|
Hội thảo
Giải pháp kết nối phát triển
khoa học công nghệ xây dung
|
Ngày 28/10/2020, được sự đồng tình của Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), Tổng hội Xây dựng Việt Nam (VFCEA) đã tổ chức Hội thảo ‘Giải pháp kết nối phát triển khoa học công nghệ xây dựng giữa Tổng hội Xây dựng Việt Nam với các trường Đại học, Viện nghiên cứu và các doanh nghiệp’. Dự Hội thảo có các vị lãnh đạo Tổng hội, đông đảo lãnh đạo & chuyên gia các Hội thành viên, các Viện nghiên cứu, trường Đại học và các Doanh nghiệp về xây dựng. 17 báo cáo đã được chuẩn bị. Những ý kiến được trình bày trong các báo cáo và thảo luận đều nhấn mạnh vai trò quan trọng của khoa học công nghệ, sự bức thiết phải liên kết khoa học công nghệ giữa các cơ quan quản lý, nghiên cứu và các doanh nghiệp trong xây dựng, chức năng và trách nhiệm phối hợp, kết nối của VFCEA và các hội chuyên ngành. Tại hội thảo, GS.TS. Nguyễn Quốc Dũng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Đập lớn & PT Nguồn nước VN đã có bài phát biểu sau:
KẾT NỐI CÁC CHỦ ĐẬP VÀ DOANH NGHIỆP
KINH NGHIỆM CỦA HỘI ĐẬP LỚN &
GS. Nguyễn Quốc Dũng
Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước VN
1. Kết nối các doanh nghiệp là nhiệm vụ quan trọng của Hội
Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam (VNCOLD) là Hội chuyên ngành hoạt động trong lĩnh vực An ninh nguồn nước và An toàn đập. Hội có chức năng tư vấn cho Chính phủ, Bộ, Ngành về thể chế, chính sách; cung cấp thông tin khoa học công nghệ (KHCN) cho các Hội viên; chủ trì hoặc tham gia biên soạn các tài liệu kỹ thuật; cử chuyên gia tham gia trong các Hội đồng tư vấn an toàn đập (ở Trung ương và địa phương), hợp tác quốc tế trong lĩnh vực an toàn đập. Một trong số các nhiệm vụ quan trọng trong Chương trình hoạt động của Hội là làm cầu nối các chủ đập với các doanh nghiệp (cả trong và ngoài nước).
Việt Nam có gần 7000 đập thuỷ lợi, trên 400 đập thuỷ điện được quản lý bởi trên 500 chủ đập. Chủ đập lớn nhất là Cty quản lý thuỷ điện Hoà Bình- Sơn la, dưới đó là các chủ đập tư nhân, các Cty TNHH MTV KTCT Thuỷ lợi các tỉnh, còn phần lớn các chủ đập “mini”, là các “tổ chức thuỷ lợi cơ sở” cấp Hợp tác xã. Như vậy các hình thức kết nối cũng phải khác nhau. Trong bài tham luận này chỉ trình bày những kinh nghiệm bước đầu của Hội Đập lớn trong kết nối các chủ đập và doanh nghiệp.
Các chủ đập cần gì?
Với các chủ đập lớn, Hội phối hợp với Bộ Công thương (Cục Quản lý môi trường và An toàn), với Tập đoàn Điện lực (EVN) tổ chức các hội thảo khoa học để giới thiệu các tiến bộ kỹ thuật về Quản lý an toàn đập. Với các đập lớn hiện nay, vấn đề quan tâm nhất là vận hành điều tiết hồ chứa theo thời gian thực.
