» Mở tất cả ra       » Thu tất cả lại
English and French
Tìm kiếm

Bài & Tin mới
Nghị định số 02/2024/NĐ-CP về việc chuyển giao công trình điện là tài sản công sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam [17-01-2024]
Kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Cục Quản lý xây dựng công trình [26-12-23]
Chùm ảnh các công trình thuỷ lợi tiêu biểu ở VN 20 năm 2003-2023 [30-11-2023]
Danh mục các quy hoạch thủy lợi đã được phê duyệt [26-10-2023]
BÀN VỀ ĐỊNH HƯỚNG LẠI NGÀNH XÂY DỰNG THÔNG QUA CHUYỂN ĐỔI SỐ [26-10-2023]
Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 thay thế Luật Đấu thầu trước đây và có hiệu lực từ 01/01/2024 [15-10-2023]
Dự thảo TCVN 8731-20xx Phương pháp xã định hệ số thấm của đất bằng phương pháp đổ nước và múc nước trong hố đào và hố khoan [15-10-2023]
Đập Đắk N’Ting (Đắk Nông) trước nguy cơ bị vỡ [05-09-23]
QUYẾT ĐỊNH: Về việc hủy bỏ Tiêu chuẩn quốc gia [05-09-23]
Nghị định 35/2023/NĐ-CP [07-08-23]
Ý KIẾN TRAO ĐỔI VỀ ĐỘNG ĐẤT Ở KONTUM NGÀY 14-07-2023 (2)[07-08-23]
HOẠT ĐỘNG HỘI 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2023 VÀ PHƯƠNG HƯỚNG NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM 6 THÁNG CUỔI NĂM [04-08-23]
Đô thị ngoại ô: cuộc chiến đất vùng rìa [25-07-23]
Thủ Tướng Chính Phủ phê duyệt Quy hoạch Phòng chống thiên tai và Thủy lợi 2021-2030 [25-07-23]
Thủ Tướng Chính Phủ phê duyệt Quy hoạch Phòng chống thiên tai và Thủy lợi 2021-2030 [25-07-23]
NHỮNG NỘI DUNG KHÔNG PHÙ HỢP VÀ KHÔNG ĐÚNG trong Tiêu chuẩn TCVN 8637:2021(về Yêu cầu kỹ thuật lắp đặt và nghiệm thu máy bơm)[14-07-23]
Ý kiến trao đổi về động đất ở Kontum [14-07-23]
Tiếp tục xảy ra 7 trận động đất tại Kon Plông (Kon Tum) [14-07-23]
Bàn thêm về dung tích phòng lũ ở các hồ chứa thủy lợi, thủy điện [13-07-23]
 Số phiên truy cập

81287263

 
Nước, Môi trường & Thiên tai
Gửi bài viết này cho bạn bè

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số: 1590/QĐ-TTg.[08/12/09]
Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt định hướng Chiến lược Phát triển thuỷ lợi Việt Nam

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ



Số: 1590/QĐ-TTg

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

Hà Nội, ngày  09  tháng  10  năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

Phê duyệt định hướng Chiến lược Phát triển thuỷ lợi Việt Nam

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

 

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Tài nguyên nước ngày 20 tháng 5 năm 1998;

Căn cứ Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thuỷ lợi số 32/2001/PL-UBTVQH ngày 04 tháng 4 năm 2001;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,

 

QUYẾT ĐỊNH:

 

Điều 1. Phê duyệt định hướng Chiến lược Phát triển thuỷ lợi Việt Nam với các nội dung chủ yếu sau đây:

I. QUAN ĐIỂM

1. Phát triển thuỷ lợi đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội và môi trường đến năm 2020, tầm nhìn đến 2050, làm cơ sở để phát triển nông nghiệp bền vững, theo hướng hiện đại hoá, thâm canh cao, góp phần phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân, đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu, lợi ích quốc gia và hài hòa lợi ích giữa các vùng, các ngành.

