ở ĐBSCL là vấn đề lớn cần quan tâm giải quyết.Khu vực Miền Trung, sông ngắn, có độ dốc lòng sông lớn, nước tập trung nhanh, hàng năm vẫn xảy ra ngập lũ, úng, trong khi nguồn lực đầu tư có hạn nên thiệt hại về tài sản, tính mạng của người dân vẫn ở mức cao.
Vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợixảy ra thường xuyên, tính đến 31/12/2019, cả nước đã phát hiện 66.266 vụ vi phạm, trong đó 14 tỉnh có trên 1.000 vi phạm.Kết quả xử lý các vi phạm còn hạn chế đã và đang ảnh hưởng đến công tác vận hành, chất lượng nước và an toàn công trình công trình.
Gia tăng sức ép của quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa đối với hệ thống công trình thủy lợi được xây dựng từ lâu đã xuống cấp, năng lực phục vụ thấp, trong bối cảnh nguồn lực đầu tư nâng cấp, sửa chữa còn hạn chế là thách thức lớn đối với an ninh nguồn nước quốc gia.
Nắng nóng kéo dài làm gia tăng lượng bốc, thoát hơi nước từ bề mặt, gia tăng nhu cầu sử dụng nước cho sinh hoạt, sản xuất. Nhiệt độ trung bình năm tại Việt Nam đã tăng khoảng 0,5oC trên phạm vi cả nước. Xu thế chung tăng nhiệt độ tại hầu hết các khu vực với mức thay đổi nhiệt độ cực đại dao động trong khoảng từ -3oC đến 3oC, nhiệt độ cực tiểu dao động trong khoảng -5oC đến 5oC, tốc độ tăng của nhiệt độ cực tiểu nhanh hơn so với nhiệt độ cực đại.
Lượng mưa năm đang có sự thay đổi đáng kể so với trước đây, tăng ở các vùng khí hậu phía Nam và giảm ở các vùng khí hậu phía Bắc. Khu vực Nam Trung Bộ có lượng mưa mùa khô, mùa mưa và lượng mưa năm tăng mạnh nhất so với các vùng khác ở nước ta, nhiều nơi đến 20%.Trong 50 năm qua,lượng mưa ngày cực đại đã tăng lên ở hầu hết các vùng khí hậu, có tính bất thường, cực đoan,số ngày mưa lớn có xu thế tăng lên đòi hỏi phải có giải pháp ứng phó kịp thời. Năm 2019, cùng thời điểm, khi khu vực Miền Trung xảy ra hạn hán nghiêm trọng, thì Miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và Tỉnh Thanh Hóa lũ lụt, ngập úng gây thiệt hại lớn. Năm 2020, diễn biến bất thường của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn xảy ra tại vùng ĐBSCL, ĐBSH, Nam Trung bộ và Tây Nguyên.
Sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển diễn biến ngày càng nghiêm trọng, uy hiếp trực tiếp đến tính mạng và tài sản của nhân dân. Hiện nay, trên cả nước có khoảng 2.055 điểm sạt lở với tổng chiều dài trên 2.710 km: Bắc Bộ có 471 điểm tổng chiều dài 413 km; Trung Bộ và Tây Nguyên có 905 điểm tổng chiều dài 1.348 km; Nam Bộ có 679 điểm, tổng chiều dài 949 km.
Việt Nam là một trong năm quốc gia hứng chịu tác động bất lợi lớn nhất từ biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Biến đổi khí hậu tác động bất lợi đến mọi mặt của hoạt động dân sinh, kinh tế, đặc biệt đối với khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn là thách thức lớn đối với an ninh nguồn nước quốc gia.
a) An ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển đất nước, góp phần ổn định chính trị, an ninh quốc gia. Đảm bảo an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước là yêu cầu tất yếu khách quan, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân.
b) An ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước phải được giải quyết đồng bộ với cơ cấu lại nền kinh tế, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, bảo đảm sức khoẻ, đời sống, điều kiện sản xuất của người dân; chủ động bảo đảm trong mọi tình huống.
