» Mở tất cả ra       » Thu tất cả lại


English and French
Tìm kiếm
 Tình hình thời tiết
Hà Nội28°C
Hải Phòng27°C
Huế23°C
TP Hồ Chí Minh31°C
Ðà Nẵng23°C
 Số lượt truy cập

81207414

Tư liệu
▪ Danh mục các quy hoạch thủy lợi đã được phê duyệt [26-10-2023]
▪ Thủ Tướng Chính Phủ phê duyệt Quy hoạch Phòng chống thiên tai và Thủy lợi 2021-2030 [25-07-23]
▪ VIỆN QUY HOẠCH THỦY LỢI 60 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN
▪ Mực nước trạm sông đốc, bờ biển tây và bán dảo Cà Mau.[20/12/21]
Hộp thư
Gửi bài viết này cho bạn bè

Một số bất cập của pháp luật về quản lý, phân công quản lý an toàn đập, hồ chứa nước và quản lý tài nguyên nước ở các hồ chứa nước [23-02-23]
Đây là bài thứ ba trong loạt 04 bài viết về bảo đảm an toàn về lũ cho Thừa Thiên Huế, bắt nguồn từ tình trạng đồng bằng hệ thống sông Hương - sông Bồ mặc dù đã có 03 hồ chứa nước phủ hết lưu vực ở thượng nguồn mà năm nào cũng bị ngập do lũ nhưng lại được coi là điều bình thường, do thiên nhiên gây ra ...

Một số bất cập của pháp luật về quản lý, phân công quản lý an toàn đập, hồ chứa nước và quản lý tài nguyên nước ở các hồ chứa nước                   

 

 

  

 

 

 

                                                                    KS. Nguyễn Anh Tuấn

                                                                         Hội Khoa học kỹ thuật Thủy lợi TP.HCM

 

 

 

 

Tóm tắt:

Đây là bài thứ ba trong loạt 04 bài viết về bảo đảm an toàn về lũ cho Thừa Thiên Huế, bắt nguồn từ tình trạng đồng bằng hệ thống sông Hương - sông Bồ mặc dù đã có 03 hồ chứa nước phủ hết lưu vực ở thượng nguồn mà năm nào cũng bị ngập do lũ nhưng lại được coi là điều bình thường, do thiên nhiên gây ra.

(Hai bài trước gồm: Đề xuất nghiên cứu bài toán trị thủy nhằm đảm bảo an toàn về lũ, úng của quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế [24-12-22] và “Đi tìm giải pháp cho đoạn bị ngập tại Km 867 Quốc lộ 1A”)

Tìm hiểu sâu hơn thì thấy:

Pháp luật hiện hành chưa có quy định đầy đủ về quản lý nguồn nước ở hồ chứa nước, nhất là về cách thức quản lý nguồn nước ở các hồ chứa nước thuộc sở hữu tư nhân. Phân công trong quản lý an toàn đập, hồ chứa nước còn phân tán.

Quy định hồ chứa thủy lợi phải có nhiệm vụ kết hợp cắt giảm lũ nhưng không quy định tương tự cho hồ chứa thủy điện. Tuy thu hút được đầu tư nhưng dẫn tới việc lập, trình thẩm định, phê duyệt thiết kế đập, hồ chứa thủy điện có dung tích phòng lũ nhỏ hơn dung tích phòng lũ của hồ chứa thủy lợi và tổng dung tích phòng lũ của các hồ không đủ để đảm bảo an toàn về lũ cho vùng hạ du đập,.…

Pháp luật về thiết kế đập, hồ chứa nước hiện hành chưa có quy định cụ thể phải bảo đảm an toàn về lũ cho vùng hạ du đập đến mức độ nào (bảo vệ mùa màng hay bảo vệ đô thị và các khu vực dân cư khác?). Quy định về vận hành điều tiết lũ dường như chỉ xét cho an toàn công trình hồ đập mà chưa xét đến kinh tế dân sinh ở hạ du. Kết quả là về mùa lũ, mực nước tại trạm thủy văn đã định trên sông ở hạ lưu đập có thể lên trên mực nước báo động lũ cấp 2, vượt báo động lũ cấp 3, chạm hoặc vượt mức lũ lịch sử.

Thực tế đó đòi hỏi áp dụng phương pháp mới thiết kế dung tích phòng lũ của hồ chứa theo lưu lượng xả lũ lớn nhất cho phép ứng với mức bảo đảm an toàn về lũ được xác định cho vùng hạ du đập.

 

1. Các văn bản quy phạm pháp luật và những điều khoản quan trọng liên quan quản lý an toàn đập, hồ chứa nước.

Các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý an toàn đập, hồ chứa nước gồm: Hiến pháp, Bộ luật Dân sự, Luật Thủy lợi, Luật Phòng chống thiên tai, Luật Tài nguyên nước, Luật Khí tượng thủy văn và Luật Xây dựng. Các văn bản dưới luật liên quan gồm: Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước (viết tắt là Nghị định 114/2008/NĐ-CP); Quyết định số 05/2020/QĐ-TTg ngày 31/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định mực nước tương ứng với các cấp báo động lũ trên các sông thuộc phạm vi cả nước (viết tắt là Quyết định 05/2020/QĐ-TTg); Thông tư số 09/TT-BCT ngày 08/7/2019 của Bộ Công thương quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy điện.

Những điều khoản quan trọng liên quan đến quản lý an toàn đập, hồ chứa nước gồm có:

a) Tại Hiến pháp:

- Điều 51 quy định: “Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa”, liên quan tới loại tài sản - bất động sản là đập chắn nước ở hồ chứa nước.

