Hội Đập lớn Việt Nam là hội khoa học kỹ thuật chuyên ngành về thuỷ lợi, thuỷ điện, nguồn nước, ... được thành lập theo Quyết định số 42/2004/QĐ-BNV ngày 21/5/2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Đại hội lần thứ nhất của Hội đã được tổ chức ngày 11/7/2004. Điều lệ của Hội đã được phê chuẩn tại Quyết định số 73/2004/QĐ-BNV ngày 1/11/2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Từ đó đến nay Hội đã có những hoạt động rất tích cực, tổ chức và động viên hội viên và các chuyên gia giỏi góp phần thực hiện những chương trình lớn của Đảng và Nhà nước về thuỷ lợi, thuỷ điện, tài nguyên nước, phòng tránh thiên tai, bảo vệ và cải thiện môi trường nước,... Ngay sau khi thành lập, Hội đó tham gia và là thành viên tích cực của Tổng hội Xây dựng Việt Nam và sau đó một năm là thành viên chính thức thứ 85 của Uỷ hội Đập lớn Thế giới (ICOLD).
Hoạt động chính của Hội trong 4 năm qua tập trung vào những hướng chính như sau:
Thông tin, phổ biến khoa học, công nghệ :
1. Tổ chức Hội thảo KH & CN đều đặn về những chủ đề thời sự trong xây dựng và quản lý thủy lợi – thủy điện với sự tham gia đông đảo của các chuyên gia trong và ngoài nước:
- “Thiết kế và thi công đập bêtông đầm lăn” (2004).
- “Tiết kiệm chi phí trong thiết kế đập” (2005).
- “Công nghệ khoan phụt tiên tiến trong xây dựng đập lớn” (2006).
- “Phân tích ứng suất và chuyển vị bản mặt bêtông cốt thép của đập đá nện có chiều cao lớn” (2007).
- “Lập hồ sơ điện tử & mô hình 3D cho công trình thủy lợi”(2008).
- “Công nghệ tiên tiến trong chế tạo các thiết bị nước”(2008).
- “Tính toán ảnh hưởng của động đất đến công trình”(2008)...
Nhiều đề xuất trong các Hội thảo đã được áp dụng rất hiệu quả trong thực tế.
2. Ấn phẩm. Đã biên tập và phát hành một số bản tin và tài liệu giới thiệu ”Một số đập lớn của Brazil”.
3. Trang tin điện tử (website) www.vncold.vn.
Website www.vncold.vn của Hội khai trương ngày 1/1/2007 chuyển tải các thông tin về hồ đập ở Việt Nam và Thế giới, các hoạt động của VNCOLD & ICOLD, sự phát triển thuỷ lợi - thuỷ điện, nguồn tài nguyên nước, môi trường & phòng tránh thiên tai ở Việt Nam và trên thế giới; thành tựu khoa học công nghệ, diễn đàn học thuật, văn bản pháp quy, tư vấn, mời thầu và trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp trên nhiều lĩnh vực: xây dựng & quản lý công trình, phát triển thuỷ năng & các nguồn năng lượng, qui hoạch nguồn nước & cải thiện môi trường, ... Website gồm cả các phần tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Pháp. Hiện mỗi ngày có trên 2000 phiên truy cập và website đó thực sự trở thành tờ báo điện tử quen thuộc và có uy tín với đông đảo bạn đọc trong và ngoài nước, được xếp hạng khá cao trong nước và thế giới.
Thực hiện chức năng Tư vấn, phản biện và tham gia các đề tài nghiên cứu.
Hội đã lập Ban Khoa học công nghệ để tập hợp đông đảo các chuyên gia hàng đầu về các lĩnh vực thuỷ lợi - thuỷ điện, nguồn nước, môi trường & phòng tránh thiên tai ở Việt Nam tham gia các hoạt động chuyên môn, giải quyết thành công những vấn đề kỹ thuật phức tạp trong thực tế hiện nay. Trung tâm Tư vấn KHVN Phát triển Tài nguyên nước (CCWR) thuộc Hội đang hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ theo giấy phép của Bộ Khoa học và Công nghệ cấp, đã và đang thực hiện nhiều hợp đồng nghiên cứu và tư vấn khoa học.
Quan hệ quốc tế .
Mở rộng quan hệ quốc tế là hoạt động tích cực và hiệu quả của Hội.