c) Chủ động nguồn nước nội sinh trên lãnh thổ Việt Nam, không bị động, phụ thuộc vào nguồn nước bên ngoài lãnh thổ; cân đối nguồn nước tại chỗ, kết nối, liên kết nguồn nước giữa các mùa, vùng, lưu vực sông tiến tới hình thành mạng lưới liên kết nguồn nước quốc gia đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
d) Giải quyết an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước phải được thực hiện theo cách tiếp cận quản lý tổng hợp, đa mục tiêu, liên ngành, đảm bảo số lượng và chất lượng nước, trên cơ sở kết hợp hài hoà giải pháp công trình và phi công trình, trong đó kết cấu hạ tầng thủy lợi giữ vai trò quan trọng đặc biệt; nâng cao mức bảo đảm an toàn công trình, hiệu quả quản lý, khai thác cơ sở hạ tầng ngành nước; ứng dụng công nghệ tiên tiến, thông minh, hiện đại hoá công tác thuỷ lợi.
đ) Đảm bảo đủ nguồn lực giải quyết các vấn đề an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước, trong đó nguồn lực nhà nước đóng vai trò chủ đạo; tăng cường sự tham gia của toàn xã hội, người dân; đầu tư xây dựng công trình thuỷ lợi trên quan điểm phục vụ đa mục tiêu, lâu dài, tuyệt đối an toàn.
4. Giải pháp
Rà soát quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội phù hợp với điều kiện nguồn nước, phục vụ phát triển bền vững; rà soát quy hoạch thủy lợi, đề xuất các công trình trữ nước, chuyển nước, liên kết nguồn nước liên tỉnh, liên vùng, liên lưu vực, tiến tới hình thành mạng kết nối nguồn nước quốc gia vào năm 2045.
Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình trọng điểm, đầu tư xây dựng hồ chứa nước lớn phục vụ đa mục tiêu, công trình chuyển nước, liên kết nguồn nước liên tỉnh, liên vùng, liên lưu vực trong giai đoạn 2021-2025.
Phát triển hệ thống công trình thủy lợi đảm bảo cấp đủ nước, tiêu thoát nước phục vụ sinh hoạt, các ngành kinh tế; ưu tiên cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, các đảo có đông dân cư, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, vùng khan hiếm nước.
Đầu tư các loại hình cấp nước nhỏ lẻ phục vụ sinh hoạt, bảo đảm cân đối được nguồn nước ngọt ở quy mô từng hộ, thôn/xóm, xã, huyện ở vùng thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, đặc biệt khu vực Đồng bằng sông cửu Long, Tây Nguyên, các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa.
Tập trung sửa chữa, nâng cấp đập, hồ chứa nước hư hỏng, xuống cấp đảm bảo an toàn tuyệt đối công trình và vùng hạ du đập, nâng cao mức đảm bảo an toàn các đập, hồ chứa nước lớn theo tiêu chuẩn quốc tế.
Đầu tư xây dựng công trình kiểm soát triều, mặn, lợ, ngọt, cắt lũ, giảm lũ, thoát lũ, chống ngập úng, sạt lở bờ sông, bờ biển.
Tiếp tục bảo vệ và phát triển rừng đầu nguồn, rừng ngập mặn ven biển, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, cây chắn sóng bảo vệ bờ.
4.2. Giải pháp phi công trình
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tăng cường phân cấp, giảm thủ tục hành chính, minh bạch, tạo điều kiện, tạo động lực cho tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, quản lý, vận hành kết cấu hạ tầng ngành nước.
Rà soát, sắp xếp, kiện toàn, hệ thống tổ chức, bộ máy quản lý nhà nước, các đơn vị sự nghiệp ngành nước, bảo đảm tinh gọn đầu mối, khắc phục tình trạng chồng chéo, trong đó ưu tiên nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống tổ chức quản lý, khai thác công trình thủy lợi đang thực hiện nhiệm vụ cung cấp nước phục vụ dân sinh, các ngành kinh tế.
Tăng cường cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong việc điều phối, đảm bảo an ninh nguồn nước.
Triển khai chính sách giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa tổ chức cung cấp và người sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi, phù hợp với đặc thù vùng, miền; thực hiện hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi theo lộ trình.