Khai thác sử dụng nước hợp lý, phục vụ đa mục tiêu, thống nhất theo lưu vực sông và hệ thống công trình thủy lợi, không chia cắt theo địa giới hành chính. Khai thác sử dụng đi đôi với bảo vệ, chống suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, tái tạo nguồn nước bằng biện pháp công trình và phi công trình. Chú ý đến bảo vệ môi trường nước, đặc biệt môi trường nước trong hệ thống công trình thủy lợi.

2. Nâng cao mức bảo đảm an toàn phòng chống thiên tai: bão, lụt, lũ, lũ quét, hạn hán, úng ngập, xâm nhập mặn, sạt lở đất... Có kế hoạch và biện pháp thích hợp cho từng vùng, chủ động phòng chống, né tránh hoặc thích nghi để giảm thiểu thiệt hại.

3. Quản lý, khai thác sử dụng và phát triển nguồn nước đảm bảo các yêu cầu trước mắt và không mâu thuẫn với nhu cầu phát triển trong tương lai, thích ứng và giảm thiểu các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

4. Chú trọng phát triển thuỷ lợi cho miền núi, vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo, nhất là những vùng đặc biệt khó khăn về nguồn nước, gắn với các chính sách xã hội để từng bước giải quyết nước sinh hoạt cho nhân dân và phục vụ phát triển kinh tế xã hội, góp phần thực hiện thành công chương trình xóa đói giảm nghèo, định canh định cư và bảo đảm an ninh, quốc phòng.

5. Quản lý, sử dụng và phát triển nguồn nước phải luôn gắn với đặc điểm về nguồn nước của Việt Nam là ngày càng cạn kiệt và suy thoái về chất lượng, nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng, tác động của biến đổi khí hậu đến nguồn nước ngày càng mạnh mẽ.

II. NGUYÊN TẮC CHỈ ĐẠO

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác thuỷ lợi trên phạm vi cả nước. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan thường trực, phối hợp với các cơ quan liên quan có trách nhiệm giúp Chính phủ  trong việc thực hiện quản lý nhà nước đối với lĩnh vực thủy lợi.

2. Đảm bảo thực hiện đúng chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Từng bước hoàn thiện hệ thống luật, văn bản dưới luật, cơ chế chính sách, hệ thống tổ chức quản lý từ trung ương đến cơ sở. Tăng cường hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước và nâng cao trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân đối với công tác thuỷ lợi. 

3. Định hướng Chiến lược Phát triển thuỷ lợi Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 phải được thực hiện đồng bộ, theo giai đoạn và có trọng điểm, vừa có tính cấp bách vừa có tính lâu dài đảm bảo phát triển bền vững, phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

4. Đầu tư cho công tác phát triển thuỷ lợi mang lại hiệu quả kinh tế xã hội cả trước mắt và lâu dài. Thực hiện theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Nhà nước đảm bảo các nguồn lực cần thiết, đồng thời huy động sự đóng góp của cộng đồng, của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Phát huy vai trò, trách nhiệm của cộng đồng trong quản lý, vận hành và bảo vệ công trình. Việc đầu tư xây dựng các công trình thuỷ lợi phải đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật và mỹ quan, thực hiện lợi dụng tổng hợp, đảm bảo hài hoà với thiên nhiên và bảo vệ môi trường.

5. Đảm bảo thực hiện các cam kết quốc tế về lĩnh vực thuỷ lợi.

III. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

- Phát triển thủy lợi theo định hướng hiện đại hoá, tăng dần mức đảm bảo phục vụ cấp nước cho sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, dịch vụ..., đảm bảo an ninh lương thực và phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng hoá nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh, góp phần phát triển kinh tế xã hội bền vững, xóa đói giảm nghèo.

- Chủ động phòng, chống và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra, nâng cao mức bảo đảm tiêu thoát nước, chống úng ngập, bảo vệ môi trường sinh thái, từng bước thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

2. Mục tiêu cụ thể đến 2020

Mục tiêu 1: cấp nước.

- Tỷ lệ cấp nước đối với các đô thị loại IV trở lên đạt 90%, tiêu chuẩn cấp nước là 120 lít/người/ngày đêm; các đô thị loại V đạt 70% được cấp nước từ hệ thống cấp nước tập trung với tiêu chuẩn cấp nước 80 lít/người/ngày đêm.