Năng lực dự báo mưa và dòng chảy đóng vai trò quan trọng trong công tác vận hành điều tiết hồ chứa. Việc dự báo được lượng mưa trong ngắn hạn hàng giờ đến trung hạn vài ngày sẽ cho phép tính toán được lưu lượng dòng chảy về hồ trong tương lai thông qua các mô hình mưa rào-dòng chảy. Quy mô cơn lũ, như tổng lượng và đỉnh lũ, sẽ được biết trước để quyết định vận hành hạ mực nước hồ đón lũ. Điểm cần nhấn mạnh ở đây là các dự báo này phải cụ thể cho từng hồ đập để quyết định vận hành trước lũ cho các hồ đập đó và như thế sẽ nâng mức an toàn điều tiết bằng vận hành trước lũ và không bị xả phí nước nếu thực tế lại không mưa trong lưu vực hồ chứa (tức là không có lũ về hồ).
Để vận hành hồ chứa theo thời gian thực, các chủ đập cần thông tin dự báo mưa trong lưu vực trước đó một vài ngày (ít nhất là 4 ngày) một cách chính xác. Trong khi đó, dự báo thời tiết của Trung tâm khí tượng thuỷ văn quốc gia Việt Nam (Nchmf) hiện mới chỉ cung cấp được lượng mưa cho một vùng lớn. Đó là khoảng trống để các doanh nghiệp khai thác ký các hợp đồng dịch vụ với chủ đập. Doanh nghiệp sử dụng dịch vụ dự báo thời tiết của các hãng lớn trên thế giới (Weathernew, Halex,....) và với cả của Nchmf để đưa ra dự báo mưa cho lưu vực của chủ đập với lưới đến 5km. Từ lượng mưa trong lưu vực, bằng công cụ tính toán sẽ cho lưu lượng nước về đập theo từng giờ trong thời đoạn dự báo. Như vậy chủ đập sẽ chủ động xả lũ, đón lũ. Nhờ công cụ hỗ trợ dự báo nước đến theo thời gian thực, các chủ đập đã tiết kiệm được xả tràn không cần thiết, mang lại hiệu quả kinh tế nhưng đồng thời cũng bảo đảm an toàn đập. Hoạt động này được các Bộ, EVN và các chủ đập đánh giá cao.
Với các chủ đập vừa và nhỏ (đặc biệt là các đập thuỷ điện), Hội mang đến cho họ các thông tin KHKT trong sửa chữa nâng cấp công trình và thiết bị, kết nối các chủ đập với các doanh nghiệp uy tín cung cấp các sản phẩm mà họ đang cần. Hội cử các chuyên gia tham gia các đoàn kiểm tra an toàn đập trước mùa mưa lũ, tư vấn cho các địa phương các ý kiến có giá trị.
Trên đây chỉ là một ví dụ về một mảng chuyên môn mà Hội đang tích cực đẩy mạnh. Còn có nhiều lĩnh vực chuyên môn khác cũng đang đuọc tiếp cận theo cách như vậy. Ngoài ra, qua trang Web (www.vncold.vn) Hội có các bài viết trao đổi thông tin kinh nghiệm về xây dựng và quản lý an toàn đập.
Các doanh nghiệp có gì và được gì?
Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ quản lý an toàn đập hiện không có nhiều. Phần lớn các doanh nghiệp (trừ các doanh nghiệp nước ngoài) chưa có sản phẩm chuyên biệt, nhưng cũng đã có một vài doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào mảng này và gặt hái thành công. Ví dụ: Vinarain là một doanh nghiệp chuyên lắp đặt các trạm đo mưa theo hình thức có sự tham gia của cộng đồng. Doanh nghiệp tự lắp đặt các trạm đo mưa, thuê người dân trông nom, bán số liệu mưa cho nơi cần (thậm chí cho cả Nchmf). Cho đến nay, doanh nghiệp này có trên 8000 trạm đo mưa trên khắp cả nước, còn nhiều hơn cả số lượng trạm đo mưa của Nchmf. Với các nhà máy thuỷ điện hoạt động 5-10 năm, đã đến lúc phải thay thế, nâng cấp thiết bị nhưng tìm nhà cung cấp nào? Với các chủ đập, Hội là địa chỉ tư vấn cho họ nên mua ở đâu, doanh nghiệp nào và nên hiện đại hoá như thế nào. Với các doanh nghiệp như vậy, Hội tư vấn cho họ nên đầu tư công nghệ gì? Mức độ như thế nào cho phù hợp với thực tế.
