» Mở tất cả ra       » Thu tất cả lại
English and French
Tìm kiếm

Bài & Tin mới
Nghị định số 02/2024/NĐ-CP về việc chuyển giao công trình điện là tài sản công sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam [17-01-2024]
Kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Cục Quản lý xây dựng công trình [26-12-23]
Chùm ảnh các công trình thuỷ lợi tiêu biểu ở VN 20 năm 2003-2023 [30-11-2023]
Danh mục các quy hoạch thủy lợi đã được phê duyệt [26-10-2023]
BÀN VỀ ĐỊNH HƯỚNG LẠI NGÀNH XÂY DỰNG THÔNG QUA CHUYỂN ĐỔI SỐ [26-10-2023]
Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 thay thế Luật Đấu thầu trước đây và có hiệu lực từ 01/01/2024 [15-10-2023]
Dự thảo TCVN 8731-20xx Phương pháp xã định hệ số thấm của đất bằng phương pháp đổ nước và múc nước trong hố đào và hố khoan [15-10-2023]
Đập Đắk N’Ting (Đắk Nông) trước nguy cơ bị vỡ [05-09-23]
QUYẾT ĐỊNH: Về việc hủy bỏ Tiêu chuẩn quốc gia [05-09-23]
Nghị định 35/2023/NĐ-CP [07-08-23]
Ý KIẾN TRAO ĐỔI VỀ ĐỘNG ĐẤT Ở KONTUM NGÀY 14-07-2023 (2)[07-08-23]
HOẠT ĐỘNG HỘI 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2023 VÀ PHƯƠNG HƯỚNG NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM 6 THÁNG CUỔI NĂM [04-08-23]
Đô thị ngoại ô: cuộc chiến đất vùng rìa [25-07-23]
Thủ Tướng Chính Phủ phê duyệt Quy hoạch Phòng chống thiên tai và Thủy lợi 2021-2030 [25-07-23]
Thủ Tướng Chính Phủ phê duyệt Quy hoạch Phòng chống thiên tai và Thủy lợi 2021-2030 [25-07-23]
NHỮNG NỘI DUNG KHÔNG PHÙ HỢP VÀ KHÔNG ĐÚNG trong Tiêu chuẩn TCVN 8637:2021(về Yêu cầu kỹ thuật lắp đặt và nghiệm thu máy bơm)[14-07-23]
Ý kiến trao đổi về động đất ở Kontum [14-07-23]
Tiếp tục xảy ra 7 trận động đất tại Kon Plông (Kon Tum) [14-07-23]
Bàn thêm về dung tích phòng lũ ở các hồ chứa thủy lợi, thủy điện [13-07-23]
 Số phiên truy cập

81281704

 
Quản lý Qui hoạch
Gửi bài viết này cho bạn bè

Nâng cao năng lực cạnh tranh của nhà thầu xây dựng.[29/03/11]
Ngay sau khi đường lối Đổi mới được công bố, thị trường xây dựng nước ta liền tự phát hình thành để phát triển nhà ở riêng lẻ, rồi ngày càng lớn mạnh để đáp ứng nhu cầu tiếp nhận các dự án ODA, FDI và nhu cầu phát triển quốc gia. Hiện nay thị trường này gánh vác phần lớn việc thực hiện tổng vốn đầu tư toàn xã hội chiếm hơn 40% tổng GDP.

NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH

CỦA NHÀ THẦU XÂY DỰNG

 

 

 

Tham luận tại Hội thảo 'Nhà thầu Việt tại sao thua trên sân nhà?'

 

TS. Phạm Sỹ Liêm

PCT Tổng hội Xây dựng Việt Nam

 

Quá trình hình thành thị trường xây dựng Việt Nam

Đập bê tông đầm lăn Định Bình khởi công đầu tiên ở nước ta (2002) do Cty XD47 thi công đạt chất lượng

cao và có uy tín lớn trong ngành xây dựng thủy lợi -

thủy điện.

 

Ngay sau khi đường lối Đổi mới được công bố, thị trường xây dựng nước ta  liền tự phát hình thành để phát triển nhà ở riêng lẻ, rồi ngày càng lớn mạnh để đáp ứng nhu cầu tiếp nhận các dự án ODA, FDI và nhu cầu phát triển quốc gia. Hiện nay thị trường này gánh vác phần lớn việc thực hiện tổng vốn đầu tư toàn xã hội chiếm hơn 40% tổng GDP.