- Điều 53 quy định: “Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”, liên quan đến nguồn nước - tài nguyên nước ở các đập, hồ chứa nước.

b) Tại Bộ luật Dân sự:

- Điều 194 quy định: “Chủ sở hữu có quyền bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, để thừa kế, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng, tiêu hủy hoặc thực hiện các hình thức định đoạt khác phù hợp với quy định của pháp luật đối với tài sản”. Với quy định này, chủ sở hữu đập chắn nước có quyền chuyển giao quyền sở hữu tài sản này của mình cho chủ thể khác theo thỏa thuận giữa 2 bên. Nhà nước không quốc hữu hóa, nhưng có thể đặt vấn đề với chủ sở hữu tư nhân để mua lại đập chắn nước khi cần, trên cơ sở thuận mua vừa bán.

- Điều 197: Nhắc lại nguyên văn Điều 53 của Hiến pháp. Bộ luật dân sự điều chỉnh các quan hệ dân sự, trong đó có các quan hệ liên quan tài sản, quyền sở hữu. Nhắc lại nguyên văn là đưa toàn bộ nội dung đó vào phạm vi của Bộ luật Dân sự để điều chỉnh trong mối quan hệ dân sự, trong đó có các quan hệ liên quan tài sản và quyền sở hữu tài sản đối với các tài nguyên của đất nước. Theo đó, đập chắn nước là tài sản, nước trong hồ chứa nước do đập chắn nước tạo ra cũng là tài sản, nhưng mỗi loại tài sản có thể thuộc sở hữu của các chủ thể khác nhau: Tổ chức, cá nhân đã đầu tư xây dựng đập chắn nước chỉ có quyền sở hữu tư nhân đập chắn nước (là chủ đập) nhưng không có quyền sở hữu đối với nguồn nước trong hồ, vì đó là Tài nguyên nước, thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Chỉ có Nhà nước mới là chủ của nguồn nước trong hồ chứa nước (viết tắt là chủ hồ). Như vậy, đối với đập, hồ chứa nước có 03 khái niệm: (i) đập chắn nước là tài sản; (ii) nước/nguồn nước trong hồ chứa nước là tài sản; (iii) hồ chứa nước không thuộc ai cả: Không ai được cấp quyền sở hữu hồ chứa nước - nếu có thì điều đó là sai, cần phải sửa. Chỉ khi đập chắn nước thuộc sở hữu nhà nước thì hồ chứa nước được tạo thành bởi đập chắn nước đó mới là một tài sản hoàn chỉnh, đích thực[1], nhưng kể cả khi đó cũng không ai cấp quyền sở hữu cho Nhà nước. Đó là một trong những lý do để Nhà nước - với tư cách là đại diện chủ sở hữu nguồn nước trong hồ, nên mua lại các đập chắn nước từ các nhà đầu tư tư nhân đã đầu tư xây dựng đập chắn nước để thống nhất quản lý an toàn đập, hồ chứa nước. Hoặc, Nhà nước đầu tư toàn bộ đập chắn nước, nhưng cho phép các nhà đầu tư khác tham gia đầu tư một số hạng mục công trình, thí dụ nhà máy thủy điện, cống lấy nước … cấp quyền sở hữu tài sản đối với các tài sản là các hạng mục đó sau khi hoàn thành xây dựng xong, và quy định nguyên tắc về quyền sử dụng nước trong hồ chứa (thí dụ: theo tỷ lệ nước đến hàng năm v.v.).

b) Tại Luật Tài nguyên nước:

- Điều 2 giải thích từ ngữ: Tài nguyên nước bao gồm nguồn nước mặt, nước dưới đất, nước mưa và nước biển trên lãnh thổ Việt Nam; “Nguồn nướccác dạng tích tụ nước tự nhiên hoặc nhân tạo có thể khai thác, sử dụng  bao gồm sông, suối, kênh, rạch, hồ …”, trong đó có nguồn nước từ các đập, hồ chứa nước.

- Các Điều từ 45 - 51, quy định nguyên tắc khai thác, sử dụng nguồn nước cho các mục đích sử dụng khác nhau, trong đó cho thủy điện tại Điều 47; Điều 53 quy định về quy hoạch, đầu tư xây dựng và vận hành khai thác hồ chứa, nguyên tắc khai thác, sử dụng nguồn nước từ hồ chứa; Điều 60 quy định về phòng, chống hạn hán, lũ, lụt, ngập úng nhân tạo; Điều 61 quy định về phòng, chống xâm nhập mặn (nội dung các quy định đều liên quan đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước và an toàn cho vùng hạ du đập, hồ chứa nước).

c) Tại Luật Thủy lợi:

- Điều 2 giải thích các từ ngữ :

+ “Thủy lợi là tổng hợp các giải pháp nhằm tích trữ, điều hòa, chuyển, phân phối, cấp, tưới, tiêu và thoát nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, sản xuất muối; kết hợp cấp, tiêu, thoát nước cho sinh hoạt và các ngành kinh tế khác; góp phần phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo đảm an ninh nguồn nước” và: “Hoạt động thủy lợi bao gồm điều tra cơ bản, chiến lược, quy hoạch thủy lợi; đầu tư xây dựng công trình thủy lợi; quản lý, khai thác công trình thủy lợi và vận hành hồ chứa thủy điện phục vụ thủy lợi; dịch vụ thủy lợi; bảo vệ và bảo đảm an toàn công trình thủy lợi”. Theo đó:

(i) Thủy lợi là giải pháp cấp nước phục vụ cho nhiều ngành kinh tế, trong đó có cấp nước phục vụ phát điện.

(ii) Hoạt động thủy lợi có nhiều nội dung, trong đó có: đầu tư xây dựng công trình thủy lợi (kể cả hồ chứa cấp nước phục vụ phát điện); vận hành đập, hồ chứa nước (kể cả hồ chứa cấp nước phục vụ phát điện); bảo vệ và bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, góp phần phòng, chống thiên tai. 

Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/01/2021 của Chính phủ (quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng công trình xây dựng, thi công xây dựng công trình và bảo trì công trình xây dựng) đã củng cố các nhận xét trên khi quy định phân loại công trình theo công năng sử dụng tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định, trong đó không phân biệt hồ chứa thủy lợi với hồ chứa  thủy điện mà phân biệt công trình năng lượng với công trình thủy lợi: “Công trình năng lượng: Một công trình độc lập, một tổ hợp các công trình hoặc một dây chuyền công nghệ trong các cơ sở sau: Nhà máy thủy điện (không bao gồm các công trình đầu mối)”; “Công trình thủy lợi: Hồ chứa nước; đập ngăn nước (bao gồm đập tạo hồ, đập điều tiết trên sông, suối,...)”.