1. Tuy mới 3 năm gia nhập ICOLD, nhưng Hội đã là thành viên có uy tín của tổ chức này. Tích cực tham dự các hoạt động của ICOLD. Sau khi dự các sự kiện Đại hội ICOLD tại Barcelona (Tây Ban Nha, 6/2006), Hội nghị thường niên ICOLD tại St.Petersburg (Nga 6/2007), Hội đã đề nghị tổ chức Hội nghị thường niên ICOLD năm 2010 tại Hà Nội và sau gần 2 năm vận động liên tục, Hội nghị thường niên ICOLD năm 2008 vừa qua tại Sofia (Bulgaria) đã nhất trí chấp thuận đề nghị này. Đạt tới Quyết định này của ICOLD là do uy tín quốc tế của Việt Nam ngày càng được nâng cao, chương trình phát triển đập của nước ta có qui mô tương đối lớn và những hoạt động tích cực của Hội Đập lớn Việt Nam tuy mới được thành lập cách đây không lâu.
Việc đăng cai tổ chức Hội nghị thường niên ICOLD năm 2010 tại Hà Nội nhằm tạo điều kiện cho các nhà quản lý, chuyên gia và doanh nhân nước ta có dịp trao đổi rộng rãi kinh nghiệm và tiếp cận những công nghệ tiên tiến trong xây dựng và quản lý đập, đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam đang trên đường phát triển và hội nhập với thế giới.
2. Hội đã phối hợp với Tập đoàn truyền thông “Thủy điện & Đập” (Anh) tổ chức rất thành công Hội thảo “ASIA 2006 - Thuỷ lợi và Phát triển nguồn năng lượng tái tạo ở châu Á” tại Đà Nẵng (3/2008) lớn nhất tại Đông Nam Á về chủ đề này với sự tham gia của 500 đại biểu quốc tế từ 40 quốc gia và hơn 100 báo cáo khoa học. Phó Thủ tướng HoàngTrung Hải đã chủ trì lễ khai mạc.
3. Đã đặt quan hệ, gặp gỡ, trao đổi ý kiến với hàng chục Hội Đập lớn các nước...Đã dự và tham gia báo cáo tại Hội nghị KH của Hội Đập Mỹ tại Philadelphia (3/2007) và ký kết Thỏa thuận Hợp tác dài hạn với Hội Đập lớn Trung Quốc, tham gia Nhóm Hội Đập lớn vùng châu Á - Thái Bình Dương, Nhóm Hội Đập lớn các nước dùng tiếng Pháp,...
4. Theo sự phân công của THXDVN, Hội đã tham gia các hoạt động của Hội đồng Điều phối Xây dựng châu Á (ACECC) trong năm 2007 và tại Hội nghị của ACECC ở Đài Bắc (Đài Loan,6/2007), đồ án “Đập xà lan di động tại Đồng bằng sông Cửu Long” của Viện KHTLVN, một thành viên của Hội, đã được giải thưởng của ACECCC.
Trong thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động theo các hướng nói trên với trách nhiệm là hội khoa học kỹ thuật chuyên ngành về kết cấu hạ tầng nước giữ vai trò ngày càng trọng yếu trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, khi yêu cầu dùng nước với khối lượng, chất lượng và phương thức cung cấp ngày càng cao, đồng thời nguồn nước lại có những biến động phức tạp. Năm 2009 Hội sẽ tổ chức Đại hội lần thứ 2 và dự kiến bổ sung tên gọi đầy đủ là “Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam” để phù hợp hơn với hoạt động hiện nay và trong tương lai.
Chúng tôi xin nêu một số kiến nghị như sau:
Đề nghị Nhà nước sớm ban hành Luật về các Hội. Các Hội sẽ được định vị thế nào trong hệ thống chính trị – xã hội của nước ta? Thể chế & trách nhiệm của các Hội khoa học kỹ thuật như thế nào để thực hiện đẩy đủ và hiệu quả các chức năng đó được ghi trong nhiều văn kiện hiện hành?
Quan hệ giữa các Bộ, cơ quan quản lý nhà nước với các Hội cần được qui định rừ ràng. Lĩnh vực hoạt động của Hội thường không bó hẹp trong phạm vi hành chính của một Bộ, vậy Bộ nào sẽ là “chủ quản”? Nếu là “chủ quản” thì Bộ có trách nhiệm gì với Hội?
Số lượng các Hội nói chung và các Hội khoa học kỹ thuật nói riêng rất lớn, song qui mô, hoạt động, uy tín,... rất khác nhau. Những qui định giữa các Hội thuộc Liên hiệp Hội và thuộc Tổng Hội cần linh hoạt. Bộ máy của Liên hiệp Hội và Tổng Hội, không nên cứng nhắc kiểu “hành chính”, “quan liêu” mà cần tạo mọi thuận lợi cho các hoạt động vỡ lợi ích chung.
Là thành viên vào loại mới của Tổng Hội XDVN nhưng Hội Đập lớn VN đó nhận được nhiều quan tâm của Tổng Hội trong thời gian qua. Chúng tôi rất mong được sự giúp đỡ về nhiều mặt của Tổng Hội, của Liên hiệp Hội trong thời gian tới để có thể thực hiện tốt chương trình hoạt động của mình.
(www.vncold.vn)
|