 

Thế nhưng các nhà làm chính sách lại ít đề cập đến thị trường xây dựng, có thể do họ quan niệm rằng trước hay sau đổi mới thì hoạt động của ngành xây dựng vẫn thế thôi, cũng vẫn là khảo sát-thiết kế-thi công, cũng hợp đồng A-B, chỉ khác trước là không còn kế hoạch và có sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế. Ngay phương thức đấu thầu xây dựng để thực hiện cơ chế cạnh tranh trong thị trường xây dựng thì lúc đầu chỉ áp dụng cho các dự án có yếu tố nước ngoài, mà cũng chỉ được xem là khâu cuối cùng của hoạt động đầu tư, do đó được chuyển cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm quản lý nhà nước và soạn thảo Luật Đấu thầu! Còn Bộ Xây dựng thì trong thời gian dài vẫn đeo đuổi công việc lập định mức và đơn giá, sửa đổi bổ sung các thủ tục hành chính và các quy định kỹ thuật xây dựng v.v., chỉ đến gần đây mới nghiên cứu vấn đề quản lý chi phí xây dựng, tức là chỉ mới quan tâm đến cơ chế giá cả mà chưa đề cập đến cơ chế cung cầu và cơ chế cạnh tranh của thị trường xây dựng, là những cơ chế chi phối rất mạnh sự vận hành của thị trường này.

 

Khuôn khổ pháp lý xây dựng được hình thành và cứ vài ba năm lại được sửa đổi và bổ sung để theo kịp tình hình, đến năm 2003 mới ban hành Luật Xây dựng, và năm 2005 có Luật Đấu thầu, rồi như thường lệ, năm 2009 các Luật này lại được sửa đổi bổ sung! Đây cũng là chuyện bình thường vì kiến thức và kinh nghiệm phải từ thực tế mà ra, tuy vậy việc xây dựng thể chế thị trường xây dựng nước ta có thể bắt đầu sớm hơn và tránh được chủ nghĩa kinh nghiệm nếu các hoạt động nghiên cứu học thuật được đẩy mạnh có hệ thống, việc học tập kinh nghiệm nước ngoài được tiến hành có bài bản.

 

Trong một thị trường tuy tăng trưởng nhanh nhưng thể chế thị trường còn sơ khai như vậy thì năng lực của các chủ thể thị trường còn nhiều yếu kém là điều hiển nhiên. Chính trong bối cảnh đó mà chúng ta nên tìm đáp án cho câu hỏi “nhà thầu Việt tại sao thua trên sân nhà” mà Hội thảo này chọn làm chủ đề.

 

Năng lực cạnh tranh của nhà thầu Việt

 

Cạnh tranh là một quy luật vận hành của kinh tế thị trường. Đối với từng thị trường cụ thể, quy luật đó biểu hiện thành cơ chế cạnh tranh có tính đặc thù, chẳng hạn đối với thị trường xây dựng thì đó là cơ chế đấu thầu.

 

Trước tiên phải nói rằng trong một cuộc đấu thầu công bằng mà bị thua thì hẳn là do năng lực cạnh tranh so sánh của nhà thầu trong doanh vụ cụ thể đó tương đối yếu kém hơn các đối tác khác. Nhiều nhà thầu quốc tế nổi tiếng cũng có thể thua, không cứ gì nhà thầu Việt. Sau mỗi thất bại như vậy nhà thầu hẳn phải rút kinh nghiệm để nâng cao năng lực cạnh tranh của mình chứ không phải tìm cách đổ lỗi cho người khác. Vấn đề là ở chỗ sau hai mươi năm Đổi mới mà trên sân nhà các nhà thầu Việt vẫn thua nhiều thắng hiếm trước các nhà thầu quốc tế, vậy nguyên nhân ở đâu? Nhà thầu Trung Quốc cũng từ nền kinh tế kế hoạch hóa tiến vào kinh tế thị trường trước nhà thầu Việt mười năm thôi, thế mà trong bảng xếp hạng 225 nhà thầu quốc tế hàng đầu thế giới năm 2010 thì số lượng nhà thầu Trung Quốc đứng đầu với 54 nhà thầu, trong số đó Tập đoàn Cơ khí SINOMACH đứng thứ 26 quốc tế! Vậy ta có thể học được gì ở họ?

 

Để trả lời các câu hỏi trên, chúng ta cần điểm lại tình hình đầu tư các dự án lớn của nước ta.

 