+ “An toàn đập, hồ chứa nước là việc thực hiện các biện pháp thiết kế, thi công, quản lý, khai thác nhằm bảo đảm an toàn cho đập, hồ chứa nước, các công trình có liên quan, an toàn cho người và tài sản vùng hạ du đập”; “Vùng hạ du đập là vùng bị ngập lụt khi hồ xả nước theo quy trình; xả lũ trong tình huống khẩn cấp hoặc vỡ đập”; “Tình huống khẩn cấp là trường hợp mưa, lũ vượt tần suất thiết kế; động đất vượt tiêu chuẩn thiết kế trên lưu vực hồ chứa nước hoặc tác động khác gây mất an toàn cho đập”. Theo đó:

(i) An toàn đập, hồ chứa nước bao gồm an toàn cho đập, hồ chứa nước, các công trình có liên quan, nhất là an toàn cho người và tài sản vùng hạ du đập.

(i) An toàn cho người và tài sản vùng hạ du đập là an toàn về xả lũ, cần được xem xét kỹ khi hồ xả nước theo quy trình vận hành (xả lũ trong tình huống khẩn cấp hoặc vỡ đập là những trường hợp bắt buộc ngoài ý muốn hoặc ngoài tầm kiểm soát).

- Việc đầu tư xây dựng công trình thủy lợi (gồm cả công trình đập, hồ chứa nước có công trình thủy điện) được quy định ở Điều 17, Điều 18. Chính phủ đã ban hành Nghị định 114/2008/NĐ-CP theo nhiệm vụ được giao tại Điều 18, trong đó:

+ Điều 4 quy định: “Bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước là ưu tiên cao nhất trong đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác đập, hồ chứa nước”;

+ Chương II: quy định chi tiết về thiết kế, thi công xây dựng đập, hồ chứa nước.

- Việc vận hành đập, hồ chứa nước được quy định chi tiết ở Điều 27, Điều 28 Luật Thủy lợi, trong đó việc sử dụng nước từ đập, hồ chứa nước liên quan chặt chẽ với bảo đảm an toàn cho đập, hồ chứa nước, cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp ở vùng hạ du đập. Cụ thể:

+ Quy trình vận hành hồ chứa thủy điện, quy trình vận hành liên hồ chứa phục vụ thủy lợi phải tuân thủ quy định của pháp luật về tài nguyên nước và một số yêu cầu khác, trong đó có yêu cầu về đáp ứng yêu cầu sử dụng nước ở hạ du; ưu tiên cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp.

+ Tổ chức, cá nhân khai thác đập, hồ chứa nước (trong đó có hồ chứa thủy điện) phải:

(i) Căn cứ tin dự báo khí tượng thủy văn, số liệu quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng, các thông tin liên quan để dự báo, vận hành hồ chứa theo diễn biến thực tế đáp ứng yêu cầu sử dụng nướcbảo đảm an toàn đập.

(ii) Vận hành đập, hồ chứa nước, hồ chứa thủy điện, vận hành liên hồ chứa phục vụ thủy lợi theo đúng quy trình vận hành được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; khi xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, lũ, ngập lụt, úng việc vận hành theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; trước khi vận hành xả lũ có trách nhiệm thông báo cho chính quyền địa phương và các cơ quan có liên quan theo quy trình vận hành được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

(iii) Đối với hồ chứa thủy điện vận hành theo chế độ điều tiết ngày phải có giải pháp bảo đảm công trình thủy lợi ở hạ du hoạt động bình thường.

d) Tại Luật Phòng chống thiên tai:

Điều 3 quy định: Hồ đập là công trình phòng chống thiên tai, có nghĩa  hồ đập có nhiệm vụ cắt, giảm lũ.

Tóm lại: Hiến pháp quy định Tài nguyên nước thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Bộ luật Dân sự quy định các quan hệ dân sự liên quan tài sản và quyền sở hữu, theo đó suy ra đối với đập, hồ chứa nước, chủ đập là tổ chức, cá nhân đã đầu tư xây dựng đập, nhưng không phải bao giờ cũng là chủ hồ, chỉ duy nhất Nhà nước mới là chủ hồ. Luật Thủy lợi, Luật Phòng chống thiên tai quy định về bảo đảm an toàn cho đập, hồ chứa nước, bao gồm bảo đảm an toàn cho người và tài sản vùng hạ du đập. Luật Tài nguyên nước quy định về nguyên tắc khai thác, sử dụng nguồn nước ở hồ chứa nước cho các mục đích sử dụng khác nhau, trong đó có thủy điện. Luật Tài nguyên nước chỉ quy định nguyên tắc quản lý, khai thác, sử dụng nước với vai trò là tài nguyên nước còn Luật Thủy lợi mới là Luật quy định những việc cụ thể liên quan quản lý an toàn đập, hồ chứa nước.

2. Những hạn chế, bất cập trong Luật Thủy lợi và văn bản dưới luật liên quan.

a) Luật Thủy lợi phân biệt hồ chứa thủy lợi và hồ chứa thủy điện, sử dụng các cụm từ: “hồ chứa nước thủy lợi”; “hồ chứa thủy điện phục vụ thủy lợi”; hồ chứa nước thủy điện”; “liên hồ chứa phục vụ thủy lợikhông phù hợp. Thực tế không có hồ chứa thủy điện, càng không có hồ chứa thủy điện phục vụ thủy lợi”, chỉ có đập, hồ chứa nước là công trình thủy lợi cấp nước phục vụ cho việc phát điện và cấp nước cho mục đích sử dụng của các ngành kinh tế khác. Vì vậy, cũng không nên có các khái niệm “hồ chứa nước thủy lợi”, liên hồ chứa phục vụ thủy lợi”, chỉ cần “hồ chứa nước” là đủ, không thừa không thiếu.

b) Điều 17 Luật Thủy lợi yêu cầu: Đầu tư xây dựng công trình thủy lợi phải “Bảo đảm an toàn công trình thủy lợi”. Điều 18 Luật Thủy lợi nói về đầu tư xây dựng đập, hồ chứa nước, nhưng chỉ yêu cầu thực hiện theo Điều 17, không có yêu cầu phải bảo đảm an toàn cho đập, hồ chứa nước, trong đó có an toàn cho người và tài sản vùng hạ du đập là còn thiếu, chưa đầy đủ.