- Đáp ứng nguồn nước phục vụ phát triển công nghiệp với mức cấp từ  50 - 100 m3/ngày/ha xây dựng, đặc biệt quan tâm đến những vùng khan hiếm nguồn nước: các tỉnh miền Trung, Ninh Thuận, Bình Thuận, Nha Trang, Vũng Tàu...

- Cấp đủ nguồn nước để khai thác 4,5 triệu ha đất canh tác hàng năm (riêng đất lúa 3,83 triệu ha), tiến tới bảo đảm tưới chủ động cho 100% diện tích lúa  2 vụ (3,32 triệu ha), nâng tần suất đảm bảo tưới lên 85%.

- Đảm bảo tưới, tiêu nước chủ động phục vụ phát triển vùng cây ăn quả, nuôi trồng thuỷ sản và sản xuất muối tập trung.

Mục tiêu 2: tiêu thoát nước và bảo vệ môi trường nước.

- Chủ động và nâng cao tần suất đảm bảo tiêu nước cho các đô thị lớn như thành phố Hà Nội, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Cà Mau... có tính đến tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

- Tăng cường khả năng tiêu thoát ra các sông chính, tăng diện tích tiêu bằng động lực, đảm bảo tiêu thoát nước ở những vùng đồng bằng, vùng thấp trũng phục vụ phát triển dân sinh, nông nghiệp và các ngành kinh tế khác với tần suất đảm bảo 5 ¸ 10%, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng:

+ Vùng đồng bằng Bắc Bộ: đảm bảo tiêu cho các khu dân cư, vùng sản xuất nông nghiệp.

+ Vùng ven biển miền Trung: tăng cường khả năng thoát lũ cho các vùng dân cư, tiêu cho sản xuất nông nghiệp vụ Hè Thu và đầu vụ Đông Xuân.

+ Vùng đồng bằng sông Cửu Long: ở vùng ngập nông đảm bảo tiêu cả năm, ở vùng ngập sâu tiêu cho vụ Hè Thu và đầu vụ Đông Xuân.

- Đảm bảo môi trường nước trong các hệ thống thủy lợi đạt tiêu chuẩn nước tưới.

Mục tiêu 3: chủ động phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.

- Nâng cao mức bảo đảm an toàn phòng chống thiên tai, bão lũ, lụt, chủ động phòng chống, né tránh hoặc thích nghi để giảm thiểu tổn thất, bảo vệ an toàn cho dân cư.

- Có giải pháp công trình phòng, chống lụt, bão đảm bảo an toàn cho dân cư, bảo vệ 3,83 triệu ha lúa, đảm bảo ổn định và phát triển sản xuất trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

- Từng bước nâng cao khả năng chống lũ của các hệ thống đê sông tại các lưu vực sông lớn ở Bắc bộ và Bắc Trung bộ với tần suất bảo đảm:

 

Hệ thống sông chính

Năm 2010

Năm 2020

Ghi chú

Sông Hồng, Thái Bình

p = 0.4 %

p = 0.2%

tại Hà Nội

Sông Mã

p =1%

p<1%

tại Giàng

Sông Cả

p =1%

P<1%

tại Bến Thuỷ

Sông Hương

p =5%

p<5%

tại Kim Long

 

- Chủ động phòng, tránh lũ và thích nghi để bảo vệ dân cư ở các lưu vực sông khác thuộc Trung bộ, duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên, Đông Nam bộ; đảm bảo sản xuất vụ Hè Thu, Đông Xuân với tần suất đảm bảo 5 ¸ 10%.

- Kiểm soát lũ triệt để ở vùng ngập nông đồng bằng sông Cửu Long, đảm bảo các điều kiện thích nghi và an toàn cho dân sinh, sản xuất ở vùng ngập sâu. Đến năm 2015 kiểm soát được lũ lớn tương đương lũ năm 1961 trên dòng chính và lũ năm 2000 trong nội đồng. Từ sau năm 2015 tiếp tục củng cố các công trình, hệ thống bờ bao để kiểm soát lũ ở mức độ cao hơn.