Sau Đổi mới, các dự án lớn đầu tiên là dự án dùng vốn ODA, như các dự án cấp nước đô thị, dự án cầu Mỹ thuận và một số dự án nâng cấp đường bộ…, qua đó các nhà làm chính sách làm quen với các khái niệm “báo cáo tiền khả thi, báo cáo khả thi” và “đấu thầu”, còn ngành xây dựng thì tiếp thu được công nghệ mới. Một số dự án ODA kèm theo điều kiện chỉ có nhà thầu nước viện trợ và nhà thầu Việt được dự thầu mà thôi, một số dự án khác yêu cầu tổ chức đấu thầu quốc tế. Thông thường nhà thầu Việt chỉ là nhà thầu phụ kể cả thiết kế cũng như thi công, nhưng qua đó đã học tập được rất nhiều điều bổ ích về công nghệ, về kinh doanh theo cơ chế thị trường và trưởng thành nhanh chóng. Tuy vậy điều đáng buồn là đến nay đã có gần trăm dự án ODA về cấp nước đô thị, thế nhưng vẫn tiếp tục dùng nhà thầu tư vấn và xây dựng nước ngoài! Kết quả là theo đánh giá của Hội Cấp thoát nước Việt Nam thì suất đầu tư tính theo m3 công suất của các dự án ODA thường cao hơn của các dự án do Việt Nam tự đầu tư và thực hiện đến 30~50%! Có lẽ chúng ta cũng nên biết nói “không” với các dự án ODA đắt đỏ như chính quyền một tỉnh nọ đã làm và thay thế thành công bằng dự án “nội địa” với chi phí chỉ bằng một nửa. Thực ra vay vốn ODA là chiếm dụng tiền của thế hệ tiếp theo, vì vậy cần cân nhắc lợi ích của con cháu.

 

Dần dần bên cạnh nguồn vốn ODA thì các nguồn vốn FDI đổ vào nước ta theo tốc độ tăng dần. Các dự án FDI thường dùng tư vấn và nhà thầu nước ngoài, hãn hữu có dùng nhà thầu trong nước.

 

Nói chung, các doanh nghiệp tư vấn và nhà thầu nước ngoài đều có thầu phụ Việt Nam để tận dụng nhân công giá rẻ. Và cũng để giảm chi phí mà công trình thường dùng vật liệu xây dựng có sẵn tại Việt Nam như xi măng, thép.

 

Sang Thế kỷ 21, Nhà nước ta dùng vốn ngân sách để đầu tư nhiều công trình hạ tầng lớn, còn các doanh nghiệp nhà nước tự đầu tư nhiều công trình công nghiệp lớn. Khi đó nhiều chủ đầu tư trong nước bèn nghĩ đến việc áp dụng dạng Hợp đồng EPC mà nhiều dự án FDI đã dùng có hiệu quả tại Việt Nam, và tổ chức đấu thầu quốc tế để tuyển chọn nhà thầu. Hiển nhiên, lúc đầu ít nhà thầu Việt dám dự thầu vì không đủ năng lực và kinh nghiệm. Ít lâu sau, qua thực tiễn làm nhà thầu phụ, một số nhà thầu Việt đã đủ tự tin nhận làm tổng thầu EPC, như Lilama đến năm 2006 đã làm đối với các dự án điện Uông Bí 1-2, Cà Mau 1-2, Xi măng Sông Thao, Đô lương… với tổng giá trị hợp đồng lúc đó lên tới 1,5 tỷ USD. Tiếp đó Lilama ký hợp đồng EPC dự án nhiệt điện Nhơn Trạch 1-2, Vũng Áng 1 và thủy điện Sông Vàng, Sông Ông…Gần đây Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam PVX đã ký hợp đồng EPC dự án nhiệt điện Thái bình 2, và liên danh với các nhà thầu nước ngoài làm tổng thầu EPC các dự án cực lớn như Lọc hóa dầu Nghi Sơn (6,2 tỷ USD), Nhà máy sản xuất tơ sợi tổng hợp Polyester Đình Vũ (250 triệu USD). Tuy vậy số nhà thầu Việt có năng lực như Lilama và PVX không nhiều, và nhiều hợp đồng tổng thầu của họ được ký kết thông qua chỉ định thầu.

 

Vấn đề “các nhà thầu Việt thua trên sân nhà” chỉ mới nổi lên vài ba năm gần đây khi theo ước tính của Bộ Công thương thì các nhà thầu Trung Quốc trúng đến 90% các gói thầu EPC ở nước ta, tập trung vào các ngành điện, dầu khí, khai khoáng, luyện kim, hóa chất và cơ khí, chỉ có một số ít thuộc ngành công nghiệp nhẹ và dịch vụ. Tháng 6 năm ngoái, Tập đoàn Hoa Điện của TQ đã ký hợp đồng tổng thầu EPC dự án nhiệt điện Kiên Lương giai đoạn 1 do Tập đoàn Tân Tạo đầu tư với tổng giá trị toàn bộ lên tới gần 2 tỷ USD (không rõ là qua đấu thầu hay chỉ định thầu). Khác với các nhà thầu quốc tế khác, nhà thầu TQ triệt để tận dụng mua sắm thiết bị máy móc và vật liệu xây dựng của nước họ, ít sử dụng thầu phụ Việt Nam để có lao động mà là đem lao động, kể cả lao động giản đơn, từ TQ sang! Đó cũng là chính sách của nước họ, tức là thông qua nhận thầu quốc tế mà xuất khẩu máy móc, vật liệu xây dựng và lao động. Thật là một chính sách khôn ngoan.