Điều 28 của Luật Thủy lợi quy định quy trình vận hành hồ chứa thủy điện phải tuân thủ quy định của Luật Tài nguyên nước, chỉ riêng cho “hồ chứa thủy điện” và chỉ riêng cho giai đoạn vận hành khai thác là còn thiếu. Tuy vậy cũng có tác dụng tích cực. Cụ thể: Do Luật Tài nguyên nước quy định nước ở hồ chứa nước là nguồn nước; mà nguồn nước là tài nguyên nước, nên theo quy định tại Điều 53 Hiến pháp và Điều 197 Bộ Luật Dân sự, nước từ đập, hồ chứa nước là “thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”. Có nghĩa: Nhà nước là chủ hồ, có toàn quyền phân phối nước từ đập, hồ chứa nước cho các mục đích sử dụng khác nhau, bao gồm cả quyền xả bớt nước ở hồ chứa nước nhằm tạo dung tích trống chứa lũ đủ để đảm bảo an toàn cho vùng hạ du đập theo mức đảm bảo được xác định theo ý chí của nhà nước. Thủ tướng Chính phủ đã thực hiện (nhưng chưa thực hiện hết) quyền này khi ban hành quy trình vận hành liên hồ chứa trên 11 lưu vực sông, trong đó quy định các hồ chứa thủy điện phải tham gia cắt, giảm lũ, kể cả khi đập chắn nước đó thuộc sở hữu tư nhân, và bất kể hồ chứa có dung tích phòng lũ là bao nhiêu.

c) Khoản 4, khoản 5 Điều 2 của Nghị định chỉ quy định mục đích chính của đập, hồ chứa thủy lợi là kết hợp cắt, giảm lũ mà không quy định tương tự đối với đập, hồ chứa thủy điện là thiếu thống nhất, dẫn tới đầu tư xây dựng đập, hồ chứa thủy điện có dung tích phòng lũ nhỏ hơn so với ở hồ chứa thủy lợi nên có lợi nhuận cao hơn, thu hút được các nhà đầu tư tư nhân. Việc cho phép có dung tích phòng lũ nhỏ hơn lại dẫn tới có sự nhân nhượng nhất định trong lập, trình thẩm định, phê duyệt quy trình vận hành hồ chứa thủy điện và vì thế các hồ chứa thủy điện không đảm bảo được an toàn cho người và tài sản vùng hạ du đập bằng các hồ chứa thủy lợi. Cả 23 hồ chứa nước trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn đều là hồ chứa thủy điện, dung tích phòng lũ không đủ là mối lo kinh niên của tỉnh Quảng Nam và Thành phố Đà Nẵng do lưu lượng xả lũ chưa đủ bảo đảm an toàn cho người và tài sản vùng hạ du đập.

Trên lưu vực sông Hương, mặc dù đã có 03 hồ chứa nước bao trùm toàn bộ lưu vực thượng nguồn nhưng chỉ hồ Tả trạch có nhiệm vụ kết hợp cắt giảm lũ là chính nên Thừa Thiên Huế năm nào cũng gánh chịu ngập lụt trên báo động cấp 2, với số năm gần chạm hoặc vượt mốc lịch sử ngày càng gần nhau hơn (2007, 2009, 2013, 2016, 2017, 2020, 2022). Tình trạng này đòi hỏi 03 hồ chứa nước ở đây phải tham gia nhiều hơn vào việc cắt, giảm lũ cho vùng hạ du đập để bảo đảm an toàn về lũ cho đô thị và các khu vực xây dựng khác như đã được duyệt tại Quyết định số 1261QĐ-TTg ngày 19/10/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 (sau đây viết tắt là NVQHCĐT TTH).

d) Sự thiếu thống nhất giữa Điều 17, Điều 18 Luật Thủy lợi và khoản 5 Điều 2, Điều 4, Điều 5 của Nghị định 114/2018/NĐ-CP so với khoản 7 Điều 2  Luật Thủy lợi dẫn tới việc nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho người và tài sản vùng hạ du đập chưa được quy định một cách đầy đủ. Cụ thể: Trong khi một số tỉnh như Kon Tum, Hà Tĩnh … đều có định nghĩa  cho từng cấp báo động lũ[2]: (tham khảo: mực nước ở cấp báo động 1 gây ảnh hưởng đến ruộng vườn, hoa màu; mực nước ở cấp báo động 2 gây ảnh hưởng đến nhà cửa khu dân cư; mực nước ở cấp báo động 3 có thể gây nguy hiểm cho đời sống sinh hoạt, sản xuất của nhân dân, đe dọa đến tính mạng và tài sản của nhân dân), Điều 3 Quyết định 05/2020/QĐ-TTg chỉ định nghĩa chung chung: “Cấp báo động lũ là sự phân định cấp độ của lũ” mà không có định nghĩa cho từng cấp báo động lũ; về mức độ tác động của lũ lụt cũng chỉ nhắc đến an toàn đê điều, bờ, bãi sông, công trình và dân sinh, kinh tế - xã hội trên khu vực mà không đề cập đến tính mạng con người vùng hạ du đập là chưa đảm bảo an toàn về xả lũ theo quy trình cho vùng hạ du đập.