- Hệ thống đê biển, đê cửa sông đảm bảo mức tối thiểu chống được bão cấp 9 và thủy triều ứng với tần suất 5%, phù hợp với từng giai đoạn và tầm quan trọng của khu vực bảo vệ.

- Đảm bảo an toàn công trình hồ chứa, đê, kè, cống, ổn định bờ sông, bờ biển.

Mục tiêu 4: nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác các công trình thủy lợi, đảm bảo phát huy trên 90% năng lực thiết kế.

Mục tiêu 5: đưa trình độ khoa học công nghệ thủy lợi đạt mức trung bình của châu Á vào năm 2020, đến năm 2050 đạt trình độ trung bình tiên tiến trên thế giới.

IV. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Nhiệm vụ và giải pháp chung

a) Tăng cường công tác tổ chức và quản lý, hoàn thiện cơ chế chính sách:

- Bổ sung, hoàn chỉnh quy hoạch phát triển thuỷ lợi các vùng, các lưu vực sông phục vụ đa mục tiêu, đáp ứng nhu cầu nước cho sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp, chống úng ngập, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Tăng cường điều tra cơ bản phục vụ công tác quản lý.

- Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật: xây dựng Luật và Nghị định hướng dẫn thi hành Luật về xây dựng, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về xã hội hóa công tác cấp nước, vệ sinh môi trường nông thôn; hoàn thiện hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn, các cơ chế, chính sách về đầu tư xây dựng, kinh tế thủy lợi, huy động vốn, giá nước cấp cho công nghiệp, sinh hoạt, dịch vụ... chính sách hỗ trợ nông dân tham gia quản lý công trình thủy lợi nhỏ.

- Kiện toàn hệ thống tổ chức quản lý thủy lợi:

+ Kiện toàn hệ thống tổ chức quản lý nhà nước về thủy lợi từ trung ương đến cơ sở.

+ Củng cố và tăng cường năng lực Ban Quản lý quy hoạch Thủy lợi các lưu vực sông: Hồng - Thái Bình, Đồng Nai, Cửu Long, Cả, Srepok, Vu Gia - Thu Bồn và thành lập các Ban Quản lý quy hoạch Thủy lợi: sông Mã, sông Hương, sông Kone - Hà Thanh, sông Trà Khúc, sông Ba...

+ Tăng cường năng lực các công ty quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi; hoàn thiện cơ cấu tổ chức của các công ty theo Luật Doanh nghiệp, cải tiến công tác quản lý và cơ chế hoạt động.

+ Tiếp tục thành lập và xây dựng phương thức hoạt động của các tổ chức hợp tác dùng nước.

b) Phát triển khoa học công nghệ:

- Nghiên cứu ứng dụng công nghệ, thiết bị, vật liệu tiên tiến trong khảo sát, thiết kế, thi công các công trình thủy lợi, thích ứng và giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

- Nghiên cứu ứng dụng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến, phù hợp để khai thác hiệu quả nguồn nước ở vùng núi cao, vùng ven biển, cải tạo chua phèn. Nghiên cứu ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước cho cây trồng.

- Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ và các phần mềm tính toán đánh giá nguồn nước, cân bằng nước, điều tiết dòng chảy, chỉnh trị sông, nhận dạng và điều tiết lũ, lập quy trình vận hành các hồ chứa lớn lợi dụng tổng hợp; nghiên cứu diễn biến bồi xói lòng sông, bờ sông; nghiên cứu các giải pháp thích hợp kiểm soát lũ, giảm nhẹ thiên tai ở miền Trung, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; cập nhật và bổ sung hệ thống bản đồ nguy cơ ngập lụt; dự báo, cảnh báo các vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét.

- Nghiên cứu chế tạo, lắp đặt các loại bơm, tuốc bin và thiết bị thuỷ điện nhỏ; ứng dụng các thiết bị tiên tiến, hiện đại nạo vét kênh mương; lắp đặt các hệ thống đo nước, vận hành tự động các hệ thống thuỷ nông.

c) Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực:

- Phát triển các ngành đào tạo mới, cải tiến nội dung chương trình đào tạo.