 

Nhiều chuyên gia kinh tế nước ta cho rằng nhà thầu Việt Nam thua cuộc là vì năng lực cạnh tranh kém. Vậy nguyên nhân của sự yếu kém đó là gì và làm thế nào để bổ khuyết?

Cần nâng cao năng lực cạnh tranh của nhà thầu Việt

Theo kết quả phân tích của tôi thì có bốn nguyên nhân chủ yếu cho sự yếu kém về năng lực cạnh tranh của nhà thầu EPC nước ta là:

1)     Do thiếu kinh nghiệm tổng thầu công trình tương tự. Điều này dễ hiểu và cách bổ khuyết cũng đơn giản: hãy “nằm gai nếm mật” làm thầu phụ một vài công trình loại này để thu được kinh nghiệm cần thiết;

2)     Do thiếu được trợ giúp về nguồn vốn cần thiết. Nhận tổng thầu EPC cần nguồn vốn lớn, nhất là ngoại tệ, nhưng nhà thầu ít được ngân hàng đáp ứng đủ vì ngân hàng nước ta cũng chưa trường vốn lắm trong khi các nhu cầu vốn phát triển lại đang tăng nhanh, mặt khác lãi suất khá cao khiến nhà thầu ngần ngại do quay vòng vốn trong tổng thầu EPC tương đối chậm. Vì vậy Nhà nước cần có chính sách tạo điều kiện cho nhà thầu EPC về mặt tài chính;

3)     Do thiếu nhân tài quản lý hợp đồng tổng thầu, như chuyên viên quản lý dự án; chuyên viên quản lý hợp đồng; chuyên viên quản lý và điều phối các khâu thiết kế, cung ứng và thi công; chuyên viên kỹ thuật; chuyên viên tin học; chuyên viên pháp lý; chuyên viên đánh giá và xử lý rủi ro; chuyên viên tài vụ; chuyên viên giá; chuyên viên bồi thường và đòi bồi thường khi hợp đồng bị vi phạm; các phiên dịch giỏi. Do đó nhà thầu phải có chính sách chiêu nạp, bồi dưỡng, trọng dụng và đãi ngộ hợp lý các loại nhân tài kể trên;

4)     Do thể chế thị trường xây dựng còn yếu kém. Trước đây tôi đã có dịp đề cập đến nguyên nhân này nhưng đáng tiếc là chưa thu hút được sự chú ý của các nhà làm chính sách, nên cho đến bây giờ tình hình vẫn chưa được cải thiện nhiều. Vì vậy nay xin nhắc lại lần nữa.

Cần hoàn thiện thể chế thị trường xây dựng

 

Trước tiên phải nhận dạng được thể chế thị trường xây dựng ra sao thì mới có thể tìm ra biện pháp hoàn thiện nó một cách bài bản. Nói vắn tắt, thể chế thị trường xây dựng lấy thị trường giao nhận thầu làm trung tâm, được hệ thống thị trường yếu tố sản xuất phối hợp cung ứng các dịch vụ cần thiết và được trợ giúp bởi các hệ thống pháp lý, hệ thống giám sát và hệ thống bảo hiểm, như thể hiện trong Hình 1.

 

Thị trường các yếu tố sản xuất bao gồm thị trường lao động, thị trường vật liệu xây dựng, thị trường cho thuê máy xây dựng, thị trường vốn và thị trường khoa học công nghệ.

Hệ thống pháp lý bao gồm Luật Xây dựng và các Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Quy hoạch, Luật Lao động, Luật thuế doanh nghiệp v.v.; các văn bản pháp quy hành chính như Quy định về quản lý chất lượng công trình, quản lý an toàn lao động trong thi công v.v.; các Quy chuẩn và Tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng; và các Quy định quản lý nghề nghiệp như tư cách hành nghề của nhà thầu và các chức danh chuyên nghiệp.

   

 

Trong thị trường giao nhận thầu, bên giao thầu (bên A) là người mua còn bên nhận thầu (bên B) là người bán, đối tượng mua bán là năng lực của nhà thầu hoàn thành đơn đặt hàng xây dựng công trình theo mẫu mã và kỳ hạn do người mua đưa ra. Đến lượt mình, bên nhận thầu lại có thể là bên mua (bên A) của hàng loạt nhà thầu phụ về thi công chuyên ngành, nhà thầu cung ứng sức lao động, vật liệu xây dựng, trang thiết bị, nhà thầu vận tải, cho thuê máy xây dựng v.v. Ở nước ta hiện nay chưa có nhà thầu chuyên cung ứng sức lao động mà chỉ mới có nhà thầu cung ứng sức lao động dưới dạng thầu phụ.