đ) Luật Thủy lợi, Nghị định 114/2018/NĐ-CP, Quyết định 05/2020/QĐ-TTg đều chưa quy định lưu lượng xả lũ xuống vùng hạ du đập theo quy trình phải bảo đảm an toàn về lũ đến mức độ nào (bảo vệ mùa màng hay bảo vệ đô thị và các khu vực dân cư khác) để có phương pháp tính toán thiết kế dung tích phòng lũ phù hợp cho đập, hồ chứa nước, là có hạn chế, bất cập. 

3. Những hạn chế, bất cập của pháp luật trong quản lý tài nguyên nước và phân công quản lý an toàn đập, hồ chứa nước.

a) Luật Tài nguyên nước quy định: “Việc quản lý tài nguyên nước phải bảo đảm thống nhất theo lưu vực sông, theo nguồn nước, kết hợp với quản lý theo địa bàn hành chính” nhưng chỉ khi trình, thẩm định quy trình vận hành liên hồ các cơ quan có trách nhiệm mới thực hiện nhiệm vụ quản lý tài nguyên nước ở hồ chứa nước, chưa xác định/tham mưu ban hành văn bản xác định cụ thể ai là chủ sở hữu nguồn nước trong hồ chứa nước và chưa quy định cách thức để chủ hồ thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu đối với nguồn nước từ hồ chứa nước là chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm được giao, có phần buông lỏng trong quản lý.

Tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng đập, hồ chứa nước là chủ sở hữu đập chắn nước đồng thời có quyền chuyển giao tài sản đó, nhưng không phải là chủ hồ, chỉ có quyền sử dụng đối với nguồn nước từ hồ chứa nước với khối lượng được chủ hồ cho phép (nước từ hồ chứa được sử dụng bao nhiêu cho mục đích sử dụng nào là do nhà nước quyết định). Vì vậy, việc pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về việc Nhà nước thực hiện trách nhiệm đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý tài nguyên nước, trách nhiệm chủ  hồ đối với các hồ chứa nước nói chung, đối với các hồ chứa nước mà đập chắn nước thuộc sở hữu tư nhân nói riêng như thế nào, bằng hình thức gì là có lỗ hổng.  

- Điều 47 quy định các nguyên tắc về khai thác, sử dụng nguồn nước cho thủy điện; Điều 53 quy định về hồ chứa và nguyên tắc khai thác, sử dụng nước hồ chứa; Điều 60 quy định về phòng, chống hạn hán, lũ, lụt, ngập úng nhân tạo chỉ quy định trong giai đoạn vận hành hồ chứa nước, các tổ chức, cá nhân quản lý, vận hành hồ chứa có trách nhiệm bảo đảm an toàn công trình và vùng hạ du của hồ chứa nhưng không quy định tương tự đối với giai đoạn quy hoạch và giai đoạn đầu tư xây dựng là có thiếu sót.

b) Luật thủy lợi quy định: “Quy hoạch thủy lợi là quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành, cụ thể hóa quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, làm cơ sở để đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi”; quy hoạch thủy lợi bao gồm: “Quy hoạch thủy lợi lưu vực sông liên tỉnh” và “Quy hoạch thủy lợi của hệ thống công trình thủy lợi liên quan từ 02 tỉnh trở lên”; Chính phủ quy định hồ chứa nước là công trình thủy lợi, giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) quản lý quy hoạch thủy lợi và đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi, quản lý về phòng chống thiên tai, giao Bộ Tài nguyên và môi trường quản lý tài nguyên nước trên lưu vực sông nhưng lại không giao cho Bộ NN&PTNT thẩm định, trình duyệt quy trình vận hành liên hồ mà lại giao cho Bộ Tài nguyên và môi trường (Bộ TN&MT) là giao không đúng người, không đúng việc.

Tương tự, ngành Điện lực không được giao quản lý lưu vực sông thì việc quy hoạch xây dựng các công trình năng lượng thủy điện phải dựa trên cơ sở quy hoạch xây dựng các hồ chứa nước của ngành Thủy lợi mới đúng. Giao cho Bộ Công thương thẩm định, phê duyệt quy hoạch các hồ chứa thủy điện như hiện nay thành ra có tới 2 Bộ quy hoạch các đập, hồ chứa nước trên một lưu vực sông là đã phá vỡ sự thống nhất trong quản lý quy hoạch theo lưu vực sông.

Việc giao cho “Bộ Công Thương chịu trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về an toàn đập, hồ chứa thủy điện là mâu thuẫn với quy định về phân loại công trình theo công năng sử dụng tại Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/01/2021 của Chính phủ, tạo nên sự thiếu thống nhất trong quản lý đập, hồ chứa nước nói chung và trong quản lý an toàn đập, hồ chứa nước nói riêng.

4. Tại sao phải bổ sung phương pháp tính toán thiết kế dung tích phòng lũ cho đập, hồ chứa nước theo lưu lượng xả lũ lớn nhất cho phép ứng với mục tiêu bảo đảm an toàn về lũ đã định cho vùng hạ du đập?

a) Trả lời cho câu hỏi “Tại sao?”.

Nếu không quy định mức bảo đảm an toàn về lũ nào cả như hiện nay, việc thiết kế đập, hồ chứa nước (sau đây viết tắt là đập, hoặc hồ chứa, hoặc hồ chứa nước) chỉ thiên về tính toán đảm bảo an toàn cho hồ chứa mà bỏ qua yêu cầu bảo đảm an toàn về lũ cho vùng hạ du đập. Việc tính toán các chỉ tiêu như lưu lượng xả lũ thiết kế, lưu lượng xả lũ kiểm tra … theo phương pháp thiết kế hiện hành không bị ràng buộc bởi yêu cầu bảo đảm an toàn về lũ cho vùng hạ du đập, dẫn tới tình trạng mực nước tại trạm thủy văn trên sông có thể lên trên mực nước báo động lũ cấp 2, vượt báo động lũ cấp 3, chạm hoặc vượt mức lũ lịch sử … được cho là điều bình thường, không ai có lỗi vì tất cả đều đã thực hiện theo đúng quy trình, quy định (chỉ ông trời là có lỗi!).