- Đào tạo cân đối, hợp lý về cơ cấu giữa cán bộ kỹ thuật, cán bộ nghiên cứu, cán bộ quản lý và công nhân lành nghề.

- Đào tạo theo nhiều hình thức: đào tạo lại, đào tạo trên đại học, sau đại học, chú trọng đội ngũ cán bộ quản lý và cán bộ lập quy hoạch và quản lý công trình ở các địa phương...

- Đào tạo, nâng cao năng lực quản lý, nhận thức cộng đồng trong tham gia quản lý, khai thác công trình thủy lợi, quản lý và giảm nhẹ thiên tai dựa vào cộng đồng.

d) Tập trung đầu tư xây dựng, hoàn chỉnh các công trình thủy lợi:

- Xây dựng kế hoạch đầu tư: xây dựng kế hoạch đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt là lồng ghép các chương trình phát triển nông, lâm, ngư nghiệp, phát triển nông thôn để phối hợp hỗ trợ, tránh đầu tư trùng lặp, nhằm phát huy hiệu quả và đảm bảo thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của cả nước và từng vùng, từng thời kỳ.

- Tập trung đầu tư nâng cấp các hệ thống thuỷ lợi hiện có: đầu tư dứt điểm cho từng hệ thống, nâng cấp, hiện đại hoá công trình đầu mối, kênh mương, thiết bị điều khiển vận hành để phát huy năng lực thiết kế và nâng cao năng lực phục vụ.

- Tiếp tục đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi nhỏ ở các vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vũng biên giới, hải đảo cấp nước tưới và phục vụ sinh hoạt.

- Phát triển thuỷ lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản, công nghiệp, sinh hoạt và cải tạo môi trường vùng ven biển.

- Đầu tư xây dựng các công trình lớn để điều tiết lũ, kiểm soát triều, ngăn mặn, giữ ngọt, tiêu úng, hạn chế các tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

- Từng bước nghiên cứu, thực hiện các biện pháp chỉnh trị, ổn định lòng sông, cửa sông, bờ biển, chống bồi lắng cửa sông.

- Khai thác tiềm năng của các công trình thuỷ lợi phục vụ du lịch, dịch vụ cấp nước sinh hoạt, cấp nước công nghiệp... để tạo nguồn thu cho duy tu, bảo dưỡng công trình và quản lý vận hành.

- Tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát các nguồn nước thải từ các khu công nghiệp, đô thị gây ô nhiễm các hệ thống thuỷ lợi. Xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng nước trong các hệ thống công trình thủy lợi.

- Triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020, Chương trình an toàn hồ chứa, Quy hoạch phòng chống lũ hệ thống sông Hồng - Thái Bình, Quy hoạch thủy lợi đồng bằng sông Cửu Long, Chương trình nâng cấp đê biển và các chương trình, đề án liên quan đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

+ Thực hiện các chương trình cứng hoá mặt đê, trồng tre chắn sóng và cỏ chống xói, cải tạo nâng cấp và xây dựng mới cống dưới đê, xử lý nền đê yếu, chỉnh trị sông, khai thông dòng chảy để  thoát lũ... để đáp ứng giai đoạn trước mắt, đồng thời định hướng để nâng cấp phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

+ Cảnh báo, có giải pháp thích hợp bảo vệ dân cư và sản xuất ở các vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét cao.

+ Xây dựng tràn sự cố cho các hồ chứa, lập phương án phòng chống lũ đảm bảo an toàn công trình trong mùa mưa bão.

+ Xây dựng bản đồ nguy cơ ngập lụt ở các lưu vực sông.

+ Tiếp tục đầu tư xây dựng các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu, thuyền theo quy hoạch.

+ Bảo vệ và phát triển rừng, cây chắn sóng bảo vệ đê biển.

+ Tăng cường năng lực Ban chỉ huy phòng chống lụt bão, nâng cao chất lượng cảnh báo lũ. Hoàn thiện quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Hồng - Thái Bình và xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa cho các lưu vực sông lớn khác.

đ) Tăng cường hợp tác quốc tế

- Tăng cường hợp tác trong khai thác nguồn nước sông quốc tế (Mê Kông, sông Hồng...) theo quan điểm hợp tác, bình đẳng, phát triển bền vững, tôn trọng lợi ích của các bên.

- Tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thể chế, quản lý nguồn nước và công trình thủy lợi.

- Tranh thủ sự hợp tác, hỗ trợ, chuyển giao công nghệ, tài chính của các tổ chức quốc tế cho phát triển thuỷ lợi và bảo vệ nguồn nước.

e) Huy động vốn và tăng cường sự tham gia của cộng đồng

- Xây dựng cơ chế huy động vốn phù hợp với xu hướng phát triển nhằm huy động mọi nguồn vốn: ngân sách nhà nước, vốn vay nước ngoài, vốn từ các tổ chức, cá nhân và của người dân vùng hưởng lợi theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, phát huy nội lực và sức mạnh của toàn xã hội.

- Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức cộng đồng tham gia quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, quản lý và giảm nhẹ thiên tai dựa vào cộng đồng.

2. Nhiệm vụ và giải pháp phát triển thuỷ lợi cho từng vùng

Nhiệm vụ và giải pháp phát triển thuỷ lợi cho từng vùng được quy định chi tiết tại Phụ lục.

3. Thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng

Các giải pháp phát triển thủy lợi chính nhằm thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng:

- Nghiên cứu đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng đến hệ thống công trình thủy lợi, đặc biệt là tại những vùng chịu tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu và nước biển dâng là đồng bằng sông Hồng, vùng ven biển Trung bộ và đồng bằng sông Cửu Long.

- Nghiên cứu, áp dụng các chỉ tiêu thiết kế mới nhằm nâng cao mức đảm bảo cấp nước, tiêu thoát nước, chống lũ thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

- Rà soát, bổ sung quy hoạch, từng bước xây dựng các công trình ngăn cửa sông lớn làm nhiệm vụ ngăn mặn, giữ ngọt, tiêu úng thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng, đặc biệt là tại vùng chịu tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu và nước biển dâng là đồng bằng sông Hồng, vùng ven biển Trung bộ và đồng bằng sông Cửu Long.

- Đầu tư xây dựng, nâng cấp các hệ thống đê biển, đê sông, đê cửa sông bảo đảm an toàn cho dân sinh và sản xuất.

- Xây dựng các chương trình nâng cấp các hệ thống thủy lợi phục vụ cấp nước, tiêu thoát nước, đảm bảo an toàn công trình.

- Nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp, công nghệ tiên tiến về cấp nước, tiêu thoát nước, quy trình quản lý, vận hành hệ thống công trình thủy lợi nhằm hạn chế tác động bất lợi do biến đổi khí hậu, nước biển dâng gây ra.

V. KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

Từ nay đến năm 2020 tập trung chỉ đạo thực hiện các chương trình sau:

1. Chương trình tăng cường công tác quản lý

Tăng cường công tác quy hoạch, quản lý, hoàn thiện cơ chế chính sách, tổ chức để đảm bảo khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, phục vụ có hiệu quả các ngành kinh tế - xã hội trong giai đoạn trước mắt và không mâu thuẫn với nhu cầu phát triển lâu dài, bao gồm:

- Xây dựng Luật Thủy lợi, rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật liên quan.

- Xây dựng, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

- Xây dựng hoàn thiện cơ chế, chính sách trong đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi.

- Kiện toàn hệ thống tổ chức quản lý nhà nước về thủy lợi.

- Củng cố và tăng cường năng lực Ban Quản lý quy hoạch thủy lợi.

- Hoàn thiện cơ cấu tổ chức quản lý, khai thác công trình.

- Quy hoạch tổng thể thủy lợi các vùng kinh tế xã hội thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

- Quy hoạch thủy lợi phục vụ tiêu nước, chống ngập úng cho các đô thị, khu dân cư tập trung.

- Rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch thuỷ lợi các lưu vực sông, vùng lãnh thổ.

- Rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch các hệ thống thuỷ lợi.

- Điều tra cơ bản thủy lợi.