Hội được gì?
Các Hội chuyên ngành hiện nay hoạt động dựa chủ yếu vào sự tự nguyện và nhiệt tình của các Hội viên, hoàn toàn tự chủ về kinh phí kể cả về cơ sở vật chất. Nguồn thu chủ yếu từ Hội phí. Hội Đập lớn chủ trương chỉ thu Hội phí từ các Hội viên tập thể, trong đó hướng đến các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thuộc phạm vi hoạt động của Hội. Vì vậy, phải làm thế nào để các Doanh nghiệp tham gia Hội nhiều hơn, tích cực hơn và đóng Hội phí cho hoạt động Hội. Hoạt động của Hội thời gian qua là Câu trả lời cho câu hỏi “các doanh nghiệp được gì khi tham gia Hội”.
2. Những khó khăn trong hoạt động Hội và kiến nghị
Các Hội chuyên ngành hiện nay là nơi tập hợp một số lượng rất lớn các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực đã nghỉ hưu. Ở nhiều nước, các cơ quan chính phủ và các tập đoàn lớn có nhiều cách làm để sử dụng lực lượng lao động ở trình độ cao này một cách hiệu quả. Còn ở Việt nam, các Hội đang phải “tự bơi”.
Một vài mảng hoạt động mà các Hội có thế mạnh nhưng chưa được khai thác, như là:
- Một là, như ở Nhật, các Hội được quyền ban hành các Tiêu chuẩn kỹ thuật. Trong khi đó, ở Việt Nam kinh phí xây dựng Tiêu chuẩn chỉ dành cho các đơn vị sự nghiệp. Hội Kết cấu và Công nghệ Xây dựng đã có một hội thảo về vấn đề này và đã có ý kiến với Chính phủ nhưng chưa được chấp nhận.
- Hai là, các Bộ ngành nên giao công tác đào tạo, đào tạo lại để nâng cao năng lực nghề nghiệp cho cán bộ cơ sở nếu các Hội có đủ điều kiện và có đề án được chấp nhận. Điều này sẽ bù đắp “khoảng trống” về nghề nghiệp cho các doanh nghiệp công ích hiện nay.
- Việc tổng kết, truyền thông các công trình xây dựng lớn là một việc làm rất cần thiết cho cả các thế hệ sau. Việc này, giao cho các Hội chuyên ngành là tốt nhất. Nhưng khi triển khai lại vướng các quy định trong Xây dựng cơ bản, cụ thể là không có “mục chi” cho công tác này. Bộ Xây dựng cần nghiên cứu xem xét để kiến nghị với Chính phủ tạo điều kiện cho các Hội hoạt động.
Thay cho kết luận
Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam rất hoan nghênh Tổng Hội Xây dựng Việt Nam đã tổ chức Hội thảo này, với chủ đề “Giải pháp kết nối giữa Tổng Hội Xây dựng Việt Nam với các trường đại học, viện nghiên cứu và các doanh nghiệp”. Ban tỏ chức Hội thảo giao cho Hội Đập lớn viết về chủ đề “Các nội dung và hình thức kết nối giữa các đơn vị”. Mấy ý kiến như trên chỉ mới đề cập đến “kết nối với các doanh nghiệp” qua kinh nghiệm hoạt động của Hội chúng tôi và cũng là công việc đang thực hiện, kết quả cũng cần phải có thêm thời gian. Qua Hội thảo này, chúng tôi sẽ có điều kiện lắng nghe và học tập kinh nghiệm của các Hội bạn trong ngôi nhà chung là Tổng Hội Xây dựng Việt Nam.
|