Yêu cầu về mức bảo đảm an toàn về xả nước đối với vùng hạ du đập lần đầu tiên được Thành phố Hồ Chí Minh đặt ra đối với hồ Dầu Tiếng, được Thủ tướng Chính phủ chấp nhận đưa vào Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Đồng Nai tại Quyết định số 1895/QĐ-TTg ngày 25/12/2019 với nội dung: “phải đảm bảo lưu lượng xả về hạ du không vượt quá 200 m3/s” trong mọi trường hợp, trừ khi “mực nước hồ Dầu Tiếng đạt đến 25,1 m mà lưu lượng đến hồ còn tiếp tục tăng và có khả năng ảnh hưởng đến an toàn của công trình” (khi đó phải thực hiện chế độ vận hành đảm bảo an toàn công trình theo Quy trình vận hành của hồ đã được cấp có thẩm quyền ban hành, có nghĩa là được phép xả tối đa bằng lưu lượng xả lũ thiết kế của hồ là 2.800 m3/s). Việc chấp thuận này chỉ là xử lý tình thế, vì hồ Dầu Tiếng vốn không được thiết kế theo lưu lượng xả lũ lớn nhất cho phép ứng với mục tiêu bảo đảm an toàn về lũ đã định cho vùng hạ du đập. Chênh lệch giữa các lưu lượng cho phép xả lũ 200 m3/s và 2.800 m3/s là rất lớn và không có mối liên hệ nào giữa chúng với nhau.

Thủ tướng Chính phủ xác định mức bảo đảm an toàn về lũ cho đô thị và các khu vực xây dựng khác tại NVQHCĐT TTH là trường hợp có tiền lệ thứ hai.

Đấy là chỉ nói riêng về đập, hồ chứa nước. Mở rộng ra thì từ xưa đến nay, khi ông cha chúng ta và ngày nay chúng ta đắp đê là đã tính toán thiết kế theo mức đảm bảo an toàn về lũ cho vùng được bảo vệ phía trong đê.  

b) Các mức bảo đảm an toàn về lũ đối với vùng hạ du đập và lựa chọn.

Để thực hiện mức bảo đảm an toàn về lũ đối với vùng hạ du đập, việc tính toán thiết kế dung tích phòng lũ cho hồ chứa nước cần được bổ sung phương pháp thiết kế theo lưu lượng xả lũ lớn nhất cho phép ứng với mục tiêu bảo đảm an toàn về lũ đã được xác định cho vùng hạ du đập. Cụ thể:

- Nếu yêu cầu thiết kế là bảo vệ cho đô thị và các khu vực xây dựng khác như NVQHCĐT TTH đã xác định, lưu lượng xả lũ xuống vùng hạ du đập phải được khống chế sao cho lưu lượng đo tại trạm thủy văn xác định trên sông không được lớn hơn lưu lượng ứng với mực nước báo động lũ cấp 2 tại đây (cấp báo động có mực nước gây ảnh hưởng đến nhà cửa, khu dân cư).

- Nếu yêu cầu thiết kế là bảo vệ mùa màng, lưu lượng xả lũ theo quy trình xuống vùng hạ du đập phải được khống chế sao cho lưu lượng đo tại trạm thủy văn xác định trên sông không được lớn hơn lưu lượng ứng với mực nước báo động lũ cấp 1 tại đây (cấp có mực nước gây ảnh hưởng đến ruộng vườn, hoa màu). Lưu lượng xả lũ lớn nhất cho phép khi đó sẽ nhỏ hơn so với ở trường hợp trên, mực nước lớn nhất kiểm tra sẽ cao hơn, dung tích phòng lũ thiết kế sẽ lớn hơn, đập cao hơn và kinh phí đầu tư sẽ nhiều hơn.

Mức bảo vệ mùa màng là mức bảo đảm an toàn về lũ cao hơn so với mức bảo vệ an toàn về lũ cho đô thị và các khu vực xây dựng khác. Chỉ cần đáp ứng 1 trong 2 mức đảm bảo trên thì yêu cầu bảo vệ mùa màng đối với lũ tiểu mãn luôn được thỏa mãn. Ngược lại, bảo vệ mùa màng đối với lũ tiểu mãn không phải là một mức yêu cầu đảm bảo an toàn về lũ, vì nó chỉ đảm bảo đối với lũ tiểu mãn mà không đảm bảo đối với lũ chính vụ.

Bảo vệ cho đô thị và các khu vực xây dựng khác là mức bảo đảm an toàn về lũ thấp hơn trong 2 mức trên, nhưng là mức phù hợp để phấn đấu hiện nay. Với các sông có đê, mức bảo đảm an toàn về lũ của đê đã là mức cao nhất, tức là bảo vệ cho ruộng vườn, hoa màu ở vùng được đê bảo vệ (trừ những vùng được quy hoạch để xả lũ). Vì vậy, đối với vùng hạ du đập của sông có đê, mức bảo đảm là an toàn về lũ cho đê, tức được phép xả lũ theo quy trình với lưu lượng xả lũ lớn nhất cho phép được khống chế sao cho không vượt mức lưu lượng đo tại trạm thủy văn xác định trên sông không được lớn hơn lưu lượng ứng với mực nước báo động lũ cấp 3 tại đây.

5. Phương pháp tính toán thiết kế dung tích phòng lũ cho hồ chứa nước theo lưu lượng xả lũ lớn nhất cho phép ứng với mục tiêu bảo đảm an toàn về lũ đã định cho vùng hạ du đập.

Nguyên tắc là phải bố trí có nhiều hồ chứa trên cùng một nhánh sông cùng chia sẻ dung tích phòng lũ hoặc các hồ chứa khác nhánh trên cùng một lưu vực sông cùng chia sẻ lưu lượng xả lũ lớn nhất cho phép. Các hồ chứa nhỏ có thể được thiết kế theo phương pháp thiết kế hiện hành theo quyết định của cấp có thẩm quyền đầu tư.

b) Dữ liệu đầu vào.