2. Chương trình phát triển khoa học công nghệ

Đưa trình độ khoa học công nghệ thuỷ lợi đạt mức trung bình châu Á vào năm 2020, cụ thể là: nghiên cứu khoa học công nghệ phục vụ cấp nước, tiêu thoát nước, chủ động phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ứng dụng các công nghệ mới, vật liệu mới, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu khoa học công nghệ tiên tiến phục vụ công tác quy hoạch, thiết kế, xây dựng, quản lý và vận hành các hệ thống thuỷ lợi theo hướng hiện đại hoá, phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, bao gồm:

- Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, thiết bị, vật liệu tiên tiến trong khảo sát, thiết kế, thi công công trình.

- Nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ, phần mềm tính toán,  dự báo.

- Nghiên cứu, ứng dụng các trang thiết bị tiên tiến, hiện đại phục vụ quản lý, vận hành.

- Nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp, công nghệ thủy lợi tiên tiến phục vụ các vùng núi cao, vùng ven biển, hải đảo.

- Nghiên cứu ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước cho cây trồng.

3. Chương trình phát triển nguồn nhân lực

Phát triển nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng, có năng lực tiếp cận và ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực phát triển và bảo vệ nguồn nước, phân bố hợp lý theo nhu cầu của các địa phương, bao gồm:

- Cải tiến nội dung chương trình đào tạo.

- Đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ nghiên cứu, thiết kế, xây dựng và quản lý.

- Đào tạo, nâng cao năng lực cộng đồng trong tham gia quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi.

- Tổ chức thông tin, tuyên truyền thông qua hệ thống thông tin đại chúng.

4. Chương trình nâng cấp, hiện đại hóa các hệ thống thủy lợi

Nâng cao độ ổn định, giảm tổn thất, tiết kiệm nước, nâng cao hiệu quả cấp nước của các hệ thống công trình hiện có, bao gồm:

- Đầu tư hoàn chỉnh các hệ thống thủy lợi, cải tạo, nâng cấp công trình đầu mối, kênh chính.

- Hoàn chỉnh hệ thống kênh mương nội đồng.

- Hiện đại hoá trang thiết bị quản lý, vận hành.

5. Chương trình nâng cấp và phát triển hồ chứa lớn lợi dụng tổng hợp

Nâng cấp các hồ chứa đã có đảm bảo an toàn công trình, xây dựng mới các hồ chứa lớn lợi dụng tổng hợp bảo đảm cấp nước, chống lũ, phát điện, duy trì môi trường sinh thái hạ du nhằm đáp ứng nhu cầu nước ngày càng tăng do phát triển dân sinh, kinh tế và thích nghi với biến đổi khí hậu.

6. Chương trình phát triển thủy lợi phục vụ chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông - lâm - ngư nghiệp - nông thôn

Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, phát triển cơ sở hạ tầng thủy lợi phục vụ chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông - lâm -  ngư nghiệp - nông thôn, bao gồm:

- Phục vụ nuôi trồng thủy sản, sản xuất muối.

- Phục vụ vùng cây ăn quả tập trung.

- Phục vụ cấp nước cho cây trồng cạn, vùng cây công nghiệp tập trung.

7. Chương trình phát triển thuỷ lợi, thủy điện nhỏ miền núi, hải đảo

Phục vụ sinh hoạt và sản xuất của nhân dân vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, góp phần thực hiện mục tiêu xoá đói giảm nghèo, ổn định dân cư, đảm bảo an ninh, quốc phòng, bao gồm:

- Cấp nước sinh hoạt cho đồng bào vùng cao, biên giới, hải đảo.

- Công trình thủy lợi nhỏ cấp nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt.

- Thủy lợi gắn với thủy điện nhỏ.

8. Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

Cấp nước phục vụ sinh hoạt, cải thiện điều kiện sống, tăng cường sức khoẻ cho dân cư, góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn.

Thực hiện theo Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đã được phê duyệt.

9. Chương trình phòng chống giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu

Nghiên cứu, áp dụng các giải pháp nhằm nâng cao mức bảo đảm cấp nước, tiêu thoát nước, chống lũ của các hệ thống công trình thủy lợi, chủ động phòng chống hoặc thích nghi, né tránh để giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, bảo vệ dân cư và phục vụ phát triển kinh tế xã hội, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Lồng ghép với việc thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đã được phê duyệt, triển khai thực hiện các chương trình:

- Củng cố, nâng cao mức đảm bảo chống lũ của các hệ thống thủy lợi.