Rà soát, xây dựng hệ thống cơ sở đào tạo nguồn nhân lực ngành nước đạt chuẩn khu vực Châu Á vào năm 2030, tiến tới đạt trình độ chung của các nước tiên tiến trên thế giới vào năm 2050.Thực hiện cơ chế ưu đãi miễn giảm, cấp học phí cho các đối tượng tham gia ngành học quan trọng đảm bảo an ninh nguồn nước.
Xây dựng tầm nhìn, kịch bản phát triển trên cơ sở thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển ở thượng nguồn các lưu vực sông quốc tế, phát triển nội tại, giải quyết các tác động cực đoan vềhạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, lũ, ngập lụt, úng, ô nhiễm, suy thoái nguồn nước,bảo vệ môi trường nước; giải pháp dài hạn cho vùng Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long, bao gồm giải pháp kiểm soát triều, chống ngập; phương án tạo nguồn nước, tích trữ, điều hòa, chuyển, kết nối nguồn nước giữa các mùa và vùng trên phạm vi cả nước;
Ứng dụng công nghệ tiên tiến trong dự báo, cảnh báo nguồn nước, chất lượng nước, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, sa mạc hóa, lũ, ngập lụt, úng, bồi lắng, xói lở công trình thủy lợi, bờ sông, bờ biển;công nghệ cấp, tiêu thoát nước tiên tiến, hiện đại, thông minh;quản lý, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tái sử dụng nước;công nghệ hiện đại trong xây dựng công trìnhbảo đảm chất lượng, kỹ thuật, mỹ quan và cảnh quan; hiện đại hóa công tác quản lý, khai thác công trình thủy lợi.
Chuyển đổi phương thức sản xuất, bố trí dân cư thích ứng với điều kiện nguồn nước;
Chủ động, tham gia, mở rộng hợp tác với các đối tác quốc tế vềsử dụng nguồn nước xuyên biên giới, nghiên cứu tác động của các hoạt động phát triển thượng nguồn các lưu vực sông liên quốc gia đến Việt Nam; trao đổi thông tin, chuyển giao công nghệ, đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm và huy động nguồn lực trong đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia, tăng cường kết nối với cộng đồng người Việt Nam hoạt động khoa học công nghệ ở nước ngoài.
PHẦN II - AN TOÀN ĐẬP, HỒ CHỨA NƯỚC
Hiện trên cả nước có 7.570 đập, hồ chứa đã đưa vào vận hành khai thác với tổng dung tích khoảng 70,5 tỷ m3, trong đó có 401 đập, hồ chứa thủy điện; 7.169 đập, hồ chứa thủy lợi; các hồ chứa đã phát huy hiệu quả phục vụ đa mục tiêu, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống nhân dân, bảo đảm an ninh, quốc phòng.
Khoảng 7.169 đập, hồ chứa thủy lợiđược xây dựng tại 45/63 địa phương trên cả nước, trong đó có 419 đập dâng có chiều cao trên 5m và 6.750 hồ chứa thủy lợi với tổng dung tích trữ khoảng 14,5 tỷ m3, tạo nguồn nước tưới cho gần 1,1 triệu ha đất nông nghiệp, cấp khoảng 1,5 tỷ m3 nước cho sinh hoạt, công nghiệp.
Bộ Nông nghiệp và PTNT quản lý 4 hồ chứa quan trọng đặc biệt và 1 hồ thủy lợi liên tỉnh;địa phương quản lý 8 hồ chứa thủy lợi liên tỉnh, 6737 hồ chứa các loại và 419 đập dâng.
Đến nay, phần lớn các hồ chứa lớn có dung tích trên 3 triệu m3 đã đảm bảo an toàn và được giao cho các công ty TNHH MTV KTCTTL trực thuộc UBND cấp tỉnh quản lý, khai thác, đảm bảo năng lực quản lý, vận hành. Với các hồ chứa thuỷ lợi vừa và nhỏ: 100% là đập đất, chủ yếu được xây dựng từ những năm 70-80 của thế kỷ trước trong điều kiện kinh tế khó khăn, kỹ thuật hạn chế; thiếu kinh phí sửa chữa nâng cấp thường xuyên. Các hồ chứa nước nêu trên hầu hết được giao cho huyện, xã quản lý và một số hồ chứa ở Tây Nguyên giao cho Tổng công ty Cà phê Việt Nam quản lý. Đội ngũ quản lý đa số không có cán bộ thuỷ lợi chuyên trách, không được đào tạo chuyên môn quản lý an toàn đập nên hiệu quả quản lý hạn chế.