Như vậy có thể thấy năng lực cạnh tranh của từng nhà thầu không chỉ phụ thuộc vào “thể trạng” của chính họ, mà còn phụ thuộc vào môi trường thể chế, trước tiên là hệ thống thị trường yếu tố sản xuất.

 

Đối chiếu với sơ đồ thể chế trong H.1, các nhà làm chính sách có thể nhận ra những khâu nào còn thiếu hoặc còn yếu cần được bổ sung hay tăng cường.

 

Kinh nghiệm của ngành xây dựng Trung Quốc

Chú: Trước đây tôi đã có dịp giới thiệu qua nhà thầuTQ, nay xin nói kỹ hơn.

 

Ngày 2 tháng 4 năm 1980, Đặng Tiểu Bình trong một lần nói chuyện đã chỉ ra rằng “ngành xây dựng phải trở thành ngành kinh tế trụ cột. Trước đây chúng ta rất không coi trọng ngành xây dựng, phải thay đổi quan niệm đó. Phải nhận thấy ngành xây dựng có thể kiếm được tiền, là ngành kinh tế trọng yếu có thể tăng thêm thu nhập cho quốc gia”. Ngành xây dựng TQ lấy câu nói đó để mở đường cải cách vì nó chỉ ra ba điều hệ trọng: 1/ Ngành xây dựng là ngành sản xuất, không phải ngành dịch vụ; 2/ Sản phẩm xây dựng là hàng hóa, góp phần làm tăng thu nhập quốc gia; 3/ Ngành xây dựng phải phát triển thành ngành kinh tế trụ cột, tức là giá trị gia tăng do nó tạo ra phải chiếm từ 5% trở lên trong Tổng GDP.

 

Lúc mới đầu họ cũng gặp nhiều lúng túng. Dần dần nhờ ra sức tổng kết kinh nghiệm thực tế nước mình và học tập kinh nghiệm các nước phát triển để “biết người biết ta” theo binh pháp Tôn tử, đồng thời có chương trình bài bản đẩy mạnh công tác nghiên cứu học thuật và bồi dưỡng cán bộ, nên ngành xây dựng TQ tiến bộ rất nhanh, không những đủ sức đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước mà ngay từ đầu còn thực hiện chính sách “đi ra ngoài”, tiến nhập thị trường xây dựng quốc tế, đạt được thành tựu rất ngoạn mục khiến giới nhà thầu phương Tây phải dóng chuông báo động và theo rõi sát sao. Vì vậy không có gì ngạc nhiên trước việc nhà thầu TQ vào tung hoành trên một thị trường Việt Nam vốn không được phòng bị.

 

TQ rất coi trọng và cũng rất thận trọng xây dựng khuôn khổ pháp lý cho hoạt động xây dựng. Trong cuốn Kiến trúc Pháp luật tiểu toàn thư xuất bản năm 2007 đếm được 117 văn bản pháp quy! Họ chuẩn bị Luật Xây dựng rất kỹ trong mười năm, khi Luật này được ban hành năm 1997 thì được tung hô là kết quả của “mười năm mài một lưỡi gươm”! Có bản Luật Xây dựng còn được in kèm “lời giải thích quyền uy” cho từng Điều, thực gây ấn tượng. Tiếp sau đó, Luật Hợp đồng và Luật Đấu thầu được ban hành vào năm 1999.

 

Thị trường sức lao động được xem là thị trường yếu tố sản xuất hàng đầu. Sau cải cách, nội bộ nhiều doanh nghiệp nhà nước đã tách bộ phận quản lý các công trường ra khỏi bộ phận tác nghiệp, thành lập công ty lao vụ chuyên cho các công trường thuê lao động. Dần dần khu vực tư nhân cũng tổ chức ra các công ty lao vụ như vậy. Lao động xây dựng chủ yếu là lấy từ nông thôn (chiếm tới 60~70% tổng số) nên một số địa phương có truyền thống được chọn làm khu căn cứ cung ứng sức lao động cho ngành xây dựng, tại đây chính quyền địa phương quản lý tổng hợp việc tổ chức đào tạo nghề và đưa lao động đi làm.

 

Tương tự như công ty lao vụ, nhiều công ty cung ứng vật liệu xây dựng công ty cho thuê máy xây dựng được thành lập và làm B’cho các doanh nghiệp nhà thầu chỉ gồm chủ yếu là cán bộ quản lý nghiệp vụ và kỹ thuật.

 

Công nghệ xây dựng ngày càng tiến bộ, để có thể cạnh tranh trong nước cũng như quốc tế, các doanh nghiệp xây dựng đều tích cực sử dụng các viện nghiên cứu, các trường đại học và cao đẳng thông qua thị trường khoa học công nghệ xây dựng. Ngày nay nhiều tổng công ty, tập đoàn xây dựng lớn  có cơ sở nghiên cứu của mình, các cơ sở này góp phần làm nên thương hiệu của doanh nghiệp.