- Diện tích lưu vực đến vị trí trạm thủy văn hạ du đập (FtạivịtrítrạmTV, km2); tài liệu thủy văn của trạm; nhiệm vụ cấp nước của hồ chứa nước.

- Diện tích lưu vực đến vị trí đập (Ftạivịtríđập, km2).

- Mức bảo đảm an toàn về lũ cho vùng hạ du đập đã được xác định.

b) Trình tự tính toán.

- Tính giá trị lưu lượng tại vị trí trạm thủy văn theo tần suất kiểm tra (QtrạmmaxKT; m3/s).

- Tính toán xác định độ cao Mực nước dâng bình thường của hồ chứa.

- Lập biểu đồ quan hệ lưu lượng ~ độ cao mực nước tại vị trí trạm thủy văn; đọc giá trị mực nước HtrạmmaxKT (m) ứng với QtrạmmaxKT.

- Tính lưu lượng dòng chảy lũ max kiểm tra tại vị trí đập: QđậpmaxKT = QtrạmmaxKT*Ftạivịtríđập/FtạivịtrítrạmTV; m3/s (1).

- Giả thiết toàn bộ tổng lượng nước của trận lũ kiểm tra tại vị trí đập được giữ lại trong hồ chứa nước, tính lưu lượng dòng chảy lũ max còn lại tại vị trí trạm thủy văn sau khi có hồ chứa: Qcònlại =  QtrạmmaxKT - QđậpmaxKT (2). Đọc độ cao mực nước Hcònlại ứng với Qcònlại trên biểu đồ quan hệ lưu lượng ~ độ cao mực nước tại vị trí trạm thủy văn.

- Tính lưu lượng xả lũ lớn nhất cho phép: QxảlũmaxKT = Qbáođộng1/2/3 - Qcònlại (3), trong đó Qbáođộng1/2/3 ứng với mực nước báo động của cấp đã được xác định là Hbáođộng1/2/3 (cấp 1, hoặc cấp 2, hoặc cấp 3) trên biểu đồ quan hệ lưu lượng ~ độ cao mực nước tại vị trí trạm thủy văn. Có 02 trường hợp có thể xảy ra :

+ Trường hợp 1: Hcònlại nhỏ hơn đáng kể so với mức báo động lũ của cấp đã được xác định tại trạm thủy văn: Đọc lưu lượng Qbáođộng1/2/3 ứng với độ cao mực nước báo động lũ của cấp đã được xác định Hbáođộng1/2/3 trên biểu đồ quan hệ lưu lượng - độ cao mực nước tại vị trí trạm thủy văn rồi tính QxảlũmaxKT theo công thức (3). 

+ Trường hợp 2: Hcònlại lớn hơn hoặc bằng mức báo động lũ của cấp đã được xác định tại trạm thủy văn, hoặc nhỏ hơn nhưng không đáng kể, cần nghiên cứu bổ sung diện tích lưu vực cho hồ chứa để có Hcònlại nhỏ hơn đáng kể so với mức báo động lũ của cấp đã được xác định tại trạm thủy văn rồi thực hiện lại các bước tính toán trên.

Nếu không thể bổ sung diện tích lưu vực cho hồ chứa , cần kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh mức báo động lũ trên sông của cấp đã được xác định lớn hơn Hcònlại một mức hợp lý để Hcònlại nhỏ hơn đáng kể (riêng đối với các trường hợp: (i) mức báo động lũ của cấp đã được xác định là cấp 2, cần kiến nghị (bổ sung) xem xét điều chỉnh quy định cốt nền cho phù hợp với mức báo động lũ cấp 2 mới được điều chỉnh; (ii) mức báo động lũ của cấp đã được xác định là cấp 3, cần kiến nghị (bổ sung) xem xét nâng cao trình đỉnh đê cho phù hợp với mức báo động lũ cấp 3 mới được điều chỉnh), rồi cũng tính toán QxảlũmaxKT như ở trường hợp 1.

- Chọn độ cao Mực nước cao nhất trước lũ (mực nước đón lũ) bằng độ cao Mực nước dâng bình thường hoặc nằm dưới mực nước dâng bình thường. Mực nước lớn nhất kiểm tra của hồ chứa được xác định ứng với QxảlũmaxKT trong tính toán điều tiết lũ và với Mực nước cao nhất trước lũ.

- Dung tích phòng lũ của hồ chứa được xác định theo định nghĩa (dung tích phòng lũ là: “Phần dung tích của hồ chứa nước nằm trong phạm vi từ mực nước đón lũ đến mực nước lớn nhất kiểm tra làm nhiệm vụ điều tiết lũ”).

6. Lời kết.

Những bất cập, hạn chế nêu trên tạo nên sự thiếu thống nhất trong quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng đập, hồ chứa nước trên các lưu vực sông; trong quản lý an toàn đập, hồ chứa nước; tạo nên tình trạng đầu tư xây dựng đập, hồ chứa thủy điện thiếu an toàn về lũ cho vùng hạ du đập, có sự tranh chấp giữa các hộ dùng nước ở các hồ chứa thủy điện hơn ở các hồ chứa nước thủy lợi …; pháp luật về quản lý nguồn nước ở đập, hồ chứa nước có lỗ hổng, cần được bổ sung để thực hiện.  

Cần phân biệt chủ đập chắn nước với chủ nguồn nước trong hồ chứa nước (chủ hồ) ở các đập, hồ chứa nước để có quy định rõ ràng về quản lý nguồn nước ở các hồ chứa nước, nhất là về cách thức quản lý nguồn nước ở các hồ chứa nước thuộc sở hữu tư nhân, để người được giao trách nhiệm đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý tài nguyên nước từ hồ chứa nước thực hiện quyền hạn và trách nhiệm của chủ hồ theo đúng quy định của Hiến pháp, không phải chỉ hạn hẹp với tư cách được phân công trách nhiệm trong quyết định ban hành quy trình vận hành liên hồ chứa của Thủ tướng Chính phủ như hiện nay.