Công tác đảm bảo an toàn đập, hồ chứa thủy lợi luôn được Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương quan tâm chỉ đạo và thực hiện. Giai đoạn từ năm 2003 đến nay, bằng nguồn vốn Chương trình an toàn hồ chứa và các nguồn vốn khác, cả nước đã đầu tư sửa chữa được gần 900 đập, hồ chứa nước các loại với tổng kinh phí gần 16.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện cả nước còn khoảng 1.200 hồ chứa nước bị hư hỏng và thiếu năng lực chống lũ chưa có nguồn vốn để sửa chữa, nâng cấp, trong đó có 200 hồ hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, đe doạ đến tài sản, tính mạng của người dân vùng hạ du, cần đặc biệt quan tâm và xử lý cấp bách.
Những năm gần đây, BĐKH gây mưa, lũ cực đoan diễn biến phức tạp, bất thường ảnh hưởng nghiêm trọng an toàn hồ chứa. Từ năm 2010 đến nay, cả nước đã xảy ra 70 sự cố đập, tập trung trong các năm: 2017 (23 sự cố), 2018 (12 sự cố), 2019 (11 sự cố), gần đây nhất là sự cố vỡ đập Đầm Thìn, Phú Thọ ngày 28/5/2020.
Nguyên nhân sự cố do ảnh hưởng của mưa, lũ dòng chảy về hồ vượt tần suất thiết kế, công trình đầu mối bị hư hỏng, xuống cấp; Chủ đầu tư, các nhà thầu Tư vấn thiết kế, đơn vị thi công thiếu kinh nghiệm, chủ quan không lường hết được các tình huống thiên tai khi thi công; năng lực của đơn vị quản lý chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt là các hồ nhỏ được giao cho UBND cấp huyện, xã quản lý; công tác kiểm định định kỳ an toàn đập hầu hết chưa được thực hiện, việc kiểm tra hồ đập bằng trực quan nên chưa phát hiện được ẩn họa, hư hỏng trong thân đập.
2. Những vấn đề đặt ra
- Trong những năm gần đây, BĐKH gây mưa lũ cực đoan diễn biến rất phức tạp, mưa, lũ vượt tần suất thiết kế ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn đập, hồ chứa, trong khi năng lực quan trắc, dự báo,cảnh báo phục vụ chỉ đạo điều hành hồ chứa chưa đáp ứng yêu cầu.
- Sự suy giảm rừng đầu nguồn, thảm phủ thực vật tại lưu vực hồ chứa, số lượng hồ chứa nhiều, phân bố ở các vùng núi, xa khu dân cư, gây khó khăn cho việc đi lại kiểm tra công trình trong mùa mưa, lũ.
- Việc thực hiện quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy lợi ở địa phương còn hạn chế chưa được quan tâm đúng mức, thiếu kinh phí.
- Ứng dụng khoa học công nghệ trong hiện đại hóa quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy lợi chưa đáp ứng yêu cầu.
- Tình trạng công trình bị hư hỏng xuống cấp ngày càng nghiêm trọng. Hiện nay, cả nước còn khoảng 1.200 hồ chứa bị hư hỏng và thiếu năng lực chống lũ chưa có nguồn kinh phí sửa chữa, nâng cấp, trong đó có 200 hồ bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng.
- Hạ du các hồ chứa: Mưa lũ lớn, cực đoan, phát triển kinh tế xã hội, thay đổi của kết cấu hạ tầng, lấn chiếm phạm vi lòng dẫn, yêu cầu quản lý an toàn đập, hồ chứa thuỷ lợi ở mức độ ngày càng cao, nhằm đảm bảo an toàn công trình và giảm thiểu thiệt hại ở vùng hạ du đập.
- Một số địa phương phân cấp và tổ chức quản lý, khai thác chưa phù hợp với quy định, vẫn giao hồ đập lớn và vừa cho UBND cấp xã quản lý.