 

Để đáp ứng nhu cầu cung ứng thiết bị toàn bộ cho ngành xây dựng, ngành cơ khí chế tạo TQ đã phát triển rất nhanh, hệ thống doanh nghiệp cung ứng thiết bị toàn bộ chuyên ngành được hình thành, khiến các nhà thầu EPC đỡ bớt gánh nặng.

Số liệu trong Bảng 1 có thể giúp hình dung phần nào tình hình của ngành xây dựng TQ và so sánh với ngành xây dựng nước ta.

 

Bảng 1. Một số chỉ tiêu kinh tế của ngành xây dựng TQ năm 2003-2006

 

Chỉ tiêu từng năm

               2003        

               2006

Số lượng doanh nghiệp

             48688

             56717

Năng suất  (tệ/người)

             86666

           130015

Lợi nhuận/doanh thu  

               2,3%

               2,6%

Thuế/doanh thu

               5,5%

               6%

 

Hiện nay ngành xây dựng TQ nêu lên các thách thức trước mắt và đối sách của mình như sau:

Thách thức

1)     Chưa chuẩn bị kỹ để ứng phó với biến động kết cấu sản phẩm như các công trình giao thông cao tốc, siêu cao tốc; khai thác không gian ngầm; công trình siêu lớn;

2)     Hoàn cảnh thị trường vẫn rất gay gắt, kinh doanh của doanh nghiệp chỉ thuần túy thi công rất khó khăn, cạnh tranh rất kịch liệt, hiện tượng đấu thầu không lành mạnh vẫn tồn tại, tình trạng hạ thấp giá dự thầu khá phổ biến, giá trúng thầu thường thấp hơn giá chuẩn chọn thầu đến 10-15%;

3)     Chưa đủ thực lực để phát triển bền vững, nhất là về khoa học công nghệ; thiếu vốn, thiếu nhân tài;

4)     Rủi ro kinh doanh ngày tăng nhưng năng lực quản lý rủi ro, kiểm soát rủi ro chưa theo kịp;

5)     Cạnh tranh trong thị trường xây dựng công nghệ cao nội địa ngày càng mạnh mẽ trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Đối sách

1)     Khai phá và mở rộng thị trường, kể cả thị trường quốc tế;

2)     Khai thác và nâng cấp thị trường thông qua kéo dài chuỗi liên kết kinh doanh như kết hợp với thị trường vốn, kết hợp với thiết kế, kết hợp với ngành cơ khí chề tạo, thu hút nhân tài kỹ thuật cao, sáng tạo mô hình phát triển nghiệp vụ mới;

3)     Hoàn thiện cơ chế động lực của doanh nghiệp thông qua cải cách chế độ sở hữu;

4)     Dùng công nghệ tiên tiến để nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành xây dựng;

5)     Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý xây dựng, cải cách đầu tư công, phát triển ngành xây dựng.

 

Trong nhận thầu quốc tế, nhà thầu TQ rất coi trọng khu vực châu Á đang phát triển nhanh, có nhiều công trình quy mô lớn, chẳng hạn năm 2005 ký được với riêng phía Việt Nam 10 hợp đồng có giá trị trên 50 triệu USD/hđ. Họ đánh giá Việt Nam “mấy năm gần đây kinh tế liên tục phát triển nhanh, hàng năm có thêm nhiều dự án lớn về kết cấu hạ tầng và công nghiệp, phần lớn đều thông qua đấu thầu quốc tế để chọn nhà thầu. Để thực hiện mục tiêu đến năm 2020 trở thành nước công nghiệp hiện đại, hàng năm đầu tư khoảng 10 tỷ USD vào các dự án công nghiệp và hạ tầng. Theo quy định hiện hành của chính phủ Việt Nam, hễ quy mô đầu tư vượt một tỷ đồng VN (khoảng 65 000 USD) thì phải tổ chức đấu thầu, do đó dự án có đấu thầu rất nhiều, thị trường giao nhận thầu tương đối nhộn nhịp. Hai là trong chính sách đối ngoại do Trung ương đề ra, nói rõ “chung quanh là hàng đầu”, quan hệ hợp tác kinh tế với các nước chung quanh sẽ tăng cường thêm một bước”. Tóm lại nhà thầu TQ rất quan tâm đến thị trường xây dựng Việt Nam.