- Củng cố, nâng cao mức đảm bảo cấp nước, tiêu thoát nước, chống ngập úng của các hệ thống thủy lợi.

- Xây dựng mới, nâng cấp hệ thống thủy lợi phục vụ tiêu nước, chống ngập úng cho các đô thị, khu dân cư tập trung.

- Xây dựng công trình ngăn các cửa sông lớn kiểm soát triều, ngăn mặn, giữ ngọt.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Căn cứ vào mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp, kế hoạch hành động nêu trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì triển khai thực hiện những nhiệm vụ cụ thể sau:

- Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện định hướng Chiến lược; làm đầu mối quốc gia liên hệ với các tổ chức quốc tế về lĩnh vực này.

- Xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, xác định rõ những nội dung cần ưu tiên, phân định nhiệm vụ cho các ngành và địa phương thực hiện.

 - Tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện định hướng Chiến lược; định kỳ 5 năm sơ kết, đánh giá rút kinh nghiệm và đề xuất kiến nghị, trình Thủ tướng Chính phủ việc điều chỉnh nội dung, giải pháp trong định hướng Chiến lược cho phù hợp.

2. Các Bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm thực hiện có hiệu quả các nội dung, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của định hướng Chiến lược liên quan đến Bộ, ngành, địa phương mình.

3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành liên quan cân đối kế hoạch, bố trí vốn đầu tư hàng năm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các nguồn vốn tài trợ khác để thực hiện có hiệu quả các nội dung của định hướng Chiến lược.

4. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo quyền hạn và trách nhiệm được giao chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện các nội dung của định hướng Chiến lược; lồng ghép các nội dung trên vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương; định kỳ hàng năm báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Nơi nhận:                                                                                    

- Ban Bí thư Trung ương Đảng;

- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; 

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;

 - UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;

 - Văn phòng Trung ương;

- Văn phòng Chủ tịch nước;

 - Văn phòng Quốc hội;

 - Ngân hàng Chính sách Xã hội;

- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;

- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT,

các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;

- Lưu: Văn thư, KTN (5b). XH

KT. THỦ TƯỚNG

PHÓ THỦ TƯỚNG




Đã ký







Nguyễn Sinh Hùng


Download: Phụ lục (PDF; 400KB)

Đóng góp ý kiến về bài viết này 

Mới hơn bài này
Các bài đã đăng
Tiêu điểm
Biến đổi khí hậu và An ninh nguồn nước ở Việt Nam.[08/07/21]
Đại hội lần thứ IV, sự kiện lớn của Hội Đập lớn & Phát triển nguồn nước Việt Nam.[27/04/19]
Hội Đập lớn & Phát triển nguồn nước Việt Nam phấn đấu vì sự nghiệp phát triển thủy lợi của đất nước.[18/04/19]
Danh sách Hội viên tập thể đã đóng niên liễm 2018.[11/01/19]
Chùm ảnh Đại hội lần thứ 2 Hội Đập lớn Việt Nam.[13/08/09]
Nhìn lại 5 năm hoạt động của VNCOLD trong nhiệm kỳ đầu tiên.[10/08/09]
Thông báo về Hội nghị Đập lớn Thế giới.[17/07/09]
Thư chào mừng của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải
VNCOLD đã thành công tại cuộc họp Chấp hành ICOLD Sofia (Bulgaria), 6/6/2008
Phó Thủ tướng khai mạc Hội thảo “ASIA 2008.
Tạo miễn phí và cách sử dụng hộp thư @vncold.vn
Website nào về Thủy lợi ở VN được nhiều người đọc nhất?
Giới thiệu tóm tắt về Hội Đập lớn & Phát triển nguồn nước Việt Nam.
Download miễn phí toàn văn các Tiêu chuẩn qui phạm.
Đập tràn ngưỡng răng cưa kiểu “phím piano".
Đập Cửa Đạt
Lời chào mừng
Qu?ng c�o