3. Giải pháp
a) Giải pháp công trình
Đầu tư sửa chữa, nâng cấp 1.200 hồ chứa bị hư hỏng và thiếu năng lực chống lũ chưa có nguồn kinh phí sửa chữa, nâng cấp, đặc biệt 200 hồ bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng;
Đẩy nhanh tiến độ sửa chữa 450 hồ chứa thuộc Dự án Sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8); hàng năm, bố trí kinh phí để bảo trì, sửa chữa nâng cấp các đập, hồ chứa thủy lợi theo quy định.
b) Giải pháp phi công trình
- Thực thi nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy lợi theo quy định của Luật Thủy lợi, Nghị định 114/2018/NĐ-CP và các quy định khác có liên quan.
- Kiện toàn, củng cố tổ chức quản lý, khai thác đập, hồ chứa thủy lợi đảm bảo đáp ứng năng lực theo quy định của Luật Thủy lợi, Nghị định số 67/2018/NĐ-CP; điều chỉnh phân cấp quản lý, khai thác phù hợp với quy định và điều kiện năng lực của tổ chức, cá nhân.
- Hiện đại hóa công tác quản lý, khai thác đập, hồ chứa thủy lợi; tăng cường hợp tác quốc tế, xây dựng chương trình khoa học công nghệ ứng dụng chuyển giao công nghệ về an toàn đập, hồ chứa thủy lợi.
- Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo mưa lũ hướng đến vận hành hồ chứa theo diễn biến thực tế đáp ứng yêu cầu sử dụng nước, bảo đảm an toàn công trình và vùng hạ du đập.
- Bố trí kinh phí và chỉ đạo hoạt động của Hội đồng Tư vấn đánh giá an toàn đập, hồ chứa nước hàng năm để quyết định phương án tích nước và giải pháp bảo đảm an toàn cho hồ đập bị hư hỏng, có nguy cơ mất an toàn.
- Thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn cho nhân dân về an toàn đập, hồ chứa nước; đào tạo, tập huấn, tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, khai thác đập, hồ chứa nước.
PHẦN III - ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ
Để đảm bảo an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị:
1. Trên cơ sở kết quả giám sát chuyên đề và thực tiễn đặt ra, đề nghị Quốc hội nghiên cứu, xem xét ban hành Nghị quyết về an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước.
2. Đề nghị Trung ương Đảng xem xét, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp đưa nội dung an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước vào chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng khóa XIII.
3.Đối với Chính phủ
Căn cứ Nghị quyết của Quốc hội, đề nghị Chính phủ ban hànhChương trình hành động, Đề án về an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước.
Ưu tiênnguồn lực trong kế hoạch đầu tư công trung hạn để hoàn thành các công trình thủy lợi trọng điểm, đầu tư phát triển hệ thống thủy lợi, nước sạch nông thôn, công trình chuyển nước, kết nối nguồn nước liên tỉnh, liên vùng, liên lưu vực, xử lý các đập, hồ chứa thuỷ lợi hư hỏng đảm bảo tuyệt đối an toàn công trình và vùng hạ du đập.
Chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan xây dựng Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia về an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước.
4. Các địa phương
Rà soát, xây dựng phương án đảm bảo an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước vào quy hoạch tổng thể của địa phương; nghiên cứu kết nối nguồn nước liên xã, liên huyện, liên tỉnh, liên vùng; chủ động cân đối nguồn nước tại chỗ cho sản xuất, dân sinh, các ngành kinh tế, kết hợp sắp xếp lại cơ cấu sản xuất, bố trí dân cư để ứng phó với hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, lũ, ngập lụt, úng và các thiên tai khác do nước gây ra;
Triển khai chính sách giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi, đảm bảo tính đúng, tính đủ chi phí sản xuất, hài hòa lợi ích giữa người cung cấp và người sử dụng dịch vụ, tạo cơ hội huy động được nguồn lực cho phát triển.
Chủ động bố trí kinh phí đầu tư sửa chữa, nâng cấp các đập, hồ chứa thuỷ lợi hư hỏng, xuống cấp, mất an toàn. Rà soát phân cấp quản lý đập, hồ chứa thuỷ lợiđảm bảo đủ năng lực; thực hiện đầy đủ các nội dung về quản lý, bảo đảm an toàn công trình theo quy định của Luật Thủy lợi.
Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm công trình thuỷ lợi, vi phạm xả nước thải vào nguồn nước; bảo vệ chất lượng nước.
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
|