Tuy nhà thầu TQ nhận thầu quốc tế có nhiều thuận lợi nhưng cũng gặp không ít khó khăn vì một số nước lập ra hàng rào bảo vệ, như Hoa kỳ đòi hỏi nhiều loại công việc phải là người có chứng chỉ hành nghề do họ cấp mới được làm, nhiều nước đang phát triển không cho đem lao động từ ngoài vào, hay chính phủ Ấn Độ có văn bản quy định các dự án đầu tư đến từ Trung Quốc phải được Ủy ban an ninh của chính phủ thẩm định cấp phép. Năm 2006, tuy Công ty công trình cảng TQ đã trúng thầu dự án Cảng Vizhinjam nhưng vẫn không được cấp “giấy phép an ninh”. Tháng 10 năm 2006 Ấn Độ không cho Công ty Trung Hưng của TQ tham gia dự án công trình viễn thông, hãng Motorola vì định mua một phần thiết bị của Công ty Hoa Vi nên cũng bị loại.

 

Nên làm gì để nâng cao năng lực cạnh tranh của nhà thầu Việt?

Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020 chủ trương: “Phát triển ngành xây dựng đạt trình độ tiên tiến trong khu vực. Nhanh chóng tiếp cận và làm chủ các công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực công nghệ xây lắp đáp ứng yêu cầu xây dựng trong nước và có khả năng cạnh tranh trong đấu thầu quốc tế”. Nhằm thực hiện chủ trương trên, tôi xin mạnh dạn đề xuất Chương trình hành động 3 năm về đại thể như sau:

 

Về phía Nhà nước

 

1)     Tiếp tục hoàn thiện thể chế thị trường xây dựng (bao gồm cả tư vấn, khảo sát, thiết kế), đặt trọng tâm vào phát triển thị trường các yếu tố sản xuất; khuyến khích thành lập các doanh nghiệp lao vụ, cho thuê máy xây dựng, cung ứng vật liệu và thiết bị; tài trợ thành lập các tập đoàn tư vấn, thiết kế lớn có cơ sở nghiên cứu, thí nghiệm chuyên ngành; hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động giám lý xây dựng (nhận ủy thác quản lý các dự án đầu tư, quản lý phần xây dựng công trình thay mặt chủ đầu tư). Chú: TQ xem việc tổ chức hệ thống giám lý xây dựng là một thành tựu lớn của họ để đưa thị trường xây dựng vào quy củ.

2)     Kiểm tra và xử lý nghiêm khắc các vi phạm quy định hạn chế đưa lao động nước ngoài vào làm việc tại nước ta;

3)     Ủy nhiệm cho các tổ chức xã hội nghề nghiệp xây dựng thể chế kiến trúc sư và kỹ sư chuyên nghiệp, bồi dưỡng và cấp chứng chỉ kỹ sư kết cấu, kỹ sư hàn, kỹ sư giám sát, kỹ sư định giá…;

4)     Kiểm tra chứng chỉ hành nghề theo luật định;

5)     Cấp giấy phép an ninh quốc gia cho các dự án đầu tư và nhà thầu nước ngoài vào kinh doanh tại các vùng, các ngành nhạy cảm;

6)     Lập quỹ dữ liệu về giao nhận thầu công trình xây dựng; tổ chức tổng kết và công bố rộng rãi kinh nghiệm xây dựng các công trình mới, công trình lớn có vốn đầu tư nhà nước;

7)     Ban hành Luật Đầu tư công, trong đó đặc biệt ngăn ngừa tình trạng thanh toán dây dưa, gây thiệt hại cho nhà thầu. Các dự án đầu tư công cấp quốc gia tổ chức đấu thầu tại 3 trung tâm giao dịch xây dựng tại 3 Miền một cách công bằng, công khai và minh bạch. Cấp giấy phép tổ chức đấu thầu quốc tế cho các dự án đầu tư có vốn nhà nước.

 

Về phía các chủ đầu tư công

 

1)      Để bồi dưỡng năng lực nhận thầu EPC cho nhà thầu Việt, nên tạo điều kiện cho họ tập luyện và trưởng thành bằng cách chỉ định thầu được Chính phủ cho phép, chứ không nhất thiết phải tổ chức đấu thầu mới được;

2)      Là chủ đầu tư công, nên có tầm nhìn rộng hơn chủ đầu tư tư nhân về lợi ích của giao thầu EPC cho nhà thầu Việt, vì nhà thầu Việt không chỉ đơn thuần kiếm doanh thu mà còn tạo ra nhiều việc làm cho lao động và kỹ sư Việt Nam, thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp vật liệu xây dựng, ngành cơ khí chế tạo, và thị trường khoa học và công nghệ nước ta.

 

Về phía nhà thầu

 

1)     Đề cao phẩm chất thành tín trong kinh doanh, cách tân tổ chức quản lý kinh doanh, áp dụng chế độ tổng công trình sư, kỹ sư trưởng thay cho các chức vụ hành chính kỹ thuật;

2)     Coi trọng nghiên cứu thị trường, nâng cao năng lực quản lý rủi ro, áp dụng Hợp đồng FIDIC;

3)     Tổ chức chuỗi liên kết kinh doanh đủ năng lực nhận thầu EPC các dự án có quy mô từ vừa đến lớn;

4)     Thành lập và phát triển các công ty lao vụ, cho thuê máy xây dựng;

5)     Tiến nhập thị trường nhận thầu quốc tế.