Trách nhiệm quản lý nhà nước đối với đập, hồ chứa nước nói chung và đối với an toàn đập, hồ chứa nước nói riêng nên quy về một mối, giao cho Bộ NN&PTNT thống nhất quản lý, bao gồm cả trách nhiệm phê duyệt quy trình vận hành liên hồ chứa (đối với hồ chứa trên sông nội tỉnh giao UBND tỉnh). Bộ TN&MT được giao quản lý tài nguyên nước trên các lưu vực sông, không quản lý đầu tư các công trình xây dựng xây dựng trên đó, chỉ quản lý tài nguyên nước từ đập, hồ chứa nước trên cơ sở đã xây dựng, ban hành các quy định về nguyên tắc sử dụng nước từ đập, hồ chứa nước và là cơ quam tham gia ý kiến về lĩnh vực này trong quá trình thẩm định, trình duyệt quy trình vận hành hồ chứa liên hồ do Bộ NN&PTNT làm chủ.

Căn cứ quy định hiện hành về phân loại công trình xây dựng, Bộ Công thương quản lý đầu tư xây dựng các công trình năng lượng, trong đó có các công trình thủy điện. Việc đầu tư xây dựng các đập, hồ chứa nước nên thống nhất giao cho Bộ NN&PTNT (ở địa phương là UBND tỉnh) để đảm bảo sự thống nhất trong quản lý nhà nước từ khâu quy hoạch, đầu tư xây dựng đến quản lý vận hành các đập, hồ chứa nước. 

Việc bổ sung phương pháp thiết kế dung tích phòng lũ của hồ chứa nước theo lưu lượng xả lũ lớn nhất cho phép ứng với mức bảo đảm an toàn về lũ đã định cho vùng hạ du đập là cần thiết, nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế khách quan. Việc này là đã có tiền lệ, không chỉ ở hồ Dầu Tiếng, ở quyết định phê duyệt NVQHCĐT TTH mà còn ở các công trình đê điều từ trước đến nay (đều được thiết kế theo mức đảm bảo an toàn về lũ cho được đê bảo vệ).

Để thống nhất quản lý an toàn đập, hồ chứa nước, Nhà nước nên đầu tư toàn bộ đập chắn nước, cho phép các nhà đầu tư khác tham gia đầu tư một số hạng mục công trình, thí dụ nhà máy thủy điện, cống lấy nước … và quy định nguyên tắc về quyền sử dụng nước trong hồ chứa (thí dụ: theo tỷ lệ nước đến hàng năm v.v.). Đối với các hồ chứa nước đã có, cần có biện pháp khắc phục, tháo gỡ nhằm đảm bảo an toàn về lũ cho vùng hạ du đập theo hướng: Nguồn nước từ các đập, hồ chứa nước là tài nguyên, thuộc sở hữu toàn dân, khi cần thiết có thể đánh đổi mục đích sử dụng nước hồ chứa theo nguyên tắc: “Bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước là ưu tiên cao nhất trong đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác đập, hồ chứa nước” để tăng dung tích phòng lũ của hồ và tổng dung tích phòng lũ của các hồ đủ đảm bảo an toàn về lũ cho vùng hạ du đập với mức bảo đảm được xác định. Về lâu dài, nên có hướng mua lại các đập chắn nước từ các nhà đầu tư tư nhân để thâu tóm toàn bộ về tay nhà nước nhằm đảm bảo sự thống nhất trong quản lý an toàn đập, hồ chứa nước./.

                                                                                     TP. HCM, ngày 25/01/2023. Nat.



[1]Đích thực vì chỉ có một chủ nhân ông duy nhất để phụng sự, không phải trong tình trạng một rừng có 2 chúa sơn lâm, vừa bị tranh giành xâu xé, lại dễ bị biến thành vô chủ.

[2]Khoản 1 và khoản 3 Điều 5 Luật ban hành VBQPPL về Nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định: (phải) “Bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp và tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật” và “Bảo đảm tính minh bạch trong quy định của văn bản quy phạm pháp luật”.

Mới hơn bài này
Các bài đã đăng
Đóng góp ý kiến về bài viết này!
Tên bạn đọc
 
Địa chỉ email phản hồi
 
Tiêu đề
 

Ý kiến bạn đọc   
Tập tin đính kèm
Tiêu điểm
Biến đổi khí hậu và An ninh nguồn nước ở Việt Nam.[08/07/21]
Đại hội lần thứ IV, sự kiện lớn của Hội Đập lớn & Phát triển nguồn nước Việt Nam.[27/04/19]
Hội Đập lớn & Phát triển nguồn nước Việt Nam phấn đấu vì sự nghiệp phát triển thủy lợi của đất nước.[18/04/19]
Danh sách Hội viên tập thể đã đóng niên liễm 2018.[11/01/19]
Chùm ảnh Đại hội lần thứ 2 Hội Đập lớn Việt Nam.[13/08/09]
Nhìn lại 5 năm hoạt động của VNCOLD trong nhiệm kỳ đầu tiên.[10/08/09]
Thông báo về Hội nghị Đập lớn Thế giới.[17/07/09]
Thư chào mừng của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải
VNCOLD đã thành công tại cuộc họp Chấp hành ICOLD Sofia (Bulgaria), 6/6/2008
Phó Thủ tướng khai mạc Hội thảo “ASIA 2008.
Tạo miễn phí và cách sử dụng hộp thư @vncold.vn
Website nào về Thủy lợi ở VN được nhiều người đọc nhất?
Giới thiệu tóm tắt về Hội Đập lớn & Phát triển nguồn nước Việt Nam.
Download miễn phí toàn văn các Tiêu chuẩn qui phạm.
Đập tràn ngưỡng răng cưa kiểu “phím piano".
Đập Cửa Đạt
Lời chào mừng
Quảng cáo










Liên kết
▪ Hội đập lớn thế giới
▪ Các Hội đập lớn trên Thế giới
▪ Một số trang web của hội viên tập thể