 

Về phía các tổ chức xã hội nghề nghiệp

 

1)     Hiệp hội nhà thầu nên có Viện nghiên cứu thị trường xây dựng, được Chính phủ đặt hàng nghiên cứu thị trường xây dựng trong nước và các nước có liên quan, và xếp hạng nhà thầu hàng năm theo doanh số;

2)     Thành lập các Hội kỹ sư chuyên nghiệp; Hội kỹ sư giá xây dựng; Hội kỹ sư giám sát.

 

Kết luận

 

Gần đây có người cho rằng làm nghề xây dựng là đi làm thuê bị người ta bắt bẻ, nên khi nhà thầu xây dựng trở thành nhà đầu tư đi thuê người khác hoặc thuê chính mình để có quyền bắt bẻ thì cảm thấy rất tự hào! Điều này khiến nhớ lại câu chuyện Bác Hồ kể về các bộ phận của đồng hồ cứ tranh nhau làm kim chỉ giờ, chỉ phút!

 

Các nhà thầu lớn nước ta đều là doanh nghiệp có vốn nhà nước, nhận thầu nhiều dự án công, gặp khó khăn rất lớn trong khâu thanh toán bằng vốn nhà nước, thường bị dây dưa vì biến động giá cả, vì vượt tổng mức đầu tư, vì ngân sách thiếu tiền và vì có nhiều cơ quan có quyền giám sát tài chính bắt bẻ, rốt cuộc đến khi nhận được tiền thanh toán thì đã phải trả rất nhiều tiền lãi vay ngân hàng và đồng tiền bị giảm giá do lạm phát! Cái “vạ” này nhà thầu bên Trung quốc còn chịu nặng nề hơn, khiến chính phủ TQ phải xem là một trong các khâu đột phá để giải quyết (khâu đột phá thứ hai là giải quyết nợ dây dưa tiền công của nông dân đến làm việc tại các công trường). Vì lẽ đó kinh doanh nhận thầu xây dựng thường bị lỗ hoặc lãi không bao nhiêu, để tồn tại thì nhiều khi phải “biến báo” và thế là bị dính vào vòng lao lý! Do đó các nhà thầu bèn chuyển hướng mở rộng kinh doanh sang thị trường bất động sản và làm nhiều “nghề phụ” có lãi khác để rồi bị các nhà làm chính sách thổi còi phạt việt vị (rất đúng). Câu nói “đi làm thuê” ra đời chính là trong bối cảnh đó. Nếu tình hình này không được chấn chỉnh thì e rằng chủ trương của Chiến lược kinh tế-xã hội 10 năm tới đối với ngành xây lắp khó mà thực hiện được. Không hiểu rồi ai phải chịu trách nhiệm đây? Bàn đến nâng cao năng lực cạnh tranh của nhà thầu thì không thể không nêu ra mối lo ngại này!

 

 

Ngày 18 tháng 3 năm 2011

 

 

 

Đóng góp ý kiến về bài viết này 

Mới hơn bài này
Các bài đã đăng
Tiêu điểm
Biến đổi khí hậu và An ninh nguồn nước ở Việt Nam.[08/07/21]
Đại hội lần thứ IV, sự kiện lớn của Hội Đập lớn & Phát triển nguồn nước Việt Nam.[27/04/19]
Hội Đập lớn & Phát triển nguồn nước Việt Nam phấn đấu vì sự nghiệp phát triển thủy lợi của đất nước.[18/04/19]
Danh sách Hội viên tập thể đã đóng niên liễm 2018.[11/01/19]
Chùm ảnh Đại hội lần thứ 2 Hội Đập lớn Việt Nam.[13/08/09]
Nhìn lại 5 năm hoạt động của VNCOLD trong nhiệm kỳ đầu tiên.[10/08/09]
Thông báo về Hội nghị Đập lớn Thế giới.[17/07/09]
Thư chào mừng của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải
VNCOLD đã thành công tại cuộc họp Chấp hành ICOLD Sofia (Bulgaria), 6/6/2008
Phó Thủ tướng khai mạc Hội thảo “ASIA 2008.
Tạo miễn phí và cách sử dụng hộp thư @vncold.vn
Website nào về Thủy lợi ở VN được nhiều người đọc nhất?
Giới thiệu tóm tắt về Hội Đập lớn & Phát triển nguồn nước Việt Nam.
Download miễn phí toàn văn các Tiêu chuẩn qui phạm.
Đập tràn ngưỡng răng cưa kiểu “phím piano".
Đập Cửa Đạt
Lời chào mừng
Qu?ng c�o